TRANSACTION trong SQL

TRANSACTION trong SQL là tiến trình thực hiện một nhóm các câu lệnh SQL. Các câu lệnh này được thực thi một cách tuần tự và độc lập. Một Transaction được thực hiện thành công khi tất cả câu lệnh đều thành công, khi đó tất cả các thay đổi dữ liệu được thực hiện trong Transaction được lưu vào cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, nếu chỉ một trong số đó thất bại thì toàn bộ tiến trình sẽ thất bại, đồng nghĩa với việc dữ liệu phải rollback về trạng thái ban đầu (dữ liệu được khôi phục về trạng thái trước khi thực hiện Transaction).

Thuộc tính của Transaction

1. Atomicity - Tính bảo toàn: nguyên tắc "all or nothing", đảm bảo rằng tất cả các câu lệnh trong nhóm lệnh được thực thi thành công. Nếu không, Transaction bị hủy bỏ tại thời điểm thất bại và tất cả các thao tác trước đó được khôi phục về trạng thái cũ đồng nghĩa với việc không có gì thay đổi về mặt dữ liệu.

2. Consistency - Tính nhất quán: đảm bảo rằng cơ sở dữ liệu thay đổi chính xác các trạng thái khi một transaction được thực thi thành công.

3. Isolation - Tính độc lập: cho phép các Transaction hoạt động độc lập và minh bạch với nhau.

4. Durability - Tính bền vững: đảm bảo rằng kết quả của một transaction được xác định, không có chuyện dữ liệu của Transaction sau khi thực thi có thể chuyển lại trạng thái dữ liệu lúc trước khi thực hiện.

Xử lý Transaction

Trong SQL, có các lệnh sau được sử dụng để điều khiển Transaction:

  • COMMIT: để lưu các thay đổi.
  • ROLLBACK: để quay trở lại trạng thái trước khi có thay đổi.
  • SAVEPOINT: tạo các điểm (point) bên trong các nhóm Transaction để ROLLBACK, tức là để quay trở lại điểm trạng thái đó.
  • SET TRANSACTION: đặt một tên cho một Transaction.

Các lệnh điều khiển Transaction chỉ được sử dụng với các lệnh thao tác dữ liệu như INSERT, UPDATE và DELETE. Tuy nhiên chúng không thể được sử dụng trong lệnh CREATE TABLE hoặc DROP TABLE vì các hoạt động này được tự động xác định trong cơ sở dữ liệu.

Lệnh COMMIT trong SQL

Transaction kết thúc với một trong hai câu lệnh COMMIT hoặc ROLLBACK.

Khi một Transaction hoàn chỉnh được hoàn thành thì lệnh COMMIT phải được gọi ra. Đây là lệnh điều khiển Transaction được sử dụng để lưu các thay đổi gọi bởi một Transaction tới cơ sở dữ liệu.

Cú pháp cơ bản của lệnh COMMIT như sau:

COMMIT;

Ví dụ: Giả sử bảng NHANVIEN có các bản ghi như sau:

 +----+----------+-----+-----------+----------+
| ID | TEN      |TUOI | DIACHI    | LUONG    |
+----+----------+-----+-----------+----------+
|  1 | Thanh    |  32 | Haiphong  |  2000.00 |
|  2 | Loan     |  25 | Hanoi     |  1500.00 |
|  3 | Nga      |  23 | Hanam     |  2000.00 |
|  4 | Manh     |  25 | Hue       |  6500.00 |
|  5 | Huy      |  27 | Hatinh    |  8500.00 |
|  6 | Cao      |  22 | HCM       |  4500.00 |
|  7 | Lam      |  24 | Hanoi     | 10000.00 |
+----+----------+-----+-----------+----------+

Ví dụ sau sẽ xóa các bản ghi từ bảng mà có tuoi = 25 và sau đó COMMIT các thay đổi vào trong Database.

SQL> DELETE FROM NHANVIEN
WHERE TUOI = 25;
SQL> COMMIT;

Vì vậy, hai hàng từ bảng sẽ bị xóa và câu lệnh SELECT sẽ cho kết quả sau.

 +----+----------+-----+-----------+----------+
| ID | TEN      |TUOI | DIACHI    | LUONG    |
+----+----------+-----+-----------+----------+
|  1 | Thanh    |  32 | Haiphong  |  2000.00 |
|  3 | Nga      |  23 | Hanam     |  2000.00 |
|  5 | Huy      |  27 | Hatinh    |  8500.00 |
|  6 | Cao      |  22 | HCM       |  4500.00 |
|  7 | Lam      |  24 | Hanoi     | 10000.00 |
+----+----------+-----+-----------+----------+

Lệnh ROLLBACK trong SQL

Lệnh ROLLBACK là lệnh điều khiển Transaction được sử dụng để trao trả Transaction về trạng thái trước khi có các thay đổi mà chưa được lưu tới Database. Lệnh ROLLBACK chỉ có thể được sử dụng để undo các Transaction trước khi xác nhận bằng lệnh Commit hay Rollback cuối cùng.

Cú pháp cơ bản của lệnh ROLLBACK như sau:

ROLLBACK;

Ví dụ: Giả sử bảng NHANVIEN có các bản ghi như sau:

 +----+----------+-----+-----------+----------+
| ID | TEN      |TUOI | DIACHI    | LUONG    |
+----+----------+-----+-----------+----------+
|  1 | Thanh    |  32 | Haiphong  |  2000.00 |
|  2 | Loan     |  25 | Hanoi     |  1500.00 |
|  3 | Nga      |  23 | Hanam     |  2000.00 |
|  4 | Manh     |  25 | Hue       |  6500.00 |
|  5 | Huy      |  27 | Hatinh    |  8500.00 |
|  6 | Cao      |  22 | HCM       |  4500.00 |
|  7 | Lam      |  24 | Hanoi     | 10000.00 |
+----+----------+-----+-----------+----------+

Bây giờ sử dụng lệnh ROLLBACK với lệnh xóa tuoi = 25, mà chưa được commit như sau:

SQL> DELETE FROM NHANVIEN
WHERE TUOI = 25;
SQL> ROLLBACK;

Trong kết quả thu được, hoạt động DELETE này không ảnh hưởng tới bảng vì đã ROLLBACK các thay đổi trong cơ sở dữ liệu, lệnh SELECT sẽ cho kết quả:

 +----+----------+-----+-----------+----------+
| ID | TEN      |TUOI | DIACHI    | LUONG    |
+----+----------+-----+-----------+----------+
|  1 | Thanh    |  32 | Haiphong  |  2000.00 |
|  2 | Loan     |  25 | Hanoi     |  1500.00 |
|  3 | Nga      |  23 | Hanam     |  2000.00 |
|  4 | Manh     |  25 | Hue       |  6500.00 |
|  5 | Huy      |  27 | Hatinh    |  8500.00 |
|  6 | Cao      |  22 | HCM       |  4500.00 |
|  7 | Lam      |  24 | Hanoi     | 10000.00 |
+----+----------+-----+-----------+----------+

Lệnh SAVEPOINT trong SQL

SAVEPOINT là một điểm trong một Transaction giúp bạn có thể lùi Transaction trở lại một điểm nhất định mà không cần lùi Transaction về trạng thái đầu trước khi có thay đổi đó.

Cú pháp cơ bản của lệnh SAVEPOINT như sau:

SAVEPOINT TEN_SAVEPOINT;

Lệnh này chỉ tạo ra SAVEPOINT trong các câu lệnh Transaction. Sau đó ROLLBACK cần được sử dụng để hoàn tác trở lại một SAVEPOINT như sau:

ROLLBACK TO TEN_SAVEPOINT;

Ví dụ: Bạn muốn xóa ba bản ghi khác nhau từ bảng NHANVIEN và muốn tạo SAVEPOINT trước mỗi lần xoá để có thể ROLLBACK trở lại SAVEPOINT bất kỳ lúc nào giúp trả lại dữ liệu thích hợp cho trạng thái ban đầu.

Giả sử bảng NHANVIEN có các bản ghi như sau:

 +----+----------+-----+-----------+----------+
| ID | TEN      |TUOI | DIACHI    | LUONG    |
+----+----------+-----+-----------+----------+
|  1 | Thanh    |  32 | Haiphong  |  2000.00 |
|  2 | Loan     |  25 | Hanoi     |  1500.00 |
|  3 | Nga      |  23 | Hanam     |  2000.00 |
|  4 | Manh     |  25 | Hue       |  6500.00 |
|  5 | Huy      |  27 | Hatinh    |  8500.00 |
|  6 | Cao      |  22 | HCM       |  4500.00 |
|  7 | Lam      |  24 | Hanoi     | 10000.00 |
+----+----------+-----+-----------+----------+

Dưới đây là một chuỗi các câu lệnh:

SQL> SAVEPOINT SP1;
Savepoint created.
SQL> DELETE FROM NHANVIEN WHERE ID=1;
1 row deleted.
SQL> SAVEPOINT SP2;
Savepoint created.
SQL> DELETE FROM NHANVIEN WHERE ID=2;
1 row deleted.
SQL> SAVEPOINT SP3;
Savepoint created.
SQL> DELETE FROM NHANVIEN WHERE ID=3;
1 row deleted.

Ở trên, có 3 hoạt động xóa dữ liệu diễn ra. Giả sử bạn thay đổi suy nghĩ và quyết định ROLLBACK về SAVEPOINT mà bạn đã xác định là SP2. Bởi vì SP2 được tạo sau hoạt động xóa đầu tiên, do đó hai hoạt động xóa cuối cùng được khôi phục lại.

SQL> ROLLBACK TO SP2;
Rollback complete.

Vì vậy chỉ có hoạt động xóa đầu tiên diễn ra sau khi bạn ROLLBACK về SP2.

ROLLBACK về SAVEPOINT mà bạn đã xác định là SP2.

Lệnh RELEASE SAVEPOINT trong SQL

Lệnh SAVEPOINT RELEASE được sử dụng để loại bỏ một SAVEPOINT mà bạn đã tạo ra. Khi SAVEPOINT bị xóa, bạn không thể sử dụng lệnh ROLLBACK để hoàn tác các Transaction về SAVEPOINT đó nữa.

Cú pháp của SAVEPOINT RELEASE như sau:

RELEASE SAVEPOINT TEN_SAVEPOINT;

Lệnh SET TRANSACTION trong SQL

SET TRANSACTION có thể được sử dụng để khởi tạo một Database Transaction. Lệnh này được sử dụng để chỉ định các đặc tính cho Transaction đó. Ví dụ, bạn có thể chỉ định một Transaction chỉ được đọc (read only) hoặc đọc viết (read write).

Cú pháp cơ bản của lệnh SET TRANSACTION trong SQL như sau:

SET TRANSACTION [ READ WRITE | READ ONLY ];

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về các toán tử đại diện - WILDCARD trong SQL, các bạn nhớ theo dõi nhé.

Bài trước: Mệnh đề HAVING trong SQL

Bài tiếp: Toán tử đại diện - WILDCARD trong SQL

Thứ Hai, 18/03/2019 16:39
4,213 👨 40.481
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Học SQL