Theo trang công nghệ SlashGear, chính phủ Trung Quốc đã kí với Canonical, công ty chịu trách nhiệm phát triển Ubuntu, để xây dựng một hệ điều hành dành riêng cho nước này. Lý do là bởi Trung Quốc không muốn ngành IT của mình phụ thuộc quá nhiều vào phần mềm của các nước phương Tây.
Theo BBC, sản phẩm của sự hợp tác này sẽ là một hệ điều hành toàn toàn mới dựa trên Ubuntu, có tên Ubuntu Kylin và sẽ được ra mắt vào tháng Tư, trùng với thời điểm ra mắt dự kiến của phiên bản Ubuntu mới. Hơn nữa, đây cũng là một phần của kế hoạch 5 năm của Trung Quốc nhằm khuyến khích người dân sử dụng phần mềm mã nguồn mở.
Để phát triển hệ điều hành này, một văn phòng ở Bắc Kinh đã được tập hợp gồm những kĩ sư của Canonical và từ các trung tâm R&D của Trung Quốc. Sẽ có nhiều phiên bản của Kylin, trong đó phiên bản thứ hai đang được Canonical phát triển để phục vụ cho server của các cửa hàng online, dịch vụ lưu trữ. Hơn nữa, tất cả các trang web đều có thể sử dụng nó online hoặc offline.
Lần phát hành quy mô đầu tiên của Kylin sẽ được đưa đến máy tính để bàn lẫn laptop cùng với các loại thiết bị khác trong tương lai. Trong số đó, chắc chắn có cả máy tính bảng và smartphone. Ngoài ra, hệ điều hành này sẽ còn tích hợp dịch vụ bản đồ của Baidu, dịch vụ mua sắm Taobao. Người Trung Quốc cũng có thể sử dụng công cụ quản lý ảnh và ứng dụng văn phòng của riêng mình.