Khi thiết lập trình quản lý mật khẩu, có một số điều cần lưu ý để đảm bảo rằng bạn đã thiết lập an toàn và hiệu quả để tránh thất vọng sau này.
1. Sử dụng mật khẩu chính yếu
Bạn đã thiết lập trình quản lý mật khẩu, nhưng mật khẩu chính của bạn là “p@55w0rd123”. Trời ơi! Hãy nhớ rằng, bạn đang thiết lập trình quản lý mật khẩu này để lưu trữ tất cả mật khẩu của mình - mật khẩu vào tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, v.v... Mật khẩu chính của bạn về cơ bản là quyền truy cập vào toàn bộ cuộc sống kỹ thuật số của bạn.
Bạn nên coi đó là thứ mà chỉ bạn mới có thể tạo ra - một sự kết hợp độc đáo giữa các chữ cái, số và những ký tự đặc biệt. Bây giờ, vấn đề duy nhất bạn cần giải quyết là nhớ mật khẩu này (điều này có thể hơi khó khăn, nhưng buộc phải thực hiện được), và tất nhiên, có những phương pháp để đảm bảo bạn không bao giờ quên nó.
2. Lưu trữ mật khẩu chính một cách không an toàn
Nếu bạn đã tạo ra một mật khẩu chính đặc biệt, không ai, bây giờ hay sau này, có thể bẻ khóa được mật khẩu của bạn. Nhưng điều tối kỵ là lưu giữ mật khẩu ngay dưới ngăn bàn, vì lý do rất đơn giản là nếu ai đó tìm thấy nó, họ có thể truy cập vào toàn bộ cuộc sống kỹ thuật số của bạn. Điều này gần giống như việc bạn để máy tính xách tay không khóa trong quán cà phê trong khi uống nước. Bảo mật vật lý đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Tương tự như vậy, lưu trữ mật khẩu chính trong file văn bản trên máy tính là một ý tưởng tồi. Vậy, bạn nên lưu trữ nó ở đâu?
Lý tưởng nhất là bạn nên ghi nhớ mật khẩu chính của mình, vì không ai có thể đọc được suy nghĩ của bạn. Nếu điều đó có vẻ quá phiền phức, thì lựa chọn tiếp theo là viết nó ra một tờ giấy nhưng cất ở một nơi an toàn, tốt nhất là két an toàn tại nhà. Tốt hơn nữa, bạn có thể cất nó trong ổ flash USB được mã hóa.
Chỉ cần không cất nó ở nơi mà ai đó có thể dễ dàng truy cập, mọi thứ sẽ ổn thôi.
3. Không sao lưu đúng cách kho lưu trữ mật khẩu
Kho lưu trữ mật khẩu là nơi lưu trữ tất cả thông tin nhạy cảm của bạn trong trình quản lý mật khẩu. Mặc dù trình quản lý mật khẩu thường đáng tin cậy, nhưng bạn không bao giờ có thể chắc chắn rằng dữ liệu của mình sẽ luôn an toàn và bảo mật 100% toàn thời gian.
Các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn có thể xảy ra. Trình quản lý mật khẩu có thể bị sập, gây mất và hỏng dữ liệu. Một cuộc tấn công mạng cũng có thể xảy ra - tội phạm có thể nhắm mục tiêu vào công ty cung cấp dịch vụ trình quản lý mật khẩu của bạn, phá hủy dữ liệu mà chúng có thể truy cập. Vì vậy, khi thiết lập trình quản lý mật khẩu lần đầu tiên, bạn nên ghi nhớ điều này, đảm bảo sao lưu kho mật khẩu thường xuyên.
4. Sử dụng cùng một trình quản lý mật khẩu cho tài khoản cá nhân và công việc
Khi làm việc, hãy tránh đăng nhập vào bất kỳ tài khoản cá nhân nào, vì chắc chắn bạn không muốn thông tin đăng nhập cá nhân của mình được đồng bộ với máy tính công ty. Hãy sử dụng hai trình quản lý mật khẩu riêng biệt: Một cho công việc và một cho mục đích cá nhân, sử dụng tại nhà. Nhiều công ty cũng có chính sách về quyền riêng tư, đặc biệt là trên máy tính dùng khi làm việc. Họ có thể yêu cầu truy cập vào bất kỳ thứ gì bạn đã lưu trữ trên đó bất kỳ lúc nào.
Nếu công ty bạn làm việc yêu cầu quyền truy cập vào máy tính của bạn và bạn có trình quản lý mật khẩu, điều này có thể không tốt, đặc biệt là nếu bạn coi trọng quyền riêng tư của mình. Không chỉ có mối lo ngại về quyền riêng tư mà còn có sự quan ngại về bảo mật. Nếu trình quản lý mật khẩu của bạn bị xâm phạm và nó chứa cả mật khẩu cá nhân và công ty, điều này có thể khiến công ty của bạn gặp rủi ro. Vì vậy, tốt nhất nên tách biệt công việc và cuộc sống cá nhân.