Mức điện áp 5V là đủ để sạc điện thoại di động, và cao hơn 50 mV trong những nỗ lực nghiên cứu trước đó.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm công nghệ sạc bằng âm thanh trên Nokia Lumina 925, và theo báo cáo là có khả năng tạo ra điện áp đến 5V nhờ sử dụng "tiếng ồn xung quanh hàng ngày" như giao thông, âm nhạc và tiếng nói.
Vào năm 2011, các nhà khoa học Hàn Quốc đã đề xuất sử dụng âm thanh để sạc điện thoại di động. Cơ chế sạc được thực hiện thông qua hiệu ứng áp điện, trong đó sợi nano oxit kẽm chuyển đổi các rung động âm thanh thành điện năng. Tại thời điểm đó, các nhà nghiên cứu không thể tạo ra đủ điện năng để sạc điện thoại. Nhưng giờ đây, các nhà khoa học đến từ Nokia và Đại học Queen Mary London (QMUL) đã nghiên cứu thành công công nghệ này.
Giống với đội ngũ các nhà khoa học Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu tại Nokia và QMUL sử dụng kẽm oxit nhưng ở dạng một tấm các thanh nanorod nhỏ. Các thanh nanorod sẽ uốn cong theo sóng âm thanh tạo nên ứng suất trong quá trình này. Cũng như các vật liệu áp điện khác, oxit kẽm sản sinh dòng điện khi phải chịu áp lực cơ học. Dòng điện này có thể được dùng để cung cấp năng lượng cho thiết bị di động.
Các nhà khoa học bắt đầu bằng cách phun một lớp phủ oxit kẽm dạng lỏng lên một tấm chất dẻo. Sau đó đặt nó trong một "hỗn hợp hóa chất" và đun nóng đến 90ºC, làm các oxit kẽm tạo thành một mảng nanorod.
Để thu điện áp tạo ra, các tấm nanorod được kẹp giữa hai tấm tiếp xúc điện. Thường thì các tấm tiếp xúc điện được làm từ vàng, tuy nhiên để cắt giảm chi phí, các nhà nghiên cứu đã phát triển một kĩ thuật cho phép sử dụng lá nhôm bình thường để thay thế.
Tiến sĩ Joe Briscoe tại Đại học QMUL cho biết có thể giữ các thiết bị điện thoại di động làm việc trong thời gian dài, hoặc loại bỏ pin hoàn toàn bằng cách khai thác năng lượng xung quanh chúng ta. Các nhà nghiên cứu hi vọng công nghệ này có tính khả thi cao.