Một số phương thức bảo mật cho các dịch vụ online

Ngăn chặn đánh cắp thông tin tài khoản

Những tài khoản online sử dụng hàng ngày luôn trở thành miếng mồi béo bở cho hacker tấn công và đánh cắp tài khoản. Cho dù người dùng thực hiện phương thức bảo mật 2 lớp bằng số điện thoại, như Facebook, email, iCloud,... thì hacker vẫn có khả năng thông qua số điện thoại của bạn để đánh cắp dữ liệu. Vậy làm sao để có thể giữ an toàn cho các tài khoản đó, ngăn chặn tình trạng mất dữ liệu cá nhân cho các dịch vụ online? Hãy cùng Quản trị mạng tham khảo một số cách thức bảo mật các dịch vụ online trong bài viết dưới đây.

1. Không chia sẻ điện thoại, email tràn lan:

Mạng xã hội ngày nay trở thành món ăn tinh thần của rất nhiều người nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro. Bạn sẽ gặp phải những vấn đề như hack tài khoản, hack pass dễ dàng. Trong trường hợp khi chúng ta đã chia sẻ địa chỉ email hoặc số điện thoại thì điều đó càng nguy hiểm hơn. Ngoài việc liên tục bị spam cuộc gọi, mail rác, một ai đó có thể tra toàn bộ các thông tin liên quan thông qua số điện thoại khi tìm kiếm trên Google.

Không chia sẻ email, số điện thoại

Họ có thể biết đến thói quen, sở thích, lịch sử hoạt động trên các trang mạng xã hội,... để từ đó làm ảnh hưởng đến danh tiếng của bạn. Cách tốt nhất đó là không nên chia sẻ số điện thoại tràn lan trên các trang mạng xã hội. Hoặc nếu vô tình đã chia sẻ, bạn hãy xóa bài viết đó hoặc nhờ sự giúp đỡ của chủ website để giúp bạn thực hiện việc này.

2. Bảo mật tuyệt đối thẻ tín dụng:

Việc mất thẻ tín dụng không chỉ khiến bạn tổn thất về mặt tiền bạc, mà có thể trở thành công cụ để những kẻ xấu thực hiện những việc phạm pháp. Ngoài việc đưa số thông tin thẻ tín dụng khi bạn thực hiện các giao dịch mua bán trực tuyến cho các website có thể tin tưởng, tuyệt đối không tiết lộ bất cứ thông tin của thẻ nhất là số thẻ tín dụng.

Bảo mật thẻ tín dụng

3. Tiến hành cài đặt mã PIN cho SIM:

Như đã nói, hiện nay rất nhiều người lựa chọn phương thức sử dụng số điện thoại để bảo mật cho tài khoản. Tuy nhiên, tài khoản online của bạn vẫn có thể mất nếu điện thoại bị mất, khi kẻ trộm có thể lắp SIM vào máy khác để có được số điện thoại.

Để ngăn chặn toàn bộ hành động trái phép thực hiện từ SIM điện thoại, cách tốt nhất đó là bạn cần tiến hành đặt mã PIN cho SIM. Khi bất kể có một ai đó tiến hành lắp SIM sang điện thoại mới thì buộc phải nhập đúng mã PIN với 3 chữ số. Nếu không nhập đúng, SIM sẽ bị khóa và chúng ta có thể ngăn chặn được kẻ xấu biết được số điện thoại đó.

Để biết cách tiến hành chi tiết cho việc đặt mã PIN cho SIM bạn đọc tham khảo bài viết Hướng dẫn cài đặt mã PIN cho SIM điện thoại.

Đặt mã PIN cho SIM Nhập mã PIN cho SIM

4. Kiểm tra kỹ website khi nhập password:

Mật khẩu được coi là phương thức cơ bản nhất để chúng ta có thể bảo đảm an toàn cho các tài khoản online. Chính vì thế, hãy cẩn thận khi chia sẻ mật khẩu qua bất kỳ các phương tiện như email, tin nhắn, tin nhắn SMS.

Nếu người dùng không cẩn thận, kiểm tra kỹ lưỡng mà đã vội nhập mật khẩu thì rất có thể bạn sẽ mất tài khoản nhanh chóng. Chẳng hạn với loại tin nhắn SMS lừa đảo như "Chúng tôi phát hiện giao dịch có hại, hãy nhập password để hủy giao dịch". Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều trường hợp giả dạng tên miền gốc, chuẩn để từ đó thực hiện việc đánh cắp mật khẩu của người dùng. Vì thế, bạn hãy kiểm tra kỹ lưỡng tên miền đó trước khi tiến hành nhập mật khẩu tài khoản.

Kiểm tra các website khi nhập pass

5. Sử dụng các mật khẩu khác nhau cho các tài khoản online:

Thông thường, người dùng sẽ có xu hướng đặt chung 1 mật khẩu cho tất cả các tài khoản online đang sở hữu. Điều này giúp bạn có thể dễ dàng nhớ mật khẩu các tài khoản hơn, không phải lo tình trạng mất tài khoản khi vô tình quên pass.

Tuy nhiên, cũng chính vì sự thuận tiện đó mà hacker có thể dễ dàng kiểm soát tài khoản, khi chúng có thể dò mật khẩu của những tài khoản khác. Vậy làm sao để có thể giải quyết vấn đề này, khi bạn cũng không thể đặt mỗi tài khoản một mật khẩu riêng biệt?

Đặt mật khẩu khác nhau cho các tài khoản

Tốt nhất bạn nên phân loại các tài khoản mà mình đang sở hữu. Những tài khoản email quan trọng, đăng ký tài khoản, trao đổi với khách hàng hoặc đồng nghiệp thì bạn nên đặt chung 1 pass. Các tài khoản rút tiền ngân hàng thì chọn 1 mật khẩu và những email khác thì chọn một mật khẩu khác.

6. Cảnh giác trước số điện thoại gửi OTP:

OTP là mã xác thực được gửi về số điện thoại của bạn và người dùng buộc phải nhập mã đó thì mới sử dụng được tài khoản. Tuy nhiên sẽ có rất nhiều trường hợp bạn nhận được tin nhắn code reset, dưới dạng số cá nhân 10 đến 11 số thì chắc chắn đó là dạng giả mạo, khác hoàn toàn với dạng từ tổng đài 4 đến 6 số. Tốt nhất khi nhận được tin nhắn bạn nên liên hệ với công ty chủ quản dịch vụ để kiểm tra lại toàn bộ tin nhắn nhận được.

Mã bảo mật OTP

7. Sử dụng dãy mật khẩu khó đoán:

Hiện nay đa phần những trang web tạo tài khoản sẽ khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu người dùng đặt mật khẩu bao gồm cả chữ thường, chữ hoa và số, thậm chí là có cả những ký tự đặc biệt. Vì vậy bạn nên cân nhắc khi đặt mật khẩu với những ký tự khó đoán, để phần nào hạn chế tình trạng bị mất mật khẩu. Nhưng cũng đừng quá rắc rối vì có thể bạn sẽ không nhớ được chúng nhé.

Ngoài ra nên tránh việc đặt mật khẩu liên quan đến ngày sinh, số nhà,... Vì có thể hacker sẽ dựa vào đó để đoán được mật khẩu. Việc thường xuyên đổi mật khẩu cũng là một cách thức an toàn cho tài khoản của chúng ta.

Sử dụng mật khẩu khó đoán

Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn!

Thứ Ba, 21/03/2017 16:33
51 👨 1.722
0 Bình luận
Sắp xếp theo