Bạn muốn lưu lại các khoảnh khắc xuất thần, những pha solo “cân cả bản đồ”, hay đơn giản là các tình huống mà bạn cảm thấy thích? ShadowPlay sẽ là một trợ thủ tuyệt với giúp bạn ghi lại những khoảnh khắc chơi game đáng nhớ.
ShadowPlay là một ứng dụng của NVIDIA cung cấp tính năng cho phép người chơi ghi lại gameplay, phát trực tiếp và thậm chí là ngăn chặn các hiện tượng tụt FPS. Ngoài ra, nó còn có thể tự động ghi lại các gameplay (trên PlayStation 4 và Xbox One) hoặc ghi lại những pha “highlight” bất cứ khi nào bạn muốn.
Nếu bạn là người dùng VGA của Nvidia, bạn chỉ cần dùng chính card đồ họa của mình, lợi dụng sức mạnh của chúng để hỗ trợ bạn ghi hình trong game, với mức suy giảm hiệu năng gần như bằng không, và chất lượng hình ảnh tuyệt vời. Nó tương tự như Game DVR của Windows 10, nhưng có nhiều tính năng hơn.
ShadowPlay có tác động tới hiệu ứng trong game
Trước khi bắt đầu đi sâu vào quá trình cài đặt, các bạn nên lưu ý rằng việc kích hoạt ShadowPlay sẽ làm giảm hiệu suất của trò chơi một chút. Theo công bố từ NVIDIA hiệu suất của game thường sẽ giảm trung bình khoảng 5% sau khi ShadowPlay được kích hoạt. Cá biệt có thể lên tới 10% đối với các game có đòi hỏi khắt khe hơn về mặt cấu hình.
Nếu bạn sở hữu một PC đủ mạnh thì điều này không quá quan trọng. Tất cả các phần mềm cung cấp tính năng ghi lại gameplay đều sẽ phải tiêu tốn tài nguyên hệ thống, kể cả tính năng game DVR của Windows 10. Nhưng bạn hoàn toàn có thể tắt ShadowPlay khi bạn không sử dụng hoặc nhận thấy hiệu suất trong game bị ảnh hưởng quá nhiều.
Kiểm tra xem PC của bạn có hỗ trợ ShadowPlay không
Bạn có thể kiểm tra trên trang web của NVIDIA để xem danh sách các phần cứng đồ họa của NVIDIA có hỗ trợ ShadowPlay. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng phần cứng của NVIDIA, bạn cũng có thể kiểm tra ngay trên PC của mình.
Để làm kiểm tra xem PC của mình có hỗ trợ ShadowPlay không, trước hết bạn phải tải xuống và cài đặt ứng dụng GeForce Experience từ NVIDIA, sau khi cài đặt thành công, bạn truy cập vào ứng dụng “GeForce Experience” từ menu Start. Ngoài ShadowPlay, ứng dụng này còn cung cấp những bản cập nhật graphics driver cho các thiết bị đồ họa NVIDIA, cũng như tối ưu hóa các thiết lập và hỗ trợ stream trò chơi trực tuyến từ máy tính của bạn, đây đều là những tính năng hết sức hữu ích.
Bạn nhấn vào tab "My Rig" trong ứng dụng, sau đó nhấp vào mục ShadowPlay và kiểm tra xem máy tính của bạn có đáp ứng các yêu cầu từ hệ thống hay không. Nếu có, ShadowPlay sẽ “Ready”. Nếu không, ứng dụng sẽ hiển thị cho bạn biết lý do.
Cách ghi lại hoặc strean game play với ShadowPlay
Ở chế độ mặc định, ShadowPlay sẽ tắt (không chạy nền). Để kích hoạt ShadowPlay, trước tiên bạn mở ứng dụng NVIDIA GeForce Experience và click vào tab ShadowPlay (biểu tượng máy quay phim ở góc trên bên phải cửa sổ GE) để mở cửa sổ ShadowPlay lên.
Nhấp vào công tắc ở bên trái của cửa sổ ShadowPlay, đèn xanh sẽ được bật lên, cho biết NVIDIA ShadowPlay được kích hoạt.
Ở thiết lập mặc định, ShadowPlay sử dụng chế độ quay "Shadow & Manual". Shadow Mode sẽ tự động quay gameplay của bạn và lưu lại năm phút cuối cùng. Khi bạn nhấn phím tắt Alt + F10, ShadowPlay sẽ lưu một clip có nội dung là năm phút cuối cùng của gameplay bạn vừa chơi vào thư mục Video của bạn.
Đối với chế độ thủ công (manual), bạn có thể nhấn phím tắt Alt + F9 để bắt đầu ghi clip theo cách thủ công bất cứ khi nào bạn muốn, sau đó tiếp tục nhấn Alt + F9 để dừng clip khi bạn ghi xong. ShadowPlay cũng cho phép bạn nhấn Alt + F12 để kiểm tra các thông tin trực tiếp về FPS đối với bất kỳ trò chơi nào.
Những thiết lập này hoàn toàn có thể thay đổi một cách dễ dàng nếu bạn muốn (cách thay đổi sẽ được nêu ở phần sau của bài viết). Tuy nhiên, nếu bạn không gặp phải bất cứ vấn đề nào với các thiết lập mặc định, bạn có thể tiến hành quay lại gameplay ngay bây giờ bằng cách sử dụng các tổ hợp phím tắt phía trên.
Theo mặc định, bản ghi sẽ xuất hiện trong thư mục con của trò chơi, cụ thể là trong thư mục Video.
Cách ghi lại các game OpenGL (và toàn bộ màn hình Desktop)
Không phải tất cả mọi trò chơi đều tương thích với NVIDIA ShadowPlay theo mặc định. Trên thực tế, ShadowPlay chỉ hỗ trợ trực tiếp đối với các game sử dụng Direct3D chứ không phải OpenGL. Mặc dù hầu hết các trò chơi đều sử dụng Direct3D, nhưng có một số ít vẫn sử dụng OpenGL. Ví dụ như tựa game DOOM mà chúng tôi sử dụng làm ví dụ ở trên. Game này sử dụng OpenGL, một ví dụ khác có thể kể đến đó là Minecraft.
Để ghi lại các game OpenGL không tương thích với ShadowPlay, hãy truy cập vào NVIDIA GeForce Experience> Preferences> ShadowPlay và kích hoạt tùy chọn Allow Desktop Capture. ShadowPlay giờ đây sẽ có khả năng ghi lại màn hình nền của Windows, bao gồm bất kỳ trò chơi OpenGL nào đang chạy trong một cửa sổ trên màn hình nền của bạn.
Tính năng Shadow và đếm FPS đã đề cập ở phía trên sẽ không hoạt động ở chế độ này. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tùy chỉnh bắt đầu ghi và dừng ghi thủ công bằng cách sử dụng các tổ hợp phím tắt.
Cách thiết lập cấu hình cho NVIDIA ShadowPlay
Để thay đổi các cài đặt mặc định của ShadowPlay, chỉ cần nhấp vào biểu tượng ở cuối cửa sổ ShadowPlay. Bạn có thể chọn chế độ Shadow để chỉ ghi năm phút cuối cùng của gameplay hoặc Manual để ghi lại lối chơi theo cách thủ công. Bạn cũng có thể chọn tùy chọn Twitch để phát trực tiếp gameplay của bạn trên Twitch thay vì lưu nó trong ổ cứng máy tính.
Tùy chọn "Shadow time" cho phép bạn chọn thời lượng ghi lại gameplay mà ShadowPlay có thể lưu trong bộ nhớ đệm của ứng dụng. Bạn có thể chọn trong khoảng từ 1 đến 20 phút. Lưu ý rằng thời gian ghi càng dài càng tiêu tốn nhiều không gian bộ nhớ.
Tùy chọn Quality cho phép bạn thiết lập chất lượng bản ghi của mình. Theo mặc định, chất lượng của bản ghi sẽ được đặt thành High và video sẽ được ghi theo ở độ phân giải trong trò chơi, 60 khung hình/giây, chất lượng 50 Mb/giây và dưới dạng video H.264. Bạn có thể chọn chất lượng bản ghi Low hoặc Medium cũng như chọn mục Custom và thay đổi mỗi cài đặt riêng theo cách thủ công.
Tùy chọn Audio cho phép bạn chọn bản âm thanh nào được đính kèm trong video đã ghi của bạn. Theo mặc định, bản ghi sẽ bao gồm tất cả âm thanh trong trò chơi. Bạn cũng có thể chọn In-game and microphone, tính năng này sẽ cho phép ghi lại cả những lời thoại, âm thanh bạn nói vào micro. Ngoài ra cũng có thể chọn Off để tắt tất cả các bản ghi âm.
Ở bên dưới nút gạt phía bên trái là hai nút mở thư mục chứa bản ghi của bạn (thư mục chứa các video của tài khoản người dùng theo mặc định) và cửa sổ tùy chọn ShadowPlay. Cửa sổ này cũng có thể được truy cập từ Preferences> ShadowPlay (trong ứng dụng GeForce Experience).
Màn hình tùy chọn có chứa các tùy chọn cho overlay - bạn có thể che webcam, thông báo trạng thái hoặc bộ đếm FPS... Bạn cũng có thể chọn một trong hai chế độ: Always On và Push-to-talk cho micrô của mình. Ngoài ra bạn cũng có thể thiết lập các phím tắt, thay đổi vị trí lưu các bản ghi của mình.
Còn nếu như bạn đang sử dụng các thiết bị đồ họa của AMD, bạn sẽ cần đến một ứng dụng ghi lại gameplay đến từ bên thứ ba, bởi AMD vẫn chưa cung cấp cho người dùng ứng dụng nào tương tự như ShadowPlay của NVIDIA.
Xem thêm: