Các thiết bị Android đi kèm với rất nhiều ứng dụng được cài đặt sẵn và trong khi một số app trong đó có thể hữu ích, thì nhiều công cụ khác lại thừa thãi và không được người dùng chào đón. Rất may, bạn có thể gỡ cài đặt vô điều kiện bất kỳ ứng dụng Android nào bằng ADB.
ADB là một bộ công cụ mạnh mẽ giúp bạn mở rộng quyền kiểm soát đối với thiết bị Android của mình. Mặc dù ADB dành cho các nhà phát triển Android, nhưng bạn không cần bất kỳ kiến thức lập trình nào để gỡ cài đặt ứng dụng Android với nó.
Gỡ cài đặt ứng dụng Android với ADB
ADB, hay Android Device Bridge, là một công cụ cho phép bạn chạy mã lệnh trên Android từ máy tính của mình. ADB mở ra nhiều khả năng thông qua sức mạnh của dòng lệnh. Mặc dù vậy, bạn cũng có thể sử dụng ADB cho các tác vụ đơn giản như sử dụng ADB để chuyển clipboard, cài đặt ứng dụng từ xa và tất nhiên là cả gỡ cài đặt chúng.
Gỡ cài đặt ứng dụng bằng ADB không cần quyền root và việc này khá đơn giản sau khi bạn hiểu rõ về nó. Ngoài việc cho phép bạn gỡ cài đặt hầu hết mọi ứng dụng - kể cả ứng dụng hệ thống và bloatware - bạn cũng có thể sử dụng ADB để gỡ cài đặt ứng dụng từ xa thông qua Wireless Debugging.
Vì ADB giao tiếp với thiết bị của bạn thông qua code, nên bạn cần tham khảo tên gói đầy đủ của ứng dụng, thay vì tên thương hiệu quen thuộc hơn của ứng dụng, để gỡ cài đặt (tên này sẽ giống như "com.facebook.katana" thay vì Facebook chẳng hạn).
Tên gói nghe có vẻ giống như thứ mà các nhà phát triển xử lý, nhưng sự thật là bạn có thể dễ dàng tìm thấy tên gói của ứng dụng với ADB. Khi đã có tên gói, chỉ cần một lệnh duy nhất để gỡ cài đặt ứng dụng mãi mãi.
1. Cài đặt ADB trên máy tính
Bạn cần cài đặt ADB trên máy tính trước khi gỡ cài đặt ứng dụng trên thiết bị Android. Bạn có thể cài đặt nó bằng cách tải xuống và sau đó khởi chạy terminal của máy tính trong thư mục ADB. Một phương pháp khác để cài đặt ADB trên máy tính của bạn là sử dụng Terminal.
- Tải SDK Platform Tools (ADB)
https://developer.android.com/tools/releases/platform-tools?hl=vi
ADB có sẵn trên Windows, Mac và Linux. Nếu bạn là người dùng Linux thì có lẽ bạn không cần bất kỳ hướng dẫn nào về cách cài đặt ứng dụng thông qua Terminal. Trên các nền tảng khác, bạn có thể sử dụng Scoop dành cho Windows và Homebrew dành cho Mac để cài đặt ADB. Hai cái này là trình cài đặt dòng lệnh cho phép bạn sử dụng Terminal để cài đặt ứng dụng.
Bài viết sẽ sử dụng máy tính Windows làm ví dụ. Khi đã cài đặt Scoop, bạn có thể cài đặt ADB bằng một lệnh duy nhất thông qua Command Prompt.
Khởi chạy Command Prompt bằng cách tìm kiếm cmd trong menu Start, sau đó nhập lệnh bên dưới và nhấn Enter trên bàn phím.
scoop install adb
Scoop sẽ tự động tải xuống và cài đặt ADB. Nếu có bất kỳ depedency nào bị thiếu, Scoop sẽ xin phép bạn cài đặt chúng. Nhập Y và nhấn Enter để cho phép cài đặt.
Bây giờ, ADB đã được cài đặt và sẵn sàng phục vụ bạn. Tên gói ADB khác trên Homebrew và Linux. Bạn có thể cài đặt ADB bằng Homebrew trên máy Mac với:
brew install android-platform-tools
Và trên Linux, bạn có thể sử dụng:
sudo apt-get install android-tools-adb
2. Kết nối ADB với thiết bị Android
Đương nhiên, bạn cần bật USB Debugging trên Android để sử dụng ADB với thiết bị đó. Điều này cho phép bạn kết nối với thiết bị của mình thông qua cáp USB hoặc không dây.
Nếu thiết bị của bạn là điện thoại thông minh, thì cách dễ nhất là cắm thiết bị vào máy tính bằng cáp USB. Nếu bạn đang xử lý một thiết bị cố định như Android TV box, thì bạn nên thử Wireless Debugging với ADB.
Bất kể bạn chọn phương pháp nào để kết nối, bạn có thể nhận danh sách các thiết bị được kết nối bằng cách chạy lệnh bên dưới trong Terminal:
adb devices
Lệnh này hiển thị số sê-ri cho các thiết bị được kết nối qua USB và địa chỉ IP cục bộ cho các kết nối không dây.
3. Tìm tên gói ứng dụng với ADB
Mặc dù hầu hết các ứng dụng đều có nhãn đơn giản nhưng Android không sử dụng nhãn của ứng dụng để nhận dạng chúng. Vì nếu có hai ứng dụng có cùng nhãn thì sao? Để tránh việc nhầm lẫn có thể xảy ra, Android sử dụng tên gói duy nhất để xác định ứng dụng. Chẳng hạn, Google Maps hiển thị dưới dạng Maps trong danh sách ứng dụng, nhưng tên thật của Google Maps là com.google.android.apps.maps.
May mắn thay, bạn có thể sử dụng ADB trong cùng một cửa sổ Terminal để tìm tên gói của ứng dụng. Khi ADB được kết nối với thiết bị của bạn, hãy chạy lệnh bên dưới để vào ADB shell:
adb shell
Bây giờ, bạn sẽ thấy tên thiết bị của mình bên cạnh chỉ báo nhấp nháy. Tiếp theo, hãy chạy lệnh bên dưới để nhận danh sách tất cả các gói đã cài đặt trên thiết bị Android của bạn:
pm list packages
Lệnh gọi trình quản lý gói ADB để liệt kê tất cả các gói được cài đặt trên thiết bị Android của bạn. Độ dài tuyệt đối của danh sách này - và các gói mà bạn chưa từng nghe đến - sẽ cho thấy rằng có rất nhiều ứng dụng được cài đặt trên thiết bị mà bạn thậm chí còn không biết về chúng. Hầu hết trong số này là các ứng dụng hệ thống nền âm thầm giữ cho thiết bị Android của bạn hoạt động.
Cảnh báo:
Bạn có thể gỡ cài đặt bất kỳ gói Android nào được liệt kê bằng ADB, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên làm như vậy. Hầu hết các ứng dụng này đều rất quan trọng để hệ thống của bạn hoạt động và việc gỡ cài đặt chúng có khả năng làm ảnh hương đến chức năng của thiết bị. Chỉ gỡ cài đặt các ứng dụng hệ thống nếu bạn biết chắc mình đang làm gì!
Danh sách đầy đủ các gói đã cài đặt trên thiết bị Android có thể giúp bạn hiểu rõ hơn, nhưng việc tìm kiếm tên gói của một ứng dụng cụ thể sẽ không hiệu quả lắm.
Bạn có thể sử dụng lệnh bên dưới để lọc kết quả:
pm list packages |grep chrome
Lệnh này lọc danh sách gói để chỉ bao gồm các gói có tên chrome. Thay chrome bằng tên ứng dụng của bạn hoặc tên nhà phát triển để tìm gói cho ứng dụng đó.
4. Gỡ cài đặt ứng dụng
Bây giờ, bạn đã có tên gói của ứng dụng, ứng dụng hoàn toàn nằm trong tay bạn. Nếu bạn vẫn đang ở trong ADB shell, hãy thoát khỏi shell đó bằng cách nhập lệnh exit và nhấn Enter. Sau đó nhập tên gói trong lệnh bên dưới và chạy nó:
adb uninstall com.spotify.lite
Lệnh này sẽ gỡ cài đặt Spotify Lite khỏi thiết bị Android được kết nối. Thay thế com.spotify.lite bằng tên gói của ứng dụng bạn muốn và nó sẽ biến mất sau khi ADB xuất ra kết quả Success.
Lưu ý lệnh trên sẽ chỉ yêu cầu hệ thống gỡ cài đặt ứng dụng chỉ dành cho người dùng hiện tại. Không có cách nào để gỡ cài đặt ứng dụng khỏi tất cả người dùng trừ khi bạn root điện thoại.
Xin cảnh báo, việc gỡ cài đặt các ứng dụng hệ thống có khả năng làm hỏng thiết bị, vì vậy chỉ gỡ cài đặt những ứng dụng mà bạn chắc chắn. Các ứng dụng như Gmail, Google Play Music, Google Play Movies, v.v..., có thể gỡ cài đặt một cách an toàn nhưng đừng bao giờ xóa Google Play Store hoặc bất kỳ file nào được liên kết với nó. Nếu điện thoại không ổn định sau khi bạn gỡ cài đặt một ứng dụng cụ thể, hãy cài đặt lại từ Google Play Store hoặc khôi phục cài đặt gốc cho điện thoại.
Tùy thuộc vào nhà sản xuất, một số điện thoại chỉ có một số bloatware và các ứng dụng hệ thống có thể được vô hiệu hóa dễ dàng, trong khi những điện thoại khác chứa đầy ứng dụng của bên thứ ba mà người dùng không thể xóa hoặc vô hiệu hóa.
Người dùng Android có nhiều tự do hơn nhờ tính chất nguồn mở, tuy nhiên, Android vẫn có một số hạn chế về an toàn. Bạn không thể gỡ cài đặt ứng dụng hệ thống và hầu hết các ứng dụng được cài đặt sẵn trên thiết bị Android của mình mà không cần thực hiện thêm bước nào. ADB là một công cụ có thể phá vỡ hạn chế này. Dù sao thì đó cũng là điện thoại của bạn và bạn nên có toàn quyền kiểm soát thiết bị. Các hướng dẫn ở trên sẽ cho phép bạn loại bỏ các ứng dụng bloatware đó khỏi điện thoại Android mà không cần phải root điện thoại.
Điều tốt nhất khi gỡ cài đặt ứng dụng Android bằng ADB là không cần phải root thiết bị để sử dụng nó. Tất cả những gì cần làm là kết nối với thiết bị, tìm tên gói của ứng dụng rồi chạy lệnh gỡ cài đặt. Bây giờ bạn đã biết cách thực hiện tất cả những điều đó. Hãy nói lời tạm biệt với bloatware và các ứng dụng bạn không dùng tới!