Facebook đã và đang là một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới, với lượng người dùng ngày càng tăng. Nhưng theo các nhà nghiên cứu của Đại học Princeton (Mỹ), "đế chế" này sắp đi đến hồi kết – giống như một đại dịch: lan truyền và sau đó hết dịch.
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học của khoa Cơ khí và Kỹ thuật hàng không vũ trụ trực thuộc Đại học Princeton đã sử dụng các căn bệnh lây truyền để mô hình hóa vòng đời của mạng xã hội. Theo đó, sự tăng trưởng của Facebook sắp đi tới hồi kết, giống như một đợt đại dịch nhanh chóng bùng phát và đột ngột biến mất.
Những mô hình dịch bệnh này có thể được sử dụng để tìm hiểu về sự phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội – theo các nhà nghiên cứu của trường Đại học Princeton. Bằng việc cập nhật các mô hình truyền thống về sự lây lan của bệnh dịch, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng để một thành viên "khỏi bệnh", cần có tác động từ một thành viên "đã miễn nhiễm" – chẳng hạn, một người dùng đã từ bỏ Facebook. Theo đó, họ dự đoán rằng Facebook sắp phải đối mặt với một đợt suy giảm mạnh, khiến cho mạng xã hội này mất tới 80% lượng người dùng trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2017. Hiện nghiên cứu này vẫn chưa nhận được sự phản hồi từ các chuyên gia.
Về cơ bản, người dùng Facebook sẽ mất đi hứng thú với mạng xã hội này theo thời gian khi những người bạn của họ cũng cảm thấy tương tự - nếu như mô hình này chính xác. "Ý tưởng giống như bệnh dịch vậy, nó đã được kiểm chứng về sự lây lan giữa người với người trước khi biến mất, và đã được mô tả thành công bằng các mô hình dịch tễ học".
Bạn có thể tìm hiểu về bản nghiên cứu này tại đây.
Tuy nhiên, lưu ý là nghiên cứu này không nói rõ đến thời điểm nào thì "đại dịch" Facebook đến giai đoạn biến mất.