Việc Apple, Google phát hành các ứng dụng miễn phí cài đặt nhưng bán nội dung mất phí trên các chợ ứng dụng đã chính thức bị "sờ gáy".
Thành công của Candy Crush cùng một loạt các trò chơi khác trên di động đã chứng minh một điều: bán nội dung (vật phẩm, "mạng", năng lực đặc biệt) trong các ứng dụng miễn phí đang là mô hình kinh doanh thành công nhất cho các nhà phát triển ứng dụng. Song, mô hình bán nội dung bên trong ứng dụng (in-app purchase) cũng có thể gây thiệt hại rất lớn cho người dùng, đặc biệt là các bậc cha mẹ cho con cái sử dụng thiết bị di động.
Theo BGR, Cơ quan Chống độc quyền Italy đã quyết định mở một cuộc điều tra đối với các ứng dụng cho phép bán nội dung mất phí nhằm làm rõ "liệu hành vi này có được coi là một hành vi thương mại không công bằng: người tiêu dùng có thể hiểu sai rằng trò chơi là hoàn toàn miễn phí, và trong bất cứ trường hợp nào, rằng họ có thể biết trước chi phí chơi game".
Thông cáo báo chí của Italy về cuộc điều tra mới cũng cho rằng "người tiêu dùng không được cung cấp đầy đủ thông tin để dừng hoặc hạn chế hành vi mua nội dung ở bên trong ứng dụng".
Trước đó, một ông bố người Mỹ đã từng mất tới 2000 USD tiền nội dung ứng dụng do không kiểm soát được quá trình chơi game của con mình. Google cũng đã từng gánh chịu một vụ kiện tương tự tại New York, Mỹ sau khi một đứa trẻ dùng gần 70 USD của mẹ để mua nội dung trong game Marvel Run Jump Smash!. Tuy vậy, cuộc điều tra tại Italy sẽ là lần đầu tiên các cơ quan chính phủ tập trung vào điều tra các ứng dụng này.
Đối tượng điều tra của Italy bao gồm cả Apple, Amazon, Google và Gameloft. Nếu bị kết luận làm ăn sai trái, mỗi công ty sẽ đối mặt với án phạt tối đa là 5 triệu Euro.