Thị phần chững lại ở mức dưới 3%, trong khi Microsoft tập trung vào phân khúc giá rẻ có thể khiến tình hình của Windows Phone càng trở nên tồi tệ hơn.
Cựu CEO Steve Ballmer của Microsoft giới thiệu loạt smartphone đầu tiên chạy Windows Phone tại sự kiện ra mắt Windows Phone 7 ở New York (Mỹ) hôm 11/10/2010. Sau 4 năm, mọi kì vọng ban đầu với Windows Phone dường như đã tắt.
Sau khi thị phần của BlackBerry rơi nhanh trong vòng chỉ mấy năm, Windows Phone của Microsoft bắt đầu đem lại kì vọng mới cho những ai không muốn thấy cảnh Google và Apple chia nhau thống trị thế giới di động với hai nền tảng Android và iOS. Thị phần của Windows Phone tăng nhanh trong năm 2013, và đạt tới mức “đỉnh” 3,4% vào quý IV/2013, tăng từ 2,1% của một năm trước đó.
Thành tích ban đầu qua các năm 2011 – 2013 dù còn nhỏ, nhưng xu hướng đi lên của Windows Phone đã đem lại niềm tin cho các nhà phân tích về một thị trường smartphone sẽ hình thành thế chân vạc với ba nền tảng Android – iOS – Windows Phone.
Tuy nhiên, thị phần Windows Phone nửa năm nay chẳng những không tăng nhanh như kì vọng trước đây mà còn sụt giảm, hiện chỉ còn 2,8%, theo số liệu mới nhất của IDC.
Thực sự là ba phiên bản Windows Phone đầu tiên (gồm 7.0, 7.5 và 8.0) còn kém xa so với iOS và Android, nhưng phiên bản Windows Phone 8.1 mới nhất, được phát hành trong hè vừa qua, cho thấy Microsoft đã nỗ lực lớn để nền tảng di động của mình hoàn thiện hơn với nhiều tính năng mới nổi trội, đủ sức cạnh tranh với các nền tảng đối thủ.
Tuy nhiên, sau 4 năm mệt mỏi chứng kiến cảnh Windows Phone trầy trật trên thị trường smartphone, người dùng dường như không còn mấy ấn tượng với màn ra mắt của Windows Phone 8.1. Giờ đây có lẽ người dùng chỉ còn trông chờ vào Windows 10, sẽ ra mắt vào năm sau như hứa hẹn của Microsoft.
Hiện tại thì thị phần của Windows Phone đang bị co dần lại, mặc cho những nỗ lực của Microsoft, như động thái “cho không” Windows Phone để các nhà sản xuất cài vào thiết bị có màn hình nhỏ hơn 9 inch.
Nhưng những vấn đề của Windows Phone không chỉ đơn thuần là tình thế hiện tại của hệ điều hành di động này. Trong một báo cáo mới dài 30 trang vừa được hãng nghiên cứu thị trường Jackdaw Research công bố, chuyên gia phân tích Jan Dawson của hãng khẳng định nền tảng di động của Microsoft khó có thể hồi phục.
Windows Phone đang “vướng” phải cái vòng luẩn quẩn. Thị phần quá nhỏ không đủ sức hấp dẫn các nhà phát triển tạo ra ứng dụng cho nền tảng này. Thiếu ứng dụng người dùng sẽ thờ ơ, và đến lượt các nhà sản xuất thiết bị không thể mạo hiểm cho một nền tảng ít được người dùng quan tâm. Hệ sinh thái do vậy sẽ khó lòng phát triển.
Báo cáo của Jackdaw Research chỉ rõ, Windows Phone ít có ứng dụng độc quyền, các ứng dụng được cập nhật chậm. Ngay như Microsoft cũng ưu tiên cung cấp ứng dụng cho các nền tảng đối thủ trước.
Trong khi đó hệ các sinh thái iOS và Android đã và đang phát triển mạnh mẽ. Với iOS, sau khi ra mắt phiên bản đầu tiên, Apple nhanh chóng tung ra những ứng dụng được đánh giá cao như bộ phần mềm iWork, iMovie, và iPhoto để phô diễn sức mạnh của nền tảng mới, chinh phục được cả người tiêu dùng và các nhà phát triển. Một vài năm sau đó, Apple đã nâng khả năng bảo mật lên cấp độ doanh nghiệp cho iOS, để iPhone và iPad sớm trở thành tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp di động.
Google không theo hướng cung cấp ứng dụng “sát thủ” và bảo mật cao, nhưng chiến lược cấp phép miễn phí mã nguồn mở Android đã tạo ra cuộc đua sôi động của các nhà sản xuất thiết bị, đem đến nhiều lựa chọn cho người dùng, và đạo quân robot xanh nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Theo dự dữ liệu mới nhất của IDC, smartphone chạy Android và iOS sẽ chiếm tới hơn 96% thị phần trên thị trường smartphone toàn cầu trong năm 2014, trong đó thị phần của Android là 82,3% và iOS là 13,8%.
Rất ít cơ hội cho Windows Phone, theo nhận định của Dawson trong bản báo cáo đã nói ở trên. Thực tế là ứng dụng cho nền tảng Windows Phone hiện kém xa Android và iOS cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong khi thị phần quá nhỏ, Microsoft lại tập trung vào phân khúc giá rẻ nên khó có thể nói Windows Phone sẽ hấp dẫn các nhà phát triển tạo ra ứng dụng cho nền tảng này.
Một điều đáng lưu ý là người dùng smartphone ở phân khúc giá rẻ chi tiêu rất ít cho ứng dụng. Vì vậy, động thái của Microsoft càng đẩy những người tiêu dùng “chịu chi” về phía iOS, và các nhà phát triển sẽ chạy theo họ để kiếm tiền. Windows Phone đã khó phát triển ứng dụng sẽ lại càng khó.
Về phía Microsoft, công ty đã cung cấp phiên bản Office cho iOS, và sắp sửa cho cả Android, trong khi vẫn chưa có phiên bản Office dành riêng cho nền tảng Windows Phone của mình. Chính điều này khiến những khách hàng vốn gắn bó với Microsoft sẽ không còn động lực thực sự để sử dụng Windows Phone.
Office không còn là lợi thế cho nền tảng Windows Phone như nó đã từng có với Windows trên PC.
Sự thật là thế giới không cần Windows Phone. Thị phần nhỏ bé chưa tới 3% sau 4 năm phát triển đã nói lên tất cả. Microsoft cần phải tìm ra cách làm cho người tiêu dùng muốn có thiết bị chạy Windows Phone, và để đạt được điều đó công ty phải kích thích được các nhà phát triển tạo ra ứng dụng cho nền tảng của mình.
Giờ đây người ta mua thiết bị không đơn giản chỉ vì nó chạy Windows. Và điều đáng ngại cho Microsoft là không ai kiếm được tiền từ Windows Phone, theo như lời của Giám đốc truyền thông quốc tế Joe Kelly của Huawei mới phát biểu trên The Seattle Times.