Danh sách 10 hệ điều hành bị chìm vào quên lãng do trang Business Insider giới thiệu...
AmigaOS
Năm ra đời: 1985
Công ty: Commodore
Vào năm 2005, tờ báo công nghệ Ars Technica viết, khi ra đời vào năm 1985, máy tính Amiga là một “cỗ máy đi trước thời đại” với màn hình màu, hệ thống âm thanh nổi… Steve Jobs được cho là đã rất lo ngại trước sự xuất hiện của AmigaOS, nhưng may cho Jobs và Apple, Commodore đã không thể đưa hệ điều hành này phát triển hơn.
BeOS
Năm ra đời: 1991
Công ty: Be Inc.
Apple chào mua Be Inc. với giá 125 triệu USD vào năm 1995, nhưng CEO Jean-Louis Gassee của công ty này đòi 200 triệu USD. Vì thế, Apple đã mua lại công ty NeXT của Steve Jobs. Sau đó, Palm đã mua Be Inc. với giá 11 triệu USD vào năm 2001.
OS/2
Năm ra đời: 1985
Công ty: IBM
Microsoft và IBM đã cùng nhau tạo ra OS/2 vào năm 1985, nhưng khi Windows 3 được đón nhận rộng rãi, mối quan hệ đối tác này đã tan rã vào năm 1990. Dù không còn được IBM hỗ trợ, hệ điều hành này đến nay vẫn được sử dụng cho nhiều máy rút tiền tự động ATM.
Arthur
Năm ra đời: 1987
Công ty: Acorn Computers Ltd
Được phát triển trong vòng có 5 tháng, hệ điều hành Arthur được cho là sẽ sớm bị quên lãng. Nhưng hệ điều hành này vẫn tồn tại cho tới năm 1989 khi hệ điều hành RISC OS ra đời. RISC OS vẫn được sử dụng tới ngày nay, nhưng không rõ được dùng ở đâu.
Inferno
Năm ra đời: 1996
Công ty: Bell Labs
Đây là một hệ điều hành mã nguồn mở, nên có nhiều phiên bản còn tồn tại. Tuy nhiên, hệ điều hành này chỉ được sử dụng ở mức rất hạn chế.
XTS-400
Năm ra đời: 1992
Công ty: BAE Systems
Được đánh giá cao bởi mức độ bảo mật, hệ điều hành này và các phiên bản sau của nó hiện vẫn được sử dụng cho công nghệ quân sự.
Palm OS (hay còn gọi là Garnet OS)
Năm ra đời: 1996
Công ty: Palm Inc.
Năm 2002, Palm tách mảng hệ điều hành thành một công ty riêng. Năng lực sáng tạo cũng “chết” theo từ đó. Palm OS, từ chỗ là một hệ điều hành tiên phong mạnh mẽ cho PDA, không còn theo kịp sự phát triển của Web và truyền thông đa phương tiện.
WebOS của HP
Năm ra đời: 2009
Công ty: Palm, sau đó là HP
Palm tung ra WebOS như một câu trả lời đối với hệ điều hành iOS dành cho iPhone của Apple. Hệ điều hành này ban đầu được đưa vào chiếc điện thoại thông minh Palm Pre và được coi là một trong những đối thủ nặng ký nhất của iPhone ở thời điểm đó.
Năm 2010, HP mua Palm và cả WebOS với giá 1,2 tỷ USD. Năm 2011, HP muốn tung ra một smartphone và máy tính bảng chạy WebOS, nhưng đều thất bại. Đến nay, HP đã từ bỏ WebOS và hệ điều hành này trở thành phần mềm mã nguồn mở.
Symbian
Năm ra đời: 1998
Công ty: Nokia (mua lại Symbian năm 2008)
Từng là một trong những hệ điều hành di động phổ biến nhất, Symbian đã bị Nokia loại bỏ và thay thế bởi hệ điều hành Windows Phone của Microsoft. Hiện nay, tất cả các thiết bị nổi bật nhất của Nokia đều chạy Windows Phone 8.
MS-DOS
Năm ra đời: 1981
Công ty: Microsoft
Những ai dùng máy tính IBM vào thập niên 1980 và đầu những năm 1990 đều quen với hệ điều hành MS-DOS. Microsoft đã mua một hệ điều hành có tên 86-DOS từ công ty Seattle Computer Products và sau đó, biến thành một hệ điều hành có tên MS-DOS. Đã có 8 phiên bản của MS-DOS được đưa ra trước khi hệ điều hành này bị dừng phát triển vào năm 2000.