Học sử dụng máy tính bài 9 - Thiết lập máy tính

Bạn mới mua một chiếc máy tính mới, điều đầu tiên bạn phải làm sẽ là thiết lập máy tính sao cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Điều này mới nghe qua có vẻ giống như một nhiệm vụ phức tạp, nhưng trên thực tế quá trình thiết lập diễn ra dễ dàng hơn nhiều so với bạn nghĩ! Hầu hết các máy tính đều sẽ được thiết lập theo cách tương tự nhau, vì vậy không quan trọng bạn đang sử dụng máy tính của thương hiệu nào.

Hệ thống máy tính

Nếu bạn đang có một hệ thống máy tính mới, các thiết bị vẫn còn trong hộp, có thể bạn sẽ tìm thấy hướng dẫn cách thiết lập bao gồm các bước chi tiết của nhà sản xuất. Ngay cả khi không có hướng dẫn từ nhà sản xuất hay cửa hàng bán lẻ, bạn vẫn có thể tự thiết lập máy tính của mình bằng một vài bước đơn giản. Bài viết này sẽ hướng dẫn các bước đơn giản cần thiết để thiết lập một máy tính thông thường.

Thiết lập một máy tính xách tay

Thiết lập một máy tính xách tay

Nếu bạn mới mua một chiếc máy tính xách tay mới, quá trình thiết lập sẽ hết sức dễ dàng bởi laptop là thiết bị tất cả trong một.

Đầu tiên, bạn bấm nút nguồn để khởi động thiết bị, nếu pin máy chưa được sạc, bạn sẽ cần phải cắm bộ đổi nguồn AC để cấp năng lượng cho thiết bị, bằng cách này, bạn có thể tiếp tục sử dụng máy tính xách tay trong khi sạc.

Nếu máy tính xách tay của bạn đi kèm với bất kỳ thiết bị ngoại vi nào, ví dụ như loa ngoài, bạn có thể tham khảo cách thiết lập thiết bị ngoại vi cho một máy tính để bàn ở bên dưới bởi máy tính xách tay và máy tính để bàn thường sử dụng cùng các cổng kết nối, do đó, các bước tương tự sẽ vẫn có thể áp dụng được.

Thiết lập một hệ thống máy tính để bàn

Bước 1

Thiết lập một hệ thống máy tính để bàn

Đưa màn hình và cây CPU ra khỏi hộp đựng. Bóc bỏ lớp phủ nhựa hoặc băng bảo vệ, sau đó đặt màn hình và cây CPU lên bàn làm việc hoặc khu vực làm việc của bạn.

Có một chú ý nhỏ là bạn hãy đảm bảo cây CPU của mình được đặt trong một khu vực khô ráo, thông thoáng và có luồng không khí tốt. Điều này sẽ giúp tránh hiện tượng quá nhiệt cũng như chập cháy do môi trường ẩm thấp.

Bước 2

Định vị cho cáp màn hình

Định vị cho cáp màn hình (kết nối màn hình với cây CPU). Có một số loại cáp màn hình tương ứng với các cổng kết nối khác nhau, vì vậy loại dùng trên máy tính của bạn có thể không giống như trong hình minh họa phía trên.

Nếu bạn gặp sự cố khi tìm cáp màn hình cũng như vị trí cổng kết nối màn hình với cây CPU, hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất hoặc yêu cầu sự trợ giúp từ đơn vị bán lẻ. Nếu bạn có một máy tính tất cả trong một được tích hợp sẵn màn hình (ví dụ như máy Mac), bạn có thể chuyển sang bước 4.

Bước 3

 Cổng màn hình

Kết nối một đầu của cáp với cổng xuất tín hiệu màn hình ở mặt sau của cây máy tính và đầu kia với cổng nhận tín hiệu của màn hình. Nếu bạn đang sử dụng cáp VGA giống như trong hình minh họa bên trên, bạn sẽ phải siết chặt các vít trên đầu kết nối của cáp màn hình để đảm bảo tín hiệu được truyền tải ổn định.

Chú ý: Nếu bạn cắm đầu nối nhiều lần mà vẫn không được, đừng lấy sức cố ấn bởi điều này có thể gây hư hại cho các chân kết nối, vì vậy hãy kiểm tra để chắc chắn rằng phích cắm phù hợp với cổng, sau đó mới tiến hành kết nối.

Bạn có thể tham khảo bài viết “16 cổng kết nối thường thấy trên máy tính và chức năng của chúng” để nắm thêm được thông tin về các cổng kết nối trên máy tính.

Bước 4

 Kết nối bàn phím

Kiểm tra bàn phím và xác định xem nó sử dụng đầu nối USB (hình chữ nhật) hay đầu nối PS/2 (hình tròn). Nếu bàn phím sử dụng kết nối USB, bạn có thể cắm nó vào bất kỳ cổng USB ở mặt sau hoặc mặt trước của cây CPU. Còn nếu bàn phím sử dụng đầu nối PS/2, hãy cắm nó vào cổng PS/2 dành cho bàn phím (hình tròn, màu tím) ở mặt sau của cây CPU.

Tổng hợp một số cách mở bàn phím ảo trên Windows XP/7/8/8.1/10

Bước 5

 Kết nối chuột

Tương tự như đối với bàn phím, bạn sẽ phải kiểm tra chuột và xác định xem nó sử dụng kết nối USB hay PS/2. Nếu chuột của bạn sử dụng một kết nối USB, hãy cắm nó vào bất kỳ cổng USB trên máy tính. Nếu chuột sử dụng một đầu nối PS/2, hãy cắm nó vào cổng PS/2 dành cho chuột (hình tròn, màu xanh lá cây) ở mặt sau của cây CPU..

Mẹo: Nếu bàn phím của bạn cũng có cổng USB, bạn có thể kết nối chuột với bàn phím thay vì kết nối trực tiếp với máy tính của mình.

Nếu bạn sử dụng chuột hoặc bàn phím không dây, bạn có thể sẽ cần phải kết nối Bluetooth dongle (bộ điều hợp USB) với máy tính của bạn để có được kết nối Bluetooth. Tuy nhiên, nhiều máy tính cũng có Bluetooth tích hợp (ví dụ như các máy tính xách tay), khi đó bạn sẽ không cần đến adapter Bluetooth nữa.

Bước 6

Công âm thanh

Nếu bạn sử dụng thêm loa ngoài hoặc tai nghe, bạn có thể kết nối chúng với máy tính qua cổng âm thanh (ở mặt trước hoặc mặt sau của cây CPU). Cổng âm thanh trên nhiều máy tính sẽ có thế được mã hóa bằng màu sắc. Loa hoặc tai nghe sẽ kết nối với cổng 3.5 màu xanh lá cây và micro sẽ được cắm vào cổng 3.5 màu hồng. Còn cổng màu xanh dương sẽ là công Line-in, có thể được sử dụng với các loại thiết bị khác.

Một số loa, tai nghe và micro hiện nay sử dụng đầu nối USB thay vì giắccắm âm thanh 3.5 thông thường, do đó, chúng có thể được kết nối với bất kỳ cổng USB nào. Ngoài ra, nhiều máy tính cũng sẽ có loa hoặc micro được tích hợp sẵn vào màn hình.

Bước 7

Bộ chống sốc điện

Định vị dây cáp nguồn cung cấp điện cho máy tính của bạn. Bạn cắm một đầu dây cáp cấp điện vào mặt sau của vỏ máy tính và sau đó cắm đầu còn lại vào nguồn cấp điện. Bạn nên sử dụng thêm một bộ chống sốc điện (surge protector) để hạn chế hiện tượng chập cháy do sốc điện (khi bị sét đánh chẳng hạn). Khi đã được cấp năng lượng bạn có thể khởi động máy tính.

Mẹo: Bạn cũng có thể sử dụng nguồn cấp điện liên tục (UPS), hoạt động như một thiết bị bảo vệ chống sốc điện và cung cấp nguồn điện tạm thời nếu bị cắt điện.

Bước 8

Máy in

Nếu bạn có sử dụng thêm máy in, máy quét, webcam hoặc các thiết bị ngoại vi khác, bạn có thể kết nối chúng ngay lúc này. Máy tính của bạn sẽ tự động nhận diện các thiết bị ngoại vi ngay khi chúng được cắm vào. Ngoài ra, một số thiết bị ngoại vi (ví dụ như máy in) có thể yêu cầu bạn phải cài đặt thêm trình điều khiển (driver) tương ứng thì mới có thể sử dụng được.

Nói chung, các thiết bị ngoại vi là các tùy chọn thêm của máy tính, và bạn có thể kết nối các các thiết bị ngoại vi bất kỳ lúc nào chứ không nhất thiết phải kết nối tất cả các thiết bị ngoại vi trong quá trình thiết lập ban đầu của máy tính.

Trên đây là các bước đơn giản để thiết lập một hệ thống máy tính. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm:

Thứ Bảy, 03/11/2018 11:45
52 👨 3.957
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức sử dụng