Học sử dụng máy tính bài 16 - Bảo vệ máy tính của bạn

Có lẽ những người chỉ cần đã từng dùng máy tính đều không xa lạ gì với những cụm từ như virus máy tính, malware, phần mềm độc hại, phần mềm gián điệp. Vậy những thuật ngữ này thực ra là gì? Và nếu chúng có hại thì bạn có thể làm gì để bảo vệ hệ thống máy tính cũng như các dữ liệu quan trọng của mình?

Bảo vệ máy tính chống lại các phần mềm độc hại

Phần mềm độc hại (malware) là một thuật ngữ để chỉ bất kỳ loại phần mềm nào được thiết kế nhằm mục đích gây hại cho máy tính của bạn, hoặc truy cập trái phép vào dữ liệu cá nhân của bạn. Các phần mềm độc hại nổi tiếng có thể kể đến bao gồm virus, worm, Trojan horse và phần mềm gián điệp (spyware). Hầu hết các phần mềm độc hại được phân phối trên Internet và thường đi kèm với phần mềm khác. Chúng thông thường cũng sử dụng chính môi trường Internet để xâm nhập vào hệ thống của bạn.

Bảo vệ máy tính chống lại các phần mềm độc hại

Cách tốt nhất để bảo vệ máy tính chống lại phần mềm độc hại là cài đặt những phần mềm chống virus, chẳng hạn như Bitdefender, Norton hoặc Kaspersky. Các phần mềm chống virus sẽ giúp ngăn chặn các phần mềm độc hại được cài đặt cũng như có thể xóa chúng khỏi máy tính của bạn.

Kaspersky

Ngoài ra, như chúng ta vẫn thường hay nói, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Sử dụng các tiện ích Internet như thư điện tử, duyệt web một cách tỉnh táo và thông minh cũng là một điều rất quan trọng trong phòng ngừa các phần mềm độc hại. Ví dụ, nếu thấy một trang web hoặc tệp đính kèm email có vẻ đáng ngờ, hãy tin tưởng vào bản năng của bạn, xem xét kiểm tra thật kỹ trước khi nhấn vào một liên kết mà mình không chắc chắn về nguồn gốc. Hãy nhớ rằng chương trình chống virus của bạn không phải là một cây đèn thần, nó không nắm bắt được mọi thứ cũng như bảo vệ bạn được ở mọi lúc mọi nơi, vì vậy, tốt nhất là bạn nên tránh tải xuống bất kỳ nội dung nào có thể chứa phần mềm độc hại.

Sao lưu dữ liệu trong máy tính

Hãy thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó máy tính của bạn đột nhiên ngừng hoạt động hoặc bị đánh cắp. Bạn có bị mất bất kỳ tài liệu, ảnh hoặc tệp nào quan trọng đang lưu trữ trong máy hay không? Khi máy tính hỏng, bạn có thể đem đi sửa, bị mất thì có thể mua chiếc mới, nhưng những dữ liệu quan trọng của bạn thì lại có thể bị thật lạc mãi mãi. May mắn thay, bạn hoàn toàn có thể tự mình ngăn chặn tối đa việc thất thoát dữ liệu bằng cách tạo những bản sao lưu cho tất cả các tệp của mình (hoặc chỉ tạo bản sao cho những dữ liệu quan trọng) vào ổ đĩa cứng gắn rời hoặc tải lên các dịch vụ sao lưu trực tuyến.

Sử dụng ổ cứng rời

Sử dụng ổ cứng rời

Bạn có thể tìm mua một ổ đĩa cứng gắn ngoài, sao chép những nội dung quan trọng trên máy tính vào đó và sử dụng như một kho lưu trữ dự phòng. Quá trình sao lưu ban đầu có thể mất vài giờ, vì vậy hãy tiến hành khi bạn không cần truy cập vào máy tính của mình, hoặc thực hiện sao lưu mỗi ngày, tránh tình trạng “ùn ứ” dữ liệu. Đối với những người dùng chuyên sâu, những người thường phải làm việc nhiều với các tài liệu quan trọng mỗi ngày, họ thường chọn cách sao lưu qua đêm để tiết kiệm thời gian, tránh sự gián đoạn của hệ thống. Tóm lại bạn nên tiến hành sao lưu thường xuyên, vừa tiết kiệm thời gian lại vừa an toàn.

Một nhược điểm của phương thức sao lưu này là ổ đĩa cứng rời cũng có thể bị mất, bị hỏng hoặc bị đánh cắp giống như máy tính của bạn. Đây là lý do tại sao việc giữ cho ổ đĩa của bạn ở một vị trí an toàn khi không sử dụng cũng là một điều tối quan trọng.

Sử dụng các dịch vụ sao lưu trực tuyến

Sử dụng các dịch vụ sao lưu trực tuyến

Bạn cũng có thể sao lưu ữ liệu của mình lên các kho lưu trữ trực tuyến như Google Drive, Carbonite hoặc Dropbox. Về bản chất, các dịch vụ này sẽ cho phép bạn sao lưu các tệp của mình lên đám mây, điều đó có nghĩa là bạn có thể khôi phục hoặc truy cập vào những dữ liệu này từ bất kỳ máy tính hay thiết bị di động nào, miễn là có kết nối Internet. Dung lượng lưu trữ được cung cấp bởi các trang dịch vụ này cũng sẽ không giống nhau, và bạn có thể sẽ phải trả thêm một khoản phí nhất định để có được không gian lưu trữ lớn hơn.

Một hạn chế đối với dịch vụ sao lưu trực tuyến là quá trình sao lưu ban đầu có thể sẽ diễn ra khá chậm và thậm chí có thể tiêu tốn mất vài ngày để hoàn tất nếu bạn có một lượng lớn dữ liệu cần được sao lưu. Tuy nhiên, nếu bạn thiết lập sao lưu tự động hay sao lưu thường xuyên thì sẽ không mất nhiều thời gian. Ngoài ra, vì đây là phương thức lưu trữ dữ liệu dựa trên Internet nên đôi khi vấn đề bảo mật cũng nên được lưu tâm, điều này cũng sẽ phụ thuộc phần nhiều vào những nhà cung cấp dịch vụ mà bạn chọn.

Các kỹ thuật bảo vệ máy tính khác

Để giữ cho máy tính của bạn có thể chạy trơn tru, điều quan trọng là phải giữ cho các tệp, thư mục và chương trình được tổ chức khoa học, gọn gàng. Thư mục được sắp xếp lộn xộn hoặc không được tổ chức khoa học khiến việc tìm và quản lý các dữ liệu khi cần thiết sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra, các tệp rác cũng có thể lấp đầy ổ cứng máy tính nếu bạn không thường xuyên để ý dọn dẹp, qua đó làm cho máy tính của bạn chậm hơn và khó sử dụng hơn. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ mà bạn có thể áp dụng để dọn dẹp những dữ liệu không mong muốn cũng như cải thiện hiệu suất của máy tính.

Xóa tệp thường xuyên: Nếu có bất kỳ tệp nào không sử dụng đến hoặc không cần phải giữ lại, bạn nên xóa chúng ngay lập tức theo cách thủ công. Có thể kéo chúng vào thùng rác và sau đó dọn dẹp thùng rác để xóa vĩnh viễn các tệp rác hoặc sử dụng các phần mềm dọn dẹp của bên thứ ba.

Xóa tệp thường xuyên

Chạy trình chống phân mảnh đĩa: Windows có được tích hợp sẵn những chương trình chống phân mảnh đĩa (Disk Defragmenter) trong Control Panel. Nếu máy tính của bạn đang chạy chậm, chạy Disk Defragmenter có thể giúp tăng tốc lên đôi chút.

Chương trình chống phân mảnh đĩa

Chạy Disk Cleanup: Windows cũng được tích hợp một chương trình dọn dẹp ổ đĩa (Disk Cleanup) trong Control Panel. Công cụ này sẽ quét máy tính của bạn để phát hiện các tệp tạm thời cũng như tệp rác không cần thiết. Sau đó, bạn có thể xóa các tệp này để giải phóng dung lượng trên ổ cứng của mình.

Chạy Disk Cleanup

Trên đây là những cách thức mà bạn có thể áp dụng để bảo vệ cũng như duy trì sự ổn định cho hệ thống máy tính của mình. Ở bài học tiếp theo, cũng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách thức tạo lập một không gian làm việc an toàn.

Chúc các bạn thành công!

Xem thêm:

Thứ Ba, 13/11/2018 11:12
34 👨 2.102
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức sử dụng