Học sử dụng máy tính bài 2 - Các bộ phận cơ bản của máy tính

Giới thiệu

Các bộ phận cơ bản cấu thành nên một hệ thống máy tính để bàn bao gồm vỏ máy tính, màn hình, bàn phím, chuột, bo mạch chủ và dây nguồn. Trong đó, mỗi bộ phận lại đóng một vai trò quan trọng khác nhau, hay nói cách khác, chỉ cần thiếu một trong các bộ phận này, máy tính sẽ không thể hoạt động được.

Cây máy tính (Computer case)

Cây máy tính (Computer case)

Cây máy tính là một chiếc hộp được làm từ kim loại hoặc nhựa, được sử dụng để chứa các thành phần chính của máy tính, bao gồm bo mạch chủ, bộ xử lý trung tâm (CPU), ổ đĩa và nguồn cấp điện. Mặt trước của vỏ máy thường có nút bật/tắt, reset và một hoặc nhiều ổ đĩa quang. Mặt sau có chứa các cổng kết nối của bo mạch chủ như các cổng USB, HDMI, cổng máy in…

Cây máy tính cũng có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Cây máy tính để bàn thường có dạng hình hộp chữ nhật, bạn có thể đặt nó nằm phẳng trên bàn làm việc và đặt màn hình lên trên để tiết kiệm diện tích, hoặc trường hợp khác là đặt phần cây theo phương đứng trên bàn làm việc hoặc dưới sàn nhà, sau đó để màn hình bên cạnh. Các máy tính tất cả trong một (all-in-one computer) thường có các thành phần bên trong được tích hợp luôn vào màn hình, giúp tối ưu hóa kích cỡ và cân nặng, qua đó tính di động cũng được nâng cao hơn.

Màn hình (Monitor)

Màn hình (Monitor)

Màn hình máy tính là thiết bị điện tử gắn liền với máy tính phục vụ mục đích chính là hiển thị và giao tiếp giữa người sử dụng với máy tính.Đối với các máy tính cá nhân (PC), màn hình máy tính là một bộ phận tách rời. Đối với máy tính xách tay màn hình là một bộ phận gắn chung không thể tách rời. Đặc biệt: màn hình có thể dùng chung (hoặc không sử dụng) đối với một số hệ máy chủ.

Để hoạt động, màn hình sẽ được kết nối với video card nằm bên trong vỏ máy tính. Thiết bị này giúp màn hình có thể hiển thị được hình ảnh và văn bản. Hầu hết các màn hình đều có các nút điều khiển cho phép bạn thay đổi các cài đặt hiển thị của nó, ngoài ra một số màn hình kiểu cũ cũng có thể được tích hợp thêm cả loa.

Các màn hình kiểu cũ (gần như không còn được sử dụng trên các hệ thống PC cá nhân nữa) là màn hình CRT. Chúng sử dụng CRT (ống tia âm cực) để hiển thị hình ảnh. Màn hình CRT có kích thước lớn và nặng, do đó, chúng chiếm nhiều không gian bàn làm việc hơn.

Loại màn hình đời mới mà chúng ta thường thấy ngày nay là màn hình LCD (màn hình tinh thể lỏng) hoặc màn hình LED (đèn phát quang). Chúng có thể được làm rất mỏng, gọn, nhẹ và thường được gọi chung là màn hình phẳng.

Bàn phím (Keyboard)

Trong máy tính, một bàn phím là một thiết bị ngoại vi được thiết kế một phần dựa theo bàn phím máy đánh chữ. Về hình dáng, bàn phím là một tấm bảng chứa các nút, hay còn được gọi là phím. Một bàn phím thông thường có các ký tự được khắc hoặc in trên phím; với đa số bàn phím, mỗi lần nhấn một phím tương ứng với một ký hiệu được tạo ra. Tuy nhiên, để tạo ra một số ký tự cần phải nhấn và giữ vài phím cùng lúc hoặc liên tục; các phím khác không tạo ra bất kỳ ký hiệu nào, thay vào đó tác động đến hành vi của máy tính hoặc của chính bàn phím đó.

Bàn phím là một trong những phương tiện chính để người dùng giao tiếp với máy tính. Có rất nhiều loại bàn phím khác nhau, nhưng hầu hết đều có chức năng rất giống nhau và cho phép bạn thực hiện các tác vụ cơ bản như nhau.

Bàn phím (Keyboard)

Chuột (Mouse)

Chuột (Mouse)

Chuột máy tính là một thiết bị ngoại vi của máy tính dùng để điều khiển và làm việc với máy tính. Để sử dụng chuột máy tính nhất thiết phải sử dụng màn hình máy tính để quan sát toạ độ kết hợp với thao tác di chuyển của chuột trên màn hình.

Nhìn chung, chuột cũng là một công cụ quan trọng khác giúp chúng ta có thể giao tiếp được với máy tính. Nó thường được gọi là thiết bị trỏ, cho phép bạn trỏ đến các đối tượng trên màn hình, nhấp vào chúng cũng như di chuyển chúng.

Có hai loại chuột chính được sử dụng phổ biến hiện nay, đó là chuột quang học và cơ học. Chuột quang sử dụng một mắt điện tử và các cảm biến để phát hiện chuyển động, nó gọn nhẹ và chính xác. Chuột cơ học (hay còn gọi là chuột bi) sử dụng một viên bi lăn để phát hiện chuyển động. Viên bi lăn trong chuột cơ cần phải được làm sạch thường xuyên thì mới có thể hoạt động bình thường. Chuột cơ ngày nay không còn được ưa chuộng nữa.

Các thiết bị thay thế cho chuột

Cũng có một số thiết bị khác có thể giúp chúng ta thực hiện các tác vụ tương tự như khi sử dụng chuột. Nhiều người thấy chúng dễ sử dụng hơn, và chúng cũng đòi hỏi không gian thao tác ít hơn một con chuột truyền thống. Các thiết thay thế chuột phổ biến nhất có thể kể đến bao gồm:

Trackball

Trackball

Một trackball (bi xoay) là một thiết bị trỏ bao gồm một quả bóng được đặt trên lỗ có chứa các cảm biến để phát hiện một vòng quay của quả bóng về hai trục, về cơ bản, trackball giống như một con chuột cơ lộn ngược với viên bi xoay nhô ra.

So với chuột, trackball có lợi hơn ở chỗ nó sẽ không bị giới hạn về kích cỡ mặt phẳng để di chuột như đối với các loại chuột truyền thống bởi nó có thể được đặt cố định khi sử dụng.

Touchpad

Touchpad

Touchpad (bàn di chuột) là thiết bị trỏ có bộ cảm biến xúc giác đóng vai trò là một bề mặt chuyên dụng có phân tích chuyển động và vị trí của ngón tay của người dùng, từ đó quy đổi ra vị trí tương đối được xuất ra màn hình. Touchpad là một tính năng phổ biến của các máy tính xách tay, và cũng được sử dụng như là một giải pháp thay thế hữu ích cho chuột truyền thống trong trường hợp không gian sử dụng bị hạn chế. Vì touchpad cũng có nhiều kích thước khác nhau nên chúng cũng có thể được tìm thấy trên các thiết bị kỹ thuật số cá nhân (PDA) và một số trình phát phương tiện di động. Bàn di chuột không dây cũng có sẵn dưới dạng phụ kiện rời.

Xem thêm:

Thứ Tư, 24/10/2018 10:20
412 👨 10.230
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức sử dụng