Để hack được Kaspersky OS, hacker phải lấy được chữ ký số của chủ nhân thiết bị, và điều này chỉ có thể thực hiện được bằng máy tính lượng tử.
Kaspersky, công ty nổi tiếng về bảo mật nói chung và phần mềm diệt virus nói riêng, mới đây vừa ra mắt một hệ điều hành do riêng hãng phát triển với tên gọi Kaspersky OS. Công ty cho biết, hệ điều hành này đã được phát triển trong 14 năm và được thiết kế từ đầu để có khả năng chống hack - thay vì xây dựng dựa trên nhân Linux như nhiều hệ điều hành khác.
Kaspersky OS ra mắt trên Kraftway Layer 3 Switch, theo công bố của CEO Eugene Kaspersky trên blog. Lãnh đạo công ty, tuy nhiên, chưa tiết lộ nhiều về hệ điều hành mới.
Layer 3 Switch là công cụ đầu tiên chạy Kaspersky OS và được thiết kế cho các mạng với các yêu cầu khắt khe về bảo mật dữ liệu và hướng tới hạ tầng cơ bản của các thiết bị IoT.
Kaspersky OS được phát triển dựa trên Microkernel Architecture: hệ điều hành bảo mật mới dựa trên kiến trúc microkernel cho phép người dùng thực hiện nhiều tuỳ biến sao cho phù hợp với yêu cầu sử dụng. Bởi vậy, tuỳ theo yêu cầu đặc thù của từng người dùng, họ có thể thiết kế Kaspersky OS bằng cách dùng các khối điều chỉnh khác nhau của hệ điều hành.
Kaspersky OS không phát triển dựa trên Linux: Một trong ba đặc điểm khác biệt chính của hệ điều hành mới, theo như Kaspersky, đó là nó được xây dựng ngay từ đầu và không có chút liên quan nào tới Linux cả.
"Tất cả các hệ điều hành phổ biến đều không được thiết kế với ưu tiên về bảo mật ngay từ đầu, bởi vậy mọi việc dễ dàng và an toàn hơn cho chúng tôi để bắt đầu từ đầu và làm mọi thứ hợp lý. Đó chính xác là những gì Kaspersky vừa làm" - hãng bảo mật công bố.
Nhờ đâu Kaspersky OS chống được hack?
Đó là nhờ hệ thống an ninh có sẵn của hệ điều hành này. Theo đó, hệ thống an ninh tích hợp trong Kaspersky OS có khả năng kiểm soát được "hành vi" của các ứng dụng và các module. Kaspersky cho rằng hacker không làm gì được hệ điều hành của họ bởi để có thể thâm nhập bất hợp pháp, hacker sẽ phải phá được chữ ký số của người nắm giữ tài khoản, và điều này chỉ có thể thực hiện được bằng máy tính lượng tử.
"Để hack được nền tảng này, một hacker cần phá được chữ ký số, điều mà với các máy tính trước thời máy tính lượng tử - sẽ tốn những khoản chi phí đắt đỏ" - Kaspersky cho biết.
Hãng bảo mật này cũng nói về các vụ tấn công DDoS gần đây làm ảnh hưởng tới hàng loạt website, đồng thời cam đoan rằng Kaspersky OS sẽ bảo vệ các thiết bị, như hệ điều điều khiển công nghiệp, hay các thiết bị IoT khỏi các vụ tấn công mạng.
Vụ tấn công lớn nhất gần đây là vụ DDoS nhằm vào máy chủ DNS của hãng Dyn khiến hàng loạt website lớn như Amazon và Twitter bị gián đoạn truy cập. Vụ tấn công này được thực hiện bởi botnet Mirai vốn lây nhiễm vào các thiết bị thông minh như camera an ninh. Kaspersky nói rằng, việc bảo vệ thiết bị IoT và các cơ sở hạ tầng cơ bản khác, khỏi các nguy cơ an ninh, là công việc bắt buộc.
"Tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu, rằng cho dù có khó khăn thế nào, thì sẽ tốt hơn nếu chúng ta xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị IoT từ đầu theo cách mà hacker không thể tấn công. Trên thực tế đó là mục tiêu cơ bản của chúng tôi đối với Kaspersky OS" - CEO Kaspersky phát biểu.