Tất tần tật về Satya Nadella - kiến trúc sư đại tài của đế chế Microsoft trong kỷ nguyên mới

Báo cáo thu nhập theo quý mới nhất của Microsoft đã một lần nữa cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng của công ty trong "kỷ nguyên Satya Nadella“. Gần như mọi chỉ số hiệu suất đều đạt mức tăng thậm chí còn vượt quá kỳ vọng. Sự vươn lên mạnh mẽ của gã khổng lồ Redmond, từ cái bóng của chính mình trong thời đại Steve Ballmer, trở lại vị trí công ty công nghệ giá trị nhất hành tinh, đánh bật không ít đối thủ sừng sỏ như Apple, Amazon hay Google, cho thấy những gì đã và đang diễn ra tại Microsoft trong vài năm trở lại đây thực sự là một câu chuyện cổ tích thần kỳ của thế giới công nghệ.

Giá cổ phiếu của Microsoft sau khi Satya Nadella giữ chức CEO đã tăng gấp ba lần so với người tiền nhiệm Steve BallmerGiá cổ phiếu của Microsoft sau khi Satya Nadella giữ chức CEO đã tăng gấp ba lần so với người tiền nhiệm Steve Ballmer

Khi Satya Nadella “nắm quyền cai trị” Microsoft từ người tiền nhiệm Steve Ballmer vào đầu năm 2014, đế chế công nghệ đình đám một thời này đã gần như thay đổi 180 độ, cả về triết lý kinh doanh lẫn thái độ tiếp cận thị trường. Và kết quả thực tế đã cho thấy những thay đổi này là hoàn toàn đúng đắn. Sau 5 năm hoạt động dưới sự dẫn dắt của CEO tài năng gốc Ấn Độ, Microsoft đã trải qua những bước chuyển mình mang tính chiến lược. Giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng gấp 3 lần so với trước khi Nadella xuất hiện, lần đầu tiên đưa họ vượt qua mức định giá 1 nghìn tỷ đô la và cũng là lần đầu tiên khôi phục lại được vị trí của công ty có giá trị niêm yết công khai lớn nhất thế giới, vượt trên cả những ông lớn ở thời điểm hiện tại là Amazon và Apple. Vâng, Microsoft đã chính thức trở lại cuộc chơi của những kẻ mạnh nhất.

Vậy Satya Nadella thực chất là ai? Tại sao người đàn ông này lại có thể tạo ra một trong những bước chuyển mình vĩ đại nhất thế giới công nghệ như vậy? Và chúng ta có thể học hỏi được những gì từ vị CEO tài năng này? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây!

Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của Satya Nadella

Thông tin chung về Satya Nadella

Satya Nadella (tên đầy đủ Satya Narayana Nadella) sinh ngày 19 tháng 8 năm 1967 là một kỹ sư công nghệ thông tin và giám đốc điều hành doanh nghiệp người Mỹ gốc Ấn Độ. Ông hiện đang là Giám đốc điều hành (CEO) của Microsoft, kế nhiệm Steve Ballmer kể từ năm 2014 cho đến nay.

Satya Nadella là một kỹ sư công nghệ thông tin người Mỹ gốc Ấn Độ.Satya Nadella là một kỹ sư công nghệ thông tin người Mỹ gốc Ấn Độ.

Trước khi tiếp nhận cương vị người đứng đầu Microsoft, Satya Nadella đã có thời gian dài giữ chức Phó chủ tịch điều hành của Cloud and Enterprise Group (thuộc Microsoft), là người chịu trách nhiệm xây dựng và vận hành toàn bộ nền tảng điện toán quan trọng của công ty. Chính kinh nghiệm quý báu trong quản lý và vận hành các dịch vụ điện toán đã giúp Satya Nadella đưa ra những quyết định cực kỳ sáng suốt sau khi nắm giữ chiếc ghế CEO, góp phần lớn cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Microsoft.

Cuộc sống cá nhân và trình độ học vấn

Satya Nadella sinh ra tại Hyderabad, một thành phố ở phía nam Ấn Độ, nằm bên sông Mūsi, thủ phủ của bang Telangana, trong một gia đình người gốc Telugu. Cha của ông, Bukkapuram Nadella Yugandher, là một công chức làm việc cho một cơ quan của Chính phủ Ấn Độ, trong khi mẹ ông là một học giả tiếng Phạn.

Năm 1992, Nadella kết hôn với Anupama, con gái người đồng nghiệp của cha mình. Anupama cũng chính là "hậu bối” của ông tại Học viện Công nghệ Manipal, theo học chuyên ngành kiến trúc. 2 người có tổng cộng 3 người con, 1 trai và 2 gái. Cả gia đình Nadella hiện đang sống ở Clyde Hill, Washington. Satya Nadella không chỉ nổi tiếng với tài năng lãnh đạo và hoạch định chính sách thiên bẩm, mà còn được biết đến là người đàn ông luôn tận tụy và hết mực với gia đình. Tuy nhiên đời sống gia đình của Nadella lại không may mắn khi người con trai duy nhất của ông mắc chứng bại não bẩm sinh, trong khi con gái út cũng gặp vấn đề về khả năng nhận thức.

Satya Nadella và vợSatya Nadella còn được biết đến là người đàn ông luôn tận tụy và hết mực với gia đình

Đặt sang một bên những mệt mỏi, lo lắng cho các con, Satya Nadella vẫn là người luôn cháy hết mình cho công việc. Chưa bao giờ đồng nghiệp thấy ông than vãn về những khó khăn gặp phải trong cuộc sống, hay để rắc rối cá nhân ảnh hưởng đến công việc. Với Nadella, được làm việc và cống hiến là một điều thiêng liêng.

Bên cạnh niềm đam mê với công nghệ, Satya Nadella còn là một độc giả cuồng nhiệt của thơ ca Mỹ và Ấn Độ. Ông cũng là người đặc biệt yêu thích thể thao, chơi rất cừ môn cricket và đã từng có mơ ước trở thành một tuyển thủ cricket chuyên nghiệp khi còn học trung học.

Satya Nadella chính là tác giả của cuốn sách nổi tiếng có tựa đề Hit Refresh, nói về cuộc sống đời thường cũng như sự nghiệp của ông ở Microsoft, và niềm tin rằng công nghệ sẽ định hình tương lai của nhân loại như thế nào. Nadella tuyên bố rằng lợi nhuận từ cuốn sách sẽ được chuyển đến Microsoft Philanthropies và sau đó phân phối cho một số tổ chức phi lợi nhuận trên thế giới.

Kinh tế gia đình tuy không đến nỗi quá dư giả, nhưng cũng đủ đề Satya Nadella tiếp cận với điều kiện giáo dục đầy đủ trong suốt thủa thiếu thời.

Ông đã từng đã theo học tại Trường Công lập phổ thông Hyderabad Begumpet, trước khi nhận bằng cử nhân kỹ thuật điện từ Học viện Công nghệ Manipal (khi đó là một phần của Đại học Mangalore) tại Karnataka năm 1988.

Là một người có ý chí cầu tiến cao và đặc biệt yêu thích công nghệ, Satya Nadella luôn mơ ước một ngày nào đó có thể được đặt chân đến những cường quốc công nghệ cao thời bấy giờ, trong đó có nước Mỹ xa xôi. Sau khi Nadella hoàn tất chương trình đại học tại quê nhà với tấm bằng cử nhân loại giỏi, gia đình đã quyết định đầu tư cho ông sang Mỹ để tiếp tục học tập như đúng mong ước từ thủa thơ ấu.

Tại Mỹ, Satya Nadella quyết định theo học chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin Milwaukee, và nhận bằng thạc sĩ khoa học tự nhiên (MS) vào năm 1990. Sau đó một thời gian ngắn, ông nhận thêm bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Chicago.

Đại học Milwaukee, Wisconsin, nơi Satya Nadella đã từng theo học khi đặt chân đến MỹĐại học Milwaukee, Wisconsin, nơi Satya Nadella đã từng theo học khi đặt chân đến Mỹ

Nadella nói rằng ông "luôn muốn xây dựng mọi thứ bằng chính đôi bàn tay và chất xám của mình”, và rằng kiến thức "là một phương tiện tuyệt vời để tôi có thể khám phá ra những điều thực sự sẽ trở thành niềm đam mê và mục đích sống của mình, trong đó chắc chắn không thể thiếu lĩnh vực khoa học máy tính”.

Sự nghiệp và những dấu ấn rõ nét của Satya Nadella tại Microsoft

Trước khi gia nhập Microsoft năm 1992, Satya Nadella đã từng có thời gian ngắn làm việc tại Sun microsystems với tư cách là thành viên của đội ngũ kiểm duyệt công nghệ. Tuy thời gian làm việc tại Sun microsystems không lâu nhưng đã giúp ông tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm bổ ích, có ảnh hưởng lớn đến nhiều quyết định của ông sau này khi về đầu quân cho một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Tại Microsoft, Satya Nadella đã lần lượt kinh qua nhiều vị trí quan trọng. Ông đã từng là người lãnh đạo các dự án lớn có ý nghĩa sống còn với Microsoft, bao gồm quá trình chuyển đổi trọng tâm kinh doanh từ sản xuất phần mềm sang điện toán đám mây, và đồng thời cũng là người góp công lớn nhất trong việc phát triển thành công một trong những cơ sở hạ tầng đám mây lớn nhất thế giới: Microsoft - Azure.

Satya Nadella thời kì mới gia nhập MicrosoftSatya Nadella thời kì mới gia nhập Microsoft

Nadella từng là phó chủ tịch cấp cao của phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thuộc Bộ phận Dịch vụ Trực tuyến, và Phó Chủ tịch của Bộ phận Kinh doanh Microsoft. Sau đó một thời gian, ông được bổ nhiệm sang vị trí chủ tịch của Server and Tools Business - một công ty con của Microsoft, chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh Máy chủ và Công cụ đám mây với quy mô lên đến hơn 19 tỷ USD. Đồng thời là người lên kế hoạch và lãnh đạo quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện văn hóa kinh doanh và công nghệ của công ty Redmond, từ trọng tâm dịch vụ khách hàng sang tập trung hoàn toàn vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ đám mây.

Uy tín của Satya Nadella tại Redmond gần như đạt mức tuyệt đối sau khi kế hoạch đưa cơ sở dữ liệu của Microsoft, Windows Server và các công cụ dành cho nhà phát triển lên đám mây Azure thành công vang đội. Nhờ dự án quan trọng này, doanh thu từ mảng Dịch vụ đám mây của Microsoft đã tăng từ 16.6 tỷ đô la khi ông tiếp quản mảng này vào năm 2011 lên đến 20.3 tỷ đô la vào tháng 6 năm 2013.

Mức lương cơ bản của Nadella trong năm 2013 là gần 700.000 đô la, với tổng số tiền hoa hồng cùng tiền thưởng cổ phiếu ước đạt 17.6 triệu đô la, biến ông trở thành một trong những nhà quản lý được trả lương cao nhất công ty.

Trước khi ngồi vào chiếc ghế CEO, các vị trí quan trọng mà Satya Nadella đã từng nắm giữ tại Microsoft bao gồm:

  • Chủ tịch Server & Tools Division (9 tháng 2 năm 2011 - Tháng 2 năm 2014)
  • Phó chủ tịch phòng nghiên cứu và phát triển cấp cao của bộ phận dịch vụ trực tuyến (tháng 3 năm 2007 - tháng 2 năm 2011)
  • Phó chủ tịch bộ phận kinh doanh
  • Phó chủ tịch tập đoàn giải pháp kinh doanh và nhóm nền tảng tìm kiếm & quảng cáo (Business Solutions and Search & Advertising Platform Group)
  • Phó chủ tịch điều hành Cloud and Enterprise.

Vào ngày 4 tháng 2 năm 2014, Nadella được hội đồng quản trị Microsoft công bố sẽ là CEO mới của công ty. Với quyết định quan trọng này Satya Nadella đã chính thức trở thành người đứng đầu Microsoft sau 22 năm gắn bó với công ty, đồng thời trở thành vị giám đốc điều hành thứ ba trong lịch sử Microsoft, sau Steve Ballmer và nhà sáng lập Bill Gates.

Ngay sau khi nắm giữ cương vị mới, Satya Nadella đã tiến hành những cải tổ mạnh mẽ nhằm vực dậy công ty sau nhiều năm “tụt dốc không phanh”. Ông đã quyết định loại bỏ toàn bộ cơ cấu quản lý lỗi thời và phản tác dụng, vốn xuất hiện đầy rẫy những mâu thuẫn trong khâu vận hành chung tại công ty phần mềm lớn nhất thế giới này, và thay thế bằng một cơ chế quản lý mới dựa trên sự thay đổi trong cấu trúc quản lý nhân sự, bằng cách tạo ra một môi trường làm việc hợp tác hơn.

Quyết định thay đổi của Satya Nadella đã giúp tạo ra một loại hình tổ chức hợp tác chặt chẽ hơn trong môi trường làm việc tại Microsoft, đồng thời tạo lập một môi trường hợp tác cần thiết để giúp nâng cao tính cạnh tranh trong từng bộ phận của công ty, qua đó giúp họ có thể đương đầu một cách chủ động hơn với sự ganh đua trong thế giới kỹ thuật số ngày nay.

Về đối ngoại, điều làm nên danh tiếng của Satya Nadella cũng như sự thành công mà Microsoft có được ngày nay chính là “Chiến lược đối tác tích cực” mà ông xây dựng đối với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Rõ nét nhất chính là sự thay đổi mạnh mẽ trong thái độ hợp tác của Microsoft với các công ty cạnh tranh, bao gồm Apple Inc, Salesforce, IBM, Dropbox, và thậm chí là cả Linux.

Nadella cũng đã thẳng thừng từ bỏ chiến lược cạnh tranh gay gắt đến mức có phần tiêu cực của Microsoft nhằm vào các đối thủ dưới thời Steve Ballmer (trước đây, vị CEO này đã từng gọi Linux là một căn bệnh ung thư), và đã chấp nhận hợp tác toàn diện hơn với đối thủ, theo hình thức đôi bên cùng có lợi. Sự xuất hiện mới đây của bản phân phối Arch Linux cho WSL trên Microsoft Store, hay việc Microsoft đề nghị góp mặt trong Linux-distros security mailing list chính là minh chứng rõ nét nhất cho cách nghĩ, cách làm hoàn toàn khác biệt của Satya Nadella so với người tiền nhiệm, và cũng chính điều này đã mang lại thành công cho ông và công ty.

Satya Nadella luôn được đánh giá là một nhà quản lý thiên tàiTrong suốt 5 năm nắm giữ cương vị CEO Microsoft, Satya Nadella luôn được giới quan sát đánh giá là một nhà quản lý, hoạch định chiến lược thiên tài

Dưới thời Nadella, Microsoft đã sửa đổi tuyên bố sứ mệnh của mình, đó là "trao quyền cho mọi người và mọi tổ chức trên hành tinh để đạt được nhiều hơn", thay vì "một PC trên mọi bàn làm việc và trong mọi gia đình, chạy phần mềm Microsoft" như trong triều đại Bill Gates. Ông nói rằng đó là một nhiệm vụ lâu dài, thay vì một mục tiêu tạm thời. Mục tiêu chính của ông là biến văn hóa doanh nghiệp của Microsoft trở nên coi trọng việc học hỏi và phát triển liên tục.

Dấu ấn rõ nét của Satya Nadella trên cương vị CEO còn được thể hiện rõ nét qua những thương vụ mua bán đình đám và cực kỳ hiệu quả. Thương vụ mua lại lớn đầu tiên được tiến hành theo sự chỉ đạo của Nadella là Mojang, một công ty game có trụ sở tại Thụy Điển, nổi tiếng toàn thế giới với trò chơi Minecraft, vào cuối năm 2014, với giá 2.5 tỷ USD. Sau đó là công ty hỗ trợ phát triển ứng dụng di động Xamarin và mạng xã hội doanh nghiệp lớn nhất thế giới LinkedIn vào năm 2016, và gần đây nhất là dịch vụ cung cấp kho lưu trữ mã nguồn dựa trên nền tảng web cho các dự án phát triển phần mềm GitHub vào năm 2018. Tất cả điều đã mang về những khoản lợi nhuận kếch xù cho Microsoft.

Trong suốt 5 năm nắm giữ cương vị CEO Microsoft, Satya Nadella luôn được giới quan sát đánh giá là một nhà quản lý, hoạch định chiến lược thiên tài. Các quyết định của ông đã giúp cổ phiếu Microsoft tăng gấp ba lần vào tháng 9 năm 2018, với tốc độ tăng trưởng lến tới 27% mỗi năm. Trong lá thư gửi các nhân viên của mình, vị CEO có viết một câu như sau: “Ngành công nghiệp của chúng ta, con đường mà tôi và các bạn đang đi không phải là một nơi thích hợp để sống mãi với những vinh quang của quá khứ. Trong lĩnh vực công nghệ, người ta chỉ tôn trọng và quan tâm đến sự đổi mới”, đó chính là cách nghĩ, cách làm ông tại Microsoft.

Vào tháng 12 năm 2018, Comparably đánh giá ông là CEO số 1 Hoa Kỳ, và rõ ràng điều này không phải do may mắn mà có được.

Bằng cách đặt lời nói của mình vào từng hành động, có thể khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, Nadella đã thực sự thành công trong việc gây dựng lên một sự chuyển đổi văn hóa và chiến lược đối với Microsoft, đồng thời đó cũng là nguồn cảm hứng cho sự đổi mới, dám nghĩ dám làm trong toàn bộ thế giới công nghệ. Đó chính là cách nghĩ, cách làm mà mọi nhà quản trị doanh nghiệp trẻ tuổi trên thế giới đều nên tham khảo.

Một cách lặng lẽ, thông minh, và không hề phô trương, Satya Nadella đã biến Microsoft thành một doanh nghiệp hoàn toàn lột xác, sẵn sàng đương đầu với sự cạnh tranh đến nghẹt thở trong thế kỷ 21 này.

Thứ Sáu, 02/08/2019 13:35
56 👨 3.873
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Trí tuệ Thiên tài