Microsoft chính thức đệ đơn xin gia nhập “hội kín Linux”

Trong vài năm trở lại đây, Microsoft đã thay đổi hoàn toàn thái độ với Linux, từ đối lập, thù địch sang hợp tác cùng phát triển. Động thái mới nhất của gã khổng lồ Redmond cho thấy họ thực sự nghiêm túc với các dự án liên quan đến Linux đó là việc đề nghị góp mặt trong Linux-distros security mailing list - danh sách gửi thư điện tử đặc biệt chỉ dành cho các nhà phân phối Linux, được sử dụng để gửi đi những báo cáo riêng trong nội bộ các công ty phát triển, phân phối Linux đã được cấp phép, cũng như phối hợp và thảo luận các vấn đề về bảo mật đối với những bản phát hành Linux.

Microsoft đã thay đổi hoàn toàn thái độ với LinuxMicrosoft đã thay đổi hoàn toàn thái độ với Linux

Nếu được góp mặt trong “hội kín” này, Microsoft sẽ có quyền truy cập sớm vào các lỗ hổng bảo mật liên quan đến Linux, qua đó có thể chủ động bổ sung đóng góp của riêng mình cũng như đảm bảo sự ổn định cho các sản phẩm phát triển dựa trên Linux mà họ đang phân phối.

Microsoft gần đây đã tiết lộ kết quả thống kê cho thấy Linux đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn so với Windows Server trên các máy chủ Azure của họ. Việc giữ an toàn cho tất cả các khách hàng rõ ràng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đây là lý do hoàn hảo để Microsoft thôi thúc các nhà quản lý Linux chấp thuận đề nghị gia nhập Linux-distros security mailing list.

Linux-distros security mailing list hiện bao gồm những tên tuổi quen thuộc như FreeBSD, NetBSD và hầu hết các nhà phân phối Linux lớn bao gồm Canonical, Debian, Red Hat, SUSE và một số nhà cung cấp dịch vụ Linux đám mây như Amazon Web Services (AWS) và Oracle. “Hội kín” này chính là nơi để họ bàn luận và tìm hướng giải quyết đối với các vấn đề bảo mật chưa được phát hành chính thức, cũng như phát triển các bản sửa lỗi nhanh chóng.

Microsoft tham gia lần “đăng ký xét duyệt” này với tư cách là một nhà phân phối Linux mới. Sasha Levin, kỹ sư phát triển nhân Linux tại Microsoft cho biết:

"Microsoft sở hữu kinh nghiệm lâu năm, lên tới hàng thập kỷ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo mật thông qua Microsoft Security Response Center (MSRC). Mặc dù chúng tôi có thể nhanh chóng (trong khoảng 1-2 giờ) tạo bản dựng để giải quyết các vấn đề bảo mật vừa được phát hiện, tuy nhiên chúng tôi muốn chủ động kiểm tra và xác thực mở rộng đối với những vấn đề về bảo mật trước khi phát hành công khai các bản dựng. Trở thành thành viên của Linux-distros security mailing list sẽ cung cấp cho Microsoft thêm thời gian cần thiết để thử nghiệm các bản dựng trên phạm vi rộng và chặt chẽ hơn".

Trong đề nghị gia nhập Linux-distros security mailing list, phía Microsoft cũng không quên nhắc đến việc tỷ lệ khách hàng sử dụng Linux trên dịch vụ đám mây Azure của họ đã vượt qua chính Windows, do đó, MSRC đã bắt đầu nhận được ngày càng nhiều hơn các báo cáo bảo mật liên quan đến những vấn đề với mã Linux cả từ người dùng cá nhân lẫn nhà cung cấp.

Tỷ lệ khách hàng sử dụng Linux đã vượt Windows trên Azure Tỷ lệ khách hàng sử dụng Linux đã vượt Windows trên Azure

Đề nghị xin gia nhập Linux-distros security mailing list của Microsoft sẽ được đưa ra bàn thảo và bỏ phiếu công khai trong vài tuần tới. Khả năng cao là Microsoft sẽ thành công bởi công ty đang nhận được sự ủng hộ của một vài tên tuổi lớn trong thế giới Linux, đặc biệt trong số đó phải kể tới Tyler Hicks, kỹ sư chịu trách nhiệm chính cho Canonical Linux. Tyler cho rằng việc Microsoft tham gia trực tiếp vào các bản phân phối Linux sẽ đem lại lợi ích cho các thành viên khác.

Mọi thứ đều đang ủng hộ Microsoft, có lẽ việc họ trở thành thành viên chính thức của Linux-distros security mailing list sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thứ Ba, 09/07/2019 08:00
4,36 👨 1.265
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ