Như chúng ta đã biết Facebook - mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới hiện nay với gần 2.5 tỷ người dùng - được ra mắt trong một gian phòng ký túc xá chật chội vào năm 2004, bắt nguồn từ ý tưởng táo bạo của một nhóm sinh viên Harvard.
Mark Zuckerberg - thành viên chủ chốt của nhóm giờ đây đã trở thành một trong những CEO giàu có và nổi tiếng nhất thế giới. Thế nhưng sau gần 15 năm kể từ khi ra mắt, có vẻ như sự thành công của Facebook cũng gắn liền với những vấn đề không đơn giản, kể cả trong cách thức vận hành của công ty cũng như trong mối quan hệ của đội ngũ đồng sáng lập - những người đã từng rất đồng lòng, cùng chung một chí hướng khi còn là những cậu sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết 15 năm về trước.
Hôm thứ năm 9/5 vừa qua, Chris Hughes, một trong những nhà đồng sáng lập khác của Facebook, đã trở thành người mới nhất lên tiếng chỉ trích Mark Zuckerberg cũng như chính sách quản lý công ty của vị CEO trên tờ New York Times, đồng thời kêu gọi trang mạng xã hội này nên được cải tổ toàn diện mà cụ thể ở đây là chia tách thành nhiều bộ phận nhỏ, và yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cần phải bổ sung thêm những quy định cứng rắn hơn đối với lĩnh vực công nghệ nói chung.
Vậy Chris Hughes, nhà đồng sáng lập Facebook ít được biết đến này thực sự là ai và có tầm ảnh hưởng như thế nào trong thế giới công nghệ nói chung và đối với Facebook nói riêng? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.
Chris Hughes, kỹ sư công nghệ 35 tuổi người Mỹ, là nhà đồng sáng lập của Facebook nhưng đã rời khỏi đội ngũ lãnh đạo của trang mạng xã hội này gần một thập kỷ trước với số cổ phần nhỏ trong công ty. Mặc dù không đạt được sự nổi tiếng hay sở hữu khối tài sản khổng lồ như Mark Zuckerberg, nhưng sự nghiệp sau khi rời khỏi Facebook của Chris Hughes cũng không hề kém cạnh Mark chút nào. Chris Hughes là một trong những người chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Barack Obama với tư cách là biên tập viên của 2 tờ báo nổi tiếng: Tạp chí The New Republic và tờ Universal Basic Income (UBI), cũng như là người đứng đầu nhiều chiến dịch cải cách xã hội lớn khác
Dưới đây là một vài nét khái quát về cuộc đời của Chris Hughes, trong chuyến hành trình từ một cậu sinh viên Harvard đến đồng sáng lập Facebook và bây giờ là một trong những nhà phê bình lớn nhất của thế giới công nghệ.
Chris Hughes sinh ngày 26 tháng 11 năm 1983 tại Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Thủa thiếu thời, ông sinh sống và học tập tại thành phố Hickory, ngay gần trung tâm của tiểu bang.
Khi đến thời trung học, Hughes quyết định “trốn thoát” khỏi sự tẻ nhạt của miền Nam nước Mỹ và theo học tại trường trung học nội trú thuộc Học viện Phillips ở Massachusetts với một "gói hỗ trợ tài chính rất hào phóng cho những tài năng trẻ".
Những trải nghiệm mới trong suốt quãng thời gian theo học tại trường trung học nội trú đã góp phần tạo nên những thay đổi đáng kinh ngạc đối với Chris Hughes, từ phong cách sống đến cách thức tư duy.
Hughes sau đó nhận được học bổng vào Đại học Harvard, và tại đây anh đã gặp gỡ và kết thân với Mark Zuckerberg vào năm thứ nhất (2002). Ở thời điểm đó, "Facebook" mới chỉ manh nha là một ý tưởng bắt nguồn "như một dự án thử nghiệm" diễn ra trong nội bộ của trường Đại học Harvard.
Hughes đã được “kết nạp” vào nhóm để giúp phát triển những ý tưởng mới cho Facebook. Mặc dù ông không phải là người siêu giỏi hay có “tiếng nói” trong trường, thế nhưng Chris Hughes lại tỏ ra lão luyện đối với những kiến thức liên quan đến trải nghiệm người dùng và thiết kế sản phẩm - cũng bởi thế mà ông có biệt danh "Empath" (nghĩa là người biết thấu cảm, có khả năng hiểu được cảm xúc mà một ai đó đang phải trải qua). Trong 2 năm tiếp theo, tuy không công bố chính thức nhưng Chris Hughes vẫn được biết đến với tư cách là người chịu trách nhiệm chính về tất cả các thử nghiệm beta và đề xuất sản phẩm của Facebook.
Đến năm thứ hai, Hughes và Zuckerberg “đã về chung 1 nhà”, 2 người chuyển đến ở cùng trong một gian phòng ký túc xá để tiện cho công việc cộng tác chung. Và thế là gian phòng ký túc xá của 2 sinh viên trẻ này giờ đây đã trở thành một “địa danh” nổi tiếng tại Harvard. Không chỉ dừng lại ở đó, nó cũng được nhắc đến rất nhiều lần trong một bộ phim có tiêu đề "The Social Network", sản xuất năm 2010, kể về những ngày đầu của Facebook, trong đó vai diễn Chris Hughes do nam diễn viên Patrick Mapel thủ vai đã được khắc họa hết sức sống động. Tuy nhiên bộ phim cũng đã phải nhận khá nhiều chỉ trích sau khi được lên sóng, trong đó có cả Chris Hughes. Ông cho rằng bộ phim đã phóng đại khá nhiều chi tiết. "Phòng ký túc xá của chúng tôi trên thực tế trông không giống một căn hộ cao cấp như trong phim và (theo hiểu biết của tôi!) không có bất kỳ hoạt động tình dục nào trong phòng tắm cả!”.
Vào tháng 3 năm 2004, Zuckerberg và Hughes đã lần đầu tiên cùng nhau thảo luận về vấn đề vốn sở hữu của Hughes trong công ty. Hughes đã yêu cầu 10% cổ phần, nhưng Zuckerberg không đồng ý với đề xuất đó. Sau một hồi tranh luận căng thẳng, cuối cùng Hughes cũng chấp nhận con số 2% cổ phần của công ty - mức thấp nhất trong số các nhà đồng sáng lập của Facebook.
Mọi chuyện sau đó đã được dàn xếp ổn thỏa. Đến kỳ nghỉ hè sau năm thứ hai tại trường đại học, Hughes đã cùng Zuckerberg và một người đồng sáng lập khác là Dustin Moskovitz quyết định tổ chức một chuyến đi đến Thung lũng Silicon để “học hỏi kinh nghiệm”. Sau chuyến đi này, Moskovitz và Zuckerberg đã quyết định rời Harvard để ở lại California phát triển dự án Facebook một cách nghiêm túc. Tuy nhiên Hughes lại chọn quay trở lại Harvard và tiếp tục chương trình học.
Chris Hughes tốt nghiệp Harvard đúng hạn vào năm 2006 với tấm bằng giỏi chuyên ngành lịch sử và văn học Pháp, ngay cả khi trước đó ông đã phải dành "vài giờ mỗi ngày" trong năm cuối đề làm việc trong dự án Facebook. Sau khi tốt nghiệp, Hughes ngay lập tức chuyển đến Thung lũng Silicon và gia nhập vào nhóm của Zuckerberg tại Palo Alto với tư cách là người phát ngôn của Facebook. Đồng thời từ thời điểm này, ông cũng được biết đến là một trong những nhân tố chính trong việc phát triển nhiều tính năng phổ biến của Facebook, góp phần quan trọng đưa Facebook ra “biển lớn”.
Hughes ở lại với Facebook thêm vài năm nữa, trong thời gian đó, Facebook đã nhận được lời đề nghị mua lại từ nhiều công ty công nghệ lớn đương thời, trong đó nổi bật nhất là lời đề nghị trị giá 1 tỷ USD từ Yahoo, nhưng Mark Zuckerberg đã từ chối tất cả.
Khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ diễn ra vào cuối năm 2006, Facebook đã cho phép các ứng cử viên chính trị thiết lập các trang hồ sơ đặc biệt trên mạng xã hội này. Chris Hughes được giao nhiệm vụ giúp đội hỗ trợ trang của Barack Obama. Từ đây, Hughes bắt đầu quan tâm đến vấn đề chính trị cũng như chiến dịch của vị ứng viên đảng Dân chủ này, và cuối cùng ông đã quyết định rời Facebook để tham gia hỗ trợ chiến dịch tranh cử tổng thống - một công việc mà ông không có nhiều kinh nghiệm.
Hughes sau đó chuyển đến Chicago và được biết đến như là "bậc thầy tổ chức sự kiện trực tuyến" trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Obama. Ông là người đứng sau những chiến dịch vận động trên mạng xã hội cực kỳ thành công của "phe" Obama. Đồng thời cũng là người quản lý trang web my.BarackObama.com để qua đó, những người ủng hộ có thể tìm hiểu thêm về các sự kiện, tình nguyện và tổ chức ở cấp địa phương.
Sau khi gặt hái được những thành công nổi bật trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Obama, Hughes đã dành thời gian theo đuổi thêm một vài ý tưởng khác nhau. Ông có một thời gian ngắn làm doanh nhân tại công ty đầu tư mạo hiểm General Catalyst. Năm 2010, ông thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Jumo, hiện được gọi là Global Giving, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên cung cấp nền tảng gây quỹ cộng đồng toàn cầu nhằm hỗ trợ cho các dự án từ thiện cơ sở.
Chuyến phiêu lưu tiếp theo của Hughes diễn ra vào năm 2012 khi ông quyết định mua lại phần lớn cổ phần của tờ tạp chí lâu đời The New Republic. Chris Hughes cho biết ý tưởng và sự quan tâm đến việc tạo lập "tương lai dài hạn của một nền báo chí chất lượng cao” chính là lý do thúc đẩy ông đi đến quyết định quan trọng này. Sau sự kiện trên, Chris Hughes chính thức trở thành nhà quản lý kiêm tổng biên tập của The New Republic, đồng thời điều này cũng đã dẫn đến những sự thay đổi lớn trong nội bộ của tạp chí với sự ra đi của nhiều cây bút kỳ cựu, cũng như sự gia nhập của không ít cây bút trẻ với tư duy và quan điểm trong công việc tương đồng hơn với Chris Hughes. Sau 4 năm giữ vị trí tổng biên tập với số tiền đầu tư lên đến 25 triệu đô la, Hughes đã quyết định bán The New Republic vào năm 2016 và tìm kiếm cho mình một “chân trời mới”.
Thời điểm Facebook gia nhập thị trường chứng khoán vào tháng 5 năm 2012, Chris Hughes đã rời công ty được khoảng 5 năm. Tuy nhiên, 2% cổ phần trước kia của ông trong công ty đã tăng giá trị lên khoảng 500 triệu đô la bởi sự phát triển ấn tượng của Facebook. Hughes đã quyết định rút toàn bộ số tiền này ngay sau khi Facebook hoàn tất IPO.
Hiện nay, Chris Hughes đang giữ vai trò là đồng chủ tịch của Economic Security Project, một mạng lưới thúc đẩy việc đảm bảo các vấn đề về tiền lương và thu nhập cơ bản ở Hoa Kỳ. Economic Security Project có liên quan chặt chẽ đến Universal Basic Income, một hệ thống giúp đảm bảo mọi công dân sở hữu thu nhập dưới một mức nhất định tại Hoa Kỳ sẽ nhận được một khoản trợ cấp hàng tháng.
Nói qua một chút về cuộc sống cá nhân của Hughes: Năm 2012, ông kết hôn với Sean Eldridge, một nhà hoạt động chính trị và được biết đến là người đấu tranh hết mình cho hôn nhân đồng giới. 2 người đã gặp gỡ và làm quen với nhau ngay trong những năm tháng đại học. Khi cặp đôi này kết hôn, họ chính là 2 trong số những người dùng Facebook đầu tiên sử dụng những biểu tượng cũng như tính năng dành riêng cho các cặp đôi đồng giới trên trang mạng xã hội này.
Vào ngày Giáng sinh của năm 2018, cặp đôi Hughes và Eldridge tuyên bố trên Facebook rằng họ có một cậu con trai.
Trong một bản op-ed (bài biên tập ý kiến) được xuất bản vào tháng 5 năm 2019, Chris Hughes đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ có những động thái cứng rắn hơn đối với Facebook sau hàng hoạt những bê bối nghiêm trọng liên quan đến sử dụng trái phép dữ liệu và xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. Bên cạnh đó ông cũng cảnh báo chính phủ về "những nguy hiểm đến từ sự độc quyền của Facebook" và cho rằng Mark Zuckerberg đã quá ưu tiên đến sự phát triển của công ty mà làm ngơ những tiêu chuẩn về quyền riêng tư, an toàn thông tin, cũng như sự dân chủ của người dùng.
Tài sản của Chris Hughes hiện được ước lượng trị giá hơn 500 triệu đô-la Mỹ.