Doanh nghiệp có thể học được những gì từ sự chuyển mình kỳ diệu mà Satya Nadella thực hiện tại Microsoft?

Báo cáo thu nhập theo quý mới nhất của Microsoft đã cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng nhất của công ty trong "kỷ nguyên Satya Nadella“. Gần như mọi chỉ số hiệu suất đều đạt mức tăng thậm chí còn vượt quá kỳ vọng. Trong quý vừa rồi, gã khổng lồ Redmond sở hữu tổng doanh thu ước đạt 30.6 tỷ đô la, trong đó thu nhập ròng là 8.8 tỷ đô la và thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 1.14 đô la (ấn tượng hơn rất nhiều so với doanh thu 26,8 tỷ đô la, thu nhập ròng 7.4 tỷ đô la và thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 0,95 đô la trong quý 3 năm 2018 trước đó).

Những con số này chính là bằng chứng mạnh mẽ nữa cho thấy những gì đã diễn ra tại Microsoft trong vài năm trở lại đây thực sự là một câu chuyện cổ tích thần kỳ của thế giới công nghệ. Khi Satya Nadella “nắm quyền cai trị” Microsoft từ người tiền nhiệm Steve Ballmer vào đầu năm 2014, đế chế công nghệ đình đám một thời này đã gần hoàn thành thương vụ mua lại trị giá 7 tỷ đô la đối với bộ phận Thiết bị và Dịch vụ Nokia, nhằm thúc đẩy dự án Windows Phone mờ nhạt của mình. Ở “mặt trận” khác, công ty đồng thời cũng phải đối mặt với những sự chỉ trích nặng nề từ phía người dùng ngay trên chính “sân nhà” của mình với dự án hệ điều hành Windows 8 vốn có quá nhiều vấn đề.

CEO Satya Nadella

Microsoft đã không thể hoàn thành được mục tiêu chiếm lĩnh thị trường điện thoại thông minh từ tay kẻ thù truyền kiếp Apple. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực điện toán đám mây, Microsoft cũng phải chịu sức ép cực lớn đến từ Amazon và trong thị trường công cụ tìm kiếm, họ đã hoàn “vỡ trận” trước Google. Mặc dù ở thời điểm đó doanh thu của Microsoft vẫn không đến nỗi bi đát, nhưng uy tín của họ đã chạm đáy sau gần 40 năm tồn tại trên thị trường. Nói tóm lại, khi Satya Satya Nadella trở thành CEO vào tháng 1 năm 2014, gã khổng lồ công nghệ Microsoft chỉ còn là cái bóng của chính mình trong vinh quang có được từ những năm 90 của thế kỷ trước, và bất chấp việc Microsoft được bổ nhiệm một CEO mới, nhiều người khi đó vẫn tin rằng những ngày tháng tươi đẹp nhất của công ty đã thực sự trôi qua và họ đang dần bước vào giai đoan suy thoái cục bộ.

Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, CEO Satya Nadella đã chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng nhận định trên là hoàn toàn sai lầm. Sau 5 năm hoạt động dưới sự dẫn dắt của CEO tài năng gốc Ấn Độ, Microsoft đã trải qua những bước chuyển mình mang tính chiến lược. Giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng gấp ba lần so với trước khi Nadella xuất hiện, lần đầu tiên đưa họ vượt qua mức định giá 1 nghìn tỷ đô la và cũng là lần đầu tiên khôi phục lại được vị trí của công ty có giá trị niêm yết công khai lớn nhất thế giới, vượt trên cả những ông kẹ ở thời điểm hiện tại là Amazon và Apple. Vâng, Microsoft đã chính thức trở lại “cuộc chơi”.

Sau 5 năm hoạt động dưới sự dẫn dắt của CEO tài năng gốc Ấn Độ, Microsoft đã trải qua những bước chuyển mình mang tính chiến lược.

Vậy phép màu của Satya Nadella là gì? Làm thế nào để vị CEO có thể vực dậy đế chế đang trên bờ vực suy tàn một cách thần kỳ chỉ trong vòng chưa đầy nửa thập kỷ? Để làm sáng tỏ điều này, hãy lục tìm lại bức email đầu tiên mà Satya Nadella gửi cho các nhân viên của mình với cương vị người đứng đầu Microsoft. Thay vì cứ mãi ngủ quên với thời kỳ hoàng kim trong quá khứ, Satya Nadella đã nói rất nhiều về tương lai phát triển của Microsoft, trong đó đặc biệt nêu bật tầm quan trọng của điện toán đám mây và thiết bị di động đối với sứ mệnh vực lại công ty. Trong lá thư, vị CEO có viết một câu như sau: “Ngành công nghiệp của chúng ta, con đường mà tôi và các bạn đang đi không phải là một nơi thích hợp để sống mãi với những vinh quang của quá khứ. Trong lĩnh vực công nghệ, người ta chỉ tôn trọng và quan tâm đến sự đổi mới”. Theo Nadella, động lực để Microsoft phát triển và tiến lên phía trước hoàn toàn không nằm ở những thành công trong quá khứ, mà nó xuất phát từ những nỗ lực đổi mới của toàn thể công ty.

Bằng cách đặt lời nói của mình vào từng hành động, có thể khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, Nadella đã thực sự thành công trong việc gây dựng lên một sự chuyển đổi văn hóa và chiến lược đối với Microsoft, đồng thời đó cũng là nguồn cảm hứng cho sự đổi mới, dám nghĩ dám làm trong toàn bộ thế giới công nghệ. Hãy cùng xem Satya Nadella đã làm được những gì sau 5 năm “chiến đấu” ở Microsoft, và chúng ta có thể học hỏi được những gì từ sự thành công này.

Văn hóa hợp tác trong môi trường doanh nghiệp

Sau khi Steve Ballmer rời khỏi chiếc ghế Giám đốc điều hành, Microsoft đã quyết định loại bỏ toàn bộ cơ cấu quản lý lỗi thời và phản tác dụng, vốn xuất hiện đầy rẫy những mâu thuẫn trong khâu vận hành chung. Trước khi loại bỏ cơ cấu quản lý kém hiệu quả này vào năm 2013, các nhà quản lý tại Microsoft đã được khuyến khích đưa ra một số đánh giá hiệu suất tiêu cực nhất định đối với nhân viên của mình theo kiểu “bới lông tìm vết” mà họ cho rằng điều đó sẽ giúp nhân viên có thái độ làm việc tích cực hơn. Nói cách khác, các nhà quản lý đã buộc phải đưa ra những đánh giá tiêu cực cho nhân viên, ngay cả khi họ không đáng bị như vậy. Tuy nhiên kết quả thì như chúng ta đã biết, cơ cấu quản lý này không những không thể giúp năng suất lao động tăng cao, mà còn khiến mâu thuẫn giữa các nhân viên và giới quản lý ngày càng nghiêm trọng. Nó đã hoàn toàn phản tác dụng.

Văn hóa hợp tác trong môi trường doanh nghiệp

Satya Nadella đã xây dựng một cơ chế quản lý mới dựa trên sự thay đổi trong cấu trúc quản lý nhân sự, bằng cách tạo ra một môi trường làm việc hợp tác hơn, đơn cử như việc tích cực tổ chức sự kiện Microsoft Hackathon hàng năm, đồng thời biến nó trở cuộc thi phát triển phần mềm hackathon tư nhân lớn nhất thế giới. Sở dĩ nói Hackathon có thể giúp thúc đẩy văn hóa hợp tác trong môi trường doanh nghiệp là bởi cuộc thi này có thể được coi như là một ngày hội để nhân viên từ các khu vực, phòng ban khác nhau trong công ty cùng hợp tác hay cạnh tranh trong từng dự án cụ thể, từ đó hiểu nhau hơn. Trước khi có sự kiện Microsoft hackathon, các phòng ban riêng biệt trong công ty đã bị hạn chế cạnh tranh liên tục với nhau. Các hoạt động như hackathon đã giúp tạo ra một loại hình tổ chức hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời tạo lập một một trường hợp tác cần thiết để giúp nâng cao tính cạnh tranh trong từng bộ phận của một doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp đương đầu với sự ganh đua trong thế giới kỹ thuật số ngày nay.

Chiến lược đối tác tích cực

Tại hội nghị WSJD Live 2016, CEO Satya Nadella đã thừa nhận: “Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi rõ ràng là đã lỡ hẹn với lĩnh vực điện thoại di động”. Người đứng đầu Microsoft ngầm cho rằng công ty của đã không còn là đối thủ cạnh tranh với Apple và Samsung trong thị trường smartphone nữa và dự án Windows Phone chính thức đến hồi kết. Kể từ đó, Microsoft đã thay đổi hoàn toàn chiến lược kinh doanh trong mảng di động. Thay vì tập trung phát triển thiết bị phần cứng hay hệ điều hành di động như trước kia, công ty đã nỗ lực đưa các ứng dụng nổi tiếng làm nên danh tiếng cho mình, những ứng dụng Windows lên các hệ thống Android và iOS. Đáng chú ý, Nadella cũng từ bỏ luôn cả chiến lược cạnh tranh gay gắt đến mức có phần tiêu cực của Microsoft nhằm vào các đối thủ trước kia (CEO Steve Ballmer đã từng gọi hệ điều hành đối thủ Linux là một căn bệnh ung thư), và đã chấp nhận hợp tác nhiều hơn với các đối thủ, theo hình thức đôi bên cùng có lợi. Sự xuất hiện mới đây của bản phân phối Arch Linux cho WSL trên Microsoft Store chính là minh chứng rõ nét nhất cho cách nghĩ, cách làm hoàn toàn khác biệt của Satya Nadella so với người tiền nhiệm, và cũng chính điều này đã mang lại thành công cho ông và công ty.

Chiến lược đối tác tích cực

Chiến lược đối tác tích cực này là một trong những mô hình phát triển hiệu quả nhất trong lĩnh vực công nghệ hiện nay. Nó dựa trên thực tế rằng sự đổi mới và kinh nghiệm từ mỗi doanh nghiệp có thể mang đến giải pháp hiệu quả cho những thách thức cụ thể mà tổ chức kia phải đối mặt. Các cơ quan và chuyên gia tư vấn thường được thuê như những phương tiện bổ trợ một phần của chuỗi giá trị nhất định, hoặc giúp hoàn thành một dự án riêng biệt, tuy nhiên sự hợp tác không nên chỉ dừng lại ở đó. Ví dụ: Nadella đã liệt kê các bản phân phối Linux trong Windows Store để cấp quyền truy cập cho các nhà phát triển. Trong năm 2017, Microsoft là công ty đóng góp mã nguồn mở lớn nhất thế giới. Thông qua việc cách tiếp cận thị trường cởi mở để qua đó tăng cơ hội hợp tác với những đối tác mới, Microsoft đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực nguồn mở này. Thêm một ví dụ “có sức nặng” khác. Microsoft đã đánh bại đối thủ cạnh tranh Google trong việc mua lại nền tảng nguồn mở lớn nhất thế giới GitHub với giá 7.5 tỷ USD.

Dám đánh cược cho tương lai

Satya Nadella cũng đặc biệt quan tâm đến công nghệ tương lai bằng cách đầu tư rất nhiều vào điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. Năm 2017 Microsoft đã cho ra mắt một bộ phận AI riêng biệt với hơn 5.000 nhà khoa học máy tính và kỹ sư phần mềm. Đồng thời họ cũng giới thiệu dịch vụ đám mây thông minh (Intelligent Cloud), bao gồm các sản phẩm chiến lược như Server và Azure. Với sự đầu tư không biết mệt mỏi như vậy, Microsoft đã chính thức trở lại cuộc đua cho ngôi vương trong lĩnh vực dịch vụ đám mây. Họ hiện là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Amazon Web Services về mảng phục vụ nhu cầu đám mây của các doanh nghiệp lớn. Thậm chí trên thực tế, Microsoft hiện đã vượt qua Amazon về thu nhập trong lĩnh vực này, và đã “đòi” lại được danh hiệu công ty cung cấp dịch vụ đám mây thương mại lớn nhất thế giới.

Dám đánh cược cho tương lai

Về mảng AI, Microsoft cũng đã hoàn tất một loạt các vụ mua lại với hiệu quả cao, từ GitHub và Citrus Data đến LinkedIn và Lobe, đồng thời xây dựng một hệ thống nguồn mở cho AI để các nhà phát triển có thể truy cập và đóng góp dễ dàng hơn. Xác định các nhà cung cấp nền tảng tiềm năng cao mới nổi và tận dụng sự tăng trưởng của họ thông qua quan hệ đối tác hoặc mua lại độc quyền là một phương thức mạnh mẽ nhằm hợp lý hóa quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của bất kỳ loại hình kinh doanh nào, và hiệu quả của chiến lược này đối với một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới như Microsoft ở thời điểm hiện tại là rất rõ ràng. Chiến lược đầu tư như vậy đã góp phần kiến tạo nên một kiến trúc liền mạch cho Microsoft trong việc mở rộng không gian của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Dựa trên nền tảng kinh doanh tiêu dùng mạnh mẽ truyền thống cũng như sự phổ biến của bộ công cụ Office, Microsoft hiện đã là một địa chỉ quen thuộc, đáng tin cậy đối với đồng doanh nghiệp (LinkedIn) và cộng đồng nhà phát triển (GitHub), và họ hoàn toàn có thể tạo sự khác biệt trong không gian doanh nghiệp thông qua Azure và đám mây để giúp các doanh nghiệp thực hiện những sự chuyển đổi cho riêng mình một cách dễ dàng hơn. Doanh thu chủ yếu của Microsoft hiện đang đến từ các sản phẩm thực tế, thay vì dữ liệu, và chính người tiêu dùng - chứ không phải là sản phẩm - mới là yếu tố mang lại cho Microsoft một sự tin tưởng hơn nữa vào hướng đi của mình, và bảo vệ họ trước những thách thức mà các gã khổng lồ công nghệ khác đang phải đối mặt.

Microsoft đang quan tâm đến AI

Trong cuốn sách có tựa đề Hit Refresh của mình, Satya Nadella giải thích rõ những bí mật đằng sau sự chuyển đổi về chiến lược và văn hóa của Microsoft. Ông cho rằng thủ thuật chung đối với bất kỳ chương trình chuyển đổi nào cũng đều được lấy cảm hứng từ cách thức trình duyệt làm mới trang web. Nadella đã đưa điều này vượt ra ngoài cấp độ tổ chức - ủng hộ thái độ chuyển đổi từ các doanh nghiệp, người dân và cả xã hội để qua đó khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.

Thành công trong doanh thu gần đây của Microsoft, và sự trở lại của họ trong cuộc chơi của những kẻ dẫn đầu, chính là ví dụ cho sự thành công của doanh nghiệp dám chuyển đổi và chuyển đổi một cách đúng đắn có thể đạt được. Một cách lặng lẽ, thông minh, và không hề phô trương, Satya Nadella đã biến Microsoft thành một doanh nghiệp hoàn toàn lột xác, sẵn sàng đương đầu với sự cạnh tranh đến nghẹt thở trong thế kỷ 21 này.

Thứ Năm, 16/05/2019 10:45
51 👨 497
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ