Về tác giả: Bài viết được dịch lại từ chia sẻ của tác giả Tim Urban đăng trên trang Wait But Why – một trang web rất nổi tiếng với những bài viết sâu sắc đi kèm hình minh họa sinh động trên nhiều chủ đề. Tháng 6/2015, Urban đã có một loạt các buổi phỏng vấn độc quyền với Elon Musk và cả hai đã cùng thảo luận về tầm quan trọng của phát triển giao thông bền vững, năng lượng Mặt Trời và tương lai của khám phá vũ trụ. Bản dịch dưới đây là một phần trong chuỗi bài viết giới thiệu về Elon Musk, Tesla và SpaceX do chính Tim Urban biên soạn. Bạn đọc quan tâm có thể truy cập vào link gốc ở cuối bài để đọc toàn bộ nội dung của tài liệu thú vị này.
Với những ai chưa biết, tôi muốn giúp các bạn tìm hiểu rõ hơn về con đường đưa Elon Musk trở thành tỷ phú tự thân, đồng thời là nguyên mẫu đời thực của nhân vật Tony Stark trong bộ phim Iron Man (Người Sắt). Tuy nhiên, trước hết, hãy để Richard Branson giải thích ngắn gọn:
Bất kể điều gì mà những kẻ hoài nghi nói rằng không thể làm thế được thì Elon đã đứng lên và thực hiện được. Bạn còn nhớ những năm 1990 chứ? Mỗi khi cần đặt mua một món đồ gì là chúng ta lại phải gọi điện và đọc số thẻ tín dụng của mình cho người bán hàng – dù không hề biết họ là ai? Khi ấy, Elon đã hình dung ra một thứ gọi là PayPal. Các công ty Tesla Motors và SolarCity của anh đang biến giấc mơ về một tương lai của năng lượng mới, sạch thành hiện thực... SpaceX thì đang mở ra con đường khám phá vũ trụ... Thực là một nghịch lý khi Elon vừa nỗ lực cải thiện hành tinh này lại vừa đóng tàu vũ trụ để giúp con người rời khỏi nó – Richard Branson, chủ tịch Virgin, đứng thứ 5 trong danh sách các doanh nhân giàu nhất nước Anh và tác giả của cuốn tự truyện nổi tiếng "Đường ra biển lớn".
Còn tôi, tôi chỉ thấy một vấn đề của Elon Musk là anh chàng này "tình cờ" có chân trong rất nhiều lĩnh vực: ô tô, hàng không vũ trụ, năng lượng Mặt Trời, dự trữ năng lượng, vệ tinh, vận chuyển trên mặt đất với tốc độ cao và đưa con người đặt chân tới nhiều hành tinh khác.
Có lẽ, thần Zeus còn ít căng thẳng hơn rất nhiều.
Con đường lập nghiệp của Elon Musk
Elon Musk sinh năm 1971 tại Nam Phi trong một gia đình có cha là kỹ sư và mẹ là chuyên gia dinh dưỡng kiêm người mẫu. Trải qua một tuổi thơ không mấy hạnh phúc và cũng không thể hòa nhập với bạn bè ở trường, Musk lựa chọn trở thành một cậu bé "mọt sách". Kimbal – em trai anh – từng tiết lộ rằng Musk thường đọc sách tới 10 tiếng/ngày – ban đầu chủ yếu là khoa học viễn tưởng và sau đó là những cuốn sách khoa học thực sự. Năm học lớp 4, Musk gần như dành trọn thời gian để ngấu nghiến cuốn Encyclopedia Britannica (Bách khoa toàn thư Britannica.).
Thứ mà bạn có thể thấy rõ khi tìm hiểu về tiểu sử Elon Musk đó là anh luôn nghĩ con người như những chiếc máy tính và theo nghĩa đen nhất, chúng ta thực sự là như vậy. Phần cứng của một con người đó chính là cơ thể và bộ não. Phần mềm - đó chính là cách tư duy, hệ thống giá trị, thói quen và tính cách. Và học tập, theo Musk, đơn giản là quá trình "tải xuống dữ liệu và các thuật toán vào trong bộ não". Musk quá thất vọng về việc học ở các lớp học truyền thống và anh nhận thấy ngồi nghe giáo viên giải thích về điều gì đó là một quá trình "tải xuống dữ liệu với tốc độ siêu chậm". Chính vì vậy, ở thời điểm đó, đa phần những gì anh biết đều nhờ đọc sách.
Elon Musk đắm chìm trong niềm đam mê thứ hai năm lên 9 tuổi khi anh lần đầu tiên được tiếp xúc với chiếc máy tính Commodore VIC-20, bao gồm 5 kilobyte bộ nhớ và một cuốn cẩm nang hướng dẫn lập trình giúp người dùng chinh phục kỹ năng này trong 6 tháng. Tuy nhiên, cậu bé 9 tuổi với bộ óc thông minh bẩm sinh đã hoàn thành nó chỉ trong 3 ngày. Ở tuổi 12, Musk đã tự tay thiết kế một video game có tên Blastar bằng những kiến thức mà anh đã tích lũy được (Musk nói với tôi rằng đó là một "trò chơi tầm thường... nhưng hay hơn Flappy Bird"). Năm 1983, Blastar đã được bán cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD (tương đương khoảng 1.200 USD) – không tệ đối với một cậu bé chỉ mới 12 tuổi.
Musk chưa bao giờ cảm thấy có nhiều sự kết nối với quê hương của mình, chẳng hạn như không hòa nhập được với văn hóa của những người Afrikaner (những người châu Âu da trắng đến Nam Phi định cư trong giai đoạn đầu khai thác thuộc địa) và anh coi đây là đất nước "đầy ác mộng" cho những người nuôi giấc mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, anh lại coi thung lũng Silicon như là "miền đất hứa" và năm 17 tuổi, anh quyết định rời khỏi Nam Phi mãi mãi. Do mẹ là người Canada nên việc Musk nhập cư vào đất nước này khá dễ dàng. Vài năm sau đó, thông qua chương trình chuyển tiếp đại học (college transfer) tới Đại học Pennsylvania, anh đặt chân đến Mỹ.
Thời gian ở trường đại học, Musk bắt đầu nghĩ về những việc muốn làm với cuộc đời của mình bằng cách đặt câu hỏi: "Điều gì có tác động lớn nhất đối với tương lai nhân loại?" và anh có câu trả lời với một danh sách gồm 5 thứ: "Internet; năng lượng bền vững; khám phá vũ trụ, đặc biệt là tìm kiếm những hành tinh có thể tồn tại sự sống như Trái Đất; trí thông minh nhân tạo và tái lập trình bộ mã di truyền của loài người".
Musk không hề chắc chắn về liệu rằng trí thông minh nhân tạo và tái lập trình bộ mã di truyền của loài người sẽ có tác động tích cực như thế nào và mặc dù là người khá lạc quan về 3 suy nghĩ đầu tiên (trong danh sách trên) nhưng anh cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tham gia vào lĩnh vực khám phá vũ trụ. Anh còn hai lựa chọn là Internet và năng lượng bền vững.
Cuối cùng, Musk quyết định theo đuổi năng lượng bền vững. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đăng ký chương trình đào tạo tiến sĩ của trường Đại học Stanford để nghiên cứu sâu hơn về các tụ điện có mật độ năng lượng cao – một công nghệ hướng đến việc tìm kiếm giải pháp dự trữ năng lượng hiệu quả hơn so với các loại pin truyền thống – điều mà anh biết rằng sẽ là yếu tố cốt lõi cho tương lai của năng lượng bền vững và giúp đẩy nhanh sự xuất hiện của ngành công nghiệp sản xuất xe điện.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi khóa học bắt đầu, hội chứng FOMO (Fear of missing out) hay còn được biết đến với tên gọi "sợ bỏ lỡ" bắt đầu khiến Musk nhấp nhổm, lo lắng. Thời điểm đó là năm 1995 (Internet mới bắt đầu chớm nở) và anh "không thể chịu đựng được cảnh "nhìn" Internet trôi qua từng ngày – chỉ muốn ngay lập tức nhảy vào và cải tạo nó". Chính vì vậy, Musk bỏ học và quyết định thử vận may với Internet.
Bước di chuyển đầu tiên của anh đó là cố gắng được vào làm tại công ty được xem là "con quái vật" về Internet vào thời đó – Netscape. Anh sử dụng chiến thuật đột ngột xuất hiện và lảng vảng ở sảnh công ty, đứng ngây người ra, thể hiện sự xấu hổ không dám bắt chuyện với người khác và bỏ đi ngay sau đó. Tuy nhiên, "kế hoạch hoàn hảo" này thất bại thảm hại.
Sau chiến dịch tìm việc không mấy ấn tượng, Musk hợp tác với em trai mình – Kimbal để thành lập một công ty của riêng họ và đặt tên là Zip2. Zip2 giống như sự kết hợp một cách sơ khai của Yelp và Google Maps mà vào thời đó, chưa hề có bất cứ thứ gì tương tự như vậy xuất hiện. Mục tiêu của họ là khiến cho các hãng kinh doanh nhận ra rằng việc có tên trên "Những trang vàng" (Yellow Pages) rồi sẽ tới lúc lỗi thời và đã đến lúc cần phải tham gia vào một "danh bạ trực tuyến". Hai anh em không một xu dính túi, phải ngủ và tắm nhờ tại văn phòng của YMCA (Hiệp hội thanh niên Cơ đốc). Musk – lúc đó, là lập trình viên chính – phải ngồi hàng giờ trước máy tính để làm việc và thách thức của cả hai đó chính là vào năm 1995, thật khó để thuyết phục các doanh nghiệp tin rằng Internet có vai trò quan trọng – nhiều trong số đó còn nói quảng cao trực tuyến giống như "chuyện ngớ ngẩn nhất mà họ từng nghe vậy". Tuy nhiên, cuối cùng thì hai người cũng bắt đầu có khách hàng và công ty dần phát triển. Trong giai đoạn Internet bùng nổ (những năm 1990), các công ty khởi nghiệp được mua đi bán lại rất nhộn nhịp và năm 1999, Compaq mua lại Zip2 với giá 307 triệu USD. Musk thu về 22 triệu USD. Khi đó, anh khoảng 27 tuổi.
Đúng với con người của Musk, sau khi kết thúc một công ty, anh ngay lập tức sẽ nghiên cứu và cho ra đời một cái mới hơn, phức tạp hơn với độ khó khăn gấp nhiều lần.
Một thông lệ của các triệu phú "thời bong bong dot.com" đó là sau khi đã đạt được thành công nào đó, họ hoặc sẽ rút rui vào hậu trường để tận hưởng những thú vui và làm việc như những nhà đầu tư thiên thần (những người giàu có, có khả năng cấp vốn cho một doanh nghiệp mới thành lập khác để đổi lấy quyền sở hữu một phần công đó) hoặc nếu vẫn còn tham vọng, sẽ thành lập một công ty mới bằng tiền của người khác. Tuy nhiên, Musk là người thích "phá luật". Anh không lựa chọn con đường nhàn hạ đó và quyết định dồn ¾ số tiền có trong tay để thực hiện một ý tưởng mới – một kế hoạch táo bạo với mục tiêu xây dựng một ngân hàng trực tuyến chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm tra số dư tài khoản, tiền gửi tiết kiệm và tài khoản của các nhà môi giới có tên X.com. Nghe có vẻ không có gì ngạc nhiên trong thời buổi hiện nay nhưng vào năm 1999, một công ty khởi nghiệp về Internet lại có ý định cạnh tranh với các "đại gia" ngân hàng là điều chưa bao giờ tồn tại.
Một trong nhiều điểm nổi bật của X.com đó là dịch vụ chuyển tiền thuận tiện và về sau, Confinity - một công ty tài chính Internet khác cùng tòa nhà với X.com, được thành lập bởi Peter Thiel và Max Levchin – cũng phát triển một dịch vụ tương tự. Cả hai công ty đều nhận ra được nhu cầu rất lớn của dịch vụ chuyển tiền dẫn tới một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Sau này, X.com và Confinity đã được sáp nhập lại với nhau tạo thành một công ty mới mà ngày hôm nay, đa phần ai cũng biết, đó chính là PayPal.
Thương vụ sáp nhập này, một mặt, tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng đồng thời quy tụ nhiều "cái tôi" được xem là căn nguyên của hàng loạt mâu thuẫn không đáng có. Minh chứng là dù phát triển nhanh chóng song nội bộ lại thiếu hòa khí và đến cuối năm 2000, xung đột lên đến đỉnh điểm. Những người chống lại Musk đã tiến hành "đảo chính" và đưa Thiel lên làm giám đốc điều hành. Dù vậy, Musk vẫn là người đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của công ty sau thời gian đó và là nhân tố cốt lõi trong thương vụ bán PayPal cho eBay với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002. Anh (khi đó là cổ đông lớn nhất) ra đi với 180 triệu USD bỏ túi.
Năm 2002, trước khi thương vụ bán PayPal cho eBay hoàn tất, Musk đã bắt đầu nghiên cứu về công nghệ tên lửa và cuối năm đó, với 100 triệu USD trong tay, anh khởi sự việc xây dựng một trong những công ty chưa từng ai nghĩ tới: một công ty tên lửa có tên là SpaceX với mục tiêu cách mạng hóa chi phí du hành vũ trụ để giúp con người trở thành một sinh vật có thể tồn tại được trên nhiều hành tinh thông qua quá trình "thuộc địa hóa" sao Hỏa với ít nhất 1 triệu "cư dân" trong thế kỷ tới.
Năm 2004, khi "dự án" này vừa mới đi vào hoạt động, Musk lại tiếp tục xây dựng thêm một công ty "không tưởng" khác: một công ty sản xuất xe điện có tên là Tesla với mục đích cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô trên toàn thế giới bằng cách đẩy nhanh sự hình thành của một thế giới chủ yếu sử dụng xe điện – để giúp loài người thực hiện một bước nhảy vọt tới tương lai của năng lượng bền vững. Anh cũng tự bỏ tiền túi để thực hiện ý tưởng này – khoảng 70 triệu USD mặc dù thực tế rằng lần thành công nhất của một startup sản xuất xe hơi ở Mỹ là trường hợp hãng Chrysler năm 1925, sau đó, không hề có thêm một công ty mới thành lập nào thuộc lĩnh vực này thành công nữa cả.
Hai năm sau đó, Musk lại bỏ ra 10 triệu USD để cùng với các anh em họ của mình thành lập một công ty khác có tên là SolarCity. Mục tiêu của họ là cách mạng hóa việc sản xuất năng lượng bằng cách tạo ra một công trình hạ tầng kỹ thuật có thể được phân bổ và trên quy mô lớn nhằm lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời cho hàng triệu hộ gia đình, góp phần giảm đáng kể lượng tiêu thụ điện năng được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và cuối cùng "đẩy nhanh việc đưa năng lượng bền vững vào sử dụng đại trà".
Khó khăn chồng chất
Nếu quan sát tất cả những sự kiện này trong 4 năm sau thương vụ bán PayPal, hẳn bạn sẽ nghĩ rằng đây là câu chuyện buồn về một triệu phú Internet mắc bệnh hoang tưởng, ôm đồm hàng loạt dự án bất khả thi và làm những thứ chỉ để phung phí số tiền mà gã đã kiếm được.
Đến năm 2008, SpaceX đã tìm ra cách sản xuất tên lửa nhưng chúng không hoạt động thực sự - ở thời điểm đó, họ đã phóng thử tên lửa 3 lần nhưng chúng đều nổ tung trước khi tiếp cận được quỹ đạo. Trong khi đó, để nhận được các nguồn đầu tư bên ngoài và các hợp đồng chuyên chở hàng hóa lên vũ trụ, SpaceX phải chứng minh được rằng họ có thể thực hiện thành công các đợt phóng tên lửa. Musk rối bời khi anh chỉ đủ tiền để thực hiện duy nhất một lần phóng nữa và nếu cũng thất bại thì SpaceX sẽ bị xóa sổ.
Trong khi đó, ở vịnh San Francisco, Tesla cũng rơi vào tình trạng khốn đốn. Họ vẫn chưa thể ra mắt thị trường chiếc xe đầu tiên – Tesla Roadster và Valleywag – một blog chuyên đưa chuyện đã đánh giá Tesla Roadster là thất bại công nghệ số 1 trong năm 2007. Nếu như nền kinh tế toàn cầu không đột nhiên đi xuống thì mọi chuyện có lẽ tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế là dòng chảy đầu tư vào ngành ô tô bị ngưng lại hoàn toàn, đặc biệt là đầu tư vào những công ty sản xuất ô tô mới thành lập. Tesla bắt đầu cạn vốn.
Trong khi đang rơi vào tình thế khốn cùng như vậy thì cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm của Musk – tưởng chừng ổn định và bền vững – cũng kết thúc trong một cuộc li dị phức tạp và đau đớn (Urban bình luận sự kiện này đó là thứ gì ổn định và bền vững cũng đồng nghĩa với việc bạn có khả năng sẽ mất nó mãi mãi).
Tuy nhiên, đây mới là điều quan trọng – Musk không phải là kẻ ngốc và anh chưa từng tạo ra một công ty nào tồi tệ cả. Ngược lại, chúng còn rất, rất phát đạt. Vấn đề chỉ là việc tạo ra một tên lửa thực sự hay phát triển một công ty sản xuất ô tô là điều vô cùng khó. Và bởi vì không ai muốn đầu tư vào một thứ gì đó (chưa hề có tiền lệ) quá tham vọng, quá hoang tưởng và chắc chắn thất bại – đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng – nên Musk buộc phải dựa vào chính nguồn lực của mình. PayPal đã giúp anh giàu nhưng số tiền thu được chưa đủ lớn để mình anh có thể giữ cho các công ty của mình tồn tại lâu dài. Nếu thiếu nguồn tiền từ bên ngoài, cả SpaceX lẫn Teslas sẽ sớm sụp đổ. Bản chất cả hai đều không phải là những ý tưởng tồi – chỉ là họ cần thêm thời gian để thành công trong khi thời gian lại không còn nhiều nữa.
Và rồi, khi ở thời khắc tăm tối nhất, mọi thứ lại xoay vần.
Đầu tiên, vào tháng 8/2008, SpaceX phóng tên lửa thứ 4 và không ngờ rằng, nó thành công đúng như mong đợi.
Vậy là đủ để NASA tin tưởng Musk. Họ đã đánh cược khi giao cho SpaceX một hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD để thực hiện 12 đợt phóng tên lửa. Đường sống được kéo dài. SpaceX vẫn tồn tại.
Ngày hôm sau, vào đêm trước Giáng sinh năm 2008, Musk vét nốt số tiền cuối cùng để cứu Tesla và các nhà đầu tư cũng miễn cưỡng làm theo Musk. Vậy là Tesla cũng được cứu. Năm tháng sau, tình hình bắt đầu được cải thiện khi công ty nhận được thêm 50 triệu USD tiền đầu tư từ Daimler.
7 năm tiếp theo và những thành công đáng kinh ngạc của Elon Musk
Sau 3 lần phóng tên lửa thất bại, SpaceX đã thực hiện 20 lần phóng tiếp theo và tất cả đều thành công. Giờ đây, NASA đã trở thành khách hàng thường xuyên và còn nhiều công ty khác nữa, nhờ các cải tiến ở SpaceX đã giúp họ có thể chuyển hàng hóa lên vũ trụ với chi phí thấp nhất trong lịch sử. Ngoài ra, 20 lần đó cũng đã tạo nên nhiều cái "đầu tiên" cho một công ty tên lửa: tính tới nay, mới chỉ có 4 câu chuyện đưa được tàu vũ trụ vào quỹ đạo và quay trở về Trái Đất thành công là Mỹ, Nga, Trung Quốc và SpaceX. SpaceX hiện cũng đang thử nghiệm tàu vũ trụ mới có thể đưa người lên vũ trụ. Ngoài ra, họ cũng đang bận rộn với kế hoạch thiết kế một tên lửa lớn hơn có khả năng đưa được 100 người lên Sao Hỏa mỗi lần. Gần đây, SpaceX cũng đã nhận được một khoản đầu tư từ Google và Fidelity và hiện công ty này đang có giá trị khoảng 12 tỷ USD.
Dòng xe Model S của Tesla cũng đạt được thành công ngoạn mục, làm rung động cả ngành công nghiệp ô tô và đứng thứ hạng cao nhất từ trước tới nay (99/100) do Consumer Reports bình chọn, đồng thời có thứ hạng cao nhất trong lịch sử về mức độ an toàn do Ủy ban an toàn đường bộ quốc gia của Mỹ đánh giá (5,4/5). Vào cuối tháng 3 vừa qua, Tesla cũng đã tiến hành ra mắt Model 3 – chiếc ô tô điện có giá rẻ nhất (khoảng 35.000 USD) với khả năng tăng tốc từ 0 – 100km/h trong vòng chưa đầy 6 giây và mục tiêu sẽ sản xuất được 500.000 chiếc mỗi năm. Để đạt được điều này, Elon Musk đã tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất pin lithium-ion Gigafactory với khoản đầu tư lên tới 5 tỷ USD tại Sparks, Nevada, Mỹ.
Năm 2012, SolarCity chính thức cổ phần hóa và trở thành một trong những công ty lắp đặt pin Mặt Trời lớn nhất của Mỹ. Mới đây, Tesla đã đạt được thỏa thuận mua lại công ty này với giá 2,6 tỷ USD, thấp hơn so với con số 2,8 tỷ USD mà họ đề xuất trước đó.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vào thời gian rảnh rỗi, Musk còn nghiên cứu và thúc đẩy việc phát triển một phương thức vận chuyển mới – hệ thống tàu siêu tốc Hyperloop.
Trong vài năm tới, khi các nhà máy mới được hoàn thiện, các công ty của Musk sẽ tuyển thêm khoảng 30.000 nhân công. Sau khi gần như phá sản vào năm 2008 và rơi vào tình cảnh phải "chuyển tới sống ở tầng hầm nhà bố mẹ vợ" thì tính đến năm 2016, giá trị tài sản của Elon Musk khoảng 14,4 tỷ USD.
Tất cả những điều trên đã biến Elon Musk gần như trở thành một huyền thoại sống. Trong việc xây dựng thành công một hãng sản xuất ô tô và mạng lưới trạm tiếp nhiên liệu trên toàn thế giới, Musk được so sánh với các nhà tư bản công nghiệp có tầm nhìn xa trông rộng như Henry Ford và John D. Rockefeller. Những công trình tiên phong của côngnghệ tên lửa do SpaceX tạo ra đã đưa Musk lên đứng ngang hàng với Howard Hughes và nhiều người thậm chí còn nhận thấy những điểm tương đồng giữa Musk và Thomas Edison bởi vì những tiến bộ kỹ thuật mà Musk đã đạt được trên nhiều lĩnh vực. Nhưng phổ biến nhất vẫn là sự so sánh giữa anh và Steve Jobs vì ở anh có năng lực phi thường để tạo ra những khác biệt trong những ngành công nghiệp quy mô lớn vốn đã tồn tại từ lâu đời với những thứ mà khách hàng thậm chí còn không biết là họ muốn có chúng. Một vài người tin rằng, Musk sẽ được nhớ đến nhiều hơn tất cả những người khác. Nhà báo công nghệ và cũng là người viết cuốn tiểu sử về Musk đã cho rằng những gì mà Musk đang xây dựng "có khả năng vĩ đại hơn bất cứ thứ gì mà Hughes hay Jobs đã tạo ra. Musk đã tiếp nhận những ngành công nghiệp như hàng không vũ trụ và ô tô mà Mỹ dường như đã từ bỏ và thổi vào chúng những điều gì đó hết sức mới mẻ và tuyệt vời".
Chris Anderson – người đang điều hành TED Talks tôn vinh Musk là "doanh nhân đáng kính nhất đương đại". Những người khác gọi anh là "Iron Man ngoài đời thực" và họ có lý do chính đáng cho việc đó. Jon Favreau quả thực đã cử nam diễn viên Robert Downey tới nhà máy của SpaceX để trò chuyện với Musk trước khi khởi quay bộ phim Iron Man (Người sắt) để diễn viên này có thể mô phỏng hình tượng Musk trong vai diễn của mình.
Trong lần trao đổi với tôi qua điện thoại, Musk nói rõ rằng anh không tìm đến tôi để nhờ quảng cáo cho các công ty của mình mà chỉ muốn tôi giúp anh lý giải những gì đang xảy ra trong các thế giới xung quanh những công ty đó và tại sao những thứ lại đang xảy đến với những chiếc xe điện, với việc sản xuất năng lượng bền vững và với hàng không vũ trụ lại có tầm quan trọng đến vậy.
Musk đặc biệt cảm thấy nhàm chán với những người dành thời gian để viết về anh. Theo Musk, có vô vàn điều quan trọng hơn đang diễn ra trong những lĩnh vực mà anh tham gia vào và cứ mỗi lần có ai đó viết về mình, anh lại ước họ viết về nhu cầu năng lượng hóa thạch hay những cải tiến trong việc sản xuất in hay tầm quan trọng của việc đưa con người lên những hành tinh khác còn hơn (điểm này được thể hiện rất rõ trong cuốn Tiểu sử về Elon Musk – ngay trong lời giới thiệu tác giả đã nêu rất rõ rằng Musk không cảm thấy hào hứng khi có người viết tiểu sử về mình).
Vậy nên, tôi chắc chắn tựa đề bài viết "Elon Musk: The World's Raddest Man" (Tạm dịch: Elon Musk – người đàn ông có tư tưởng cấp tiến nhất thế giới) sẽ khiến anh ấy khó chịu lắm.
Nhưng tôi có lý do của tôi. Với tôi, có hai lý do rất đáng để thực hiện "cuộc khám phá" về cuộc đời con người này:
1. Để tìm hiểu tại sao Musk lại làm những điều mà anh đang làm: Musk rất tin tưởng rằng anh quan tâm tới những gì có thể mang lại cho con người cơ hội tốt nhất để kiến tạo một tương lai tốt đẹp. Tôi muốn khai thác sâu những điều đó và tìm hiểu lý do tại sao anh ấy lại quan tâm đến chúng.
2. Để hiểu tạo sao Musk lại có thể làm được những điều mà anh đang làm: Con số những người làm thay đổi cả thế giới ở mỗi thế hệ chỉ đếm trên đầu ngón tay nên họ rất xứng đáng để được nghiên cứu. Họ có những cách làm khác với tất cả mọi người và tôi nghĩ rằng chúng ta có vô vàn điều cần học hỏi từ họ.
Đọc bài gốc bằng tiếng Anh tại đây:
http://waitbutwhy.com/2015/05/elon-musk-the-worlds-raddest-man.html