Chỉ một ngày sau khi phát hành bản beta cuối cùng của Android Q - Beta 6, Google đã lập tức đưa ra những luận điểm chứng minh cho lý do tại sao các thao tác điều hướng cử chỉ mới được cải tiến trên Android Q là lại "một bước đột phá so với trước đây".
“Bằng cách chuyển sang mô hình sử dụng cử chỉ chạm vuốt để điều hướng hệ thống hay vì dùng 3 phím điều hướng như truyền thống, chúng ta sẽ có thêm không gian hiển thị màn hình cho các ứng dụng, từ đó mang lại trải nghiệm tuyệt vời hơn”, Allen Huang và Rohan Shah, 2 nhà quản lý sản phẩm UI Android viết trên blog Android Developer.
3 phím điều hướng truyền thống trên Android
Quan điểm trên của 2 chuyên gia Google nhận được khá nhiều sự đồng tình từ phía cộng đồng người dùng Android. Tuy nhiên rắc rối mà Google gặp phải lại là với chức năng “Back” trên Android. Chúng ta đều biết nút “Back” chính là một trong những yếu tố đã làm nên thương hiệu của Android từ khi hệ điều hành này mới ra mắt, và vấn đề của Google hiện tại là làm thế nào để tìm ra cách duy trì đầy đủ công dụng của nút này nhưng ở dưới dạng điều hướng cử chỉ - đồng thời biến giải pháp đó trở thành một tính năng đặc biệt thân thiện và hữu dụng đối với người dùng cuối. “Chúng tôi ưu tiên mục tiêu này hơn các cử chỉ điều hướng khác ít được sử dụng thường xuyên”, các nhà quản lý Android cho biết.
Bên cạnh đó, Google cũng tiết lộ rằng họ đã triển khai không ít nghiên cứu nhằm tìm hiểu cách thức người dùng cầm điện thoại của họ như thế nào, cũng như cách họ tương tác với hệ thống các phím cứng, màn hình cảm ứng, và phần nào của chiếc điện thoại được người dùng thao tác nhiều nhất. Từ dữ liệu thu được, các chuyên gia đã xây dựng nhiều nguyên mẫu thử nghiệm thực tế với việc áp dụng thêm một số yếu tố quan trọng có thể tác động đến trải nghiệm người dùng như tốc độ thao tác, công thái học…
Mô hình điều hướng cử chỉ trên Android được Google học hỏi từ iOS
Bản thiết kế thiết kế cuối cùng sẽ tiếp tục được thử nghiệm qua hàng loạt các nghiên cứu, chẳng hạn như việc người dùng đã làm quen với hệ thống nhanh như thế nào, họ cảm thấy ra sao về hệ thống mới, hay có bất cứ bất tiện nào trong quá trình sử dụng hay không.
Dưới đây là biểu đồ dạng nhiệt cho thấy những khu vực của điện thoại thông minh mà người thường cảm thấy thoải mái nhất khi cầm thiết bị và thực hiện các thao tác, cử chỉ điều hướng bằng 1 tay.
Biểu đồ nhiệt vị trí của ngón cái khi người dùng thực hiện thao tác "back"
Như bạn có thể thấy, kết quả nghiên cứu sẽ dẫn đến một cuộc tranh luận về liệu thao tác điều hướng “Back” trên điện thoại bằng cách vuốt từ cạnh bên của màn hình bằng ngón trỏ, như Google đã làm trong Android Q, liệu có cho cảm giác thoải mái hơn so với bấm phím back như trước đây.
Ngoài ra, Google thừa nhận rằng hệ thống điều hướng cử chỉ mà họ đã học hỏi từ iOS cho thao tác truy cập nhanh vào mục tổng quan/ứng dụng gần đây là giữ nhẹ và vuốt lên từ cạnh đáy màn hình - chậm hơn khá nhiều so với việc sử dụng nút điều hướng như trước đây.
Một thông tin thú vị hơn cả, đó là người dùng thực sự thích khả năng công thái học của 3 nút điều hướng Android truyền thống hơn so với điều hướng cử chỉ như hiện nay. Thông tin này không khiến nhiều người quá ngạc nhiên bởi ngay từ khi Google giới thiệu tùy chọn điều hướng cử chỉ vào năm ngoái với Android P, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng công ty Mountain View nên giữ lại tính năng điều hướng 3 nút truyền thống bởi nó nhanh hơn, ít bị nhầm lẫn hơn, và đặc biệt là tạo nên sự khác biệt của Android so với iOS.
Theo kết quả khảo sát, tùy chọn điều hướng 3 nút truyền thống nhận được 5.78 điểm công thái học, trong khi điều hướng cử chỉ trên Android Q chỉ nhận được 5.39 điểm công thái học.
Biểu đồ so sánh đánh giá của người dùng về khả năng công thái học và sử dụng 1 tay giữa giữa các mô hình điều hướng (cao hơn là tối ưu hơn)
Nhưng mặt khác, đa số người dùng lại cho rằng điều hướng cử chỉ mới là sự lựa chọn tuyệt vời hơn trong trường hợp sử dụng điện thoại bằng một tay. Thống kê của Google cho thấy điều hướng cử chỉ trên Android Q giúp mọi người hoàn thành các tác vụ khi sử dụng 1 tay nhanh hơn bất kỳ phương pháp nào khác, ngay cả trong trường hợp người dùng mới làm quen và chưa quá thông thạo hình thức điều hướng này.
“Chúng tôi thấy rằng việc chuyển sang sử dụng điều hướng cử chỉ là một thay đổi lớn với người dùng. Trung bình, mọi người thường mất từ 1 - 3 ngày để làm quen và sử dụng thành thạo các thao tác điều hướng. Ngay cả khi đã cơ bản thành thạo, việc thao tác sai vẫn thường xuyên xảy ra - đặc biệt là đối với các cử chỉ điều hướng như giữ, vuốt từ dưới lên để truy cập menu, hay vuốt từ cạnh sang để quay lại thao tác trước đó”, Google cho biết.
Tuy nhiên trong nhiều nghiên cứu định tính, các chuyên gia cũng nhận thấy rằng sau khoảng thời gian làm quen ban đầu là 1 - 3 ngày, người dùng đã trở nên thông thạo và có thể phân biệt nhất quán hơn giữa các cử chỉ điều hướng. Phần lớn người dùng không muốn chuyển về sử dụng 3 nút điều hướng truyền thống (mặc dù đó vẫn là một tùy chọn có sẵn) sau khi đã thực sự thành thạo với điều hướng cử chỉ.
Biểu đồ so sánh số thời gian cần thiết để hoàn thành thao tác truy cập màn hình chính/quay lại giữa các mô hình điều hướng (thấp hơn là tối ưu hơn)
Thống kê cho thấy mọi người sử dụng chức năng quay lại ít thường xuyên hơn trong những ngày đầu tiên dùng thử Android Q và trong thời gian làm quen với điều hướng cử chỉ. Sau khoảng thời gian đó, số lần thực hiện thao tác “back” trung bình (mỗi ngày) sẽ dần tăng trở lại và tương đương với khi họ sử dụng 3 nút điều hướng truyền thống.
Từ tất cả các kết quả nghiên cứu trên, Google hiểu rằng người dùng thích khả năng công thái học của 3 phím điều hướng truyền thống hơn, nhưng điều hướng cử chỉ lại cho hiệu quả sử dụng cao hơn và đặc biệt là cho phép màn hình hiển thị nhiều nội dung hơn, vì vậy, hãng đã quyết định không quay lại mô hình 3 phím điều hướng truyền thống mà sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện điều hướng cử chỉ. Đồng thời để tránh sự phân mảnh thị trường và “xung đột” với các sản phẩm của một số nhà sản xuất khác, công ty đã xác nhận rằng các nhà sản xuất điện thoại Android lớn bao gồm Samsung, LG, OnePlus, Motorola, Xiaomi, HMD Global và Oppo đều đã đồng ý tích hợp hệ thống mới của Google theo mặc định trên các thiết bị đi kèm với Android Q của họ.
Tuy nhiên, Google cũng nói rõ rằng người dùng sẽ vẫn có quyền sử dụng thanh điều hướng 3 nút cổ điển của trên Android Q nếu nếu muốn, nhưng nó sẽ phải được kích hoạt thủ công như không còn là mặc định như trước.
Google vẫn sẽ tập trung hoàn thiện điều hướng cử chỉ trong tương lai
Sau cùng, Google thừa nhận rằng điều hướng bằng cử chỉ đã và đang ngày càng được ưa chuộng trong một vài năm trở lại đây, có lẽ là ngay sau sự ra mắt của iPhone X. Tất nhiên Google không đề cập đến sản phẩm của Apple ở đây, nhưng rõ ràng chúng ta đều hiểu rằng tính năng điều hướng cử chỉ trên Android là họ học từ Táo khuyết. Điều này không có gì sai mà ngược lại còn đáng hoan nghênh, bởi nó cho thấy Google không ngại thay đổi để mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt hơn.
Bạn thích dùng 3 phím điều hướng truyền thống hay điều hướng cử chỉ hiện đại? Hãy để lại ý kiến ở mục bình luận bên dưới nhé!