Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg mới đây đã một lần nữa tuyên bố rằng công ty của mình sẽ phát triển xoay quanh nền tảng là quyền riêng tư cho người dùng - một trong những mối quan tâm hàng đầu của gã khổng lồ truyền thông xã hội ở thời điểm hiện tại. Cụ thể hơn, trên sân khấu tại hội nghị nhà phát triển Facebook F8, vị giám đốc điều hành cho biết, quyền riêng tư sẽ là trụ cột quyết định trong tương lai phát triển của đế chế mạng xã hội này.
Những tuyên bố mở đầu của Mark Zuckerberg được đưa ra dựa trên nhiều sự thay đổi lớn trong tầm nhìn của vị CEO này đối với phương hướng hoạt động công ty mà chính ông đã nêu ra lần đầu tiên vào tháng trước khi tuyên bố rằng Facebook nhiều khả năng sẽ được cách ly với News Feed cũng như các bài đăng công khai, và hướng tới việc trở thành một nền tảng truyền thông tập trung hoàn toàn vào quyền riêng tư, đồng thời thống nhất các sản phẩm ứng dụng nhắn tin trực tuyến của mình xung quanh những khái niệm bảo mật như tức thời (ephemerality) và mã hóa (encryption).
“Tương lai của Facebook chính là sự riêng tư”, Zuckerberg nói với đám đông, đồng thời cũng lưu ý rằng tầm nhìn vượt trội xuyên suốt của công ty trong thập kỷ qua là xây dựng các cộng đồng toàn cầu mang thế giới lại gần nhau hơn vẫn sẽ được duy trì: “Theo thời gian, tôi tin chắc rằng một nền tảng mạng xã hội riêng tư sẽ còn đóng vai trò quan trọng hơn với cuộc sống của con người so với những mạng lưới nền tảng kỹ thuật số hiện có. Vì vậy, từ hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu nói về một sản phẩm kỹ thuật số mang trong mình ý nghĩa lớn lao, đó là việc mang đến cho người dùng những trải nghiệm xã hội gần gũi hơn, đồng thời cũng không thể không nhắc đến cách thức mà Facebook sẽ thay đổi cơ chế vận hành của mình ra sao để hoàn thành được mục tiêu khó khăn này”.
Và để chứng minh rằng quyết tâm trên không chỉ là những lời nói suông hào nhoáng, vị CEO đã ngay lập tức tiết lộ một kế hoạch thiết kế táo bạo cho ứng dụng chính và nền tảng trang web của Facebook. Đây về cơ bản là một chương trình giúp “dọn dẹp” Facebook, khiến cho trang mạng xã hội này trở nên ngăn nắp và tập trung nhiều vào những nhóm và sự kiện, trong đó các tab như Facebook Watch và Marketplace sẽ đảm nhận nhiều vai trò nổi bật hơn trong thanh menu so với trước đây. Xa hơn nữa, mục tiêu của Facebook không gì khác ngoài việc hợp nhất Instagram, Messenger và WhatsApp thành một tổ hợp ứng dụng xuyên suốt có thể tương thích chéo với nhau, kết hợp với việc chuyển ứng dụng Facebook chính ra khỏi News Feed và hướng tới những tương tác tập trung vào quyền riêng tư cũng như dễ quản lý hơn.
“Trong suốt lịch sử phát triển của Facebook, đã có tổng cộng 4 phiên bản chính được ra mắt cho đến nay và đây sẽ là phiên bản thứ 5. Vì vậy, chúng tôi gọi đây là FB 5”, CEO Mark Zuckerberg cho biết.
Theo thông tin từ phía Facebook, nền tảng di động (đã được thiết kế lại) sẽ bắt đầu được tung ra từ ngày hôm nay cùng với logo tương tác kiểu mới. Trong khi phiên bản “FB 5” cho nền tảng máy tính để bàn sẽ được ra mắt sau. Zuckerberg cam kết rằng ở lần ra mắt phiên bản mới này, công ty của ông sẽ đảm bảo mang đến cho người dùng sự khác biệt trong cách tiếp cận sản phẩm so với các năm trước. Tất cả những thay đổi sẽ được giới thiệu và triển khai một cách nhanh chóng mà không cần phải cân nhắc quá nhiều như trước. Mục tiêu của Facebook là xây dựng nên những sự thay đổi mang trong mình tính ổn định ngay từ đầu.
Mark Zuckerberg thừa tỉnh táo và khôn ngoan để nhận biết được tình cảnh “nguy hiểm” mà công ty của mình đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại, đó là những rắc rối với các cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều quốc gia, đặc biệt là sau 1 năm 2018 “ác mộng” với đầy rẫy những scandal liên quan đến sử dụng dữ liệu người dùng trái phép hay mới đây nhất là vụ việc video live stream của vụ xả súng ở New Zealand bị lan truyền rộng rãi trên trang mạng xã hội này. Có thể nói, những bê bối liên quan đến quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu và vai trò của mạng xã hội trong việc can thiệp vào các kết quả chính trị, thông tin sai lệch, tin tức giả mạo, ngôn từ kích động và bạo lực trên toàn cầu đã kéo tụt uy tín của Facebook xuống mức thấp nhất kể từ khi trang mạng xã hội này được ra đời vào năm 2004, mặc dù mức độ tăng trưởng và doanh thu vẫn được duy trì ổn định. Zuckerberg đương nhiên muốn có được cả danh tiếng lẫn sự tăng trưởng, vị CEO trẻ chắc chắn hiểu được rằng mình cần phải lấy lại niềm tin của công chúng và cơ sở người dùng đa ứng dụng của Facebook, đặc biệt là duy trì vị thế của một nền tảng truyền thông xã hội mạnh mẽ và phổ biến nhất thế giới.
“Ở thời điểm hiện tại, tôi tin rằng rất nhiều người đã cảm nhận được sự nghiêm túc thực sự của Facebook trong sứ mệnh thay đổi toàn diện và triệt để lần này. Nói một cách thẳng thắn thì Facebook hiện đang phải gánh chịu những tai tiếng nặng nề về vấn đề quyền riêng tư. Với cương vị là người điều hành công ty, tôi biết điều đó và cam kết sẽ nỗ lực hết mình để tạo ra sự thay đổi và cũng là để bắt đầu một chương mới cho Facebook, ngay từ bây giờ!”, CEO Mark Zuckerberg thẳng thắn chia sẻ.
Mark Zuckerberg kết thúc bài phát biểu khai mạc hội nghị nhà phát triển Facebook F8 của mình như một sự trấn an rằng Facebook đã sở hữu trong tay một ý tưởng rõ ràng về “nơi họ muốn đến” và những loại sản phẩm nào, chất lượng ra sao mà họ muốn xây dựng cho người dùng. Nói một cách “vĩ mô” hơn thì đây không chỉ đơn giản là vấn đề xây dựng sản phẩm mới, mà sâu xa trong đó sẽ phải là một sự thay đổi lớn trong cách thức cũng như phương hướng phát triển của Facebook. Hơn ai hết, những người đứng đầu Facebook thừa hiểu rằng trong tương lai, mọi người muốn có một nền tảng mạng xã hội tập trung tuyệt đối vào quyền riêng tư. Và nếu họ xây dựng được một dịch vụ tương tác xã hội được mã hóa hoàn toàn riêng tư như vậy, không có nghi ngờ gì nữa, đó sẽ là một đóng góp quan trọng cho toàn nhân loại.