Alan Turing - người có đóng góp lớn cho toán học, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, triết học và các dòng lệnh nền tảng đầu tiên của thế giới kỹ thuật số ngày nay, đã trải qua cuộc đời đầy bi kịch.
Alan Turing sinh năm 1912 tại Maida Vale, London (Anh). Khi còn nhỏ, Alan Turing học tại trường nội trú Shertern và nổi tiếng với đầu óc thông minh và khả năng giải quyết vấn đề. Mặc dù vậy, thành tích học tập của ông không mấy ấn tượng.
Năm 13 tuổi, Turing gặp tình yêu của đời mình Christopher Morcum - cậu bé hơn một tuổi ở trường. Điều này đã khiến cuộc đời Turing ông thay đổi. Hầu hết toàn bộ thời gian ở cùng nhau, Morcum và Turing đều dành để tranh luận về các vấn đề toán học và hình học. Vì vậy, thành tích học tập sau này của Turing cải thiện đáng kể.
Tháng 2 năm 1930, Morcum qua đời vì bệnh lao. Turing tin rằng Morcum vẫn còn sống trong một thế giới khác bởi ông tin rằng mình cảm nhận được sự hiện diện của người bạn thân thiết.
Alan Turing vẫn tiếp tục học hành và giành được học bổng toán tại Đại học King, Cambridge. Năm 1934, ông tốt nghiệp với luận án chứng minh định lý giới hạn trung tâm. Đây là một đóng góp lớn cho thống kê và xác suất. Với luận án đó, ông trở thành một trong những nhà khoa học dữ liệu đầu tiên.
Năm 1936, Turing viết bài báo có tựa đề On Computable Numbers đưa ra giả thuyết về sự xuất hiện của cỗ máy được chế tạo với khả năng tính toán bất kỳ vấn đề chỉ thông qua 2 con số 0, 1 và khoảng trống. Bài viết của ông được công nhận là nền tảng của khoa học máy tính.
Sau đó, ông tạo ra các máy đơn nhiệm vụ hoạt động như máy điện toán và có khả năng giải quyết các bài toán đã được lập trình, có tên gọi “Máy tính Turing”.
Trong Thế chiến II, Turing làm công việc giải mã điện tín tại trường mật mã Bletchley Park Government Code and Cypher School, trụ sở bí mật của Vương quốc Anh. Ông có đóng góp quan trọng trong việc phá mã điện tín, giúp chiến tranh chấm dứt sớm 2 năm và cứu sống hàng triệu người.
Ông còn tạo ra thiết bị cơ điện có tên gọi “Bombe”, giúp các nhà mật mã học Anh giải mã hơn 4.000 điện tín của Đức mỗi ngày.
Năm 1941, nhóm của ông đã giải mã được các thông điệp từ máy Enigma giúp các tàu Đồng minh tránh khỏi những cuộc tấn công của tàu ngầm kiểu U của Đức đang hoành hành trên Đại Tây Dương.
Sau Thế chiến thứ hai, ông chuyển đến London và cho ra đời chiếc máy tính toán tự động "Automatic Computing Engine" vào tháng 3 năm 1946.
Tầm nhìn về tương lai kỹ thuật số
Mặc dù thuật ngữ "Trí thông minh nhân tạo" ra đời vào năm 1956, hai năm sau khi Alan Turing qua đời nhưng trước đó, ông đã suy nghĩ về việc máy móc có thể suy nghĩ được không.
Để kiểm tra khả năng suy nghĩ của máy móc, ông đưa ra thí nghiệm Turing nổi tiếng. Trong bài kiểm tra, một người thẩm vấn sẽ đoán xem ai là ai bằng cách nghiên cứu câu trả lời của 1 nam, 1 nữ cho một số câu hỏi nhất định. Trong thử nghiệm này, cỗ máy sẽ thay thế người đàn ông.
Theo Alan Turing, nếu máy tính đánh lừa được con người tin rằng nó là con người, máy tính sẽ được gọi là thông minh.
Năm 1952, Turing không may bị buộc tội vì có mối quan hệ đồng tính với chàng trai trẻ Arnold Murray. Ở thời điểm đó, luật pháp nước Anh không chấp nhận mối quan hệ đồng tính và coi đây là trọng tội. Turing bị kết án và buộc phải lựa chọn giữa thiến hóa học hoặc ngồi tù. Turing chọn phương án thứ nhất và bị tiêm hormone estrogen tổng hợp để điều trị nội tiết tố trong suốt 1 năm.
Sau đó, ông bị thôi việc và liệt vào danh sách nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia vì “vết dơ” kia. Ông đến làm việc tại thành phố Manchester và xuất bản cuốn "Hóa học Cơ sở hình thái".
Ngày 7/6/1954, Alan Turing được phát hiện nằm chết trên giường. Khám nghiệm tử thi cho thấy xyanua xuất hiện trong cơ thể ông. Nhiều người cho rằng ông tự tử hoặc “vô tình" hít phải chất độc.
Tháng 9/2009, Nữ hoàng Elizabeth II đã ban hành lệnh xá tội cho Alan Turing.
Mark Carney - Thống đốc Ngân hàng Anh, tuyên bố Turing sẽ là gương mặt mới được in trên tờ 50 bảng vào năm 2021.