Bí ẩn thú vị đằng sau cách đặt tên mã và số hiệu của các bản phân phối Linux nổi tiếng, bạn đã biết chưa?

Bạn đã bao giờ bạn cảm thấy ấn tượng sâu sắc về tên mã (code name) của một bản phát hành Linux yêu thích, và thắc mắc về ý nghĩa cũng như những bí ẩn đằng sau tên mã đó chưa?

Linux Mint 18 vừa mới ra mắt có tên mã là Sarah, trong khi Ubuntu 19.10 sắp tới sẽ được gọi là Eoan Ermine. Danh sách code name của Ubuntu cứ tiếp tục như vậy, đúng với truyền thống của nền tảng này, đầy ắp những cái tên vô cùng ấn tượng và tạo nên điểm nhấn khó nhầm lẫn.

Tại sao cần tìm hiểu về cách đặt tên mã?

Câu hỏi về tên mã của các bản phát hành phần mềm, hệ điều hành nói chung không phải là những thắc mắc mới mẻ. Tuy nhiên, các fan của Linux thường nổi tiếng là những người ham học hỏi, ưa tìm tòi những điều mới mẻ, do đó việc bạn có thể muốn biết logic đằng sau cách đặt tên mã của một bản phát hành Ubuntu hay Debian cũng là mong muốn chung của rất nhiều người khác nữa, và sự mưu cầu kiến thức, trong mọi tình huống, đều xứng đáng được hoan nghênh.

Linux

Mặt khác, rốt cuộc, tên mã đã, đang, và vẫn là một phần không thể thiếu đối với mỗi bản phát hành và các nhóm nhà phát triển cũng rất nỗ lực để tạo ra những cái tên ấn tượng, dễ nhớ. Do đó việc chúng ta tìm hiểu về chúng cũng là một cách tuyệt vời đề đáp lại công sức của các nhà phát triển, đúng không?

Với tất cả những lý do vô cùng thiết thực và đầy ắp “tính nhân văn” đó, ngay bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu logic đằng sau cách đặt tên mã của một số bản phân phối Linux phổ biến nhất, cũng như ý nghĩa thực sự đằng sau mỗi cái tên ấn tượng. Có vẻ sẽ rất thú vị đây!

Quy tắc đánh số hiệu phiên bản và đặt tên mã của Ubuntu

Ubuntu

Là một trong những bản phân phối Linux được sử dụng phổ biến nhất (và đương nhiên cũng sở hữu nhiều fan nhất trong đại gia đình Linux), không thể phủ nhận những đóng góp tuyệt vời mà Ubuntu mang lại cho cộng đồng. Đặc biệt, nền tảng này cũng nổi tiếng với việc tuân thủ chặt chẽ lộ trình phát hành và sở hữu tên mã ấn tượng đối với mỗi bản cập nhật.

Ubuntu tuân theo chu kỳ phát hành 2 lần một năm, với một bản phát hành vào tháng 4 và phiên bản còn lại sẽ được ra mắt vào tháng 10. Có một câu chuyện thú vị đằng sau quy ước đặt tên cho các bản phát hành cũng như tên mã của Ubuntu. Trước tiên hãy cùng đến với cuộc đối thoại của Mark Shuttleworth (nhà tài trợ cho các dự án phân phối hệ điều hành Ubuntu) và Robert Collins (nhà phát triển kỳ cựu của Ubuntu), thảo luận về việc phát hành phiên bản đầu tiên của nền tảng này:

lifeless: Phải mất bao lâu nữa thì chúng ta mới có thể ra mắt phiên bản đầu tiên nhỉ bạn hiền?

sabdfl: Xem nào, tớ cần phải “đánh bóng” lại vài chỗ, khá phức tạp đấy, tối đa là 6 tháng.

lifeless: 6 tháng cơ à! Tớ không nghĩ việc “trang điểm” lại mất thời gian thế đâu.

sabdfl: Ok, thế thì chúng ta sẽ đặt tên cho bản phát hành này là Warty Warthog nhỉ!

Trong cuộc đối thoại trên, nickname lifeless chính là Robert Collins và sabdfl là Mark Shuttleworth, còn Warthog là loài lợn bướu khá xấu xỉ và sở hữu làn da không được “mịn màng” cho lắm. Trong câu nói của mình, Mark Shuttleworth có nhắc đến việc phải mất khá nhiều thời gian để “đánh bóng” lại cho bản phát hành này, vậy là ông đã nghĩ ngay đến việc lấy tên một loài lợn với lớp da sần sùi để đặt tên cho nó. Cái tên tuy không được “mỹ miều” cho lắm, nhưng lại tạo ra sự tò mò, ấn tượng cho người dùng Ubuntu vào thời điểm đó.

Loài lợn Warthog Loài lợn Warthog

Tháng và năm phát hành đóng vai trò rất quan trọng trong số hiệu phiên bản của các bản phát hành Ubuntu. Một bản phát hành Ubuntu thường sở hữu số hiệu phiên bản tuân theo định dạng XX.YY. Trong đó XX là năm phát hành và YY là tháng phát hành. Ví dụ, chúng ta nhận được phiên bản Ubuntu 16.04 vào tháng thứ 4 (tháng 4) của năm 2016, hay Ubuntu 15.10 được phát hành vào tháng thứ 10 (tháng 10) của năm 2015.

Cho đến nay, chỉ có một ngoại lệ duy nhất đối với các bản phát hành Ubuntu vào tháng 4 hoặc tháng 10 trong suốt 11 năm phát triển của hệ điều hành này, đó là trường hợp của Ubuntu 6.04. Việc phát hành phiên bản này đã bị trì hoãn trong 2 tháng (lùi từ tháng 4 sang tháng 6) và đó là lý do tại sao nó được đặt tên là Ubuntu 6.06, thay vì XX.04 hoặc XX.10 như thông thường.

**Có thể bạn chưa biết: Ubuntu 6.06 cũng là bản phát hành duy nhất bị trì hoãn trong suốt 11 năm qua.

Vậy là xong vấn đề về số hiệu phiên bản, bây giờ đến phần đặt tên mã của Ubuntu. Bạn có thể nhận thấy rằng bất kỳ bản phát hành Ubuntu nào cũng có tên mã 2 từ, bắt đầu bằng cùng một chữ cái. Ví dụ, Ubuntu 14.04 được gọi là Trusty Tahr (bắt đầu bằng chữ T), hay như phiên bản đầu tiên: Warty Warthog (bắt đầu bằng chữ W).

Tên mã của các phiên bản Ubuntu được tạo thành từ 2 từ, từ đầu tiên là tính từ và từ thứ hai là sẽ là danh từ, mà cụ thể ở đây là một loài động vật nào đó đang có nguy cơ tuyệt chủng, hoặc cũng có khi là các sinh vật thần thoại như Unicorn (Kỳ lân) hoặc Werewolf (Người sói). Như trong ví dụ phía trên, Trusty là một tính từ có nghĩa là đáng tin cậy, tin tưởng được, trong khi Tahr là loài dê núi sừng ngắn, sinh sống ở khu vực miền Trung châu Á, và được coi là có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Hay như bản phát hành 19.10 sắp được ra mắt có tên mã Eoan Ermine. Eoan có nghĩa là "liên quan đến bình minh hoặc phương đông", và Ermine là một loài chồn nhỏ khá dễ thương (hình minh họa bên dưới). Có lẽ chúng sống ở phương đông chăng? Cách đặt tên mã như vậy cũng có thể coi là một điểm nhấn tạo nên sự ấn tượng cho Ubuntu.

Một sự thật thú vị khác đó là các tên mã này thường được tăng dần theo thứ tự abc trong mỗi bản phát hành (ngoại trừ một số ít các phiên bản ở đầu tiên). Như vậy, chúng ta có Ubuntu 14.04 là Trusty Tahr, Ubuntu 14.10 là Utopic Unicorn, Ubuntu 15.04 là Verv Vervet, v.v.

Có lẽ bây giờ bạn đã hiểu khá rõ về cách đánh số hiệu và đặt tên mã cho các phiên bản Ubuntu. Nếu phải tóm tắt tất cả các bản phát hành của nền tảng này, chúng ta sẽ có một danh sách như sau:

Danh sách liệt kê các bản phát hành Ubuntu và tên mãDanh sách liệt kê các bản phát hành Ubuntu và tên mã

Như vậy có thể thấy, ngoài việc để lại ấn tượng khó quên, các bản phát hành Ubuntu còn giúp chúng ta cải thiện kha khá vốn từ vựng tiếng Anh, và quan trọng là giới thiệu đến cộng đồng thông tin về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng mà chúng ta có thể chưa từng nghe đến, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như các loài động vật hoang dã.

Còn đây là video giải thích quy ước đặt tên mã của Ubuntu để bạn tham khảo thêm:

Quy tắc đánh số hiệu phiên bản và đặt tên mã của Linux Mint

Người anh em họ xa “bắn đại bác mới tới nơi” của Ubuntu: Linux Mint, là một bản phân phối Linux cũng được sử dụng rất phổ biến trên toàn thế giới và sở hữu một lượng fan tương đối hùng hậu. Phiên bản đầu tiên của Linux Mint là Ada, ra mắt vào 2006. Phiên bản ổn định mới nhất (17.3) là Rosa.

Linux Mint được xây dựng dựa trên nền tảng Ubuntu. Linux Mint có thêm nhiều tính năng mà Ubuntu không có như nhiều phần mềm được cài đặt sẵn, kể cả các phần mềm không phải mã nguồn mở như Java và Adobe Flash; và một số phần mềm được tạo ra bởi Linux Mint, như mintInstall, mintUpdate, mintNanny,...

Giới thiệu như vậy là đủ rồi, giờ chúng ta đến với vấn đề chính. Do là bản phân phối được xây dựng dựa trên Ubuntu, cứ khoảng một vài tháng sau khi bản phát hành mới của Ubuntu được tung ra thì mới có một bản phát hành khác của Linux Mint xuất hiện, dựa trên bản phát hành Ubuntu đó.

Không giống như Ubuntu, số hiệu phiên bản của Linux Mint thường không được đặt theo định dạng tháng và năm, mà chỉ đơn giản là tăng dần lên. Như vậy, chúng ta có Linux Mint 15 rồi Linux Mint 16, Linux Mint 17, v.v. Đây là các bản phát hành chính. Các bản phát hành con (tương tự như các gói dịch vụ (service pack) trong Windows), được đánh số tăng dần theo số thập phân. Do đó, chúng ta có Linux Mint 17.1, 17.2, 17.3 v.v.

Đó là về số hiệu phiên bản, còn bây giờ hãy nói về tên mã. Mỗi bản phát hành Linux Mint, dù là con hay chính, đều sở hữu tên mã riêng biệt. Và giống như Ubuntu, chúng cũng được đặt theo thứ tự tăng dần của bảng chữ cái.

Một điều thú vị hơn về tên mã Linux Mint là chúng thường được đặt theo tên nữ, kết thúc bằng chữ cái “a”, và hầu hết đều có nguồn gốc từ các câu truyện thần thoại tôn giáo Abrahamic (các tôn giáo theo truyền thống Abrahamic bao gồm: Do Thái giáo, Kitô giáo, và Hồi giáo, có số lượng tín hữu chiếm hơn một nửa dân số thế giới). Điều đó mang đến cho chúng ta những cái tên như Linux Mint 17 Qiana, v.v.

Tôn giáo AbrahamicTôn giáo Abrahamic

Tên mã của các bản phát hành chính sẽ được đặt theo thứ tự chữ cái tăng dần, trong khi tên mã của các bản phát hành con cũng có cùng chữ cái bắt đầu nhưng tên tổng thể sẽ được thay đổi, chẳng hạn như Linux Mint 17.1 là Rebecca, 17.2 là Rafaela và 17.3 là Rosa - cùng bắt đầu bằng chữ “R” nhưng khác tên.

Tổng hợp lại tất cả các bản phát hành Linux Mint cho đến nay, chúng ta có danh sách sau:

Danh sách liệt kê các bản phát hành Linux Mint và tên mãDanh sách liệt kê các bản phát hành Linux Mint và tên mã

“Sarah” là trường hợp ngoại lệ duy nhất trong danh sách không kết thúc bằng một chữ cái “a”.

Quy tắc đánh số hiệu phiên bản và đặt tên mã của elementary OS

elementary OS

Phía trên chúng ta đã nói về Ubuntu và Linux Mint, hãy tiếp tục với một thành viên khác trong đại gia đình này, đó là elementary OS.

elementary OS cũng là một bản phân phối Linux dựa trên Ubuntu. Đây là bản phân phối hàng đầu để giới thiệu môi trường máy tính để bàn Pantheon, và được phát triển bởi elementary LLC.

Vào vấn đề chính, elementary OS có số hiệu phiên bản khớp với cấu trúc tăng dần như 0.X. Như vậy, chúng ta có phiên bản ổn định đầu tiên của hệ điều hành này là 0.1, sau đó là 0.2 và phiên bản ổn định hiện tại là elementary OS 0.3.

Về phần tên mã, các bản phát hành của elementary OS thường được đặt theo tên một vị thần trong thần thoại, thông thường là những cái tên được lấy từ thần thoại La Mã hoặc Bắc Âu. Điều này mang lại cho elementary OS các tên mã cực kỳ ấn tượng như Jupiter, Luna, Freya (trước đó là ISIS) và có lẽ sắp tới sẽ là Loki.

Hoàn toàn không có chút ràng buộc nào về bảng chữ cái ở đây, chúng ta có danh sách các bản phát hành elementary OS như sau:

  • 0.1 — Jupiter
  • 0.2 — Luna
  • 0.3 — Freya

Quy tắc đánh số hiệu phiên bản và đặt tên mã của Debian

Debian

Còn bây giờ, hãy cùng đến với người “ông nội” của gia đình Ubuntu, Linux Mint và elementary OS. Debian là một trong những hệ điều hành dựa trên nhân Linux xuất hiện sớm nhất (Ubuntu cũng bắt nguồn từ Debian), lần đầu tiên được công bố vào ngày 16 tháng 8 năm 1993 bởi Ian Murdock, và phát hành phiên bản đầu tiên vào ngày 15 tháng 9 năm 1993.

Debian sở hữu một hệ thống đặt tên khá thú vị nhưng cũng không kém phần “khó hiểu”. Trên thực tế, bản thân Debian được đặt theo tên của nhà sáng lập Ian và bạn gái của ông là Debra. Đáng buồn, nhà sáng lập Ian Murdock đã mất năm ngoái, thế nhưng tên tuổi của ông sẽ còn lưu truyền mãi với Debian - một trong những hệ điều hành nguồn mở được yêu thích nhất thế giới.

Số hiệu phiên bản của Debian - cũng giống như nhiều hệ điều hành khác - được sắp xếp tăng dần. Tuy nhiên điều thú vị lại nằm ở tên mã. Có một sự thật khá “hay ho”, đó là tất cả các bản phát hành Debian đều sở hữu tên mã được đặt theo các nhân vật của bộ phim hoạt hình nổi tiếng Toy Story. Điều đó giải thích tại sao chúng ta lại có Debian Jessie hay Debian Woody.

Toy StoryToy Story

Dưới đây là bảng danh sách liệt kê tất cả các bản phát hành Debian và tên mã của chúng:

Danh sách liệt kê các bản phát hành Debian và tên mãDanh sách liệt kê các bản phát hành Debian và tên mã

Và nếu đã xem từng xem Toy Story, chắc hẳn bạn khó có thể quên được nhân vật phản diện của bộ phim: Sid - đứa trẻ hàng xóm đáng ghét này là một kẻ chuyên phá hỏng đồ chơi. Đó là lý do tại sao tất cả các bản phát hành không ổn định của Debian đều được đặt tên mã là Debian Sid.

Toy Story có rất nhiều nhân vật, thế nên bạn cũng không cần phải lo hết tên để đặt cho Debian đâu!

Quy tắc đánh số hiệu phiên bản và đặt tên mã của OpenSUSE

OpenSUSE

OpenSUSE là một bản phân phối Linux được tài trợ bởi SUSE Linux Gmb và các công ty khác. Ban đầu được phát triển trên nền tảng của hệ điều hành Slackware, nhưng dần dần đã thay đổi đáng kể. OpenSUSE hiện được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Bản phát hành OpenSUSE đầu tiên được ra mắt vào năm 2005 với tên gọi OpenSUSE 10.1. Không rõ tại sao các nhà phát triển của hệ điều hành này lại đặt tên bắt đầu bằng 10 mà không phải 1 (chắc họ thích vậy). Thế nhưng kể từ đó, các bản phát hành chính của OpenSUSE đều tuân theo quy tắc khá đơn giản, đó là tăng số hiệu phiên bản cho các bản phát hành lớn trước số thập phân, và đối với các bản phát hành nhỏ là sau số thập phân. Như vậy, chúng ta có các phiên bản OpenSUSE với số hiệu phát hành: 11.3, 11.4, 12.1, 12.2, v.v.

Bản phát hành ban đầu của OpenSUSE không có tên mã. Tuy nhiên cho đến phiên bản OpenSUSE 11.2 trở đi, tên mã cuối cùng cũng đã được thêm vào.

Đặc điểm nhận diện nổi tiếng của OpenSUSE chính là màu xanh lá cây truyền thống, và màu sắc này cũng là nguồn cảm hứng trong việc đặt tên mã cho các bản phát hành của nó. Đó là lý do tại sao chúng ta có OpenSUSE Emerald (ngọc lục bảo, hay ngọc bích), hay OpenSUSE Teal (màu xanh mòng két)...

Emerald - Ngọc bíchEmerald - Ngọc bích

Danh sách các bản phát hành của OpenSUSE và tên mã:

  • 11.3 — Teal
  • 11.4 — Celadon
  • 12.1 — Asparagus
  • 12.2 — Mantis
  • 12.3 — Dartmouth
  • 13.1 — Bottle
  • 13.2 — Harlequin
  • Leap 42.1 — Malachite
  • openSUSE 15.0 - Leap

Đừng bối rối nếu bạn chưa từng nghe về những màu xanh lục này trước đây. Và nếu bạn nghĩ OpenSUSE sẽ dùng hết "kho" tên mã trong tương lai, cũng có thể lắm chứ! Nhưng có lẽ các nhà phát triển sẽ có cách giải quyết ổn thỏa. Phải rồi, chúng ta đã có 50 sắc thái của màu xám, thì cũng có thể có từng ấy màu xanh lá cây nhỉ!

Cách đặt tên mã là một “nghệ thuật” và người đặt tên mã chính là “nghệ sĩ”

Chúng ta có thể thấy cách đặt số hiệu phiên bản và tên mã của các bản phân khối khác nhau đều rất đa dạng và thú vị, thể hiện sự sáng tạo và tinh tế của đội ngũ phát triển. Vậy bạn có nghĩ rằng việc nhớ một bản phát hành thông qua tên mã sẽ dễ dàng hơn so với số phiên bản không? Bạn có nghĩ rằng tên mã là cần thiết không? Bạn thích cách đặt tên mã phân phối Linux nào nhất? Hãy để lại quan điểm của mình ở mục bình luận bên dưới nhé!

Thứ Ba, 12/11/2019 12:11
55 👨 1.613
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ