Theo Korea Herald, Bộ Nội vụ và An ninh Hàn Quốc sẽ thí điểm chuyển dần từ hệ điều hành Windows sang Linux trước. Nếu không phát hiện ra vấn đề bảo mật hay tương thích nào nghiêm trọng thì hệ điều hành Linux sẽ được áp dụng ở các cơ quan khác của chính Phủ Hàn Quốc.
Ông Choi Jang-hyuk, Giám đốc văn phòng dịch vụ kỹ thuật số của bộ cho biết việc thay đổi hệ điều này nhằm giảm chi phí và sự phụ thuộc vào một nền tảng duy nhất.
Hiện, thông tin về phiên bản Linux được chính phủ Hàn Quốc lựa chọn sử dụng vẫn chưa được công bố.
Quyết định này được chính phủ Hàn Quốc đưa ra khi thời hạn Windows 7 sẽ không được hỗ trợ kỹ thuật miễn phí và nâng cấp lên Windows 10 sắp đến, vào tháng 1/2020. Khi đó, chi phí để mua, vận hành và bảo trì các hệ thống chạy hệ điều hành Windows là quá cao.
Nếu chuyển đổi sang Linux và mua máy tính mới, chính phủ Hàn Quốc chỉ phải bỏ ra khoảng 780 tỷ won (655 triệu USD), thấp hơn nhiều so với số tiền phải chi để mua bản quyền hệ điều hành Windows.
So với Windows - hệ điều hành được Microsoft bán bản quyền, Linux là nền tảng mã nguồn mở và được đánh giá là có mức bảo mật cao, khả năng tùy biến tốt, đặc biệt hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, nhược điểm của Linux là hạn chế ứng dụng hỗ trợ.
Nếu chính phủ Hàn Quốc thực hiện quá trình chuyển đổi này suôn sẻ, Microsoft cũng không quá lo lắng. Bởi hiện nay, ngoài việc bán giấy phép Windows, Microsoft còn phát triển nhiều dịch vụ đám mây. Một số dịch vụ trực tuyến dành cho môi trường doanh nghiệp của hãng cho đến nay vẫn chưa có đối thủ thay thế hoàn toàn, cho nên hãng vẫn có thể thu được lợi nhuận từ chính phủ Hàn Quốc.
Trước đó, hệ điều hành Linux cũng đã được một số cơ quan chính phủ bày tỏ sự quan tâm nhưng chính phủ Hàn Quốc là người tiên phong triển khai sử dụng hệ điều hành này.