Linux là một hệ điều hành máy tính và cũng là tên hạt nhân (kernel) của hệ điều hành. Nó có lẽ là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về khái niệm phần mềm tự do và của việc phát triển mã nguồn mở. Kể từ khi được ra mắt vào năm 1994, nền tảng này đã giữ một vai trò cực kỳ quan trọng việc thúc đẩy cuộc cách mạng nguồn mở trong thế giới công nghệ, trao quyền phát triển nhiều hơn cho các công ty khởi nghiệp, khai sinh những ngành công nghiệp mới và đồng thời mở ra một chương phát triển bùng nổ của nhiều loại thiết bị, sản phẩm công nghệ thay đổi thế giới.
Jim Zemlin, Giám đốc điều hành Linux Foundation, cho biết nhiều người dùng Linux trong công việc hàng ngày mà không hề biết tới sự tồn tại của nó. "Thế giới nếu không có Linux sẽ trở thành một nơi rất khác biệt: Thiếu đồng nhất và kém hấp dẫn. Thậm chí, nếu đó là sự thật thì giờ bạn vẫn phải dùng hệ điều hành Windows CE trên những chiếc điện thoại bỏ đi". Vậy Linux đang thực sự có đóng góp như thế nào đến cuộc sống của nhân loại? Dưới đây là 25 điều tuyệt vời nhất (và khá bất ngờ) mà Linux đang âm thầm “cống hiến” trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, mời các bạn cùng tìm hiểu.
1. Siêu máy tính
Khi nhắc đến những thành tựu công nghệ vĩ đại của loài người, hay “kỳ quan” trong thế giới công nghệ, có lẽ chúng ta không thể bỏ qua các siêu máy tính. Siêu cồng kềnh, đắt đỏ, và chi phí vận hành cực cao, thế nhưng sức mạnh xử lý khủng khiếp lên đến hàng nghìn tỷ phép tính mỗi giây đã khiến siêu máy tính trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Vậy thì vai trò của Linux ở đây là gì? Vâng, có đến 497/500 hệ thống siêu máy tính mạnh nhất thế giới đang chạy trên nền tảng Linux.
2. NASA
- Lời đồn tốc độ Internet của NASA đạt mức 91 Gb/s, download phim chỉ trong 1 giây có phải là sự thật?
Việc NASA - cơ quan đi đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không vũ trụ chọn sử dụng Linux cho gần như toàn bộ hệ thống máy tính tối tân của mình chính là minh chứng rõ nét nhất cho tính linh hoạt và khả năng thích ứng của nền tảng này.
Từ việc thu thập và lưu trữ dữ liệu được gửi từ vệ tinh cũng như kính viễn vọng, cho đến việc “bẻ khóa” và xử lý dữ liệu đó nhằm mục đích phục vụ cho các dự án, công trình nghiên cứu chuyên sâu về khoa học vũ trụ, tất cả đều được thực hiện với sự hỗ trợ rất lớn từ Linux.
Thông tin thêm đến bạn: Phòng thí nghiệm động cơ phản lực cho tàu vũ trụ của NASA cũng sử dụng Linux để trích dẫn dữ liệu, tạo điều kiện cho các dự án liên quan đến việc triển khai các chuyến bay không người lái vào không gian và thám hiểm vũ trụ chuyên sâu với độ chính xác cực cao.
3. Robot không gian
Tiếp tục với chủ đề hàng không - vũ trụ, bạn có biết rằng chú robot hình người đầu tiên - Robonaut 2 - được gửi vào không gian (và hiện vẫn đang phục vụ trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS cách Mặt Đất khoảng 319.6 km) - hoạt động dựa trên hệ điều hành nào không? Vâng, chính là Linux.
Trải nghiệm của NASA với Robonaut 2 trên Trạm vũ trụ quốc tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng, cho phép các nhà khoa học vũ trụ có một cái nhìn tổng quan hơn về khả năng của robot trong các nhiệm vụ không gian, cũng như triển vọng của kế hoạch đưa robot lên làm việc trên trạm vũ trụ thay thế cho con người trong tương lai.
Tin buồn: NASA không có kế hoạch đưa “người hùng” Robonaut 2 trở lại trái đất, có lẽ chúng ta sẽ khó có thể được chứng kiến chú robot Linux đầu tiên bay lên không gian này một lần nữa.
4. Bộ điều khiển chơi game (Games Console)
Linux đang là một trong những nền tảng thống trị ngành công nghiệp game toàn cầu. Điều này nghe qua thì có vẻ hơi quá nhưng trên thực tế không hề vô lý chút nào. SteamOS và Steam Machines đang sở hữu doanh thu thuộc top trong thế giới game, và chúng được xây dựng dựa trên nhân Linux (cụ thể là Debian Linux).
Các game thủ “kỳ cựu” chắc hẳn vẫn chưa quên một số thiết bị chơi game cầm tay dựa trên Linux như Pandora hay Neo Geo X. Các sản phẩm này tuy không được thành công cho lắm nhưng vẫn là niềm ao ước một thời của biết bao thế hệ.
Thông tin bên lề: Sony từng phát hành một gói phiên bản Linux cho Playstation 2, có thể biến thiết bị này thành một máy tính để bàn Linux phù hợp với nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
Về mảng game di động, có lẽ không phải nói thêm nhiều. Android đang là nền tảng thống trị trong thị trường game di động, và hệ điều hành này cũng được xây dựng dựa trên nhân Linux.
5. Large Hadron Collider
Large Hadron Collider (Máy gia tốc hạt lớn) là chiếc máy gia tốc hạt hiện đại có kích thước nhất thế giới, đồng thời cung cấp gia tốc mạnh nhất hiện nay. Large Hadron Collider được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các tia proton (một trong các loại hạt cơ bản) với động năng cực lớn. Mục đích chính của nó là phá vỡ những giới hạn và mặc định của mô hình chuẩn - những lý thuyết cơ bản hiện thời của vật lý hạt.
Không ngoa khi nói rằng Large Hadron Collider là một trong những thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học quan trọng nhất trên thế giới, và nó cũng rất đắt - trị giá 10 tỷ USD. Và trên tất cả, cỗ máy này đang vận hành dựa trên Linux. Large Hadron Collider sử dụng Linux để phân tích, xử lý, lưu trữ và phân phối hàng petabyte (mỗi petabyte tương đương 1 tỷ gigabyte) dữ liệu mà nó tích lũy trong khi hoạt động.
6. Roku
Đánh bại cả tượng đài Chromecast của Google cũng như FireTV của Amazon, Roku đang giữ ngôi vương trong thế giới thiết bị phát trực tuyến đa phương tiện với tư cách thiết bị được sử dụng phổ biến nhất tại Hoa Kỳ.
Tất cả thiết bị phần cứng của Roku được hợp nhất và hoạt động dựa trên một phiên bản Linux tùy chỉnh, được sửa đổi khá nhiều có tên “Roku OS”.
Thông tin thêm đến bạn: Cả Chromecast và FireTV cũng đều vận hành trên các nền tảng được phát triển từ Linux. Cho thấy công cụ nguồn mở này lại một lần nữa trở thành cái tên thống trị trong mảng hệ điều hành thiết bị phát trực tuyến đa phương tiện.
7. TiVo
Các máy ghi video kỹ thuật số cá nhân (thông thường gọi là ‘DVRs’) đang ngày càng được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Trong đó, TiVo được cho là mẫu DVR bán chạy nhất hiện nay, và thiết bị này sở hữu hệ điều hành nhúng dựa trên Linux.
Hệ điều hành này giúp TiVo xử lý việc ghi, phát lại và quản lý các đoạn video, bộ phim cũng như chương trình truyền hình yêu thích của bạn. Đồng thời, cho phép bạn chạy các ứng dụng TV mong muốn.
8. TV thông minh
Linux không chỉ cung cấp sức mạnh cho rất nhiều hộp set-top, mà còn được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm smartTV. Một số nhà sản xuất TV hàng đầu hiện đang cung cấp cho người dùng trải nghiệm TV thông minh tích hợp bằng cách sử dụng các hệ điều hành được phát triển dựa trên Linux.
Từ LG (với WebOS), Samsung (Tizen và Orsay OS) đến Sharp, HiSense, Philips và Panasonic (đều sử dụng FirefoxOS). Các hệ điều hành trên tuy sở hữu tên gọi khác nhau nhưng trên thực tế đều bắt nguồn từ Linux mà thôi!
9. Đồng hồ thông minh
Nhiều người trong số chúng ta sẽ nghĩ rằng Apple là nhà sản xuất đồng hồ thông minh duy nhất sở hữu thiết bị chạy trên hệ điều hành nhúng, nhưng thực tế không phải vậy.
Trở lại quá khứ một chút, vào năm 2000, IBM đã giới thiệu một chiếc smartwatch chạy Linux. Khoảng 16 năm kể từ “cột mốc” đó, chúng ta giờ đây đã sở hữu những chiếc smartwatch thực thụ. Trong đó phải kể đến những chiếc Samsung Gear vận hành dựa trên Tizen và hàng tá các thiết bị Android Wear đang thống lĩnh thị trường này, và tất cả đều chạy trên hệ điều hành được phát triển từ Linux.
10. Máy đọc sách Amazon Kindle
Với sự nổi tiếng và vị thế thống trị thị trường trong nhiều năm, Kindle gần như đã trở thành một từ danh từ chung dùng để nói đến các thiết bị đọc sách điện tử kỹ thuật số, thế nhưng ít ai nghĩ nhiều đến hệ điều hành nhúng mà thiết bị này đang chạy. Vâng, lại là Linux! Không ít hacker thậm chí đã cài đặt Ubuntu trên nhiều thiết bị Kindle thế hệ đầu để phục vụ cho các mục đích “độc hại” của mình.
Phiên bản đầu tiên của hệ điều hành Kindle OS đã được xây dựng dựa trên Linux kernel v2.6.26, trong khi phiên bản gần đây nhất, Kindle Oasis, sử dụng nhân v3.0.35.
11. Instagram (và về cơ bản là toàn bộ thế giới Internet)
Khi rảnh rỗi, nhiều người thường lên Instagram và cuộn qua các bức ảnh “tự sướng”, đồ ăn, hay các chương trình khuyến mãi điên rồ trên trang mạng xã hội này. Thế nhưng có lẽ rất ít người trong số chúng ta thực sự đặt ra câu hỏi thứ gì giúp mang lại trải nghiệm tuyệt vời đó.
Với hơn 1 tỷ lượt tải xuống và cài đặt trên Android, cần phải có một nguồn cấp sức mạnh tương xứng để giúp ứng dụng này có thể xử lý dữ liệu tạo ra từ hàng triệu hình ảnh, video, comment, và tài khoản mỗi ngày một cách mượt mà nhằm đảm bảo trải nghiệm người dùng tốt nhất. Và một lần nữa Linux lại là cái tên đảm nghiệm “trọng trách” nặng nề này.
Linux chính là nền tảng cơ sở cung cấp sức mạnh cho Instagram. Ngoài ra không chỉ Instagram, mà một loạt các mạng xã hội lớn khác cũng được xây dựng dựa trên Linux.
Và không chỉ ở lĩnh vực mạng xã hội, rất nhiều doanh nghiệp dẫn đầu thị trường khác như Airbnb, Uber và Netflix cũng chọn Linux làm nền tảng cơ sở để xây dựng lên các sản phẩm hệ điều hành nhúng cho thiết bị của mình.
12. Hệ thống giải trí xe hơi
Rất nhiều chiếc xe thuộc mọi phân khúc từ bình dân đến xa xỉ, của nhiều nhà sản xuất khác nhau đều sử dụng Linux làm nền tảng điều hành cho hệ thống giải trí tích hợp, hoặc xây dựng các hệ điều hành xe hơi dựa trên nhân Linux.
13. Hệ thống giải trí trong các chuyến bay
Vâng, không chỉ là xuất hiện trên xe hơi, Linux còn là sự lựa chọn ưa thích của các chuyên gia lập trình hệ thống giải trí trên máy bay. Tất cả máy bay của hãng hàng không nổi tiếng Delta Air Lines đều sử dụng hệ thống giải trí dựa trên nhân Linux.
Lần tới khi bạn phải ngồi hàng giờ trong “những chiếc ống kim loại khổng lồ” bay vun vút trên bầu trời để vượt hàng ngàn cây số, hãy chú ý hơn đến chiếc màn hình trước mặt bạn, rất có thể nó đang hoạt động dựa trên hệ thống nguồn mở lớn nhất thế giới: Linux.
14. Bảng hiệu kỹ thuật số
Từ những chiếc màn hình quảng cáo gắn bên vệ đường đến các thiết bị đầu cuối đặt ở bến tàu, nhà xe, Linux được sử dụng trên khắp thế giới, trong nhiều thiết bị công cộng, đến mức khó mà có thể liệt kê hết được!
15. Xe hơi tự hành
Rất nhiều hệ thống máy tính được sử dụng trên những chiếc xe tự hành phổ biến nhất thế giới hiện nay đều chạy Linux, có thể kể đến như những mẫu xe của Waymo (Google), General Motors (GM), hay Volkswagen.
16. Xe máy điện thông minh
Mavizen TTX02 không chỉ là chiếc xe moto đua chạy bằng điện đầu tiên xuất hiện trên thế giới, nó còn là mẫu xe máy điện thông minh đầu tiên vận hành dựa trên Linux. Nói đúng hơn, hệ thống máy tính được sử dụng trên Mavizen TTX02 cũng hoạt động bằng Linux. Chiếc xe này sở hữu cả cổng USB lẫn kết nối Wi-Fi để cho phép hệ thống phản hồi theo thời gian thực, điều chỉnh thủ công và giám sát nhiều chế độ lái thông minh khác nhau.
17. Tủ lạnh thông minh
ChillHub là mẫu tủ lạnh thông minh chạy trên nền tảng Ubuntu rất được ưa chuộng tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nó không phải là thiết bị làm lạnh trong nhà bếp duy nhất có liên quan đến Linux. Hầu hết các mẫu tủ lạnh thông minh của Electrolux được phát hành từ đầu năm 2010 cho đến nay đều sử dụng Linux làm hệ điều hành cho hệ thống máy tính bên trong.
18. Máy giặt
Bên cạnh tủ lạnh, máy giặt cũng là một thiết bị gia dụng thường được trang bị các nền tảng dựa trên Linux. Các mẫu máy giặt hiện đại ngày nay thường sở hữu nhiều tính năng thông minh, từ tự động điều chỉnh lượng nước cần thiết phù hợp với tải trọng giặt, cho đến hoạt động đồng bộ từ xa… Tất cả các tính năng này đều được điều khiển bởi một hệ thống máy tính và thất nhiên, hệ thống này chạy Linux.
Có thể bạn chưa biết: Samsung là nhà sản xuất đi đầu trong việc ứng dụng Linux trên các sản phẩm máy giặt thông minh.
19. Hệ thống kiểm soát không lưu tiên tiến
Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ đã chuyển sang sử dụng Linux vào năm 2006. Cơ quan này hiện đang sử dụng một phần mềm được xây dựng tùy chỉnh để quản lý và hiển thị luồng không lưu, và phần mềm này chạy trên Linux. Bên cạnh đó, các hệ thống kiểm soát không lưu tại nhiều sân bay lớn trên thế giới cũng đang sử dụng hệ thống phần mềm phát triển từ nhân Linux.
20. Chromebook
Rất nhiều người nghĩ rằng Chromebook chạy hệ điều hành Android, nếu cũng có suy nghĩ tương tự thì bạn đã lầm. Trên thực tế, các mẫu Chromebook sử dụng Chrome OS - hệ điều hành được xây dựng dựa trên một bản phân phối Linux có tên Gentoo (nhưng đã được chính sửa khá nhiều).
21. Tàu siêu tốc Nhật Bản (Shinkansen)
Chắc bạn không mấy xa lạ với những chiếc tàu siêu tốc Shinkansen nổi tiếng thế giới của đất nước Mặt Trời mọc, thế nhưng bạn có biết rằng những “viên đạn bạc” này lại hoạt động bằng Linux không?
Shinkansen có thể dễ dàng đạt tốc độ trung bình từ 240km/h đến 320km/h, và để giữ cho mọi thứ hoạt động trơn tru người ta sử dụng một hệ thống điều khiển giao thông tập trung để giữ cho tất cả các hoạt động của tàu - mọi nhiệm vụ liên quan đến di chuyển, theo dõi, nhà ga, lịch trình, v.v. - được nối mạng và vi tính hóa. Vậy hệ thống này chạy trên cái gì? Đúng vậy, Linux!
Bên cạnh đó, tất cả nhà ga tại Nhật Bản đều dùng hệ điều hành Linux để quản lý tàu siêu tốc ra vào.
22. Sở giao dịch chứng khoán New York
Các sàn giao dịch tài chính thế giới từ lâu đã là “fan hâm mộ” của phần mềm nguồn mở Linux nhờ khả năng thực hiện, quản lý giao dịch và phân tích các tính toán, báo giá, và thông điệp với tốc độ nhanh như chớp của nền tảng này. Việc chuyển hệ thống sang dùng Linux vào năm 2007 đã giúp sàn chứng khoán New York giảm được nhiều chi phí và tăng sự linh hoạt trong khâu vận hành hệ thống.
23. Lầu năm góc - Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chính là khách hàng lớn nhất của Red Hat Linux. Nếu bạn chưa biết, Red Hat là một công ty phần mềm chuyên cung cấp sản phẩm phần mềm mã nguồn mở cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như chính phủ. Cụ thể hơn, sản phẩm chính của tập đoàn này là các nền tảng hệ điều hành, middleware, các ứng dụng, sản phẩm quản lý và hỗ trợ, đào tạo, và dịch vụ tư vấn.
Không chỉ riêng Hoa Kỳ mà quân đội ở nhiều quốc gia trên thế giới thường tỏ ra cực kỳ nhiệt tình trong việc sử dụng phần mềm nguồn mở. Các phần mềm này là một phần quan trọng của kết cấu mạng tích hợp, kết nối và cho phép hệ thống chỉ huy - kiểm soát của quân đội hoạt động hiệu quả hơn.
24. Tàu ngầm hạt nhân
Không ít tàu ngầm hạt nhân thuộc biên chế Hải quân các quốc gia đều sở hữu hệ thống điều khiển dựa trên nền tảng Linux.
Quay trở lại thời điểm năm 2004, tập đoàn công nghiệp nặng Lockheed Martin đã bàn giao cho chính phủ Hoa Kỳ một mẫu tàu ngầm hạt nhân vận hành hoàn toàn nhờ vào hệ thống máy tính chạy trên nền tảng Linux (được thiết kế bởi Red Hat).
Và cuối cùng…
25. Chiếc máy tính của bạn
Bạn đọc một bài báo về Linux, được viết trên Linux, được lưu trữ trên Linux và quan trọng là bạn hoàn toàn cũng có thể trải nghiệm Linux trên chính chiếc máy tính của mình.
Tuy không sở hữu thị phần trong mảng máy tính để bàn nhiều như Windows, nhưng Linux là một hệ thống nguồn mở, do đó, sẽ có rất nhiều thứ để bạn khám phá. Hãy thử trải nghiệm và Linux sẽ không làm bạn thất vọng!
Trên đây là một vài đóng góp thầm lặng của Linux đối với cuộc sống con người. Bạn đã từng sử dụng Linux chưa? Bạn có suy nghĩ thế nào về nền tảng này? Hãy để lại ý kiến bình luận bên dưới nhé!