Với những ai chưa biết thì séc là một tờ chi phiếu được in sẵn theo quy định của ngân hàng. Người dùng có thể dùng những tấm séc này để ra lệnh cho ngân hàng trả tiền cho người có tên trong séc bằng hình thức chuyển khoản hoặc đưa tiền mặt. Tuy nhiên thì những tấm séc cũng có nhược điểm đó là người trả không đủ số dư để thanh toán từ khi người trả kí phát đến khi người thụ hưởng ra ngân hàng thanh toán.
Nhiều ngân hàng hiện nay có những mẫu séc khác nhau, nhưng về cơ bản thì cách ghi nội dung trên séc không khác nhau là mấy, bạn có thể tham khảo cách viết séc của một số ngân hàng phổ biến nhất Việt Nam hiện nay ở dưới bài viết này nhé.
- Hướng dẫn đổi số điện thoại liên kết với ngân hàng tại nhà
- Cách đổi mã PIN, đổi mật khẩu thẻ ATM Techcombank
- Những cách khóa thẻ ngân hàng khi bị mất hay lộ thông tin
Hướng dẫn ghi séc ngân hàng
Cách viết séc ngân hàng VPBank
Ở đây mình sẽ lấy ví dụ là séc ngân hàng VPBank năm 2017, ở mặt trước tờ séc bạn hãy ghi:
1. Phần cuống séc (Dành cho người ký phát và người ký phát lưu phần này tại cuống séc)
- Yêu cầu trả cho: Ghi đầy đủ họ tên của người thụ hưởng
- Số CMND/Giấy CNĐKKD: Ghi đầy đủ số CMND hoặc Hộ Chiếu, Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh sỹ quan Quân Đội nhân dân Việt Nam đối với người thụ hưởng là cá nhân, hay chứng nhận Đăng ký kinh doanh của người thụ hưởng là tổ chức.
- Số tiền: Ghi số tiền đề nghị thanh toán bằng số.
- Ngày ký phát: Ghi ngày, tháng, năm phát hành séc bằng số.
- Người ký phát: Chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản ủy quyền ký, ghi rõ họ và tên kèm theo đóng dấu (nếu có).
Nếu có đóng dấu thì dấu sẽ được đóng bởi người ký phát và được đóng giữa phần cuống séc và phần thân séc giữa đường ngăn hai bên.
2. Phần thân Séc
Đầu tiên là phía bên trái thân séc mặt trước, bạn hãy ghi như sau:
- Yêu cầu trả cho: Nếu người ký phát không cho phép người thụ hưởng chuyển nhượng thì hãy ghi rõ tên cá nhân hoặc pháp nhân thụ hưởng vào mục này. Sau đó đánh dấu X hoặc V vào ô Không chuyển nhượng. Còn nếu cho phép người thụ hưởng chuyển nhượng thì không đánh dấu vào ô Không chuyển nhượng. Nếu séc trả cho người giữ séc thì bạn không cần ghi tên người thụ hưởng, hoặc có thể ghi Trả cho người cầm giữ séc.
- Số CMND, Ngày cấp, Nơi cấp: Trong trường hợp người thụ hưởng là các cá nhân, bạn hãy ghi số CMND, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh sỹ quan Quân Đội nhân dân Việt Nam, giấy tờ tùy thân khác theo đúng quy định pháp luật của người thụ hưởng. Sau đó ghi đầy đủ ngày cấp và nơi cấp của loại giấy tờ đó.
- Số tài khoản và Tại: Nếu người ký phát chỉ định trả vào tài khoản, bạn hãy ghi số tài khoản và ngân hàng nơi người thụ hưởng mở tài khoản. Đồng thời đánh dấu X hoặc V vào ô Trả vào tài khoản ở trên ô Không chuyển nhượng.
- Số tiền bằng số: Ghi rõ số tiền muốn trả vào ô hình chữ nhật theo chữ số Ả Rập từ 0 đến 9, sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ bạn phải đặt dấu chấm, nếu còn số muốn ghi sau hàng đơn vị thì bạn phải đặt dấu phẩy, ví dụ một triệu đồng thì ghi là: 1.000.000,00. Còn ghi thường thì chỉ cần 1.000.000 thôi.
- Số tiền bằng chữ: Dòng này bạn phải viết rõ nghĩa, chữ đầu tiên của số tiền phải viết hoa và sát dòng đầu tiên, không viết cách dòng, cách quãng giữa các chữ, tuyệt đối không viết thêm chữ khác dòng vào giữa hai chữ viết liền nhau trên séc.
- Ví dụ: 2.200.450.953 đ thì ghi là Hai tỷ hai trăm triệu bốn trăm năm mươi ngàn chín trăm năm mươi ba đồng chẵn. Hoặc 36.000,99 USD thì ghi là Ba mươi sáu ngàn Đô la Mỹ và 99 cent.
- Còn với ba dòng dưới là Người ký phát, Số tài khoản, Tại thì bạn không cần ghi vì ngân hàng đã in sẵn khi cung ứng séc cho bạn.
Giờ qua phần bên phải thân séc các bạn sẽ có:
- Ngày ký phát: Ghi đầy đủ bằng số ngày, tháng, năm người ký phát phát hành séc.
- Trả vào Tài khoản: Như đã nêu qua ở trên, khi người ký phát séc không cho phép thanh toán séc bằng tiền mặt bằng cách đánh dấu X hoặc V vào ô này, thì ngân hàng sẽ chuyển số tiền ghi trên séc đó vào tài khoản của người thụ hưởng mà không trả bằng tiền mặt, kể cả trong trường hợp dấu X hoặc V ở ô này bị gạch bỏ.
- Không chuyển nhượng: Nếu ô này bị đánh dấu thì người ký phát không cho phép người thụ hưởng được phép chuyển nhượng và ngược lại, nếu cho phép người thụ hưởng chuyển nhượng thì không đánh dấu vào ô này.
Phần chữ ký và dấu ở thân séc bên dưới.
- Dấu: Nếu có dấu thì người ký phát phải đóng dấu vào đây theo đúng mẫu đã đăng ký với ngân hàng.
- Kế toán trưởng: Kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán hoặc người được Kế toán trưởng và người phụ trách kế toán ủy quyền của người ký phát là tổ chức sẽ ký và ghi rõ họ tên, chữ ký phải theo đúng mẫu đã đăng ký với ngân hàng. Chỉ áp dụng với các tổ chức phải bố trí kế toán trưởng/người phụ trách kế toán theo quy định của pháp luật.
- Người ký phát: Chủ tài khoản hoặc người được Chủ tài khoản ủy quyền phải ký vào ghi rõ họ tên hoặc đóng dấu chức danh vào mục này.
Phần dành cho người bị ký phát.
- Ngân hàng Bảo chi: Ở ô này sẽ có dòng Ngày Tháng Năm và Ký tên, đóng dấu. Nếu ngân hàng bảo đảm khả năng thanh toán cho tờ séc khi tờ séc được xuất trình trong thời hạn xuất trình và đòi thanh toán, thì ngân hàng sẽ ghi ngày, tháng, năm rồi bắt đầu thực hiện bảo chi séc và sẽ được cấp có thẩm quyền của ngân hàng ký tên và đóng dấu vào ô này. Còn nếu trong trường hợp không thực hiện bảo chi séc thì ô này sẽ để trống
- Còn ở các ô như Số tiền đã thanh toán, Số tiền từ chối thanh toán, Ngày thanh toán bạn hãy ghi đầy đủ trong mọi trường hợp, kể cả khi được thanh toán tất cả hoặc mới thanh toán một nửa, hay từ chối thanh toán toàn bộ số tiền đề nghị thanh toán trên tờ séc.
3. Mặt sau tờ séc
Đầu tiên là Phần dành cho chuyển nhượng, phần này sẽ chỉ ghi khi nào ô Không chuyển nhượng ở mặt trước tờ séc không bị đánh dấu.
- Chuyển nhượng cho: Ghi họ tên đầy đủ của người hoặc tên của tổ chức được chuyển nhượng tờ séc (người nhận chuyển nhượng tờ séc).
- Số CMND/Giấy CNĐKKD và Ngày cấp, Nơi cấp: Ghi số CMND, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh sỹ quan Quân Đội nhân dân Việt Nam hoặc Chứng nhận Đăng ký kinh doanh nếu người nhận là tổ chức. Sau đó ghi ngày cấp và nơi cấp của giấy tờ đó.
- Tải khoản và Tại: Trong trường hợp chuyển tiền trên séc vào tài khoản của người được chuyển nhượng, bạn hãy ghi số tài khoản vào mục Tài khoản và tên ngân hàng mở tài khoản của cá nhân hay pháp nhân được chuyển nhượng vào mục Tại.
- Ngày chuyển nhượng: Ghi bằng số ngày thực hiện việc chuyển nhượng.
- Phần ký tên, đóng dấu: Người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng ký và ghi rõ họ tên. Còn nếu trong trường hợp người chuyển nhượng hoặc người nhận chuyển nhượng đều là pháp nhân thì người đại diện có thẩm quyền ký và ghi rõ họ tên, sau đó đóng dấu pháp nhân.
- Một số lưu ý: Trong phần giao dịch chuyển nhượng thứ nhất của mặt sau tờ séc, người chuyển nhượng phải là người thụ hưởng đã được ghi tên lên mặt trước của tờ séc. Trong phần giao dịch chuyển nhượng thứ hai từ tờ séc, người chuyển nhượng phải là người được chuyển nhượng trong giao dịch chuyển nhượng thứ nhất, và cứ tiếp tục như vậy cho đến giao dịch chuyển nhượng cuối cùng.
Thứ hai là Phần lĩnh tiền mặt, chỉ áp dụng trong trường hợp người thụ hưởng/người được chuyển nhượng lĩnh bằng tiền mặt.
- Người nhận tiền: Điền đầy đủ họ tên người lĩnh tiền.
- Số CMND, Ngày cấp, Nơi cấp: Ghi số CMND, Hộ chiếu, Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh sỹ quan Quân Đội nhân dân Việt Nam theo quy định của pháp luật của người lĩnh tiền mặt. Sau đó ghi ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ đã ghi.
- Địa Chỉ: Điền đầy đủ địa chỉ hiện tại của người lĩnh tiền mặt.
- Dưới cùng là ký và ghi rõ họ tên dành cho Thủ quỹ, Giao dịch viên, Kiểm soát viên của VPBank.
Một số mẫu séc khác ngân hàng tại Việt Nam
1. Vietinbank
Séc của Vietinbank chỉ khác ở chỗ cuống vé không chi tiết như của VPbank và phần Số tiền đã thanh toán, từ chối thanh toán, Lý do và Ngày thanh toán trên VPBank ở đằng trước thì nay đã được chuyển sang đằng sau. Mẫu séc này của Vietinbank được áp dụng từ tháng 11 năm 2017.
2. BIDV
Séc của BIDV như trên được áp dụng từ tháng 1 năm 2007, phần cuống vé séc BIDV đơn giản như séc của Vietinbank ở trên. Ngoài ra phần số tiền bằng số và chữ được tách ra riêng biệt.
3. Ngân hàng Bắc Á
Được áp dụng vào đầu năm 2015, Séc của Ngân hàng Bắc Á vẫn đầy đủ thông tin như séc của các ngân hàng nêu trên, chỉ khác một điều là phần Số tiền đã thanh toán, Số tiền từ chối thanh toán, Ngày thanh toán đều không có ở trên mẫu séc này.
4. Maritime Bank
Mẫu séc của Maritime Bank được cung cấp từ năm 2010 cho người dùng, phần Người được trả tiền trên cuống vé cũng là tên ở mục Trả cho bên tay phải. Còn đâu thông tin trên séc cũng không khác mấy so với những séc ở trên.
Với một số mẫu nữa như séc của Vietcombank, Agribank và Techcombank... cũng tương tự như vậy. Nếu bạn không chắc chắn về bất cứ thông tin nào ghi trên séc, hãy gọi cho tổng đài viên của ngân hàng đó để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc. Danh sách các số điện thoại tổng đài ngân hàng bạn có thể tìm trong bài viết Danh sách số điện thoại các ngân hàng tại Việt Nam.
Xem thêm: