Trung Quốc muốn TikTok tự đóng cửa thay vì bán mình cho một công ty Mỹ

Vụ lùm xùm giữa nền tảng chia sẻ video ngắn mới nổi TikTok và chính phủ Hoa Kỳ có lẽ là một trong những sự kiện nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong thế giới công nghệ suốt hai tháng qua.

Từ lâu nay, phía Mỹ đã liên tục bày tỏ lo ngại về việc TikTok theo dõi và thu thập dữ liệu của người dùng Mỹ. Hồi đầu tháng 7 năm nay, Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra nhắm vào TikTok để xem ứng dụng này có vi phạm luật riêng tư dành cho trẻ em hay không. Cuối tháng 7, Hạ viện Mỹ cũng bỏ phiếu đồng ý cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị di động. Sang đến đầu tháng 8, tổng thống Trump tiếp tục ban hành lệnh cấm TikTok trên toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ sau ngày 20 tháng 9. Nếu muốn tiếp tục được hoạt động, công ty mẹ ByteDance buộc phải bán đứt bộ phận TikTok tại Hoa Kỳ cho một công ty có trụ sở tại quốc gia này.

Quyết định trên của chính quyền Donald Trump đã đặt ByteDance vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi vấn đề này không chỉ đơn thuần liên quan đến lợi nhuận của công ty, mà phần nào đó còn là cả “lòng tự trọng” của cả một quốc gia.

Thật vậy, theo báo cáo của Reuters, giới chức Trung Quốc đã kịch liệt phản đối việc bán mảng kinh doanh TikTok tại thị trường Mỹ cho một công ty của nước này như đề xuất của tổng thống Trump, cho rằng đây là điều “không thể chấp nhận”, và ByteDance thà tự đóng cửa TikTok tại Mỹ thay vì làm như vậy.

Báo cáo trích dẫn quan điểm của “ba cá nhân có kiến thức trực tiếp về vấn đề này”, cho biết “Các quan chức Trung Quốc tin rằng việc buộc phải bán TikTok cho một công ty Mỹ sẽ khiến cả ByteDance và Trung Quốc tỏ ra yếu thế trước sức ép từ Washington”. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng sẵn sàng “can thiệp, sửa đổi một số chính sách xuất khẩu công nghệ mà nước này thực hiện để trì hoãn bất kỳ thỏa thuận nào mà ByteDance đạt được, nếu cần thiết”.

Vụ việc TikTok có thể được coi là cuộc đấu trí giữa hai quốc gia?
Vụ việc TikTok có thể được coi là cuộc đấu trí giữa hai quốc gia?

Theo quan điểm từ giới phân tích, động thái này của Bắc Kinh là “dễ hiểu” và “đã được dự báo từ trước”, bởi trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang diễn ra căng thẳng như hiện nay, mọi nước đi của hai bên đều cần phải được tính toán kỹ. Các công ty lớn như ByteDance không chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp, mà còn phần nào đó mang tính biểu tượng của quốc gia cũng như chứa đựng lòng tự tôn dân tộc. Do đó việc phải bán mình cho đối thủ rõ ràng rất khó chấp nhận.

Tuy nhiên về phần mình, ByteDance khẳng định chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đề xuất hãng nên đóng cửa TikTok ở Mỹ hoặc ở bất kỳ thị trường nào khác.

Một số công ty lớn của Mỹ như Oracle, Microsoft, Twitter và Walmart được cho là đang quan tâm đến thương vụ mua lại mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, cơ hội đề một thỏa thuận chính thức được ký kết là không thực sự sáng cửa, mặc dù có thông tin cho rằng ByteDance đang cân nhắc một số giao dịch chuyển nhượng không bao gồm thuật toán của ứng dụng.

Giám đốc điều hành hiện tại của TikTok tại Hoa Kỳ, Vanessa Pappas, cho biết công ty của bà tự tin rằng vẫn còn “nhiều con đường” mở ra cơ hội cho phép ứng dụng vẫn được duy trì ở Hoa Kỳ. Những diễn biến đáng chú ý vẫn còn ở phía trước, hãy cùng chờ xem!

Chủ Nhật, 13/09/2020 18:04
41 👨 273
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ