*Cập nhật ngày 19/09:
Theo lệnh cấm đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành đầu tháng 8 vừa qua, bắt đầu từ ngày 20/9 tới đây, hai nền tảng ứng dụng Trung Quốc TikTok và WeChat, sẽ bị cấm trên Google Play Store và iOS App Store tại thị trường Mỹ. Hai ứng dụng này sẽ không còn có sẵn để người dùng tải xuống hoặc cập nhật như trước. Đối với những thiết bị đã cài đặt ứng dụng trước đó, người dùng vẫn có thể sử dụng bình thường, chỉ không còn nhận được các bản cập nhật mới nữa mà thôi.
Trước tình cảnh trên, tân CEO TikTok tại thị trường Hoa Kỳ, bà Vanessa Pappas, đã có một động thái gây xôn xao dư luận và trở thành chủ đề cho những tranh cãi mới: Kêu gọi các nền tảng mạng xã hội lớn tại Mỹ như Facebook và Instagram cùng đoàn kết tạo thành một “mặt trận thống nhất” nhằm chống lại sắc lệnh của Tổng thống Trump, với lý do lệnh cấm này đã xâm phạm quyền tự do ngôn luận và không được ban hành theo một quy trình pháp lý phù hợp.
Có thể tạm hiểu nội dung vị CEO chia sẻ trên Twitter như sau:
“Chúng tôi cho rằng những lệnh cấm kiểu này sẽ gây tác hại tiêu cực đến lĩnh vực công nghệ. Chúng tôi mời Facebook và Instagram cùng công khai tham gia hỗ trợ cuộc chiến pháp lý chống lại lệnh cấm này. Đây là thời điểm để chúng ta tạm gác sự cạnh tranh sang một bên và cùng sát cánh bảo vệ các nguyên tắc cốt lõi như quyền tự do ngôn luận và những quy trình pháp lý đúng quy định”.
Trước đó, người đứng đầu Instagram, CEO Adam Mosseri, đã đăng tải một bài tweet cho rằng lệnh cấm TikTok của Hoa Kỳ về lâu dài sẽ có hại không chỉ đối với các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook hay Instagram, mà còn là cả Internet nói chung. Nó tạo ra tiền lệ xấu khiến các nền tảng này bị can thiệp nhiều hơn bởi những quy trình pháp lý không thực sự rõ ràng. Và phía trên chính là lời retweet của CEO TikTok.
Vanessa Pappas hiện đang nắm giữ vị trí Giám đốc điều hành tạm thời của TikTok sau khi cựu CEO Kevin Mayer bất ngờ xin từ chức vào tháng trước, và là người được kỳ vọng sẽ giúp chèo lái con thuyền TikTok vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Hiện tại, mọi con mắt đang đổ dồn vào Mark Zuckerberg. Tuy nhiên viễn cảnh vị CEO Facebook đứng về phía TikTok là không cao bởi suy cho cùng, chính Zuckerberg là một trong những người tích cực thuyết phục chính quyền Trump phát động “cuộc tấn công” nhắm vào TikTok.
TikTok dọa kiện Nhà Trắng về lệnh cấm tại Mỹ
Như thông tin đã đăng tải vào ngày 6/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành hai lệnh cấm nhắm vào TikTok và WeChat tại thị trường hơn 300 triệu dân, với cáo buộc các ứng dụng này bí mật thu thập thông tin cá nhân của người Mỹ. Trong cả hai sắc lệnh, chính quyền Trump đều cho rằng sự phổ biến của các ứng dụng di động được sở hữu bởi những công ty có trụ sở tại Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Mỹ.
Lệnh cấm tuy đã được sự báo từ trước nhưng vẫn gây ra cú sốc lớn với không chỉ TikTok, công ty mẹ Bytedance, mà còn đối với cả ngành công nghệ Trung Quốc, khiến 100 tỷ USD của các tập đoàn công nghệ lớn bốc hơn khỏi các giao dịch ngay trong ngày 7/8.
Phía Tiktok cam kết sẽ đưa ra biện pháp đáp trả. Theo tiết lộ từ Đài Phát thanh Công cộng quốc gia Hoa Kỳ (NPR), TikTok đang lên kế hoạch đệ đơn kiện chính quyền Donald Trump sớm nhất vào ngày 11 tháng 8. Lý do được phía nền tảng ứng dụng Trung Quốc đưa ra là sắc lệnh mà người đứng đầu Nhà Trắng vừa đặt bút ký đã vi hiến, xâm phạm nghiêm trọng quyền phản ứng theo quy trình hợp pháp của TikTok, được ban hành "mà không có bất kỳ thủ tục hợp pháp nào" cũng như "không có chứng cứ" về các cáo buộc bảo mật. Ngoài ra, Tiktok cũng cho rằng lý do an ninh quốc gia đằng sau lệnh cấm này là hoàn toàn dựa trên "suy đoán và phỏng đoán vô căn cứ".
Đặc biệt theo báo cáo của NPR, Nhà Trắng không hề chỉ định bất cứ điều tra viên nào liên hệ và làm việc với phía TikTok trước khi đưa ra hành động cưỡng chế, như họ thường làm với các công ty khác. Đây cũng chính là lý do TikTok báo buộc chính quyền của ông Trump đã vi phạm thời hạn pháp định. Hiện tại, nền tảng chia sẻ video Trung Quốc ty từ chối đưa ra bình luận sâu hơn về các tình tiết liên quan.
Theo nhận định của giới chuyên gia, TikTok có thể không gặp nhiều khó khăn trong việc chống lại lệnh cấm như nhiều người nghĩ. Mặc dù Trump đã sử dụng “Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc” tế để biện minh cho lệnh cấm TikTok, nhưng về cơ bản, đạo luật này không cho phép chính phủ ban hành các lệnh cấm dựa trên giao tiếp cá nhân và chia sẻ - hai khía cạnh trọng tâm của TikTok.
TikTok có thể sẽ phải dựa vào tòa án để tránh lệnh cấm, ít nhất là nếu thỏa thuận với Microsoft không được thông qua. Trước đó vào đầu tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố TikTok sẽ phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động tại Mỹ từ 20/9 nếu không đạt được thỏa thuận bán lại cho Microsoft hoặc một công ty nào đó của Mỹ.
Vụ việc giữa TikTok và chính quyền Donald Trump đã một lần nữa cho thấy sự can thiệp ngày càng lớn của các xung đột địa chính trị vào lĩnh vực công nghệ, dẫn đến những thiệt hại lớn cho các bên liên quan.