Cập nhật 07/08/2020: Tổng thống Trump gia hạn 90 ngày để Tiktok “bán mình” tại thị trường Hoa Kỳ
Vừa tiếp tục có thêm chuyển biến mới trong câu chuyện gây nhiều tranh cãi về số phận của TikTok ở Hoa Kỳ, với việc Tổng thống Donald Trump cuối cùng đã ban hành lệnh hành pháp mà ông từng không ít lần nhắc đến trước đây: Ra lệnh ByteDance buộc phải bán đứt bộ phận TikTok tại Hoa Kỳ cho một công ty có trụ sở tại quốc gia này. Đồng thời gia hạn mốc thời gian thi hành lệnh cấm TikTok tại Mỹ (trong trường hợp ByteDance không chấp nhận sắc lệnh trên) lên 90 ngày.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ (CFIUS) Steven Mnuchin cho biết sắc lệnh của ông Trump yêu cầu ByteDance buộc phải thoái lại tất cả lợi ích và quyền lợi đối với bất kỳ tài sản nào (cả về phần cứng lẫn phần mềm) được sử dụng để kích hoạt hoặc hỗ trợ hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, ByteDance cũng sẽ không được “nhúng tay” vào bất kỳ dữ liệu nào mà TikTok (hoặc Musical.ly) thu được hoặc có được từ người dùng tại Mỹ.
Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), cơ quan có nhiệm vụ đánh giá mọi vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia đối những khoản đầu tư nước ngoài vào các công ty hoặc hoạt động của Hoa Kỳ, đã tiến hành xem xét toàn diện vụ việc, đồng thời nhất trí đề xuất hành động này với Tổng thống Trump để bảo vệ người dùng Hoa Kỳ khỏi hoạt động “khai thác dữ liệu cá nhân từ công ty Trung Quốc".
Về quyết định gia hạn thời điểm áp dụng lệnh cấm. Sắc lệnh mới của chính phủ Hoa Kỳ sẽ kéo dài thời hạn mà TikTok phải tuân thủ lên 90 ngày, tức là đến ngày 12 tháng 11 năm 2020, thay vì ngày 15 tháng 9 như trước đây. Động thái này được coi là tin tốt cho TikTok, giảm bớt áp lực mà công ty mẹ Bytedance trong việc đưa ra các chính sách đối phó với lệnh cấm. Trong một tuyên bố liên quan, phía công ty Trung Quốc chỉ nói: “Chúng tôi cam kết tiếp tục mang lại niềm vui và cả lợi ích cho khách hàng đang sử dụng nền tảng của mình trong nhiều năm tới”.
Microsoft đang là một trong những công ty đi tiên phong trong hoạt động đàm phán mua lại TikTok, cả ở Hoa Kỳ và có thể là toàn bộ hoạt động kinh doanh trị giá 50 tỷ đô la trên toàn cầu của ứng dụng này.
Cập nhật 07/08/2020: Tổng thống Mỹ chính thức ký sắc lệnh cấm TikTok và WeChat
Mỹ đang ngày một tiến gần hơn tới việc cấm hoàn toàn mạng xã hội TikTok tại đất nước mình. Cuối ngày hôm qua, thứ 5 ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký hai lệnh cấm nhắm vào TikTok và WeChat.
Trong cả hai sắc lệnh, chính quyền Trump đều cho rằng sự phổ biến của các ứng dụng di động được sở hữu bởi các công ty có trụ sở tại Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Mỹ. Phía Mỹ cáo buộc cả TikTok và WeChat đều thu thập thông tin cá nhân của người Mỹ.
Cả hai sắc lệnh đều có hiệu lực sau 45 ngày được ký. Điều này đồng nghĩa với việc sau ngày 20/9, tất cả mọi giao dịch, tương tác của người Mỹ hoặc trong phạm vi lãnh thổ Mỹ trên TikTok hoặc WeChat đều sẽ bị cấm.
Từ lâu nay, phía Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc các ứng dụng như TikTok theo dõi và thu thập dữ liệu của người dùng Mỹ. Hồi đầu tháng 7 năm nay, Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra nhắm vào TikTok để xem ứng dụng này có vi phạm luật riêng tư dành cho trẻ em hay không. Cuối tháng 7, Hạ viện Mỹ cũng bỏ phiếu đồng ý cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị di động.
TikTok liên tục đưa ra tuyên bố bác bỏ các cáo buộc theo dõi người dùng. Ứng dụng này cũng tìm cách tách ra khỏi công ty mẹ ByteDance nhằm tránh lệnh cấm từ các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, để được tiếp tục hoạt động tại Mỹ, TikTok đang xem xét bán cổ phần kiểm soát cho một nhà đầu tư Mỹ.
Đầu tuần này, Microsoft đã xác nhận rằng họ đang đàm phán mua lại mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ cũng như một số thị trường khác. Dự kiến, nếu mọi việc thuận lợi, Microsoft sẽ hoàn tất việc mua TikTok vào ngày 15/9.
Sau Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh, TikTok sắp mất đi thêm một thị trường giàu tiềm năng khác là Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Mỹ đang xem xét ra lệnh cấm TikTok.
Theo ông Pompeo, chính phủ Mỹ đang nghiêm túc xem xét cấm các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc. Vị quan chức cấp cao của chính phủ ông Donald Trump tỏ ra lo ngại về các vấn đề an ninh mà TikTok vướng vào trong những năm vừa qua. Ông cảnh báo rằng người dùng không nên dùng TikTok để tránh bị Trung Quốc thu thập thông tin riêng tư.
“Tôi cam đoan với bạn rằng chính phủ Mỹ sẽ làm những điều đúng đắn với các ứng dụng Trung Quốc. Tôi không muốn qua mặt ngài Tổng thống nhưng đúng là chúng tôi đang xem xét TikTok và các ứng dụng khác một cách nghiêm túc”, ông Pompeo chia sẻ.
Trong khi đó, phía TikTok tuyên bố rằng họ được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ và có hàng trăm nhân viên, giám đốc làm việc trong lĩnh vực bảo mật, an toàn, sản phẩm và chính sách công cộng tại Mỹ. “Chúng tôi luôn dành sự ưu tiên cao nhất cho trải nghiệm an toàn và bảo mật cho tất cả người dùng của chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc và sẽ từ chối nếu như nhận được yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc trong tương lai”, người phát ngôn của TikTok chia sẻ.
Mỹ là thị trường lớn thứ 3 của TikTok sau Trung Quốc và Ấn Độ. Theo Sensor Tower, Mỹ chiếm 8% tổng số lượt tải về của TikTok từ khi ra mắt tới nay.
Một tuần trước, ông Pompeo cũng đã hoan nghênh Ấn Độ khi nước này ra lệnh cấm TikTok và gần 60 ứng dụng Trung Quốc khác. Theo thống kê, lệnh cấm của Ấn Độ có thể khiến TikTok thiệt hại tới 6 tỷ USD.
TikTok thuộc sở hữu của hãng Bytedance có trụ sở tại Trung Quốc. Tại Mỹ, TikTok đang bị coi là một mối đe dọa an ninh quốc gia. Chính phủ Mỹ hiện đã cấm TikTok tại một số cơ quan liên bang bao gồm Quân đội và Hải Quân. Hồi tháng 2/2019, TikTok đã bị phạt 5,7 triệu USD vì vi phạm đạo luật COPPA về quyền riêng tư của trẻ em. Tháng 11/2019, chính phủ Mỹ cũng đã mở một cuộc điều tra TikTok nhằm xác định xem ứng dụng này có gây hại cho an ninh quốc gia hay không.
Gần đây, ngay cả nhóm hacker Anonymous cũng đã lên tiếng khuyên mọi người nên xóa ngay TikTok.