Theo báo cáo từ Zero Day, từ ngày 20/7, Kaspersky - công ty bảo mật Nga, sẽ bắt đầu đóng cửa chi nhánh tại Mỹ và sa thải nhân viên.
Động thái của Kaspersky được đưa ra sau khi Mỹ dự định cấm bán các sản phẩm của Kaspersky và lệnh cấm này hiện đã có hiệu lực.
Khi mới nhận được thông tin về lệnh cấm, Kaspersky cho biết sẽ kháng cáo. Hiện không rõ công ty bảo mật Nga có còn thực hiện tiếp kế hoạch này hay không.
Theo Zero Day, Kaspersky phải đưa ra quyết định đáng buồn và khó khăn này sau khi đã xem xét và đánh giá cẩn thận tác động từ các yêu cầu pháp lý của Mỹ, họ nhận ra rằng các cơ hội kinh doanh tại Mỹ không còn khả thi nữa.
Báo cáo cho biết việc đóng cửa chi nhánh tại Mỹ sẽ khiến khoảng 50 nhân viên bị ảnh hưởng. Các nhân viên này sẽ được hưởng khoản trợ cấp thôi việc nhưng thông tin cụ thể không được tiết lộ.
Phần mềm Kaspersky là một công cụ chống phần mềm độc hại phổ biến trên PC Windows, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hoặc làm chậm vô số lỗ hổng bảo mật nguy hiểm. Vì vậy, việc cấm các sản phẩm của công ty bảo mật này có thể gây tác động lớn lên lĩnh vực an ninh mạng tại Mỹ.
Kaspersky chính thức bị cấm cửa tại Mỹ (22/6/2024)
Mỹ đã chính thức ban bố lệnh cấm với các sản phẩm của công ty bảo mật Kaspersky có hiệu lực từ cuối tháng 9/2024. Quyết định này của chính quyền Tổng thống Biden sẽ ảnh hưởng đáng kể đến người dùng và doanh nghiệp.
Lệnh cấm đối với Kaspersky sẽ có hiệu lực đầy đủ vào ngày 29/09/2024, bao gồm "các hạn chế mới đối với việc nhập khẩu và bán phần mềm Kaspersky, đồng thời cấm tải xuống các bản cập nhật phần mềm, bán lại và cấp phép cho sản phẩm." Người dùng và doanh nghiệp có khoảng thời gian 100 ngày để tìm kiếm các giải pháp thay thế khả thi cho máy tính và laptop của họ.
Đối với việc bán hàng mới, áp dụng cho các sản phẩm sử dụng dịch vụ của Kaspersky ở nền tảng, lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày thông báo. Điều này có nghĩa là người dùng sẽ không còn nhìn thấy các sản phẩm Kaspersky trên kệ cửa hàng hoặc trên các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, Kaspersky Lab cũng sẽ được đưa vào danh sách hạn chế thương mại.
Lệnh cấm này có thể gây một số vấn đề lớn cho chính Kaspersky và các công ty đã dựa vào dịch vụ của Kaspersky trong nhiều năm. Hiện tại, thương hiệu chưa đưa ra phản hồi về lệnh cấm trên dù tình hình đối với Kaspersky đang trở nên khó khăn.
Lý do chính phủ Mỹ đưa ra lệnh cấm trên là lo ngại phần mềm của Kaspersky có thể được sử dụng cho các mục đích độc hại do có quan hệ với Nga và tình hình chính trị hiện tại.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ, bà Gina Raimondo, cho biết, chính phủ Mỹ lo ngại các công ty Nga như Kaspersky có thể thu thập và biến thông tin cá nhân của người Mỹ thành vũ khí.