Kinh nghiệm chọn mua màn hình máy tính tốt nhất

Ngày nay, thị trường màn hình máy tính tuy đã tương đối bão hòa nhưng sự phong phú trong mẫu mã, kiểu dáng, tính năng cũng như giá bán vẫn khiến cho việc chọn mua một sản phẩm sao cho phù hợp nhất không phải là một bài toán đơn giản. Trong bài biết này, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét một số vấn đề cần lưu ý trước khi quyết định rút hầu bao cho một chiếc màn hình máy tính.

Chọn màn hình lớn liệu có phải là một ý tưởng hay?

Chọn màn hình lớn liệu có phải là một ý tưởng hay?

Màn hình máy tính như thế nào lớn là đủ lớn? Khi nói đến màn hình máy tính, chắc hẳn bạn muốn có một cái gì đó có thể vừa vặn thoải mái trên bàn làm việc của mình trong khi vẫn có khả năng cung cấp góc nhìn rộng và lượng thông tin được hiển thị rõ ràng, chi tiết. Mặc dù trước đây, màn hình dưới 20 inch là một sự lựa chọn rất phổ biến đối với các hệ thống máy tính gia dụng hoặc dùng trong văn phòng, nhưng ngày nay, trừ khi bạn thực sự bị hạn chế về không gian, không có lý do gì để chọn mua một chiếc màn hình dưới 22 inch. Đối với hầu hết mọi người 24 inch sẽ là tiêu chuẩn chung cho màn hình của một hệ thống máy tính để bàn thông thường. Hơn nữa, giá cả của màn hình máy tính ngày càng phải chăng hơn, vậy thì tội gì mà chúng ta không chọn cho mình những sản phẩm cỡ lớn một chút.

Đối với những người có nhu cầu cao hơn (ví dụ như các game thủ chẳng hạn), có rất nhiều kích cỡ khác nhau để lựa chọn. Màn hình rộng 27 inch (theo đường chéo) đang ngày càng phổ biến và ngoài ra cũng có rất nhiều tùy chọn lớn hơn 30 inch có giá cả phải chăng. Nếu công việc của bạn đòi hỏi một màn hình hiển thị cực lớn, các model 50 inch cũng không phải là hiếm. Có một sự thật không thể phủ nhận là màn hình to hơn sẽ cho khả năng hiển thị cũng như trải nghiệm hình ảnh tốt hơn, tuy nhiên, bạn cũng không nên chọn loại quá to bởi chúng có xu hướng khá đắt tiền và chắc chắn đối với hầu hết những người dùng bình thường sẽ là quá mức cần thiết.

Vậy thì to như thế nào là hợp lý? 24 đến 30 inch là mức mà chúng tôi đưa ra ở đây. Màn hình nằm trong khoảng kích cỡ này sẽ phù hợp với hầu hết người dùng theo tất cả các phương diện, từ tối ưu hóa không gian cho đến trải nghiệm sử dụng. Chúng cho phép bạn vừa có thể tận dụng tối đa độ phân giải hiện đại và màu sắc rõ ràng, vừa phù hợp với bố cục chung của các công cụ Internet, cũng như vẫn đủ để đảm bảo đáp ứng tốt những cầu làm việc đa tác vụ của bạn mà không cần thiết phải ghép nối thêm một màn hình thứ 2.

Độ phân giải và loại màn hình

Độ phân giải và loại màn hình

Chúng ta đã chờ đợi nhiều năm để công nghệ OLED trở nên thực sự phổ biến trong thế giới màn hình nói chung và màn hình máy tính nói riêng. Tuy nhiên, OLED trên TV và điện thoại thì đã dần bắt đầu được sử dụng rộng rãi nhưng OLED trên màn hình PC thì dường như vẫn còn khá mông lung. Ngày nay, hầu như tất cả các màn hình máy tính tốt nhất trên thị trường vẫn là màn hình LCD sử dụng công nghệ LED cho một thiết kế mỏng, giúp tiết kiệm năng lượng cũng như tối ưu hóa không gian lắp đặt trong khi vẫn đảm bảo khả năng hiển thị ấn tượng ở những mức giá bàn hoàn toàn chấp nhận được. Vậy nên tiếp tục chọn mua một màn hình LED ở thời điểm hiện tại là một quyết định rất hợp lý.

Một khía cạnh khác của màn hình máy tính mà bạn cần phải chú ý tới đó là độ phân giải. Mặc dù 1080p đã từng là tiêu chuẩn vàng trong thế giới màn hình, nhưng ngày nay, nó dường như chỉ còn là một tiêu chuẩn độ phân giải cơ sở, tức là hiếm có màn hình đời mới nào có độ phân giải thấp hơn 1080p. Nếu bạn vui lòng chi tiêu nhiều hơn một chút, sẽ có một vài lựa chọn khác đáng để xem xét, đặc biệt nếu bạn muốn cải thiện không gian màn hình hoặc chất lượng hình ảnh khi chơi game. Mặc dù vậy, độ phân giải không phải là tất cả trên một chiếc màn hình, còn rất nhiều yếu tố khác mà chúng ta phải quan tâm. Trên thực tế, độ phân giải cao trên một màn hình quá nhỏ thường có thể gây khó chịu, bởi vì nó thu nhỏ tất cả hình ảnh và buộc bạn phải phóng to mọi thứ khi muốn đọc một cách dễ dàng.

1080p: Nếu bạn muốn độ rõ ràng dừng lại ở mức hợp lý, và muốn tiết kiệm chi phí hoặc tập trung vào các tính năng quan trọng khác, 1080p là độ phân chấp nhận được - miễn là chiếc màn hình mà bạn định mua không quá lớn. 1080p là lý tưởng cho màn hình 21 inch đến 24 inch, nếu to hơn thì có khả năng sẽ xuất hiện hiện tượng rỗ ảnh. Những màn hình 1080p ở kích thước 21 inch đến 24 inch cung cấp chất lượng hình ảnh tương đối tốt và quan trọng là giá bán đang rất hợp lý. Tuy nhiên, nếu bạn muốn một sản phẩm hơn 24 inch, bạn nên xem xét độ phân giải tối thiểu là 2.560 x 1.440 và có thể là 4K.

1440p: Đây là đứa con bị lãng quên trong cuộc hôn nhân giữa người tiêu dùng và 4K. Tuy nhiên, 1440p vẫn là độ phân giải được đề xuất cho các game thủ, vì nó mang lại sự cải thiện rõ rệt về chất lượng hình ảnh so với 1080p nhất là trên những màn hình kích thước lớn, trong khi không quá kén card đồ họa. Nó cũng có giá cả phải chăng hơn nhiều nếu bạn có thể quan tâm đến các tính năng bổ sung như tốc độ làm mới (refresh rates) cao.

4K: 4K là độ phân giải đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ ngành công nghiệp màn hình cũng như người tiêu dùng do được quảng cáo khá rầm rộ trong vài năm trở lại đây. Nó cho độ chi tiết tốt hơn nhiều so với 1080p, với 3,840 x 2.160 pixel và quan trong là giá đã giảm đáng kể trong vài năm qua. Tuy nhiên, để sử dụng được những màn hình ở độ phân giải này một cách mượt mà, các game thủ cũng sẽ cần một card đồ họa mạnh mẽ, và việc tìm kiếm màn hình giá cả phải chăng với hệ thống phần cứng hỗ trợ đồng bộ đầy đủ khung hình hoặc tốc độ làm mới cao vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, có thể nói 4K chính là xu thế của ngành công nghiệp màn hình trong tương lai.

5K: Vâng bạn không nhìn lầm đâu. Độ phân giải này đã trở thành tiêu điểm khi được Apple ra mắt trên iMac, nhưng nó khó có thể thành độ phân giải phổ biến ngay cả nhiều năm sau đó. Dell LIN UP2715K là một màn hình 5K tuyệt vời, nhưng chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng màn hình 4K cao cấp trước khi chi thêm tiền để nâng cấp lên 5K. Với những màn hình ở kích cỡ thông thường, chắc chắn bạn sẽ không thể thấy quá nhiều sự khác biệt giữa chúng.

Mặc dù ở trên là các độ phân giải phổ biến nhất mà bạn sẽ tìm thấy trên thị trường màn hình, nhưng vẫn có một số phản phẩm “không giống ai”. Các màn hình ultrawide tốt nhất thường cung cấp tỷ lệ khung hình và độ phân giải độc đáo với số lượng pixel ngang rất lớn, nhưng lại ít hơn theo chiều dọc. Ngoài ra, màn hình cong cũng là một yếu tố đáng xem xét. Tuy không có nhiều khác biệt về độ phân giải so với màn hình phẳng nhưng màn hình cong lại sở hữu một vài lợi thế nhất định, từ mặt thẩm mỹ đến trải nghiệm hình ảnh.

Dưới đây là bảng tổng kết độ phân giải có thể có trên màn hình máy tính ngày nay:

Độ phân giải

Số pixel

5K

5120 x 2880

4K

3840 x 2160 (độ phân giải màn hình điển hình)

4096 x 2160 (độ phân giải chính thức được sử dụng trong rạp chiếu phim)

Ultra HD (UHD)

3840 x 2160

Quad HD (QHD) hay còn gọi là Wide Quad HD (WQHD)

2560 x 1440

2K

2560 x 1440 (độ phân giải màn hình điển hình)

2048 x 1080 (độ phân giải sử dụng trong rạp chiếu phim)

WUXGA

1920 x 1200

Full HD (FHD) hay còn gọi là 1080p

1920 x 1080

HD hay còn gọi là 720p

1280 x 720

Tấm nền, độ tương phản, tốc độ làm mới và một số yếu tố khác.

Tấm nền, độ tương phản, tốc độ làm mới và một số yếu tố khác.

Có một số khía cạnh khác cũng có đóng góp rất lớn trong chất lượng hiển thị của một màn hình. Dưới đây là khái niệm và ý nghĩa của một số yếu tố kỹ thuật trong màn hình để giúp bạn tiện so sánh.

Tỷ lệ khung hình (Aspect Ratio)

Đây chính là yếu tố nói nên hình dáng của màn hình (chiều dài so với chiều cao). Tỷ lệ khung hình tiêu chuẩn đối với màn hình máy tính ngày nay là 16: 9. Đa số các ứng dụng hiện nay đều được thiết kế để hỗ trợ tỉ lệ này, và đặc biệt phù hợp với phim phim ảnh hoặc chơi trò chơi. Cũng có một vài biến thể (chủ yếu là ở các màn hình chơi game hoặc để phục vụ những công việc đặc thù) với tỷ lệ khung hình là 21: 9. Một định dạng cũng tương đối phổ biến khác là 16:10, cung cấp không gian mở rộng hơn theo chiều dọc, nhằm hỗ trợ cho việc xem nhiều tài liệu hoặc hình ảnh.

Độ sáng

Màn hình cao cấp ngày nay có độ sáng nằm trong khoảng từ 300 đến 350 cd/m2. Độ sáng cao sẽ rất hữu ích nếu bạn phải làm việc trong môi trường có ánh sáng mạnh hoặc bên cạnh cửa sổ. Tuy nhiên, quá nhiều độ sáng cũng sẽ không tốt cho mắt, triệu chứng thường gặp nhất là nhức mỏi mắt. Màn hình mà bạn định mua chỉ cần có độ sáng đạt 250 cd/m2 là đủ dùng cũng như ít gây hại cho mắt.

Tỷ lệ tương phản

Tỷ lệ tương phản (Contrast ratios) sẽ cho bạn biết sự khác biệt cực đại giữa màu trắng và màu đen mà màn hình có thể hiển thị được. Nói cách khác, đây là tỉ số giữa độ sáng "trắng" và "đen" tối nhất có thể được tạo ra trên màn hình. Tỷ lệ tương phản cao hơn là một dấu hiệu tốt, bởi vì điều đó có nghĩa là màu sắc sẽ trên màn hình sẽ được phân biệt rạch ròi hơn. Nếu một bức ảnh có độ tương phản cao, bạn sẽ thấy nó sắc nét hơn. Tuy nhiên, nhiều phép đo cho tỷ lệ tương phản tồn tại và thông số kỹ thuật đã nêu rất không đáng tin cậy, vì vậy hãy thử bằng mắt thường chứ không nên quá tin tưởng vào những con số mà nhà sản xuất đưa ra.

HDR

HDR là viết tắt của cụm từ High Dynamic Range (tạm dịch là dải tương phản động mở rộng). Đây là một tính năng bổ sung mới được áp dụng lên màn hình PC và có thể có tác động mạnh mẽ đến chất lượng hiển thị hình ảnh. HDR có nhiệm vụ làm cho hình ảnh của bạn trông đẹp hơn, trông giống như những gì mắt bạn thấy. Tuy nhiên, hầu hết các màn hình PC đều thiếu độ sáng cần thiết để tận dụng tối đa lợi thế của HDR, nhưng sự khác biệt giữa một màn hình không có và có HDR là hoàn toàn có thể thấy rõ.

Tốc độ làm mới

Tốc độ làm mới

Tốc độ làm mới (Refresh rate) được xếp hạng theo đơn vị hertz (Hz), tốc độ làm mới của màn hình là mức độ thường xuyên của việc hình ảnh được cập nhật trên màn hình của bạn. Trong khi hầu hết các model thông thường đều hỗ trợ lên đến 60Hz, một số màn hình cao cấp có thể cung cấp tốc độ làm mới cao hơn rất nhiều, đem đến khả năng hiển thị cực kỳ mượt mà. Ngoài ra, tốc độ làm mới tốt cũng sẽ góp phần hỗ trợ tốc độ khung hình trên giây cao hơn khi bạn chơi game, giúp tạo ra sự khác biệt lớn trong trải nghiệm các tựa game có nhịp độ cao, tiết tấu nhanh.

Thời gian phản hồi

Thời gian phản hồi (Response time) cho biết màn hình hiển thị các chuyển đổi về hình ảnh nhanh như thế nào. Thời gian phản hồi thấp sẽ rất phù hợp cho các video hành động có nhịp độ nhanh, các game có tiết tấu cao và các hoạt động tương tự. Thời gian phản hồi được đo bằng mili giây (ms). Các màn hình cao cấp có thể chuyển đổi pixel chỉ trong vài ms, nhưng không phải ai cũng cần đến tốc độ phản hồi nhanh như vậy.

Góc nhìn

Góc nhìn không quá quan trọng đối với các màn hình cỡ lớn như màn hình TV, nhưng nếu bạn muốn xem các chương trình trên máy tính của mình với nhiều người ở nhiều góc độ khác nhau, hãy nhắm đến một sản phẩm có thể cho góc nhìn lớn hơn để mọi người ngồi ở hai bên có thể nhìn thấy hình ảnh một cách dễ dàng và trung thực hơn (nhất là về màu sắc).

Loại tấm nền (panel)

Loại tấm nền khiển được sử dụng cho một màn hình có thể có tác động rất lớn đến giao diện và cách thức hoạt động của màn hình đó. Mỗi loại tấm nền đều sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu, khiến chúng phù hợp hơn với các từng đối tượng người dùng PC khác nhau. Mặc dù các nhà sản xuất đã rất nỗ lực trong việc cố gắng thu hẹp khoảng cách, hay nói đúng hơn là sự khác biệt giữa các loại tấm nền, nhưng tất cả vẫn sẽ phụ thuộc vào xu hướng thị trường và nhu cầu sử dụng của người dùng trong thực tế. Tất nhiên là cũng phải tính đến sự khác về giá bán giữa các loại tấm nền này:

TN: Là loại tấm nền phổ biến nhất, màn hình Twisted NIAL hay còn gọi là tấm nền TN cung cấp chất lượng hình ảnh khá tốt cùng với thời gian phản hồi ấn tượng khiến chúng trở thành một sự lựa chọn tuyệt vời cho các game thủ. Tuy nhiên, màu sắc trên tấm nền này có vẻ trông hơi nhạt nhòa và góc nhìn không được ổn cho lắm, ít nhất là so với các loại tấm nền khác mà chúng ta sẽ nhắc đến ngay sau đây. Một điểm cộng là đối với màn hình TN là giá cả sẽ tương đối phải chăng.

VA: Các tấm nền VA đôi khi được gọi là MVA hoặc PVA, cho chất lượng hiển thị màu sắc tốt hơn và góc nhìn tốt hơn một chút so với tấm nền TN, nhưng lại có thể gặp phải hiện tượng bóng mờ. Một điểm trừ khác trên đa số các tấm nền VA là thời gian phản hồi trên lý thuyết là rất ổn, nhưng thực tế sử dụng lại không được như vậy.

IPS: IPS là viết tắt của cụm từ tiếng Anh In-plane Switching, là một công nghệ hình ảnh được áp dụng trên các màn hình LCD. Màn hình được trang bị tấm nền IPS sẽ có giá bán cao hơn đáng kể so với TN và VA, lý do là bởi nhưng những gì bạn nhận được là rất đáng giá, bao gồm khả năng hiển thị màu sắc phong phú hơn nhiều và góc nhìn rất tốt, có thể nói là từng mọi góc độ. Tuy nhiên, nhược điểm của tấm nền IPS là chúng không có thời gian phản hồi nhanh như TN, vì vậy một số người cho rằng tùy có màu sắc rực rỡ hơn nhưng màn hình sử dụng tấm nền IPS vẫn sẽ cho trải nghiệm kém hơn khi chơi game. Tất nhiên đây chỉ là cảm nhận chủ quan của một số người, và cũng còn phải tùy thuộc vào tựa game mà họ đang chơi. Một lưu ý khác là một số màn hình IPS gặp phải vấn đề về kiểm soát chất lượng và hiện tượng hở sáng là một lỗi khá thường gặp trên tấm nền này.

Cổng kết nối

Cổng kết nối

Có một vài cổng kết nối khác nhau mà một màn hình máy tính nên hỗ trợ. Trong đó VGA và DVI là hai cổng tín hiệu tiêu chuẩn đã được sử dụng trong nhiều năm qua, ngày nay màn hình mới thường được trang bị các kết nối HDMI, DisplayPort và USB-C ưu việt hơn và cũng cho khả năng đồng bộ giữa các thiết bị tốt hơn. Nhưng trên thực tế, câu chuyện về các cổng kết nối trên màn hình lại không đơn giản như vậy. Hãy cùng xem chúng ta cần gì đối với khả năng kết nối của một màn hình máy tính.

Đầu tiên, để chạy một màn hình ở độ phân giải 4K, ít nhất bạn sẽ cần phải sử dụng đến HDMI 1.4, mặc dù vậy HDMI 2.0 sẽ được khuyến nghị nếu bạn muốn hỗ trợ tốc độ làm mới 60Hz, mức tối thiểu để cho khả năng hiển thị mượt mà ở mức có thể chấp nhận được, có thể là đủ để xem phim. Nếu bạn muốn chơi những trò chơi tốc độ làm mới cao, đặc biệt là ở độ phân giải cao hơn, cổng DisplayPort 1.4 có thể xử lý độ phân giải lên đến 8K ở 60Hz và 4K ở mức tối đa 200Hz, vì vậy DisplayPort sẽ phù hợp hơn HDMI về mặt này.

Đầu nối DisplayPort 1.2 cũ hơn một chút cũng có thể xử lý tốt độ phân giải 1440p và 1080p ở tốc độ làm mới cao, vì vậy nếu bạn không chọn 4K, tùy chọn cổng DisplayPort 1.2 sẽ là đủ cho các màn hình độ ở phân giải thấp hơn. USB-C là một tùy chọn mới, hiện đại và ưu việt hơn vì nó có thể hỗ trợ độ phân giải lên tới 4K, nhưng lại không có khả năng sử dụng linh hoạt như các kết nối DisplayPort.

Một số lưu ý trước khi chọn mua màn hình

Trước tiên, hãy xác định mục đích chính của mình: Bạn định mua màn hình để chơi game chuyên nghiệp hoặc sử dụng cho những nhu cầu chung chung? Thông thường, các game thủ nên ưu tiên tốc độ làm mới nhanh và thời gian phản hồi tốt. Các chuyên gia thường ưu tiên độ chính xác của màu sắc, trong khi người dùng phổ thông lại có ít nhu cầu cụ thể hơn nhưng nên thường sẽ chọn màn hình sử dụng tấm nền VA có độ tương phản cao.

Số độ phân giải càng cao, hình ảnh càng đẹp. Độ phân giải màn hình cho bạn biết màn hình có độ dài x chiều rộng là bao nhiêu pixel. 1920 x 1080, còn được gọi là 1080p hoặc Full HD (FHD), là mức tối thiểu bạn cần, nhưng bạn sẽ có được hình ảnh sắc nét hơn khi sử dụng màn hình 2K hoặc 4K.

Thời gian phản hồi: Ngắn hơn là tốt hơn. Nhưng đây không phải là một ưu tiên lớn trừ khi bạn là một game thủ. Yếu tố này cho bạn biết màn hình của bạn mất bao lâu để thay đổi các pixel riêng lẻ từ đen sang trắng hoặc từ một màu xám sang màu khác (thời gian phản hồi GTG). Thời gian phản hồi lâu hơn có thể dẫn đến chuyển động có bóng mờ khi chơi game hoặc xem video tốc độ nhanh. Thời gian phản hồi thông thường mà bạn có thể thấy trên một màn hình máy tính hiện nay là 5 mili giây (ms), trong khi các màn hình nhanh nhất có thể có thời gian phản hồi 1ms.

Tỉ lệ làm mới. Như đã nói, yếu tố này cho bạn biết số lần màn hình của bạn cập nhật thông tin mới mỗi giây và được đo bằng hertz (Hz). Nếu bạn là một game thủ, tốc độ làm mới đặc biệt quan trọng và bạn sẽ muốn một màn hình có tốc độ làm mới ít nhất là 75Hz (hầu hết các màn hình được thiết kế để chơi game cung cấp ít nhất 144Hz), kết hợp với thời gian phản hồi thấp nhất bạn có thể tìm thấy.

Cong hay không cong? Điều này còn phải phụ thuộc vào sở thích của bạn. Logic đằng sau thiết kế màn hình cong là chúng sẽ bắt chước chặt chẽ hơn kiểu cong mà nhãn cầu của chúng ta sử dụng để nhìn thấy hình ảnh, nhưng tính hiệu quả không quá cao, trong khi vẫn có sự khác biệt nhất định trong chính các model màn hình cong. Nhiều người sẽ nói với bạn rằng một màn hình cong là vô giá trị nếu nó nhỏ hơn 30 inch, điều này không phải là không có cơ sở. Nếu bạn không chắc chắn, hãy ra cửa hàng và thử nhìn vài lần và xem có nhận thấy sự khác biệt đáng kể nào không. Nếu không, đừng dại trả nhiều tiền hơn cho màn hình cong, trừ khi bạn thấy kiểu thiết kế này thực sự đẹp.

Màn hình cảm ứng: Nếu muốn tiết kiệm thời gian và lười nhấp chuột thì màn hình cảm ứng sẽ là một lựa chọn tốt. Lời khuyên cho bạn khi mua màn hình cảm ứng là hãy thử dùng nó để đánh giá tốc độ di chuyển, khả năng tiếp cận, phản ứng và cả cảm giác khi chạm trên màn hình. Tốc độ phản hồi cao, không phải dùng quá nhiều lực khi chạm và cảm giác thoải mái khi sử dụng sẽ là tiêu chí để quyết định mua màn hình cảm ứng đó hay không.

Nên chọn G-Sync hay FreeSync? Màn hình nhắm mục tiêu đến các game thủ thường có tùy chọn Nvidia G-Sync hoặc AMD FreeSync. Về cơ bản, đây là các tính năng giúp giảm bớt hiện tượng răng cưa hay lặp khung hình ở refresh rate cao bằng cách đồng bộ GPU với tần số quét của màn hình, ép màn hình phải chờ cho tới khi bắt đầu chu trình làm mới kế tiếp. Và tất nhiên màn hình có hộ trợ các tính năng này sẽ có giá bán cao hơn một chút. Nếu ngân sách của bạn chỉ đủ để đầu tư cho card đồ họa tốc độ trung bình đến thấp, hãy chọn màn hình có G-Sync hoặc FreeSync (tùy theo sở thích của bạn) với tốc độ làm mới tối thiểu thấp.

Nên chọn G-Sync hay FreeSync?

Vậy thì tóm lại bạn nên chọn loại nào? Đây là những gì bạn cần xem xét trước khi đưa ra quyết định cho mình:

  • Bạn đang sử dụng phần cứng như thế nào? Ví dụ, nếu bạn đã chi 1.200 đô la cho một chiếc Nvidia GeForce GTX 2080 Ti mới sáng bóng, thì sự lựa chọn có vẻ như đã rõ ràng.
  • Màn hình G-Sync luôn hoạt động trong phạm vi tốc độ làm mới từ 30Hz cho đến mức tối đa của màn hình. Trong khi đó, màn hình FreeSync lại không nhất quán và thường hỗ trợ làm mới thích ứng với tốc độ làm mới tối đa của màn hình. Đây có thể là một vấn đề nếu card đồ họa của bạn có thể giữ tốc độ khung hình trên mức đó. Bù tốc độ khung hình thấp (LFC) là một giải pháp khả thi, nhưng nó sẽ chỉ hoạt động nếu mức làm mới tối đa ít nhất gấp 2,5 lần mức tối thiểu (ví dụ: nếu tốc độ làm mới tối đa là 100Hz, mức tối thiểu phải là 40Hz để LFC có thể phát huy tác dụng).
  • Bạn yêu thích nhà sản xuất nào? Vâng, cuối cùng sẽ là vấn đề sở thích. Nếu bạn thuộc team Nvidia, hãy chọn G-Sync và ngược lại, FreeSync với AMD.
  • Top 10 màn hình chơi game dưới 5 triệu tốt nhất

Tổng kết

Trên đây là những thông tin mà bạn cần lưu ý trước khi chọn mua cho mình một chiếc màn hình máy tính mới. Nếu bạn thấy cần phải bổ sung thêm những yếu tố nào, hay để lại nhận xét ở phần bình luận phía dưới để chúng tôi được biết. Chúc các bạn tìm được cho mình một sản phẩm phù hợp!

Xem thêm:

Thứ Hai, 24/12/2018 17:10
4,227 👨 51.199
0 Bình luận
Sắp xếp theo