Những điều bạn chưa từng biết về chuồn chuồn

Chuồn chuồn có độc không? Chuồn chuồn có ngủ không? Đó chỉ là một trong số những câu hỏi nhiều người muốn biết về chuồn chuồn. Bài viết sẽ bật mí cho bạn những sự thật bất ngờ về chuồn chuồn nhé!

Xuất hiện từ hơn 300 triệu năm trước, chuồn chuồn là một trong những loài côn trùng đầu tiên sinh sống trên hành tinh này. Chúng đã có một khoảng thời thời gian đủ dài để hoàn thiện “nghệ thuật” bay lượn đỉnh cao, kỹ năng săn mồi tuyệt hảo và trở thành loài côn trùng thú vị của thế giới tự nhiên.

Chuồn chuồn phân bổ gần như ở khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là các khu vực nhiệt đới nóng ẩm, và là loài động vật quen thuộc với con người. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn rất nhiều điều về chuồn chuồn mà chúng ta chưa từng biết tới.

Dưới đây là những sự thật mà nhiều người chưa từng biết tới về loài côn trùng độc đáo, cổ xưa và vô cùng đa dạng về chủng loài này.

Chuồn chuồn có thể chặn bắt con mồi giữa không trung

Một con chuồn chuồn đang tận hưởng bữa ăn giàu đạm
Một con chuồn chuồn đang tận hưởng bữa ăn giàu đạm

Giả sử bạn là một loài côn trùng nhỏ, chẳng hạn như muỗi, gặp phải chuồn chuồn sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của bạn. Không chỉ bởi kích thước vượt trội, kỹ năng săn mồi trên không trung của chuồn chuồn cũng được xếp vào loại thượng thừa trong thế giới côn trùng.

Chúng có thể tóm gọn con mồi bằng những cuộc phục kích trên không được tính toán kỹ lưỡng và vô cùng khoa học. Chuồn chuồn có thể phán đoán tốc độ và quỹ đạo của con mồi và điều chỉnh tốc độ/quỹ đạo bay của mình để bắt sống con mồi. Tỉ lệ thành công trong các cuộc đi săn của chuồn chuồn lên tới 95%.

Chuồn chuồn - “gã đồ tể” đáng sợ nhất thế giới côn trùng

Chuồn chuồn là cỗ máy săn mồi hoàn hảo
Chuồn chuồn là cỗ máy săn mồi hoàn hảo

Bên cạnh kỹ thuật săn mồi ấn tượng, khả năng xé xác con mồi của chuồn chuồn cũng là vô cùng đáng sợ.

Khi đi săn, chuồn chuồn bắt và giữ chặt con mồi bằng chân, xé đôi cánh của con mồi bằng hàm sắc nhọn để nó không thể trốn thoát và bắt đầu bữa ăn ngay lập tức - tất cả đều được thực hiện trên không.

Khả năng bay lượn thượng thừa

Mỗi cánh của chuồn chuồn có thể hoạt động độc lập
Mỗi cánh của chuồn chuồn có thể hoạt động độc lập

Nói về khả năng bay, không nhiều loài trong vương quốc động vật có thể sánh ngang với chuồn chuồn. Chúng có hai bộ cánh cực mỏng nhưng được điều khiển bởi những thớ cơ bắp rất khỏe ở ngực. Điều này cho phép chúng có thể bay theo bất kỳ hướng nào, kể cả ngang và lùi, cũng như có thể đứng yên ở một vị trí duy nhất trên không trung trong một phút hoặc hơn. Khả năng đáng kinh ngạc này là một yếu tố góp phần vào thành công ấn tượng của chúng khi săn mồi - đơn giản là bất ngờ tấn công từ bất kỳ hướng nào.

Tốc độ và sức bền cũng là những yếu tố đáng nể của loài động vật này. Chúng có thể bay với vận tốc tối đa 29km/h, trong những chuyến di cư dài tới hơn 17.000km.

Đầu của chuồn chuồn gần như được bao phủ bởi mắt

Chuồn chuồn có tầm nhìn gần như 360 độ
Chuồn chuồn có tầm nhìn gần như 360 độ

Khu vực của đầu của một con chuồn chuồn chủ yếu được bao phủ bởi những cặp mắt ghép khổng lồ, với tổng cộng gần 30.000 mặt nhỏ. Mỗi mắt này lại mang về cho chúng một chút thông tin về môi trường xung quanh.

Chuồn chuồn có tầm nhìn gần như 360 độ, chỉ có một điểm mù duy nhất nằm ngay phía sau chúng. Tầm nhìn phi thường là một trong những lý do tại sao loài côn trùng này gần như không bao giờ va chạm khi bay, đồng thời giúp chúng phát hiện kẻ thù cũng như con mồi từ mọi hướng.

Chuồn chuồn sống khoảng 2 năm dưới nước

Ấu trùng chuồn chuồn
Ấu trùng chuồn chuồn

Chuồn chuồn đẻ trứng trong nước và khi ấu trùng nở, chúng sống dưới nước tới hai năm. Trên thực tế, tùy thuộc vào độ cao và vĩ độ, một số loài chuồn chuồn có thể ở trạng thái ấu trùng đến 6 năm. Chúng sẽ lột xác tới 17 lần cho đến khi lớn lên và biến thành những con chuồn chuồn mà chúng ta nhìn thấy trên không trung.

Trong giai đoạn ấu trùng, chúng thích nghi đặc biệt với đời sống thủy sinh, điển hình là khả năng bắt mồi với tốc độ cực nhanh. Thực đơn của ấu trùng chuồn chuồn khá đa dạng, chúng ăn ấu trùng côn trùng (kể cả đồng loại), nòng nọc và thậm chí cả cá - miễn là “vừa miệng”!

Một số loài chuồn chuồn đẻ trứng trong nước mặn

Rất ít loài côn trùng có thể đẻ trứng trong nước mặn, trừ một số loài chuồn chuồn, chẳng hạn như chuồn chuồn bờ biển Erythrodiplax berenicei. Chúng có thể sinh sản thành công trong nước với độ mặn cao.

Khả năng phi thường này của Erythrodiplax berenicei được tiến hóa qua hàng triệu năm, bởi môi trường sống của chúng chủ yếu là đầm lầy muối, rừng ngập mặn và hồ nước mặn.

Chuồn chuồn có lợi cho con người

Chuồn chuồn giúp con người bằng cách kiểm soát quần thể côn trùng gây hại, đặc biệt là những loài đe dọa chúng ta nhiều nhất, chẳng hạn như muỗi và ruồi cắn. Một con chuồn chuồn có thể ăn từ 30 đến hàng trăm con muỗi mỗi ngày.

Chuồn chuồn cũng truyền cảm hứng cho chúng ta tạo ra công nghệ mới—từ máy bay không người lái đến hệ thống thị giác nhân tạo—vì kỹ năng bay và thị lực đáng kinh ngạc của chúng. Điều tối thiểu mà con người chúng ta có thể làm để đền đáp là hỗ trợ bảo tồn môi trường sống của chúng để chúng có thể tiếp tục tồn tại trong 300 triệu năm nữa.

Hiện tại, chuồn chuồn cần được bảo vệ khỏi những mối nguy hiểm mà con người tạo ra, từ ô nhiễm đến mất môi trường sống, và các khu bảo tồn giúp giải quyết vấn đề này. Vương quốc Anh đã có khu bảo tồn chuồn chuồn đầu tiên, Trung tâm chuồn chuồn, vào năm 2009. Những người đam mê chuồn chuồn có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng có thể chiêm ngưỡng chúng tại Ao bảo tồn chuồn chuồn ở Albuquerque, New Mexico. Đây là ao bảo tồn đầu tiên trong cả nước và là nơi sinh sống của nhiều loài chuồn chuồn và chuồn chuồn kim.

Thứ Sáu, 04/10/2024 15:47
4,417 👨 19.212
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Thế giới động vật