17 dấu hiệu cho thấy cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 - cơn ác mộng của nhân loại đang sắp quét qua trái đất

Cụm từ "tuyệt chủng hàng loạt" hay “đại tuyệt chủng” thường gợi lên cho nhiều người hình ảnh về sự kiện thiên thạch đâm vào trái đất dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long cũng như hàng triệu loài sinh vật khác 65 triệu năm trước. Nói rõ hơn về sự kiện này, sau khi va chạm với trái đất, tảng đá đến từ không gian có độ rộng lên tới gần 6 dặm (xấp xỉ 10km) này đã gây ra một cơn siêu sóng thần ở Đại Tây Dương, cùng với vô số các trận động đất, và chính tác động của những trận động đất này đã góp phần hình thành lên châu Mỹ như ngày nay. Ngoài ra, vụ va chạm cũng đã tạo ra một xung nhiệt cực mạnh, “nướng chín” trái đất và hậu quả thì như chúng ta đã rõ, khủng long cùng với 75% các loài động, thực vật khác trên hành tinh đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Sự tuyệt chủng của khủng long cũng như hàng triệu loài sinh vật khác 65 triệu năm trước.

Tuy nhiên trên thực tế, tuyệt chủng là một khái niệm rộng lớn và bao quát hơn rất nhiều. Tuyệt chủng là sự suy giảm rõ rệt mức độ phong phú và đa dạng các loài sinh vật lớn (không phải vi sinh vật). Hiện tượng này diễn ra khi tốc độ tuyệt chủng tăng nhanh so với tốc độ hình thành loài. Từ khi sự sống xuất hiện trên Trái Đất, đã có rất nhiều vụ tuyệt chủng hàng loạt diễn ra với tốc độ tuyệt chủng vượt xa tốc độ trung bình. Theo ước tính của các nhà khoa học. Trong khoảng thời gian 540 triệu năm trở lại đây, đã có 5 vụ tuyệt chủng rất lớn, hay còn gọi là đại tuyệt chủng (có từ 50% số loài động vật bị tuyệt diệt). Tuy nhiên, sự kiện diễn ra 65 triệu năm trước thường được chúng ta quan tâm nhiều nhất bởi nó còn để lại khá nhiều bằng chứng nghiên cứu, đồng thời mở ra cơ hội bước lên vũ đài lịch sử cho các loài động vật có vú mà trong đó loài thống trị chính là con người. Còn đối với những trận đại tuyệt chủng trước đó nữa, chúng thường không để lại nhiều hóa thạch do động vật thời kì này chưa có các bộ phận cứng, khiến các nhà khoa học khó lòng nắm được những hiểu biểu chính xác về các sinh vật sinh sống trên trái đất trong thời gian đó.

Thiên thạch va vào trái đất

Trở về với thời điểm hiện tại. Sự sống trên trái đất vẫn diễn ra hàng ngày, cuộc sống của chúng ta vẫn cứ thế trôi đi, thế nhưng ẩn sâu trong đó là một thảm họa vốn không nằm ngoài quy luật chung của trái đất trong hàng trăm triệu năm qua, đó chính là những cuộc đại tuyệt chủng. Mặc dù không quá rõ ràng, nhưng đang có một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt tàn khốc khác diễn ra từ từ trên trái đất, và nếu để ý thật kỹ cũng như xem xét đến những sự thay đổi, bạn sẽ thấy nhận định này không phải là không có cơ sở.

Đây sẽ là cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 trong lịch sử trái đất, đang có xu hướng tấn công vào hệ động vật toàn cầu trên nhiều “mặt trận”. Đặc biệt, quá trình này còn diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn khi các đại dương đang không ngừng nóng dần lên, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu đang khiến sự đa dạng của thảm thực vật bị xâm hại nghiêm trọng, cũng như số lượng động vật đang giảm xuống với tốc độ nhanh chưa từng thấy qua từng năm.

Đáng buồn hơn cả, những xu hướng tuyệt chủng đáng báo động này đang được thúc đẩy bởi một yếu tố chính, đó là: Con người. Theo kết quả từ một công trình nghiên cứu xuất bản vào năm 2014, tỷ lệ tuyệt chủng hiện tại trên trái đất cao hơn 1.000 lần so với khi không có sự tồn tại của loài người trên hành tinh. Bên cạnh đó, một bản tóm tắt tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên Hợp Quốc mới được công bố gần đây cũng đã đưa ra một lời cảnh báo tương tự: "Hành động của con người đã, đang, và sẽ đẩy thế giới đến bên bờ của một cuộc đại tuyệt chủng mới nhanh hơn bao giờ hết”.

"Tuyệt chủng"

Cụ thể hơn, báo cáo đánh giá tình trạng đa dạng sinh học trên hành tinh của Liên Hợp Quốc đã phát hiện ra rằng có tới gần 1 triệu loài thực vật và động vật trên trái đất đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần do hệ quả từ những hoạt động gây ra bởi con người trong nhiều thập kỷ qua.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác mới được tiến hành gần đây cũng đã đưa đến kết luận tương tự. Nghiên cứu chuyên sâu với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu thế giới thực hiện năm 2017 đã cho thấy một thực tế, đó là các loài động vật trên khắp thế giới đang phải trải qua một "sự hủy diệt sinh học" và rằng "giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt hiện tại của thời đại loài người đã tiến xa hơn hầu hết các giả định được đưa ra trước đây".

Vậy thì các nhà khoa học dựa vào đâu để khẳng định rằng trái đất đang bước vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 với tốc độ nhanh đến mức báo động như vậy? Dưới đây là 17 dấu hiệu cho thấy hành tinh của chúng ta đang thực sự bước vào một giai đoạn “chết chóc”, cũng như lý do tại sao con người chính là loài phải chịu toàn bộ trách nhiệm trước thảm họa này.

Các loài côn trùng đang biến mất dần trên trái đất với tốc độ kỷ lục. Theo một nghiên cứu, có đến khoảng 40% các loài côn trùng đã từng xuất hiện trên thế giới hiện nay đã biến mất hoặc không ngừng suy giảm số lượng nhanh chóng.

Các loài côn trùng đang biến mất dần trên trái đất với tốc độ kỷ lục.

Một nghiên cứu với quy mô cực lớn hoàn thành vào đầu năm 2019 vừa qua đã cho thấy tổng số lượng của tất cả các loài côn trùng trên hành tinh đang suy giảm với tốc độ đáng sợ, lên đến 2.5% mỗi năm.

Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục được duy trì mà không có bất cứ biện pháp can thiệp nào, trái đất có thể sẽ hoàn toàn vắng bóng các loài côn trùng vào năm 2119.

"Trong 10 năm tới, bạn sẽ không còn thấy 1/4 loài côn trùng mà mình đã từng gặp trước đây, trong 50 năm tới sẽ chỉ còn lại một nửa, và trong 100 năm nữa, những đứa trẻ sẽ chỉ còn biết đến sự tồn tại của côn trùng thông qua những trang sách hay tiêu bản lưu giữ trong các bảo tàng sinh vật học”, nhà sinh vật học Francisco Sánchez-Bayo, đồng tác giả của công trình nghiên cứu, cho biết.

Tuy nhiên sự biến mất của côn trùng cũng sẽ kéo theo những thảm họa to lớn đối với không ít loài khác, trong đó có thực vật và đặc biệt là những loài chuyên ăn côn trùng. Lấy ví dụ đơn giản, một số loài côn trùng như ong, ruồi và các loài thụ phấn khác đóng vai trò quan trọng trong sản xuất trái cây, rau, hạt, hay rộng hơn là duy trì sự đa dạng của nhiều loài thực vật. Như vậy, sự biến mất của côn trùng sẽ thực sự là một vấn đề lớn. Thêm vào đó, sâu bọ, côn trùng nói chung cũng là nguồn thức ăn không thể thiếu đối với nhiều loài chim, cá và động vật có vú hay thậm chí là cả con người.

Tuy nhiên sự biến mất của côn trùng cũng sẽ kéo theo những thảm họa to lớn đối với không ít loài khác

Một nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí Nature Communications đã báo cáo chi tiết về thực tế rằng có đến 1/3 trong số 353 loài ong hoang dã và ruồi trâu ở Anh đã biến mất hoàn toàn hoặc trải qua sự suy giảm đáng kể về số lượng trong khoảng thời gian giữa năm 1980 cho đến 2013.

Bên cạnh đó nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng phạm vi địa lý trong lãnh thổ sinh sống của các loài ong và ruồi trâu đã giảm khoảng 25% - đó là một tổn thất ròng trong khoảng 11 loài trên mỗi km vuông, chủ yếu là do sự xâm phạm của con người vào môi trường sống của côn trùng thụ phấn.

Báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc tính toán rằng sự sụt giảm số lượng ong hoang dã và các loài thụ phấn khác dự kiến sẽ gây thiệt hại lên tới 577 tỷ đô la trong sản xuất cây trồng trên thế giới mỗi năm.

Côn trùng không phải là sinh vật duy nhất chịu ảnh hưởng nặng nề từ những hoạt động của con người. Trong 50 năm qua, hơn 500 loài lưỡng cư trên toàn thế giới đã chịu sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng - 90 trong số chúng đã hoàn toàn tuyệt chủng. Bên cạnh con người, loại nấm độc có tên là chytridiomycosis chuyên ăn mòn thịt ếch cũng là cái tên phải chịu trách nhiệm trong việc này.

Lưỡng cư

Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Science đã chỉ ra sự lây lan chóng mặt của chytridiomycosis, hay còn gọi là nấm chytrid, cũng như cách thức mà nó tàn phá loài ếch, cóc và kỳ nhông trên khắp thế giới nhanh như thế nào.

Đang buồn là sự lây lan của loài nấm độc này lại được giúp sức khá nhiều bởi con người thông qua các hoạt động buôn bán động vật hoang dã toàn cầu. Chính hoạt động này đã cho phép bệnh nấm chytrid lây lan rộng hơn thay vì chỉ bị giới hạn ở 1 vài khu vực cụ thể nào đó như vốn có.

Theo các tác giả của công trình nghiên cứu, cái chết nhanh chóng của động vật lưỡng cư liên quan đến nấm chytrid đại diện cho sự mất mát rõ rệt trong đa dạng sinh học ở mức lớn nhất - gây ra bởi một loại bệnh - đã từng được ghi nhận từ trước đến nay.

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Current Biology lại lưu ý rằng các loài động vật lưỡng cư nói chung - không chỉ riêng ếch - là một trong những nhóm động vật bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất, với ít nhất 2.000 loài được ước tính có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần.

Trái đất dường như đang trải qua một quá trình "hủy diệt sinh học" với tốc độ nhanh bất thường. Có thể bạn không biết nhưng có đến một nửa tổng số cá thể động vật đã từng chia sẻ môi trường sống trên hành tinh với con người hiện tại đã hoàn toàn biến mất.

"Hủy diệt sinh học"

Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2017 đã xem xét tất cả các quần thể động vật trên khắp hành tinh (không chỉ côn trùng) bằng cách kiểm tra 27.600 loài động vật có xương sống - tức là khoảng một nửa trong tổng số mà chúng ta biết đã từng tồn tại.

Một số loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn, trong khi một vài quần thể đặc thù theo vùng lại đang biến mất dần ở những khu vực cụ thể. Và điểm chung là tốc độ của quá trình này đều đang rất cao. Thực tế này khiến các nhà khoa học đứng ngồi không yên bởi kiến thức nghiên cứu về sinh vật học trong hàng trăm năm qua của chúng ta đã chỉ ra rằng những sự tuyệt chủng theo quy mô cục bộ này chính là "khúc dạo đầu cho sự tuyệt chủng của quần thể loài trên diện rộng".

Vì vậy, ngay cả sự suy giảm về số lượng cá thể trong các quần thể động vật chưa được phân loại rằng có nguy cơ tuyệt chủng vẫn là một dấu hiệu đáng lo ngại.

Hơn 26.500 loài sinh vật trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong vài năm tới.

Hơn 26.500 loài sinh vật trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng

Theo thống kê của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), có tới hơn 27% trong tổng số tất cả các nhóm, loài sinh vật tồn tại trên hành tinh đang nằm trong danh sách đe dọa tuyệt chủng được cho là sẽ bị “xóa số” chỉ trong một vài thập kỷ tới, cá biệt 1 số loài còn có nguy cơ biến mất chỉ trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu của IUCN cũng dự đoán rằng có đến 99.9% khả năng, tức là gần như chắc chắn rằng các loài cực kỳ nguy cấp (critically endangered) sẽ biến mất trên hành tinh trong vòng 100 năm tới, trong khi tỉ lệ này với các loài có nguy cơ tuyệt chủng (endangered) là 67%.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, số loài bị đe dọa tuyệt chủng có thể lên tới gần... 1 triệu.

Số loài bị đe dọa tuyệt chủng có thể lên tới gần... 1 triệu.

Báo cáo chuyên sâu của Liên Hợp Quốc đã đưa ra ước tính rằng khoảng 40% các loài lưỡng cư, hơn 33% tất cả các loài động vật biển và san hô (hình thành rạn san hô), và ít nhất 10% các loài côn trùng sẽ sớm “được” đưa vào danh sách đe dọa tuyệt chủng, tương đương với gần 1 triệu loài sinh vật khác nhau. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng hiện tại, hơn 500.000 loài trên trái đất đã không còn đủ môi trường sống tự nhiên để đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của chúng.

Đáng lo ngại hơn cả chính là “hiệu ứng domino tuyệt chủng”. Chúng ta đều biết rằng trong tự nhiên, tất cả các loài động vật đều có mối liên hệ mật thiết với nhau theo nhiều cách, trong đó nổi bật nhất chính là khái niệm “chuỗi thức ăn”. Như vậy, việc mất đi thậm chí một loài cũng có thể phá vỡ chuỗi thức ăn, dẫn đến hậu quả là toàn bộ cộng đồng sinh học sụp đổ theo.

Loài linh trưởng

Một nghiên cứu thực hiện trong năm 2018 được công bố trên Scientific Reports đã đưa ra nhận định rằng các nhà khoa học có thể đã đánh giá quá thấp số lượng có bao nhiêu loài dễ bị tuyệt chủng trên toàn thế giới.

“Việc đánh giá sai nguy cơ tuyệt chủng có thể bắt nguồn từ những tính toán sai lầm trong ước lượng diễn biến của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tác hại mà nó gây ra cho các loài sinh vật có mối liên quan chặt chẽ đến nhau. Điều này có thể gây ra sự sai số lên đến gần 10 lần”, nhà sinh vật học Corey Bradshaw, đồng tác giả của công trình nghiên cứu cho biết trong một thông cáo báo chí.

Nghiên cứu của Corey Bradshaw và các cộng sự đã cho thấy rằng việc mất đi một loài hoàn toàn có thể kéo theo sự biến mất của nhiều loài khác (quá trình này được gọi là 'đồng tuyệt chủng') và có thể khiến toàn bộ hệ sinh thái chuyển sang tình trạng bất ngờ, đột ngột hoặc thậm chí sụp đổ hoàn toàn. Ví dụ, một loài hoa sẽ không thể tồn tại mà không có sự cộng sinh từ một loài côn trùng khác giúp nó thụ phấn. Nếu loài thụ phấn đó bị tuyệt chủng, kết cục tương tự cũng sẽ sớm xảy đến đối với loài hoa, điều này là không thể tránh khỏi.

"Hơn nữa, sự tuyệt chủng của một loài thường bị xem nhẹ và “làm ngơ” trước khi chúng ta mất hoàn toàn những loài khác có liên quan", nhóm nghiên cứu nhận định. Hiện tại, 40% số loài lưỡng cư, 25% động vật có vú và 33% các rạn san hô trên hành tinh đang đối mặt với nguy cơ tuyệt diệt cận kề.

Một nghiên cứu khác được thực hiện trong năm 2015 đối với các loài chim, bò sát, lưỡng cư và động vật có vú đã đi đến kết luận rằng tỷ lệ tuyệt chủng trung bình trong thế kỷ này trên hành tinh sẽ cao gấp 100 lần so với bình thường.

Tỷ lệ tuyệt chủng trung bình trong thế kỷ này trên hành tinh sẽ cao gấp 100 lần so với bình thường.

Elizabeth Kolbert, tác giả của cuốn sách "The Sixth Extinction" (tạm dịch: Đợt tuyệt chủng thứ 6) đã từng chia sẻ với National Geographic rằng nếu kết quả của công trình nghiên cứu này trở thành hiện thực thì đó thực sự là “cơn ác mộng tồi tệ nhất với loài người” khi mà chỉ trong vòng vài chục năm nữa thôi, 75% các loài động vật có thể bị tuyệt chủng. Nghĩa là rất có thể con cháu chúng ta sẽ vĩnh viễn không thể biết được rằng trái đất mà chúng đang sống đã từng đẹp đẽ và lý thú biết nhường nào.

Trong khoảng 50 năm nữa, khoảng 1.700 loài lưỡng cư, chim và động vật có vú sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao hơn dự kiến bởi môi trường sống tự nhiên của chúng đang bị thu hẹp nhanh chóng.

Tê giác đã gần như tuyệt chủng

Một nghiên cứu mới được thực hiện đầu năm 2019 cho thấy rằng vào năm 2070, gần 1.700 loài động vật trên cạn sẽ mất đi từ 30% đến 50% phạm vi môi trường sống hiện tại của mình do việc sử dụng đất quá mức của con người. Cụ thể, tình trạng sử dụng đất sinh hoạt của con người trong tương lai sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của 886 loài lưỡng cư, 436 loài chim và 376 loài động vật có vú. Mất đi môi trường sống đồng nghĩa với việc thiếu nguồn thức ăn và khả năng giáp mặt với “nền văn minh” của con người lớn hơn, từ đó dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng cao hơn.

Nạn khai thác gỗ trái phép và phá rừng trên thế giới nói chung và đối với khu rừng mưa nhiệt đới Amazon nói riêng đã, đang, và sẽ là mối quan tâm đặc biệt của nhân loại.

Diện tích Amazon ngày càng bị thu hẹp

Theo thống kê từ Quỹ Động vật hoang dã Thế giới World Wildlife Fund, khoảng 17% diện tích của Amazon - lá phổi xanh của trái đất đã bị phá hủy hoàn toàn trong vòng 5 thập kỷ qua, chủ yếu là do nhu cầu của con người trong việc mở rộng diện tích canh tác đất nông nghiệp. Amazon chính là khu rừng lớn nhất và đồng thời cũng mang ý nghĩa quan trọng bậc nhất cho hành tinh của chúng ta. Khoảng 80% loài động vật trên toàn thế giới có thể được tìm thấy trong các khu rừng mưa nhiệt đới như Amazon, bao gồm cả loài báo Amur đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Nhìn ra rộng hơn, con số thống kê sau đây sẽ khiến cho những người dù là điềm tĩnh chắc cũng sẽ phải phải giật mình, đó là có đến hơn 18 triệu mẫu Anh rừng biến mất trên toàn thế giới mỗi năm, trong khi một sân bóng đá 11 người tiêu chuẩn hiện nay chỉ có diện tích khoảng 1.32 mẫu Anh mà thôi!

Bên cạnh việc lấy đi môi trường sống của các loài động, thực vật, nạn khai thác gỗ và phá rừng quá mức còn là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm trong khả năng hấp thụ khí carbon dioxide (CO2) trong khí quyển của thảm thực vật. Chúng ta đều biết rằng CO2 chính là thủ phạm gây nên hiệu ứng nhà kính. Lượng khí CO2 trong bầu khí quyển ngày càng gia tăng do các hoạt động công nghiệp cũng như sinh hoạt của con người, trong khi nguồn hấp thụ CO2 hàng đầu là những cánh rừng lại đang ngày càng mất đi nhiều hơn, do vậy, tình trạng diễn biến phức tạp của hiện tượng nóng lên toàn cầu trong vài chục năm trở lại đây có lẽ cũng là hệ quả tất yếu phải xảy ra.

Trong vòng 50 năm tới, hậu quả gây ra từ các hoạt động của con người sẽ khiến số lượng loài động vật có vú bị tuyệt chủng nhiều đến mức có thể đẩy lùi sự đa dạng tiến hóa của Trái đất, khiến sự đa dạng sinh học sẽ không thể phục hồi được trong khoảng 3 triệu năm.

Loài voi đang mất dần môi trường sống

Đó chính là kết luận của một công trình nghiên cứu được được công bố vào năm 2018 và theo các nhà khoa học, sau sự mất mát đó, hành tinh của chúng ta sẽ cần từ 3 triệu đến 5 triệu năm với mọi điều kiện lý tưởng nhất thì mới có thể khôi phục lại được mức độ đa dạng sinh học mà chúng ta đang được chứng kiến trên trái đất ngày nay.

Đáng buồn hơn, nếu muốn trả lại sự đa dạng sinh học của hành tinh về trạng thái trước khi con người hiện đại tiến hóa, quãng thời gian cần thiết sẽ còn lâu hơn rất nhiều - lên tới 7 triệu năm.

Đối với các nhà cổ sinh vật học, quãng thời gian để trái đất phục hồi sự đa dạng sinh học vốn có thậm chí còn lâu hơn nữa. Theo một nghiên cứu mới, hành tinh của chúng ta cần đến 10 triệu năm hoặc hơn để phục hồi hệ sinh thái sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt.

Chó sói Bắc Mỹ

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Ecology and Evolution cho thấy phải mất khoảng 10 triệu năm để sự đa dạng sinh học của Trái đất phục hồi sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt như đã quét sạch loài khủng long 65 triệu năm về trước.

"Sự mất mát trong đa dạng sinh học sẽ không thể dễ dàng phục hồi được, thậm chí là trong hàng triệu năm, và vì vậy, khi bạn tưởng tượng đến sự tuyệt chủng trong hệ sinh thái rạn san hô, hoặc hệ sinh thái rừng mưa, hoặc đồng cỏ, hoặc bất cứ nơi nào trên trái đất này, có nghĩa là những thứ mà bạn đã từ nhìn thấy giờ đây sẽ phải mất hàng triệu năm để khôi phục lại, đó thực sự là một thảm họa”, Chris Lowery, nhà cổ sinh vật học và đồng tác giả của công trình nghiên cứu chia sẻ.

Các loài ngoại lai cũng là một trong những tác nhân chính dẫn đến sự mất mát về đa dạng sinh học.

Sinh vật ngoại lai

Một nghiên cứu được mới công bố vào tháng 2 năm 2019 đã cho thấy một thực trạng rằng các loài ngoại lai là động lực chính của sự tuyệt chủng cũng như suy thoái trong đa dạng sinh học đối với cả động vật và thực vật trong nhiều năm trở lại đây. Nếu bạn chưa biết thì sinh vật ngoại lai là những loài sinh vật xuất hiện và phát triển ở khu vực vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng. Loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Chúng nhanh chóng sinh sôi, nảy nở một cách khó kiểm soát trở thành một hệ động thực vật thay thế, đe dọa nghiêm trọng đến hệ động thực vật bản địa, gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Các loài ngoại lai có thể là động vật, thực vật, nấm hoặc vi khuẩn.

Tuy nhiên, điều đáng nói là rất nhiều loài ngoại lai xâm lấn đã vô tình được lây lan bởi chính con người. Trong suốt hàng ngàn năm phát triển, con người có thể mang theo các loài ngoại lai từ lục địa này đến lục địa kia, từ quốc gia hoặc khu vực này sang quốc gia, khu vực khác khi di cư, thám hiểm, du lịch, và đặc biệt là trong các hoạt động giao thương. Lấy ví dụ đơn giản, rùa tai đỏ được coi là loài sinh vật cảnh đẹp, dễ nuôi nên được nhập khẩu và bày bán tràn lan ở nước ta trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi được thả ra môi trường tự nhiên (ao, hồ, sông, suối) ở Việt Nam, rùa tai đỏ gần như không có thiên địch, và chúng có thể ăn được bất cứ thứ gì từ các loài tôm, cá đến thực vật, lâu dần phát triển mất kiểm soát về số lượng và tàn phá sự đa dạng sinh học nơi chúng sống.

Một nghiên cứu khác gần đây cũng cho thấy kể từ năm 1500, đã có 953 trường hợp tuyệt chủng trên quy mô toàn cầu xảy ra với một số loài động thực vật, khoảng 1/3 trong số đó bắt nguồn từ sự xâm lăng của các loài ngoại lai.

Đại dương đang hấp thụ rất nhiều nhiệt lượng dư thừa bị mắc kẹt trên lớp bề mặt trái đất do hệ quả của sự gia tăng khí nhà kính trong bầu khí quyển, và chính điều này đang giết chết các loài sinh vật biển và rạn san hô trong các đại dương trên toàn cầu.

Tẩy trắng san hô

Các đại dương trên hành tinh đang hấp thụ gần 93% lượng nhiệt tăng thêm do sự “dư thừa” khí nhà kính trong bầu khí quyển của trái đất gây ra. 2018 được ghi nhận là năm mà các đại dương trên hành tinh có nhiệt độ ấm nhất từ trước đến nay, và các nhà khoa học gần đây cũng đã nhận ra rằng các đại dương của chúng ta đang nóng lên nhanh hơn 40% so với những dự đoán mới chỉ được đưa ra vài năm trước đây.

Nhiệt độ của các đại dương tăng cao hơn cùng với hiện tượng axit hóa nước khiến các loài tảo sống bên trong các mô san hô bị bật ra ngoài và san hô chuyển sang màu trắng, quá trình này được gọi là tẩy trắng san hô. San hô thường sống sót sau mỗi đợt bị tẩy trắng, nhưng quá trình khôi phục rất chậm chạp, bởi vì trong thời kỳ đó, chúng còn phải đối mặt với nhiều nguyên nhân khác nữa, chẳng hạn bệnh tật.

Hậu quả là các rạn san hô - và đồng thời cả những hệ sinh thái biển mà chúng hỗ trợ - đang chết dần. Trên khắp thế giới, khoảng 50% các rạn san hô trên thế giới đã chết trong vòng chỉ 30 năm qua.

Bên cạnh sinh vật biển, các loài sống trong nước ngọt cũng không thể tránh khỏi hậu quả từ sự nóng lên của hành tinh.

Cá nước ngọt

Một nghiên cứu thực hiện trong năm 2013 đã cho thấy có đến 82% các loài cá nước ngọt bản địa ở California đang trong trạng thái bị đe dọa tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu.

Số lượng của hầu hết các quần thể cá nước ngọt bản địa trên toàn thế giới dự kiến sẽ đều suy giảm, thậm chí một số có thể sẽ bị tuyệt chủng. Trong đó, các loài cá chỉ sống và sinh sôi được được trong môi trường nước lạnh hơn 21 độ sẽ có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.

Sự nóng lên của đại dương cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc mực nước biển dâng cao. Đồng thời, nước biển dâng cao đã gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài dễ sinh vật bị tổn thương, thậm chí là cả con người.

Chuột Bramble Cay

Nước, giống như hầu hết mọi vật chất khác trên trái đất, nở ra khi nó nóng lên - vì vậy nước ấm hơn sẽ chiếm nhiều không gian hơn. Theo Smithsonian, mực nước biển toàn cầu ngày nay cao hơn trung bình 5 đến 8 inch so với năm 1900.

Vào tháng 2 vừa qua, bộ trưởng môi trường Úc đã chính thức tuyên bố thông tin một loài gặm nhấm có tên Bramble Cay sẽ là loài động vật đầu tiên bị tuyệt chủng do biến đổi khí hậu - cụ thể là nước biển dâng, mà nguyên gốc rễ ở đây vẫn là do các hoạt động của con người.

Loài chuột nhỏ bé này có nguồn gốc từ một hòn đảo thuộc Queensland, miền đông nước Úc, tuy nhiên vùng lãnh thổ trũng của nó lại chỉ nằm ở độ cao 4-5m so với mực nước biển. Với tác động của biến đổi khí hậu, không chỉ nước biển dâng cao nhấn chìm môi trường sống của chuột Bramble Cay, mà còn khiến hòn đảo ngày càng bị ngập trong nước biển với những trận thủy triều và bão lớn liên tục quét qua. Bên cạnh đó, những trận lũ lụt cũng đã gây thiệt hại to lớn cho thảm thực vật của hòn đảo.

Chính hệ thực vật này đã cung cấp cho các loài động vật sinh sống trên đảo như Bramble Cay thức ăn và nơi trú ẩn, do đó sự suy giảm của thảm thực vật hoàn toàn có thể kéo theo sự tàn lụi của hệ động vật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái chung.

Các đại dương nóng lên cũng đang dẫn đến hiện tượng băng tan ở Bắc Cực và Nam Cực với tốc độ nhanh chưa từng có, góp phần làm tăng mực nước biển toàn cầu. Chỉ tính riêng ở Mỹ, có đến 17% trong số tất cả các loài động vật sẽ nằm trong danh sách bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng do nước biển dâng cao.

Băng tan ở Nam Cực

Băng tan có thể làm tăng đáng kể mực nước biển. Hiện tại, dải băng ở Nam Cực đang tan chảy với tốc độ nhanh gấp gần 6 lần so với những năm 1980. Còn về phía cực bắc, những lớp băng của Greenland đang tan nhanh gấp 4 lần so với chỉ 16 năm trước. Bán đảo lớn nhất thế giới này đã mất đi hơn 400 tỷ tấn băng chỉ trong năm 2012.

Trong trường hợp xấu nhất, được gọi là "pulse", hiện tượng nước biển ấm hơn có thể khiến các dòng sông băng - nhân tố chính giúp ngăn giữ những tảng băng khổng lồ tại Nam Cực và Greenland biến mất. Hệ quả là những tảng băng khổng lồ có thể có kích thước lên đến hàng nghìn km2 sẽ tách khỏi 2 cực, trôi nổi và tan chảy ở các đại dương, góp phần dẫn đến việc mực nước biển dâng nhanh trên khắp thế giới.

Theo một báo cáo của Trung tâm Đa dạng sinh học Hoa Kỳ, hiện tượng nước biển dâng cao đang đe dọa sự tồn vong của 233 loài động vật và thực vật nằm trong danh mục bảo vệ đặc biệt của 23 tiểu bảng ven biển trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ.

Báo cáo cũng lưu ý rằng 17% trong số tất cả các loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng của Hoa Kỳ dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng cao cũng như các hình thái thời tiết cực đoan gây ra bởi biến đổi khí hậu như bão, lũ lụt, sóng thần. Trong đó, các loài có nguy cơ hàng đầu bao gồm hải cẩu tu sĩ Hawaii và rùa biển loggerhead.

Cứ 6 loài động vật sinh sống trên trái đất thì sẽ có 1 loài sẽ tuyệt chủng do trái đất ấm lên.

Cứ 6 loài động vật trên sinh sống trên trái đất thì sẽ có 1 loài sẽ tuyệt chủng do trái đất ấm lên.

Một phân tích được công bố vào năm 2015 đã tiến hành xem xét hơn 130 nghiên cứu về số lượng động vật đang suy giảm được thực hiện trước đó và thấy rằng 1/6 hệ sinh thái động vật trên trái đất biến mất nếu hành tinh vẫn tiếp tục ấm lên với tốc độ hiện tại.

Hệ sinh thái động thực vật ở Nam Mỹ và Châu Đại Dương được cho là sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, trong khi các loài sinh sống ở Bắc Mỹ sẽ chịu rủi ro thấp nhất.

Những sự kiện đại tuyệt chủng hàng loạt trước đây thường đi kèm với các dấu hiệu cảnh báo. Và đáng buồn là các “triệu chứng” này rất giống với những gì chúng ta đang chứng kiến hiện tại.

Bầu khí quyển

Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt tàn khốc nhất trong lịch sử trái đất được gọi là thời kỳ tuyệt chủng Permi-Triassic hay “Great Dying”. Nó đã xảy ra cách đây 252 triệu năm, tức là trước cả buổi bình minh của loài khủng long.

Trong suốt thời kỳ Great Dying, khoảng 90% các loài động thực vật sinh sống trên Trái đất đã bị xóa sổ. Theo thống kê của National Geographic, chỉ có ít hơn 5% các loài sinh vật biển sống sót và 1/3 các loài động vật trên cạn vượt qua được qua “kiếp nạn” Great Dying. Nếu xét về quy mô, sự kiện này đã làm lu mờ hoàn toàn thảm họa nổi tiếng đã giết chết con khủng long cuối cùng vào khoảng 187 triệu năm sau đó.

Các nhà khoa học tin rằng tuyệt chủng hàng loạt bắt nguồn từ sự phát tán nhanh chóng và phóng thích lượng khí nhà kính cực lớn vào khí quyển quá nhanh sau sự phun trào của các núi lửa tại khu vực Siberia. Điều này đã khiến hành tinh ấm lên với tốc độ “chết người”. Ở thời điểm hiện tại, tất nhiên tốc độ ấm lên của trái đất chậm hơn so với thời kỳ tiền Great Dying rất nhiều, những các dấu hiệu cảnh báo lại hoàn toàn tương đồng. Trên thực tế, một nghiên cứu trong năm 2018 đã lưu ý rằng những dấu hiệu ban đầu đó đã có thể xuất hiện 700.000 năm trước khi sự kiện tuyệt chủng Great Dying đáng sợ diễn ra.

"Có nhiều bằng chứng về sự nóng lên toàn cầu nghiêm trọng, axit hóa đại dương và thiếu oxy", tác giả chính của công trình nghiên cứu, Giáo sư Wolfgang Kießling, cho biết.

Vẫn còn không ít tranh cãi về việc liệu chúng ta có thực sự ở giữa cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu hay không. Nhưng có một điều mà tất cả chúng ta buộc phải thừa nhận, đó là sự tuyệt chủng của các loài sinh vật trên trái đất hiện nay là lỗi của loài người.

Khai thác gỗ trái phép

Các nhà khoa học hiện vẫn đang tranh cãi gay gắt về việc liệu trái đất có thực sự đang đứng giữa sự kiện tuyệt chủng hàng loạt tiếp theo hay không. Nhà cổ sinh vật học Smithsonian Doug Erwin, một chuyên gia về Great Dying, người rất có tiếng nói trong giới các nhà khoa học nghiên cứu về tuyệt chủng, khẳng định rằng chúng ta chưa thực sự bước vào thời kỳ đó.

Thế nhưng cũng có không ít tên tuổi lớn lại có quan điểm trái ngược. Theo Giáo sư Kolbert, "cho đến thời điểm chúng ta có được câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi liệu trái đất đã bước vào thời kỳ tuyệt chủng thứ 6 hay chưa, rất có thể 3/4 số loài trên trái đất đã biến mất thực sự rồi!".

Dẫu vậy, vẫn có một điều mà tất cả các nhà khoa học đều chung một quan điểm, đó là loài người sẽ phải chịu trách nhiệm cho mất mát về mặt tự nhiên mà mẹ thiên nhiên đang phải gánh chịu từng giờ.

Theo một nghiên cứu được công bố trong năm 2014, tỷ lệ tuyệt chủng hiện tại trên trái đất đang cao hơn 1.000 lần so với trong trường hợp không có sự tồn tại của con người.

“Trong vòng 100 năm quá, có rất ít, nếu không muốn nói là gần nhưng không có bất cứ trường hợp tuyệt chủng nào được ghi nhận mà không có chút liên quan nào đến các hoạt động của con người”, Giáo sư Kolbert cho biết.

Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cuối cùng cũng có thể khiến cuộc tranh luận của các nhà khoa học tạm đi đến hồi kết.

Canh tác đất nông nghiệp quá mức

Theo báo cáo này, có đến 75% tất cả các vùng đất trên hành tinh và 66% các đại dương đã bị thay đổi đáng kể bởi những hoạt động con người. Hơn 85% diện tích đất ngập nước toàn cầu đã biến mất và hơn 79 triệu mẫu rừng nguyên sinh hoặc rừng phục hồi đã hoàn toàn bị xóa sổ chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ năm 2010 đến 2015.

Sự gián đoạn và suy thoái môi trường sống tự nhiên của các loài động, thực vật chắc chắn là một trong những nhân tố chính đang góp phần đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, Hugh Possingham, nhà khoa học đứng đầu tổ chức The Nature Conservancy, cũng cho biết rằng sự biến mất của nhiều loài động thực vật cũng sẽ "ảnh hưởng cơ bản đến nền kinh tế toàn cầu và sức khỏe của con người".

Đối với vấn đề liệu trái đất đã bước vào một thời kỳ đại tuyệt chủng tiếp theo hay chưa, Giáo sư Hugh Possingham cho rằng việc mất thời gian tranh luận cho điều đó thật là vô ích, bởi “sự tuyệt chủng hàng loạt này có thể không phải là lớn nhất trong lịch sử trái đất, nhưng nó chắc chắn sẽ vẫn diễn ra và là thảm họa tồi tệ nhất mà chúng ta phải trả giá cho những sai lầm của chính mình".

Quả đúng là như vậy, mẹ thiên nhiên đang cất lên từng tiếng kêu cứu và nếu con người, hay nói đúng hơn là bản thân mỗi chúng ta, nếu không có ý thức bảo vệ thiên nhiên tức là chúng ta đang tự giết chết đi tương lai của chính mình. Đó là một sự độc ác, không chỉ với tất cả các sinh vật trên hành tinh, mà còn đối với chính con cháu chúng ta mai sau!

Hãy bảo vệ thiên nhiên

Thứ Hai, 05/08/2019 17:31
4,815 👨 4.643
0 Bình luận
Sắp xếp theo