“Vùng chết” là những vùng oxy thấp trên đại dương đe dọa sự sống và khiến hệ sinh thái biển bị thay đổi. Hiện nay, nhiều đại dương đang rơi vào tình trạng khan hiếm oxy, tình trạng tương tự như khi xảy ra nạn tuyệt chủng hàng loạt của các sinh vật biển vào 94 triệu năm trước.
- "Vòng tròn" bí ẩn dưới biển sâu cuối cùng đã được giải mã nhưng đáp án khiến các nhà khoa học không khỏi lo lắng
- Giật mình với tác hại của pin Mặt Trời tới môi trường
Lượng oxy ngày càng giảm có thể gây nên sự tuyệt chủng của hàng loạt các sinh vật biển. (Ảnh: TreeHugger)
Theo các nhà khoa học, bên cạnh những tác động của tự nhiên thì con người chính là tác nhân không nhỏ khiến diện tích vùng chết ngày càng mở rộng. Trong số đó thì biến đổi khí hậu, phân bón và nước thải để lại hậu quả nghiêm trọng nhất.
Cụ thể, chất thải trong công nghiệp và phân bón trong lĩnh vực nông nghiệp khiến số lượng tảo khổng lồ chết dần, chúng sẽ phân hủy và làm giảm lượng oxy trong nước biển. Điều này có thể giết chết cá và nhiều sinh vật biển khác, để đảm bảo sự sống nhiều loài buộc phải di chuyển sang vùng nước khác. Tình trạng này có thể khến hệ sinh thái ở một số vùng biển bị mất cân bằng.
Vùng chết lớn nhất thế giới hiện nay, nằm ở phía Bắc của vịnh Mexico, gần khu vực con sông Mississippi, đang ở mức báo động và có xu hướng mở rộng hơn. Ngoài ra, biển Baltic cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Vùng nước chết ngày cảng mở rộng trên biển có thể kéo theo nhiều hậu quả nguy hiểm. (Ảnh: CBS News)
Biến đổi khí hậu là một yếu tố không nhỏ gây nên thực trạng "sống mòn" ở nhiều vùng chết tại các đại dương. Hiện tượng này khiến tình trạng xói mòn đất với số lượng lớn, bổ sung chất dinh dưỡng cho biển gia tăng. Nhưng theo các nhà nghiên cứu quá trình này dự kiến phải mất tới hàng chục ngàn năm.
Bên cạnh đó, việc nhiệt độ và tình trạng axit hóa đại dương tăng cao do hấp thụ lượng khí CO2 gia tăng trong khí quyển cũng có thể khiến sự sống ở biển bị đe dọa.
Tình trạng oxy quá thấp trong nước biển đã giết chết nhiều loài cá. (Ảnh: Maritime Cyprus)
Theo các nhà nghiên cứu tỷ lệ mất oxy hiện tại tượng tự như sự kiện Oceanic Anoxic Event-2 (OAE-2) gây ra sự kiện tuyệt chủng của khoảng 27% động vật không xương sống trên biển vào khoảng 94 triệu năm trước. Họ cũng đưa ra cảnh báo, nếu sự suy giảm oxy do con người gây ra tương tự như trong giai đoạn đầu dẫn đến sự kiện OAE-2, thì trong khoảng 102 – 344 năm tới hiện tượng mất oxy ở đáy biển sẽ gia tăng gấp đôi.
Trước tình trạng sự suy giảm oxy cục bộ trong các đại dương đang có xu hướng mở rộng theo mức độ lượng khí thải carbon, nếu con người không nỗ lực cắt giảm khí nhà kính, hạn chế sử dụng phân bón và xử lý đúng quy trình nước thải thì sự sống trên biển sẽ bị đe dọa, nhiều hệ sinh thái biển sẽ thay đổi.