Khoảng 66 triệu năm trước, một tiểu hành tinh có kích thước lớn đỉnh Everest đã xé toạc bầu khí quyển Trái đất, lao thẳng vào hành tinh của chúng ta bằng vận tốc “chết chóc”. Một vụ va chạm cực lớn sau đó đã xảy ra ở khu vực Bán đảo Yucatán, trên bờ biển phía đông nam Mexico, tạo ra những trận sóng thần cao hàng trăm mét tràn tới tận bang Illinois ở Mỹ ngày nay, đồng thời giải phóng 325 tỷ tấn lưu huỳnh vào khí quyển, làm nhiệt độ Trái Đất giảm đột ngột và che khuất ánh sáng Mặt Trời trong thời gian dài. Hệ quả sau đó như chúng ta đã biết, kỷ nguyên tồn tại 175 triệu năm của loài khủng long đã nhanh chóng bị xóa sổ, kéo theo đó là sự tuyệt chủng hàng loạt của 75% sinh vật trên hành tinh.
Rõ ràng sự thay đổi theo chiều hướng cực đoan trong thời gian ngắn của khí hậu Trái Đất sau khi vụ va chạm xảy ra là nguyên nhân chính tạo ra cuộc đại tuyệt chủng cách đây hơn 66 triệu năm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bên cạnh những yếu tố như kích thước và tốc độ của thiên thạch, liêu còn có yếu tố nào khiến vụ va chạm này trở nên tồi tệ đến vậy hay không?
Để làm rõ luận điểm trên, các nhà khoa học đã phục dựng hàng trăm tình huống mô phỏng 3D khác nhau dựa trên dữ liệu thu được từ các nghiên cứu thực địa trước đây. Bằng cách mô hình hóa toàn bộ sự kiện va chạm này, từ tác động ban đầu đến sự hình thành miệng núi lửa Chicxulub - nơi đánh dấu vị trí mà tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất, nghiên cứu đã cho thấy tiểu hành tinh lao đến Trái Đất từ phía đông bắc ở góc 60 độ. “Góc chết” này kết hợp với các yếu tố khác như như đường kính thiên thạch là 17km và vận tốc 43.200km/h (cao hơn tốc độ trung bình mà các tiểu hành tinh lao vào Trái Đất) đã góp phần tạo ra sức công phá lớn nhất có thể, từ đó giải phóng lượng bụi nhiều chưa từng có vào khí quyển.
Tệ hơn, trong cùng thời điểm vụ va chạm này xảy ra, các ngọn núi lửa khổng lồ ở Deccan Traps, tây bắc Ấn Độ cũng đang ở thời kỳ phun trào, giải phóng một lượng lớn khí và bụi vào khí quyển. Điều này kết hợp với lượng vật chất khổng lồ tạo ra bởi vụ va chạm đã đẩy nhanh đáng đáng kể sự biến đổi khí hậu trên hành tinh.
Bụi bay vào bầu khí quyển, bao gồm hàng tỷ tấn lưu huỳnh, đã chặn đứng ánh sáng Mặt trời, tạo ra một “mùa đông hạt nhân” vô cùng khắc nghiệt trên Trái Đất lúc bấy giờ. Song song với đó, cháy rừng xảy ra khắp thế giới, cây xanh không thể quang hợp, dẫn đến sự tuyệt chủng của hầu hết các loài sinh vật sinh sống trên hành tinh.
Hiểu một cách đơn giản, vụ va chạm này sở hữu đầy đủ điều kiện thuận lợi để tạo ra một trong những thảm họa đáng sợ nhất trong lịch sử hình thành sự sống trên Trái Đất. Loài khủng long chỉ đơn là không còn bất cứ sự lựa chọn nào khác.