Theo một báo cáo mới, 13 thành phố trên toàn thế giới được dự đoán có nhiệt độ tăng thêm 2 độ C hoặc hơn trong thập kỷ tới. Trong đó thành phố Leuven của Bỉ phải đối mặt với mức nhiệt tăng thêm nhiều nhất trong số các thành phố được đưa vào báo cáo. Thông tin do Mạng lưới Nghiên cứu Thay đổi Khí hậu Đô thị (Urban Climate Change Research Network), đặt trụ sở tại Đại học Columbia vừa đưa ra.
"Tất cả đều đáng báo động", William Solecki, một thành viên của công trình nghiên cứu này nói với tổ chức Thomson Reuters Foundation tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do LHQ hậu thuẫn. Các thành phố có thể thấy nhiệt độ tăng cao nhất trong năm 2020 bao gồm Geneva ở Thụy Sĩ (2,5 độ C), Thâm Quyến ở Trung Quốc (2,3 độ C) và Tsukuba ở Nhật Bản (2,3 độ C). Tất cả các đự đoán trên cũng có giới hạn dưới, ví dụ nhiệt độ ở Leuven có thể tăng lên ít nhất 1,1 độ C.
Cynthia Rosenzweig, biên tập viên công trình này và là nhà nghiên cứu của NASA cho biết, những dữ liệu mới cung cấp "kiến thức nền tảng" cho các thành phố đi đầu trong nỗ lực kiềm chế những tác động của sự nóng lên toàn cầu. Những phát hiện mới này được đưa ra sau khi một bản thảo của Liên hợp quốc dự báo rằng, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đang trên đà vượt quá mục tiêu 1,5 độ C của hiệp ước Paris để hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Thêm vào đó, các chuyên gia nói rằng bão, lũ lụt và các sự kiện thời tiết cực đoan khác có liên quan đến biến đổi khí hậu đang đẩy các thành phố vào những tình trạng khó khăn hơn so với mức mà các nhà khoa học đã dự đoán.
Trong một cuộc họp báo, Rosenzweig nói: "Các thành phố sẽ biết phải lên kế hoạch thích ứng như thế nào nếu họ biết được khí hậu, nhiệt độ sẽ thay đổi như thế nào trong thành phố của mình".
Solecki, giáo sư tại trường Hunter College ở New York nói: "Sự biến thiên của các kết quả nghiên cứu dự đoán mức tăng nhiệt độ không vượt quá 1 độ C trước giờ nhắc nhở rằng các thành phố cần phải phát triển các kế hoạch phù hợp để giảm nhẹ tác động của thay đổi khí hậu. Việc lập kế hoạch đặc biệt quan trọng nhất là khi áp lực từ việc mở rộng, gia tăng đô thị hóa ngày càng tăng".
Theo báo cáo của LHQ, khoảng một nửa dân số thế giới sống ở các khu vực thành thị, và con số này dự kiến sẽ đạt 66% vào năm 2050.
Báo cáo mới này được đưa ra tại thành phố Edmonton, phía Tây Canada, bên lề hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, nơi các nhà khoa học và nhà quy hoạch đô thị đang lập kế hoạch cho các thành phố nhằm chống lại những tác động của biến đổi khí hậu.