Rắn sinh sống ở hầu hết các lục địa và có tới 600 loài rắn được biết đến. Trong đó, 80% loài rắn lại không hề có độc nhưng rất nhiều người chỉ cần nhìn hay nghe nói về rắn cũng thấy sợ hãi. Một trong những lý do là họ không thể phân biệt được đâu là rắn thường đâu là rắn độc.
Dưới đây là cách phân biệt rắn độc và rắn không độc dựa theo kinh nghiệm của nhiều người và từ việc tổng hợp các đặc điểm của rắn độc, mời các bạn tham khảo.
Cách nhận biết rắn độc và rắn không độc
1. Dựa vào hình dạng đồng tử (con ngươi) của rắn
Một trong những cách dễ và nhanh nhất để nhận biết rắn độc và rắn không độc là nhìn vào đôi mắt của chúng. Nếu rắn độc thì đồng tử của nó sẽ có dạng elip như mắt mèo, mắt cá sấu còn rắn không độc sẽ có hình tròn như mắt người vậy.
Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, một số loài rắn kịch độc như rắn taipan của Úc, rắn mamba đen (châu Phi), rắn hổ (Trung Đông, châu Á, châu Phi) vẫn có con người hình tròn.
Ngoài ra, một số loài rắn dù không độc có khả năng thay đổi hình dạng con người theo tình huống.
Vì vậy, nếu thấy một con rắn có tròng mắt hình tròn thì bạn cũng đừng vội tiếp cận mà phải quan sát thêm các đặc điểm khác nữa nhé.
Mũi rắn
Ở khoảng giữa mắt và lỗ mũi của rắn độc có một cái hốc nhỏ (Pit), đây là bộ phận cảm biến nhiệt để phát hiện vị trí con mồi. Rắn thường sẽ không có các hốc này.
Đuôi rắn
Rắn độc thường có đuôi ngắn, có cách xếp vảy kép (double row of scale). Trong khi đó, rắn không độc thường có đuôi dài và nhỏ dần, cách sắp vảy đơn.
Đầu rắn
Thông thường, các loài rắn độc có đầu khá lớn, có hình dạng tam giác, cổ nhỏ. Trong khi đó, rắn thường có đầu nhỏ hơn và có dạng tròn hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, các loài rắn độc như rắn biển, cạp nong, cạp nia lại có đầu giống rắn thường.
Màu sắc, họa tiết trên da rắn
Rắn độc thường có màu sặc sỡ và có thể phát ra những tiếng rít rất đặc trưng (ví dụ như âm thanh của rắn đuôi chuông) để cảnh báo kẻ thù tránh xa.
Ngoài ra, các loài rắn mà trên da có những vân họa tiết hình kim cương, hoặc có từ 3 màu trở lên, có khả năng là rắn độc.
Tuy nhiên, đây chỉ là cách tương đối vì một số loài rắn không có độc nhưng lại có khả năng “hóa trang” thành loài rắn cực độc để đánh lừa kẻ thù.
Tư thế của loài rắn
Khi cảm thấy bị đe dọa, rắn không độc sẽ bỏ chạy còn rắn độc sẽ bò đi khá chậm rãi, hoặc ở tư thế chuẩn bị tấn công (cuộn tròn cơ thể lại, đầu ngóc cao, phình cơ thể, nhe răng ra, phát ra tiếng kêu đe dọa, lao về phía kẻ thù, nếu là rắn hổ mang thì sẽ phồng mang ra đe dọa kẻ thù).
Với rắn nước, rắn không độc khi bơi chỉ nổi đầu, thân mình giấu dưới mặt nước còn rắn có độc thường bơi theo kiểu nổi toàn thân.
Dựa vào răng nanh, vết cắn
Khi rắn bị đe dọa nó sẽ há miệng đe dọa và tìm cách cắn bạn. Hãy quan sát răng của nó nếu thấy răng móc câu hay răng ống (bạn chỉ cần nhận ra 2 chiếc răng lớn hơn các răng khác) thì đó là rắn có độc.
Nếu đã bị cắn, hãy quan sát vết cắn, nếu có dấu răng nanh (to hơn các dấu răng khác) thì đó là vết cắn của rắn có độc. Vết cắn của rắn không độc chỉ có hai hàng răng nhỏ li ti.
Phải làm gì khi bị rắn cắn
Nếu bị rắn độc cắn, vết cắn sẽ nhanh chóng sưng lên. Bạn sẽ cảm thấy rất đau, khó thở, buồn nôn, huyết áp tăng, cơ bắp lịm dần, cơ thể gây sốt.
Việc đầu tiên bạn cần làm là nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để lấy thuốc giải. Nếu có thể hãy mang theo con rắn hoặc ảnh chụp con rắn, điều này sẽ giúp các bác sĩ dễ nhận định hơn.
Hãy hạn chế vận động để nọc độc không lan ra nhanh hơn.
Lưu ý: Không hút độc ra vì sẽ khiến các mô xung quanh bị tổn thương nhiều hơn.