WiFi rõ ràng là tiện lợi hơn rất nhiều so với kết nối Ethernet dây dợ loằng ngoằng. Thế nhưng tại sao cho đến nay, mạng Ethernet vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với các tổ chức, doanh nghiệp và thậm chí là cả những người dùng cá nhân? Đơn giản là vì mạng dây Ethernet vẫn mang trong mình những ưu điểm vượt trội so với mạng không dây WiFi.
Trong thời đại của các thiết bị di động như hiện nay, dĩ nhiên các kết nối không dây cũng đang trở thành xu hướng của thế giới công nghệ. Rõ ràng bạn sẽ chẳng cần cắm sợi dây mạng nào vào điện thoại để có thể truy cập được Internet. Nhưng các thiết bị quan trọng, hay nói cách khác là những cỗ máy để bàn, cố định, thường sử dụng Ethernet, ví dụ như những cỗ máy chơi game, hay những dàn PC phục vụ giải trí đa phương tiện, các thiết bị backup, đầu thu kỹ thuật số… Tại sao lại như vậy? Dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau điểm qua 3 ưu điểm chính của mạng dây Ethernet so với WiFi, đó là tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn và kết nối đáng tin cậy hơn.
WiFi và Ethernet
WiFi là một công nghệ mạng cho phép các thiết bị di động kết nối Internet không dây hoặc để tạo điều kiện giao tiếp không dây với nhau. Đó là công nghệ sử dụng sóng vô tuyến để cung cấp kết nối Internet tốc độ cao cho các thiết bị dựa trên tiêu chuẩn IEEE 802.11.
Mặt khác, Ethernet là một giao thức giao tiếp tiêu chuẩn và là công nghệ được sử dụng phổ biến nhất trong các mạng cục bộ có dây (LAN). Ethernet liên quan đến cáp vật lý hoặc cáp Internet mà dữ liệu truyền qua đó.
Tốc độ của Ethernet nhanh như thế nào?
Có một điều mà các “fan” của WiFi phải chấp nhận đó là Ethernet bao giờ cũng nhanh hơn WiFi, và hiện tại thì không có cách nào để có thể giúp WiFi bắt kịp với tốc độ Ethernet. Tuy nhiên trên thực tế, khoảng cách này không quá lớn như bạn nghĩ. Nhờ các công nghệ như 802.11ac và 802.11n, với tốc độ tối đa lần lượt đạt 866.7Mb/s và 150Mb/s, WiFi ngày càng bám đuổi Ethernet quyết liệt hơn trong cuộc đua tốc độ. Tuy rằng đó là những con số trên lý thuyết còn về mặt sử dụng thực tế thì chắc chắn không thể được như vậy, thế nhưng WiFi vẫn đủ tốt để đáp ứng mọi nhu cầu thường ngày của bạn.
Mặt khác, một kết nối Ethernet có dây về mặt lý thuyết có thể đạt tốc độ tối đa 10Gb/s nếu dùng loại cáp Cat6. Phải nói thêm rằng tốc độ tối đa của mạng Ethernet sẽ phụ thuộc vào loại cáp mà bạn dùng. Tuy nhiên, ngay cả cáp Cat5e là loại cáp được sử dụng phổ biến hiện nay cũng hỗ trợ tốc độ tối đa tới 1Gb/s. Và quan trọng là tốc độ này vô cùng ổn định chứ không chập chờn giống như WiFi.
Tuy nhiên, Ethernet cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ giữa các thiết bị trong một mạng. Ví dụ, nếu bạn muốn chuyển các file giữa hai máy tính trong nhà với tốc độ nhanh nhất có thể, trong trường hợp này, dùng mạng dây sẽ nhanh hơn Wifi. Lúc đó, kết nối Internet không tham gia vào quá trình chuyển tải, nên bạn sẽ đạt được tốc độ tối đa mà phần cứng mạng của bạn có thể cung cấp.
Dưới đây là một vài ví dụ điển hình để hiểu hơn về tình huống trên:
- Nếu bạn có nhiều thiết bị để sao lưu dữ liệu vào NAS, ví dụ như máy chủ dự phòng hoặc ổ đĩa cứng chia sẻ chung, thì quá trình sao lưu sẽ diễn ra nhanh hơn nếu dùng Ethernet.
- Nếu bạn đang stream từ một máy chủ media (như Plex hay Kodi) thì Ethernet sẽ cho tốc độ nhanh và chất lượng kết nối ổn định hơn nhiều.
- Nếu bạn tò mò về sự khác biệt của tốc độ truyền file cục bộ, hãy thử chuyển một file có kích thước lớn giữa hai máy tính trong khi cả hai máy tính đều được kết nối với Ethernet, và khi chúng được kết nối WiFi. Bạn sẽ thấy một sự chênh lệch về tốc độ.
Độ trễ của Ethernet thấp như thế nào?
Ngoài những vấn đề về băng thông, tốc độ kết nối còn phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng khác là "độ trễ". Trong trường hợp này, độ trễ là khoảng thời gian delay khi dữ liệu truyền từ thiết bị đến đích, game thủ thường gọi nó là ping.
Ví dụ: nếu bạn đang chơi một game trực tuyến và cần thời gian phản hồi càng nhanh càng tốt, bạn sẽ phải tìm cách giảm tối đa độ trễ bằng cách sử dụng kết nối có dây Ethernet để cho độ trễ tốt hơn. Tất nhiên là vẫn sẽ có độ trễ bị gây ra bởi các vấn đề trên đường dẫn Internet giữa thiết bị của bạn và máy chủ trò chơi, nhưng không quá đáng kể.
Còn nếu bạn chỉ xem video hay nghe nhạc, lướt web… thì độ trễ chẳng phải là vấn đề gì to tát.
Bạn có thể kiểm tra độ trễ bằng lệnh "Ping" trong Command Prompt của Windows hay Terminal trên Linux và Mac. Cả khi thiết bị được kết nối qua WiFi và khi được kết nối qua Ethernet. So sánh kết quả và bạn sẽ thấy rằng nếu dùng Wifi, độ trễ sẽ cao hơn một chút bởi tín hiệu phải đi qua đi lại giữa thiết bị và router.
Tóm lại, kết nối WiFi sẽ có độ trẽ lớn hơn bởi tín hiệu sẽ phải di chuyển qua lại giữa thiết bị WiFi và router không dây của bạn. Ngược lại, với kết nối Ethernet có dây, độ trễ sẽ thấp hơn nhiều.
Mức độ đáng tin cậy của kết nối Ethernet
Ethernet sẽ cho chúng ta một kết nối đáng tin cậy hơn so với WiFi, đó là điều không phải bàn cãi.
Đơn giản là bởi kết nối không dây sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng hơn so với kết nối có dây. Đơn cử như kết cấu nhà, vật cản sóng, tín hiệu điện từ, hay thậm chí là mạng WiFi của nhà hàng xóm cũng có thể là yếu tố gây ảnh hưởng đến WiFi. Tất cả những yếu tố trên đều góp phần cho WiFi thường bất ổn định và kém tin cậy hơn. Có thể kể đến một số vấn đề như:
- Mất tín hiệu: thỉnh thoảng bạn sẽ bị "rớt mạng" mà phải tiến hành kết nối lại. Đây có thể không phải là một vấn đề lớn đối với việc lướt web hằng ngày hoặc thậm chí phát trực tuyến video (được lưu vào bộ nhớ đệm trên thiết bị cục bộ), bởi vì việc kết nối lại sẽ diễn ra nhanh chóng. Nhưng thử tưởng tượng bạn đang chơi game mà mạng cứ rớt liên tục, chắc chắn sẽ không hề dễ chịu chút nào nếu không muốn nói là phiền toái.
- Độ trễ cao hơn: Lý do tại sao đã được chúng ta đề cập ở phía trên.
- Tốc độ chậm hơn: Càng nhiều yếu tố tác động sẽ dẫn đến chất lượng tín hiệu WiFi càng kém và cuối cùng là tốc độ cũng sẽ giảm theo.
Ethernet bảo mật tốt hơn WiFi
Dữ liệu được gửi qua kết nối Ethernet chỉ có thể được truy cập bởi các thiết bị kết nối vật lý với mạng đó và do đó không có nguy cơ mất dữ liệu hoặc bị tấn công. Các thiết bị này cần sử dụng tường lửa để bảo mật.
Mặt khác, WiFi là một mạng mở nên dữ liệu của nó không an toàn. Khi truyền dữ liệu nhạy cảm, hãy đảm bảo sử dụng mạng WiFi nơi dữ liệu được mã hóa và bảo mật. Phương pháp mã hóa an toàn nhất là WPA2-PSK, còn WEP là kém bảo mật nhất.
WiFi công cộng miễn phí không an toàn. vì vậy tốt nhất là bạn nên tránh sử dụng. Tìm hiểu thêm về các mối đe dọa đến từ WiFi công cộng qua bài viết: Dữ liệu của bạn có thể bị đánh cắp khi sử dụng Wifi công cộng?
Ethernet ít bị nhiễu hơn
Mọi người có nhiều thiết bị trong nhà hoặc văn phòng có thể gây nhiễu WiFi và gây ra nhiều sự cố khác nhau.
Những vấn đề này bao gồm:
- Mất tín hiệu
- Độ trễ lớn hơn
- Tốc độ thấp hơn
Do đó, Ethernet đáng tin cậy hơn khi xét về khả năng bị nhiễu.
Vậy khi nào nên sử dụng Ethernet?
Bài viết hoàn toàn không có ý hạ thấp WiFi, bởi dù sao thì đây cũng là một kết nối khá nhanh, vô cùng tiện lợi, và đáp ứng đủ mọi nhu cầu hằng ngày của phần lớn người dùng phổ thông, đặc biệt là khi bạn sử dụng smartphone hay thường xuyên làm việc bên ngoài văn phòng với laptop. Ngoài ra, cũng có những lúc bạn không thể sử dụng Ethernet. Có thể là do quá khó để chạy cáp đến vị trí bạn muốn. Hoặc có thể chủ nhà của bạn sẽ không cho phép bạn chạy cáp theo cách bạn muốn.
Và đó là lúc tính tiện lợi của WiFi lên tiếng. Nếu bạn thường xuyên di chuyển và chắc chắn là không muốn phải mang theo dây dợ cồng kềnh thì Wifi là lựa chọn hiển nhiên.
Tuy nhiên, nếu bạn dùng máy tính bàn hay máy chủ và chỉ đặt máy ở một nơi duy nhất, thì tốt nhất bạn nên cố gắng sử dụng Ethernet bởi nó cho chất lượng truyền tốt hơn, đặc biệt nếu bạn là game thủ, bạn sẽ thấy được Ethernet đáng giá như thế nào.
Tổng kết
Tóm lại, Ethernet mang đến cho chúng ta tốc độ kết nối tốt hơn, độ trễ thấp, kết nối ổn định và đáng tin cậy hơn. Trong khi đó, WiFi là hiện thân của sự tiện dụng và đáp ứng đủ những nhu cầu cơ bản của đại đa số người dùng. Vậy nên, hãy cân nhắc kĩ về vấn đề sử dụng mạng không dây hay có dây; dù sao đi nữa thì một sợi cáp đơn giản cũng đã mang lại sự khác biệt về tốc độ, nhưng sự khác biệt này có đủ lớn để bạn phải đánh đổi lấy sự tiện dụng hay không mà thôi.
Xem thêm