Driver tai nghe là gì và nó ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng âm thanh?

Nếu bạn là một người dùng phổ thông, đang tìm kiếm cho mình một chiếc tai nghe chất lượng, phù hợp, chắc hẳn bạn sẽ thấy vô cùng bỡ ngỡ trước sự phong phú thương về hiệu và phong cách thiết kế khác nhau của các dòng tai nghe hiện có trên thị trường. Và chính sự phong phú này có thể khiến bạn đôi khi không biết nên chọn loại nào phù hợp với gu nghe nhạc của mình, đặc biệt nếu bạn lần đầu tiên đi mua tai nghe. Có một điều cần lưu ý là nhiều khi các thông số kỹ thuật của tai nghe chưa chắc nói lên được chính xác liệu nó có phù hợp với bạn hay không. Tóm lại để chọn được một chiếc tai nghe vừa ý, bạn có thể hỏi qua ý kiến của bạn bè, những người có kiến thức về âm thanh hoặc tham khảo bài viết này để nắm được những kiến thức tổng quan về các loại tai nghe trên thị trường hiện nay.

Cấu tạo tai nghe

Nhìn chung, thông số kỹ thuật của tai nghe tương đối là phức tạp và mang tính học thuật cao, bài đăng này sẽ cắt nghĩa một số thuật ngữ chuyên môn để làm giúp các bạn có cái nhìn chi tiết hơn về một trong những thành phần tối quan trọng trong một chiếc tai nghe thông thường, đó chính là driver của tai nghe và cách nó ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh.

Driver tai nghe là gì?

Driver tai nghe

Đầu tiên hãy khoan đi chuyên sâu vào các kiểu tai nghe riêng biệt làm gì, chúng ta hãy cùng điểm qua các thành phần và đặc điểm chính mà một chiếc tai nghe phải có. Một chiếc tai nghe để có thể hoạt động sẽ cần đến driver. Driver tai nghe là một tổ hợp gồm nam châm, cuộn cảm và màng diaphargm hình nón (với kích thước đo tính bằng mm), đảm nhận việc chuyển đổi tín hiệu điện thành sóng âm mà tai người có thể hiểu được. Có thể hiểu nôm na chúng như một chiếc loa phóng thanh mini bên trong tai của bạn. Driver cũng có nhiều kích thước từ cực nhỏ đến cực lớn và nhiều kiểu thiết kế khác nhau, đây là yếu tố chính ảnh hưởng đến chất âm của một chiếc tai nghe.

Một driver bao gồm 3 bộ phận cấu thành:

  1. Một nam châm tạo ra từ trường.
  2. Cuộn cảm: Di chuyển các diaphargm để tạo ra âm thanh bạn nghe khi dòng điện truyền qua.
  3. Màng diaphargm: rung động để tạo ra sóng âm thanh.

Driver tai nghe có hình dáng và kích thước khác nhau tùy thuộc vào thiết kế của housing (phần chứa driver) và chất lượng âm thanh yêu cầu.

Kích thước của driver ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh như thế nào?

Có một khái niệm đơn giản mà chúng ta phải công nhận đó là những driver lớn hơn sẽ cho lượng bass tốt hơn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tai nghe có driver lớn hơn tạo ra âm thanh tốt hơn. Có nhiều yếu tố mà chúng ta phải suy xét thật kỹ trước khi nói đến chất lượng âm thanh của tai nghe. Dưới đây là tất cả mọi thứ bạn cần biết về kích thước của driver ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng âm thanh.

Liệu có phải to hơn là luôn tốt hơn?

Các driver của earphones thường có đường kính dao động từ 8mm - 15mm trong khi driver của headphones có đường kính nằm trong khoảng từ 20mm đến 50mm. Nói chung, kích thước của driver quyết định âm lượng của tai nghe.

Nhiều người đã tin rằng kích thước driver lớn hơn sẽ mang lại chất lượng âm thanh tốt hơn. Điều này là không hoàn toàn đúng, mặc dù phải thừa nhận rằng màng diaphargm lớn hơn sẽ cho dải bass sạch hơn một chút, nhưng tai nghe với driver lớn cũng có xu hướng gặp phải những khó khăn trong tái tạo các dải tần số cao (treble).

Mặc dù các driver lớn hơn có khả năng tạo âm lượng tốt hơn, điều này không có nghĩa là chúng mang lại chất âm tốt hơn. Chất lượng và chất liệu của các driver mới mang lại những sự khác biệt rất lớn. Lấy ví dụ với EarPod của Apple hoặc bất kỳ earbud nhỏ khác, những tai nghe có kích thước nhỏ với các driver rất nhỏ nằm bên trong, nhưng chúng mang đến chất lượng âm thanh có thể cạnh tranh được với những đối thủ tới từ các thương hiệu khác sử dụng driver lớn hơn.

Ngoài ra, chúng ta có thể học một vài điều thú vị từ Audio-Technica. Hãng âm thanh đến từ Nhật Bản này sở hữu hai mẫu tai nghe cao cấp: M40X và M50X. M40X sử dụng driver có đường kính 40mm trong khi M50X sử dụng driver 45mm. Vì vậy, bạn cho rằng M50X tạo ra âm thanh tốt hơn do sử dụng các driver lớn hơn, phải không? Đúng, nhưng không hoàn toàn.

Cả hai mẫu tai nghe này đều được chỉnh âm theo hướng rất khác nhau. M50X có bộ điều chỉnh, pad tai nghe và lớp vỏ bọc được thiết kế để hướng tới chất âm mạnh mẽ giàu về lượng, trong khi M40X được thiết kế để hướng tới một chất âm nhẹ nhàng và trung tính hơn. Trong cả hai mẫu tai nghe này, loại pad được sử dụng và lớp vỏ bọc của cup tai nghe có ảnh hưởng đến chất âm nhiều hơn so với các driver được sử dụng.

Audio-Technica M40X và M50X

Tóm lại, kích thước của driver ảnh hưởng nhiều đến chất lượng âm thành và dải tần số đáp ứng của tai nghe. Tuy nhiên, khi mua tai nghe, bạn không nên chỉ căn cứ vào yếu tố kích thước của các driver. Có các yếu tố khác như kiểu driver được sử dụng và dải tần số đáp ứng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh hơn là kích thước của các driver.

Các kiểu driver của tai nghe

Như đã đề cập trước đó, loại driver được sử dụng trong tai nghe ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh. Dưới đây là các loại driver khác nhau thường được sử dụng trong earphone và headphone.

Đầu tiên, cần phải nói qua một chút là kiểu thiết kế driver đơn (1 driver) hay nhiều driver cũng làm gia tăng chất lượng âm thanh của tai nghe mà dễ nhận thấy nhất là ở thông số tần số đáp ứng. Ở thiết kế driver đơn, mức tần số đáp ứng tiêu chuẩn là 20 Hz ~ 20 kHz tuy nhiên khi sử dụng nhiều driver con số này có thể được đẩy lên cao hơn rất nhiều, nhất là ở các dòng tai nghe cao cấp đắt tiền. Driver tai nghe được chia làm 5 loại gồm: dynamic, balanced armature, planar magnetic, electrostatic và magnetostriction (hay còn gọi là bone-conduction).

Dynamic driver

Dynamic driver

Driver dynamic là kiểu thiết kế thông dụng nhất hiện nay xuất hiện ở cả các dòng tai nghe không chuyên, trung cấp và cao cấp. Nó cũng là loại driver có chi phí gia công rẻ nhất nên dễ dàng tiếp cận hơn với người dùng có mức chi tiêu không cao. Driver dynamic gồm có nam châm neodymium, cuộn cảm và màng diaphragm, hoạt động bằng cách sử dụng từ tính của nam châm để truyền tải rung động vật lý đến màng diaphragm. Các rung động này sẽ tạo thành sóng âm truyền đến tai người nghe.

Cụ thể hơn, từ tính của nam châm neodymium sẽ biến cuộn cảm thành một nam châm điện, tạo ra từ trường dựa trên dòng điện đi qua nó. Cuộn cảm được gắn chặt vào màng diaphragm nên khi nó dao động màng diaphragm sẽ dao động theo và tạo ra âm thanh. Do phương thức hoạt động rất đơn giản nên driver rất dễ kéo và không đòi hỏi quá nhiều năng lượng, tuy vậy nó cũng là kiểu driver bị ảnh hưởng nhiều nhất từ méo tiếng khi hoạt động ở mức âm lượng cao (non-linear distortion). Khái niệm các driver lớn hơn tạo ra âm trầm tốt hơn không được áp dụng với các driver dynamic.

Planar Magnetic Driver

Planar Magnetic Driver

Driver planar magnetic thường xuất hiện trong các sản phẩm tai nghe trùm đầu có thế kế lưng earcup hở. Kiểu driver này có phương thức hoạt động khá giống so với driver dynamic khi sử dụng từ trường để tạo ra âm thanh. Tuy nhiên thay vì sử dụng cuộn cảm thì màng diapharm của driver planar magnetic chịu ảnh hưởng trực tiếp của từ trường nam châm. Để đảm bảo dao động của màng diaphragm được đồng đều, nam châm trong thiết kế driver planar magnetic thường khá lớn và làm chiếc tai nghe nặng hơn. Tai nghe planar magnetic cũng đòi hỏi nguồn điện cao hơn để kéo nên người dùng thường được khuyến nghị sử dụng thêm amplifier chuyên dụng với loại driver này.

Vì các lý do này, tai nghe planar magnetic không phù hợp cho nhu cầu portable như đối với tai nghe dynamic. Mức giá của nó cũng cao hơn (đôi khi rất nhiều) so với tai nghe dynamic. Kiểu driver này còn cho chất tiếng cực tốt với bass sâu và hầu như không có méo tiếng, được dân audiophile ca tụng như một định mức chất lượng tuyệt đối.

Balanced Armature Driver

Balanced Armature Driver

Driver BA sở hữu kích thước nhỏ hơn nhiều so với driver dynamic và dễ dàng nằm gọn trong các sản phẩm tai nghe IEM. Chúng cũng có phí gia công cao hơn driver dynamic nên sẽ ít khi xuất hiện trong các dòng tai nghe giá rẻ. Thành phần chính của driver BA gồm một cuộn dây nằm giữa 2 nam châm. Từ trường của 2 nam châm này sẽ quyết định dao động của cuộn dây khi có dòng điện đi qua. Ở chế độ không tải, cuộn dây sẽ ở vị trí cân bằng giữa 2 nam châm, đây là trạng thái “balanced” (như trong tên gọi Balanced Armature).

Driver BA có thể được tune theo một dải tần mong muốn và sau đó kết hợp với nhiều driver BA khác tạo thành một hệ thống driver hoàn chỉnh cho tai nghe, hoặc kết hợp cùng driver dynamic thành thiết kế driver hybrid. Với thiết kế driver hybrid tiêu chuẩn thường thì driver dynamic sẽ đảm nhận dải bass và driver BA xử lý các dải còn lại. Cấu tạo driver BA cũng không sử dụng lỗ thoát khí như ở driver dynamic, từ đó cung cấp mức kín âm và cho âm thanh tổng thể có độ chi tiết cao hơn.

Electrostatic Driver

Electrostatic Driver

Driver electrostatic hoạt động khác rất nhiều so với dynamic hay planar magnetic, sử dụng thiết kế phân cực (- / +) để đẩy màng diaphragm thông qua các phân tử khí. Thiết kế driver này khá phức tạp và rất khó kéo, đòi hỏi các thiết bị amplifier chuyên nghiệp và đắt tiền. Không cần phải nói bạn đọc cũng biết driver electrostatic sẽ có chi phí gia công rất cao và chỉ có mặt trong các dòng tai nghe cao cấp.

Magnetostriction (Bone-Conduction) driver

Tai nghe bone-conduction không cần phải trực tiếp đeo vào ống tai mà vẫn có thể truyền âm qua xương hàm đến phần tai trong của đầu người. Nghe thì có vẻ giả tưởng quá nhưng các dòng tai nghe bone-conduction hiện đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều ở phân khúc tầm trung – cao, chủ yếu nhắm vào người dùng chơi thể thao. Một số sản phẩm tai nghe bone-conduction của Nhật Bản còn có thêm tính năng chống nước dành riêng cho các vận động viên bơi lội.

Nói chung chất âm của tai nghe bone-conduction không thực sự quá ấn tượng và phần nhiều giống như đang đeo một chiếc loa nhỏ trên mặt mà thôi. Tuy vậy nó lại rất thuận tiện sử dụng ở những trường hợp cần thiết khi người dùng không thể đeo một chiếc tai nghe thông thường. Công nghệ bone-conduction hiện cũng đang được nghiên cứu trong y học dành cho người bị giảm hoặc mất thính lực.

Bạn nên mua loại nào?

Cái này còn tùy thuộc vào sở thích cá nhân, gu nghe nhạc, và cả ngân sách của bạn nữa. Nếu bạn là một người yêu tiệc tùng và muốn một thứ gì đó mang lại chất âm sôi động, bùng nổ, hãy tìm đến những tai nghe sử dụng driver dynamic. Nhưng nếu bạn dự định chỉ sử dụng tai nghe để chơi game, rất có thể bạn sẽ không quan tâm nhiều đến bass hoặc mid-lows. Bạn nên cho mình những tai nghe sử dụng driver armature balanced.

Còn nếu bạn là người đam mê âm thanh, một audiophile chịu chi thì chắc chắn bạn sẽ thừa khả năng để chọn cho mình một chiếc tai nghe phù hợp. Nhưng nếu chỉ đơn giản bạn là người có điều kiện, tiền nong không thành vấn để và bạn muốn trải nghiệm âm thanh đỉnh cao, lời khuyên ở đây chính là những mẫu sử dụng driver planar magnetic và electrostatic.

Hy vọng bạn đọc sẽ có thêm một số kiến thức bổ ích để tham khảo trước khi sắm cho mình một chiếc tai nghe phù hợp.

Xem thêm:

Thứ Ba, 28/08/2018 11:40
4,86 👨 12.952
0 Bình luận
Sắp xếp theo