Cuộc “di cư” ồn ào của Windows 11 và cơ hội của Linux

Rõ ràng sự xuất hiện đầy bất ngờ của Windows 11 chính là chủ đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất trong cộng đồng người dùng công nghệ toàn cầu hơn một tuần qua. Bên cạnh những lời bàn tán, nhận định, phân tích về các thay đổi mà hệ điều hành mang lại, một chủ đề khác cũng góp phần gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa là những điều kiện mà hệ thống cần phải đáp ứng để có thể nâng cấp lên Windows 11.

Các yêu cầu hệ thống để đáp ứng Windows 11 thoạt nhìn không có gì là “quá quắt”. Microsoft chỉ yêu cầu máy tính của người dùng phải sở hữu “bộ xử lý 64-bit” ít nhất là lõi kép và có tốc độ 1GHz trở lên. Đi kèm với đó là RAM 4GB (hoặc hơn) và độ phân giải màn hình tối thiểu là 1366 × 768. Đây đều là những thông số mà một chiếc laptop tầm trung hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó, Windows 11 còn yêu cầu hệ thống phải được kích hoạt UEFI, Secure Boot, và TPM 2.0. Tổ hợp yêu cầu “khó nhằn” này đã góp phần tước đi cơ hội tiếp cận Windows 11 của hàng loạt mẫu máy tính được sản xuất cách đây hơn 5 hoặc 6 năm, thậm chí bao gồm cả một số mẫu laptop Surface.

Windows 11

Đây chính là lúc Linux được hưởng lợi, đặc biệt là đối với những bản phân phối nổi tiếng như Ubuntu, Linux Mint…

Trong một bài viết trước đây, Quản Trị Mạng đã trích dẫn những số liệu thống kê cho thấy Linux đang là nền tảng hệ điều hành có được sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong năm 2020. Với thị phần tăng gần gấp đôi chỉ sau 6 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, các thống kê cũng chỉ ra rằng có một lượng đáng kể người dùng Windows đã “đào tẩu” sang Linux. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những sự thất vọng trong trải nghiệm người dùng, và việc không thể update lên phiên bản Windows mới cũng là một lý do quan trọng.

Hãy tưởng tượng, hàng trăm nghìn người cố gắng nâng cấp lên Windows 11 vào mùa thu này sẽ “được” thông báo rằng “your computer is too old to run the latest software”. Đa số sẽ chọn cách an phận ở lại với Windows 10, nhưng cũng có không ít “bộ não nổi loạn” sẽ tìm đến một trải nghiệm gì đó mới mẻ, hay ho hơn, chẳng hạn như Linux.

Nhìn chung, các phiên bản Windows càng mới càng yêu cầu phần cứng mạnh mẽ hơn. Vấn đề đặt ra là nâng cấp phần cứng, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng làm như vậy. Hệ quả là sẽ có không ít người dùng bị mắc kẹt giữa các phiên bản Windows cũ - mới, và một vài trong số họ có thể cân nhắc chuyển sang dùng các distro Linux phổ biến, dễ làm quen, với cộng đồng người dùng đông đảo trên toàn thế giới.

Đối với Linux, cấu hình phần cứng lỗi thời không phải lúc nào cũng vô dụng hay cho trải nghiệm tệ hại. Nhờ các bản phân phối Linux như Ubuntu, bạn hoàn toàn có thể chạy phiên bản phần mềm mới nhất, với trải nghiệm mượt mà, đầy đủ trên một chiếc laptop ra mắt từ năm 2014, 2015. Ngoài ra, bạn còn nhận được các bản cập nhật bảo mật, sửa lỗi đều đặn, lâu dài.

Ưu điểm này có thể trở thành một lời chào hàng đầy thuyết phục đối với những người muốn có một trải nghiệm mượt mà, an toàn mà không muốn gặp rắc rối với hàng tá yêu cầu nâng cấp phần cứng bắt buộc.

Ngoài ra, một số người đã chuyển sang Linux nói rằng họ đã cảm thấy thế giới Windows quá nhàm chán, muốn chuyển sang một nền tảng nguồn mở để tìm kiếm trải nghiệm mới, cũng như tính minh bạch trong hoạt động xử lý dữ liệu nền tảng và bảo mật. Đây cũng là một lợi thế để Linux thu hút thêm người dùng mới.

Hiện tại, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng Linux sẽ hưởng lợi ra sao trong cuộc “đại di cư” sắp tới của cộng đồng Windows. Tuy nhiên, hệ điều hành nguồn mở này đang nắm trong tay nhiều lợi thế để thu về một lượng lớn người dùng mới. Hãy cùng chờ xem!

Thứ Ba, 29/06/2021 13:44
4,25 👨 4.207
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ