Trong khi nhiều người tin rằng Windows đã, đang và sẽ tiếp tục là lựa chọn số một khi nói tới hệ điều hành cho PC, thì số liệu thống kê thị phần thời gian gần đây lại cho thấy nền tảng mang tính biểu tượng của Microsoft tuy vẫn duy trì vị thế độc tôn, nhưng đang dần mất chỗ đứng trong thế giới PC. Trong khi Linux - một cái tên thậm chí xa lạ với nhiều người dùng máy tính, lại đang có được sự tăng trưởng mạnh mẽ và vững chắc. Thậm chí theo dự đoán từ một số chuyên gia phân tích thị trường, 2020 đang dần trở thành “năm của Linux”.
Trên thực tế, Linux từ lâu đã được mô tả là đối thủ cạnh tranh xứng tầm của Windows, chỉ có điều việc áp dụng cũng như phổ cập nền tảng nguồn mở này đã bị đình trệ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều đó khiến Microsoft luôn ung dung mà tin tưởng rằng sự thống trị của mình trong thị trường hệ điều hành máy tính để bàn sẽ tồn tại lâu dài mà không thể bị xô đổ.
Tuy nhiên hiện tại mọi thứ đang dần thay đổi, khi Linux tiếp tục phát triển mạnh mẽ và dường như không có gì ngăn cản được hệ điều hành này tiếp tục tiếp cận với các nhóm người dùng tiềm năng thông qua những bản phân phối ngày càng dễ sử dụng, hoàn thiện hơn về mặt giao diện và đặc biệt là sự mở rộng của hệ sinh thái ứng dụng đi kèm.
Việc Windows 7 chính thức bị khai tử vào tháng 1 năm nay không chỉ là sự kiện quan trọng trong nội bộ gia đình Windows, mà còn là một bước ngoặt lớn đối với Linux. Các thống kê cho thấy không ít người dùng bị mắc kẹt giữa Windows 7 đã ngừng hỗ trợ và Windows 10 nặng nề, chứa đầy lỗi hệ thống, đã quyết định bước vào thế giới Linux thông qua Ubuntu, Linux Mint, hoặc một số bản phân phối khác, và rất nhiều người trong số họ tỏ ra thực sự hài lòng với môi trường mới này.
Thực tế này có tác động trực tiếp đến thị phần của cả Windows lẫn Linux, nhưng ở 2 chiều hướng khác nhau. Và số liệu thống kê thì không biết nói dối.
Dữ liệu phân tích bởi NetMarketShare cho thấy Linux Bước vào năm 2020 với thị phần chỉ vỏn vẹn 1,47% tính đến hết tháng 1, trong khi Windows nắm trong tay không dưới 88,14% thị phần hệ điều hành PC toàn cầu vào thời điểm đó. Tuy nhiên sang đến tháng 4, thị phần Linux bất ngờ tăng vọt lên 2,87%, trong khi số máy tính Windows giảm xuống còn 86,92%.
Giữ vững đà tăng trưởng đó, Linux đạt 3,17% thị phần tính đến hết tháng 5, trong khi thị phần Windows tiếp tục giảm nhẹ xuống mức 86,69%. Sang đến tháng 6, thị phần Linux tăng tiếp lên 3,61%, trong khi Windows giậm chân tại chỗ ở mức 86,69%. Như vậy chỉ sau 6 tháng đầu năm nay, thị phần Linux đã tăng hơn gấp đôi, từ 1,47% lên 3,61% - một con số ấn tượng.
Rõ ràng khoảng cách giữa hai hệ điều hành Linux và Windows đã được thu hẹp hơn dù chỉ là một phần nhỏ. Nếu xu hướng này tiếp được duy trì trong nhiều tháng tới, việc Linux sớm qua mặt macOS trở thành nền tảng PC phổ biến thứ hai thế giới không phải viễn cảnh xa xôi. Tất nhiên vẫn còn một chặng đường rất dài và đầy trông gai mà Linux phải vượt qua trước khi nghĩ đến chuyện có thể đe dọa “uy quyền” của Windows trong thế giới PC.
Ngược lại, Microsoft cũng không có lý do gì để phải lo lắng ở thời điểm hiện tại. Họ vẫn đang là người “làm chủ cuộc chơi” và chỉ cần giải quyết một số vấn đề tồn đọng mang tính hệ thống, chẳng hạn như lỗi tương thích trên các bản cập nhật mới, Windows vẫn sẽ là “hệ điều hành của mọi nhà”.