Một nhân cựu viên lâu năm của Microsoft vừa đưa ra những bằng chứng nhằm buộc tội gã khổng lồ phần mềm có những hành vi đưa hối lộ và tham nhũng. Lời buộc tội này tới từ cựu nhân viên có tên Yasser Elabd, một người gắn bó với Microsoft từ năm 1998 đến 2018.
Elabd phụ trách việc bán bản quyền, giải pháp và hợp đồng cho các khách hàng của Microsoft tại khu vực Trung Đông và Châu Phi. Để hoàn tất các giao dịch, Microsoft cũng làm việc với các đối tác có các mối quan hệ tốt hơn trong khu vực này.
Elabd kể lại vào năm 2016, anh đã phát hiện một yêu cầu thanh toán 40.000 USD rất đáng ngờ cho một khách hàng ở Châu Phi để chốt một giao dịch. Tuy nhiên, khách hàng này không có trong danh sách khách hàng tiềm năng nội bộ của công ty và đối tác quản lý thương vụ thậm chí không còn làm việc cho Microsoft nữa.
Đương nhiên là Elabd đã báo cáo lại vấn đề cho kiến trúc sư dịch vụ của Microsoft, người đã gửi yêu cầu này đi. Người này đã né tránh các câu hỏi của Elabd bằng cách trả lời vòng vo không đi vào trọng tâm. Sau đó, Elabd đã báo cáo sự việc với quản lý của anh, bộ phận nhân sự và cả nhóm pháp lý của Microsoft. Cuối cùng, giao dịch đã bị từ chối nhưng không có cuộc điều tra nào được tiến hành.
Sau khi giao dịch đó thất bại, quản lý của bộ phận kiến trúc sư dịch vụ đã không hài lòng với Elabd vì ngó lơ anh ta trong quy trình xử lý vấn đề. Người quản lý giấu tên này sau đó lại trở thành quản lý trực tiếp của Elabd và theo Elabd kể, đây là cách mà cuộc họp chính thức giữa họ diễn ra:
"Anh ta ngay lập tức lên lịch cho một cuộc họp một đối một, tại đó anh ta nói với tôi rằng nhiệm vụ của chúng tôi là mang lại nhiều doanh thu nhất có thể cho Microsoft. Anh ta nói thêm rằng: "Tôi không muốn cậu trở thành kẻ cản đường. Nếu bất kỳ công ty con nào ở Trung Đông hoặc Châu Phi đang làm gì đó cậu phải quay mặt đi và để việc đó diễn ra. Nếu có bất cứ điều gì xảy ra họ phải trả giá chứ không phải là cậu". Khi tôi nói rằng tôi sẽ không chặn bất cứ thứ gì trừ khi nó vi phạm chính sách của công ty thì giọng điệu của anh ta thay đổi đột ngột. Anh ta hét vào mặt tôi rằng tôi không có khả năng làm kinh doanh trong lĩnh vực này và không thể chốt các giao dịch. Nhưng thành tích 18 năm của tôi là không thể phủ nhận".
Tiếp theo, Elabd đã có một cuộc họp với quản lý của quản lý (một vị phó chủ tịch) nhưng bà ấy đã không có bất cứ hành động nào. Vì thế, Elabd quyết định chuyển mối quan ngại của mình lên Nhân sự và CEO Satya Nadella. Khi đó, bà phó chủ tịch ngay lập tức liên hệ với Elabd và nói rằng với những hành động mới nhất thì về cơ bản anh đã "đặt một tấm vé một chiều rời khỏi Microsoft".
Sau cuộc trao đổi này, Elabd đã bị loại khỏi các giao dịch quan trọng và các chuyến đi cũng như các yêu cầu di chuyển của ông tới Châu Phi và Trung Đông đều bị chặn. Một tổng giám đốc còn nói với Elabd rằng anh ta đã trở thành một trong những người bị ghét nhất ở Châu Phi.
Microsoft thậm chí còn đưa Elabd vào chương trình cải thiện hiệu suất. Elabd cho rằng điều này thật nực cười boiwr anh ấy thường xuyên nằm trong số những người có thành tích cao nhất. Vì thế, Elabd từ chối tham gia và bị Microsoft sa thải vào năm 2018.
Mọi chuyện chưa kết thúc tại đó. Một đồng nghiệp người Ả rập Xê út mến mộ Elabd đã liên tục gửi cho anh các email và tài liệu cho thấy bằng chứng về việc Microsoft tham gia vào các vụ hối lộ.
Elabd chia sẻ rằng trong mỗi thương vụ đối tác sẽ thay mặt khách hàng gửi email yêu cầu Microsoft giảm giá. Phía Microsoft sẽ chấp nhận nhưng thực chất khách hàng vẫn phải trả toàn bộ phí. Số tiền chiết khấu sẽ được phân bổ cho các bên gồm nhân viên của Microsoft tham gia vào thương vụ, đối tác và người ra quyết định mua hàng (thường là quan chức) theo tỷ lệ phần trăm.
Elabd đã ghi nhận một số vụ hối lộ ở Trung Đông và Châu Phi gần như diễn ra công khai và có lẽ được sự cho phép của Microsoft. Giá trị của chúng, theo Elabd, rơi vào khoảng 200 triệu USD mỗi năm.
Điều thú vị là Elabd cũng đã gửi những bằng chứng mà mình thu thập được cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và Bộ Tư pháp (DoJ). Những bằng chứng này được thừa nhận nhưng cả hai cơ quan đều từ chối điều tra Microsoft bởi lý do là tình hình đại dịch phức tạp ngăn cản việc thu thập thêm bằng chứng từ nước ngoài. Cuối cùng, Elabd đã quyết định công khai luôn những gì anh đang có trong tay.
Trong một tuyên bố gửi tới The Verge, Becky Lenaburg, phó chủ tịch kiêm phó tổng cố vấn về các vấn đề tuân thủ và đạo đức của Microsoft đã chia sẻ về vụ việc này như sau:
"Chúng tôi cam kết kinh doanh một cách có trách nhiệm và luôn khuyến khích mọi người báo cáo những gì họ nghi ngờ rằng vi phạm pháp luật, vi phạm chính sách của chúng tôi hoặc các tiêu chuẩn đạo đức của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng trước đây chúng tôi đã điều tra những cáo buộc này, điều mà đã có từ nhiều năm trước và đã giải quyết chúng. Chúng tôi đã hợp tác với các cơ quan chính phủ để giải quyết bất kỳ lo ngại nào".
Hiện vẫn chưa rõ SEC và DoJ có tiến hành điều tra lại vụ việc này hay không bởi nó đang thu hút được sự quan tâm của công chúng sau khi được đăng tải công khai.