Có thể nói Microsoft Teams là một sự thay thế hoàn hảo cho Skype for Business và trên thực tế, cả 2 hệ thống này đều đã được bổ sung khả năng tương thích với nhau trong một thời gian. Năm ngoái, Microsoft đã thông báo rằng người dùng Teams sẽ có thể thực hiện các cuộc gọi thoại và thậm chí video call với những người sử dụng Skype và ngược lại. Tính năng này về cơ bản đã được liệt kê trong lộ trình phát triển của Office 365 kể từ tháng 7 năm ngoái, nhưng phải đến bây giờ nó mới chính thức được tung ra cho người dùng toàn cầu.
Với khả năng tương thích 1-1 giữa Teams và Skype, hiện tại người dùng 2 nền tảng này có thể:
“Người dùng Teams có thể tìm kiếm và bắt đầu cuộc trò chuyện văn bản (chat) hoặc cuộc gọi thoại/video trực tiếp với người dùng Skype. Tương tự, người dùng Skype cũng có thể tìm kiếm và bắt đầu cuộc trò chuyện văn bản hoặc một cuộc gọi âm thanh/video với người dùng Teams”.
- Microsoft
Tính năng tương tác này hiện đã khả dụng trên tất cả các phiên bản desktop, web và di động của cả 2 ứng dụng Teams và Skype, hỗ trợ khả năng làm việc từ xa đa nền tảng linh hoạt hơn rất nhiều.
Tuy nhiên do mới được triển khai, tính năng tương tác giữa Teams và Skype vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bao gồm:
- Tính năng chat giữa 2 nền tảng sẽ chỉ hỗ trợ văn bản thuần túy, nghĩa là người dùng sẽ không thể thoải mái lựa chọn các định dạng văn bản khác nhau, không thể đề cập đến người khác bằng cú pháp “@...”, không hỗ trợ biểu tượng cảm xúc hoặc bất kỳ tính năng trò chuyện nào khác có sẵn trong trải nghiệm chat vốn được hỗ trợ trên Teams.
- Sẽ chỉ hỗ trợ chat 1-1, không hỗ trợ group chat.
- Khả năng tìm kiếm người dùng Skype bằng cách sử dụng Skype ID hoặc số điện thoại không được hỗ trợ.
Tuy nhiên những hạn chế trên hoàn toàn có thể được khắc phục trong những bản cập nhất tương lai.
Trong một tin tức liên quan, Microsoft mới đây đã đưa ra thông báo cho biết sẽ tiếp tục đầu tư phát triển song song cho cả Teams và Skype thay vì tích hợp chung vào cùng một nền tảng:
“Về bản chất, Teams và Skype đều mang trong mình hương vị riêng, không hoàn toàn trùng lặp trong cùng một nhu cầu giống như Messenger và WhatsApp của Facebook, do đó chúng không nên tự “triệt tiêu” lẫn nhau. Cả Teams và Skype đều nên có những hướng đi riêng, nhằm tới mục đích cùng nhau phát triển”.