Trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 lan rộng như thời điểm hiện tại, Skype được giới chuyên gia đánh giá là một trong những khoản đầu tư lãng phí nhất của Microsoft. Gia nhập mái nhà chung Microsoft vào tháng 10 năm 2011 với giá 8,5 tỷ USD, nền tảng giao tiếp trực tuyến này đã gần như không thể theo kịp các đối thủ cạnh tranh và buộc phải chịu nhiều thay đổi không mong muốn theo vòng xoáy của thị trường mà không thể tự làm chủ.
Đã có nhiều giải pháp được Microsoft đưa ra để xoay chuyển tình thế, trong đó nổi bật nhất là tích hợp Skype như một chức năng dành cho doanh nghiệp trong Microsoft Teams. Chiến thuật này đã nhanh chóng mang lại thành công bởi dịch COVID-19 giúp Teams đạt tăng trưởng mạnh, Skype vì thế cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng nhanh chóng trong số lượng người dùng Teams.
Tín hiệu hiệu tích cực này dường như khiến giới điều hành tại Redmond tỏ ra kiên nhẫn hơn về tương lai của Skype, thậm chí không loại trừ khả năng nền tảng này sẽ tiếp tục nhận được những khoản đầu tư lớn trong tương lai.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào Skype. Nền tảng này đang hồi sinh. Bạn sẽ thấy sự xuất hiện của các tính năng mới, cũng như sự tương tác qua lại giữa Skype và Teams. Khi nói đến năng suất và khả năng hỗ trợ công việc ở cấp độ doanh nghiệp, tôi nghĩ nhiều người sẽ chọn Teams. Tuy nhiên Skype cũng sở hữu những lợi thế của riêng mình, và những lợi thế nãy sẽ tiếp tục được phát huy triệt để hơn trong thời gian tới”, Jeff Teper, phó chủ tịch phụ trách Microsoft 365, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VentureBeat.
Theo tiết lộ từ Microsoft, sự hồi sinh của Skype trong thời gian gần đây được quyết định khá nhiều bởi cuộc khủng hoảng COVID-19. Nền tảng này hiện sở hữu hơn 40 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, tăng 70% so với tháng trước, đồng thời số phút gọi thoại Skype to Skype cũng tăng 220%. Những con số này không phải lớn so với các đối thủ cạnh tranh, nhưng là “tia sáng cuối đường hầm” đối với tương lai của Skype.
Microsoft khẳng định mảng dịch vụ nhắn tin trực tuyến của họ cần sự hiện diện của nhiều hơn 1 nền tảng, do đó Skype vẫn sẽ tiếp tục được đầu tư và bổ sung thêm tính năng mới:
“Lấy ví dụ với Facebook, họ đang sở hữu nhiều nền tảng với chức năng có phần giống nhau, nhưng tất cả đều có thể cùng tăng trưởng tốt nếu cố một chiến lược phát triển và đầu tư đúng đắn. Đó cũng là cách Microsoft nhìn vào hoàn cảnh của mình, ít nhất là trong thời gian tới.
Về bản chất, Teams và Skype đều mang trong mình hương vị riêng, không hoàn toàn trùng lặp trong cùng một nhu cầu giống như Messenger và WhatsApp của Facebook, do đó chúng không nên tự “triệt tiêu” lẫn nhau. Cả Teams và Skype đều nên có những hướng đi riêng, nhằm tới mục đích cùng nhau phát triển”.
Bạn nghĩ rằng Skype nền tiếp tục được phát triển như 1 nền tảng độc lập hay trở thành 1 phần của Teams? Hãy để lại ý kiến bình luận nhé!