Bên cạnh những cải tiến về sức mạnh xử lý hay chất lượng camera, một khía cạnh quan trong khác cũng đang được các nhà sản xuất smartphone quan tâm nâng cấp nằm ở dung lượng bộ nhớ trong. Lấy ví dụ đơn giản, chất lượng camera được cải thiện sẽ kích thích người dùng chụp ảnh, quay video nhiều hơn. Đồng thời, dung lượng của mỗi bức ảnh, video ở độ phân giải cao cũng sẽ “ngốn” một lượng lớn bộ nhớ. Đó là chưa kể đến việc các bản cập nhật phần mềm ngày nay cũng tiêu tốn khá nhiều không gian lưu trữ trên thiết bị.
Đây là lý do tại sao một nhà sản xuất “chậm thay đổi” như Apple cũng đã phải cho ra mắt phiên bản iPhone 13 sở hữu dung lượng bộ nhớ trong lên tới 1TB nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu từ người dùng. Tuy nhiên theo các tin đồn gần đây, Apple thậm chí có thể sẽ ra mắt phiên bản bộ nhớ 2TB cho dòng iPhone 14, biến đây trở thành mẫu smartphone sở hữu không gian lưu trữ mặc định lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, các nguồn tin chưa chỉ ra biến thể 2TB này sẽ có mặt trên mẫu iPhone 14 nào. Nhưng nếu có, khả năng cao đó sẽ là một mẫu iPhone 14 Pro Max 2TB cao cấp nhất, hoặc thậm chí iPhone 14 Pro. Nhận định này là có cơ sở, bởi iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max đều được cho là sẽ xuất xưởng với các tính năng camera mới, trong đó có cả những tính năng dành riêng cho các nhà sáng tạo nội dung và chuyên gia. Khi đó, việc sử dụng iPhone như một thiết bị chụp ảnh, quay video “chuyên dụng” sẽ tiêu tốn rất nhiều dung lượng lưu trữ.
Ngoài ra, với việc bổ sung chế độ ProRes để ghi lại cảnh quay ở chất lượng cao hơn, cùng với tùy chọn quay video 4K 60FPS hiện có, mức dung lượng cần để lưu trữ video trên iPhone sẽ là rất lớn. Bên cạnh đó, iPhone 14 được dự báo sẽ ra mắt với camera chính 48MP và hỗ trợ quay video 8K. Với những sự nâng cấp như vậy, mức dung lượng bộ nhớ 2TB tuy nhiều nhưng chắc chắn sẽ cần thiết với một số nhóm đối tượng người dùng nhất định.
Tin đồn này cũng giải thích tại sao Apple được cho là đang làm việc với các nhà cung cấp để nâng cao khả năng bảo mật bộ nhớ flash QLC NAND cho iPhone 14. QLC NAND có nhiều bit hơn trên mỗi ô, cho phép các nhà sản xuất như Apple “đóng gói” gấp đôi dung lượng ở cùng một không gian, trong khi giá thành của loại bộ nhớ flash này cũng là quá cao. Tuy nhiên, một hạn chế là QLC NAND thường có độ bền ghi thấp hơn. Nghĩa là lượng dữ liệu có thể được ghi vào các chip nhớ này thấp hơn so với TLC hoặc MLC NAND, do đó giá thành của chúng cũng rẻ hơn.