Vâng, bạn không đọc nhầm đâu!
Các nhà hành pháp Nga đã đưa ra mức phạt 3.000 rúp (tương đương khoảng 47 đô la) cho Facebook với cáo buộc không tuân thủ đạo luật cục bộ hóa dữ liệu (Data Localization Law) vốn đang gây tranh cãi của quốc gia này.
Một mức phạt nghe thật kỳ quặc và khó tin, nhưng nó thực sự đã được đưa ra.
Vụ việc bắt nguồn vào tháng 12 năm ngoái khi cơ quan giám sát Internet Nga Roskomnadzor đã gửi thông báo tới Twitter và Facebook yêu cầu 2 công ty này cung cấp thông tin về vị trí của các máy chủ lưu trữ dữ liệu cá nhân của công dân Nga.
Roskomnadzor về cơ bản là một cơ quan Liên bang chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin cũng như truyền thông đại chúng. Trên thực tế, Roskomnadzor đang điều hành một danh sách đen lớn bao gồm những trang web bị cấm ở Liên bang Nga.
Twitter và Facebook có một tháng để phản hồi lời đề nghị của Roskomnadzor, và câu trả lời cuối cùng của 2 công ty truyền thông xã hội này là không! Đương nhiên là phía Roskomnadzor không thể hài lòng trước câu trả lời này, kết quả là tòa án quận Tagansky của Moscow đã ra quyết định xử phạt Twitter 3.000 rúp vào tuần trước, “bản án” tương tự cũng được đưa ra cho Facebook vào sớm ngày hôm qua.
Sở dĩ số tiền phạt “khổng lồ” đến như vậy được đưa ra là bởi đây cũng là mức phạt hành chính tối thiểu mà tòa án Nga có thể áp dụng đối với các công ty vi phạm vào Điều 19.7 của Bộ luật hành chính Liên bang Nga, tức là từ chối cung cấp thông tin mà cơ quan chính phủ yêu cầu, trong khi mức phạt tối đa được quy định trong điều luật này cũng không vượt quá 5.000 rúp.
Vào tháng 7 năm 2014, Quốc hội Nga đã phê duyệt quyết định sửa đổi Luật Dữ liệu Cá nhân được cho là đã lỗi thời và không theo kịp tình hình phát triển của thế giới internet. Các quy định sau sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 năm 2015, theo đó những công ty công nghệ nước ngoài hoạt động tại Liên bang Nga được yêu cầu phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu cá nhân của công dân Nga trong lãnh thổ quốc gia này.
Mặc dù mức tiền phạt đối với Facebook và Twitter dường như chỉ để tượng trưng và không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào đến tình hình tài chính của 2 công ty này. Tuy nhiên việc từ chối tuân thủ đạo luật cục bộ hóa dữ liệu của quốc gia này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều đối với Facebook hay Twitter nói riêng và các công ty truyền thông xã hội nước ngoài đang hoạt động tại Liên bang Nga nói chung. Giới chứng nước này hoàn toàn có thể đưa ra lệnh cấm như họ đã làm với trường hợp của trang mạng xã hội doanh nghiệp LinkedIn vào cuối năm 2016.
Nga không phải là quốc gia đầu tiên ban hành và thực thi những đạo luật tương tự đối với các công ty công nghệ nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Vào tháng 5 năm 2016, Iran cũng đã áp đặt những quy định mới đối với tất cả các ứng dụng nhắn tin và truyền thông xã hội nước ngoài, yêu cầu các công ty này hoàn tất việc di chuyển “dữ liệu và hoạt động” liên quan đến công dân Iran lên các máy chủ được đặt trong lãnh thổ quốc gia này trong vòng một năm.
Một quốc gia đang tích cực siết chặt quản lý dữ liệu trên internet là Trung Quốc cũng đã thông qua các sửa đổi về luật cục bộ hóa dữ liệu vào cuối năm 2016, buộc "các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng" phải lưu trữ dữ liệu của công dân Trung Quốc trong biên giới quốc gia này.