“Twitter, Facebook và Instagram là những dịch bệnh nguy hiểm đang lây lan trên toàn thế giới”

Đó chính là nhận xét của Linus Torvald, nhà sáng lập của nền tảng hệ điều hành nổi tiếng Linux, một trong những lập trình viên có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới công nghệ đương đại.

Theo đó, trong một cuộc phỏng vấn với trang tin nổi tiếng Business Insider, khi được hỏi muốn thay đổi điều gì nhất trong thế giới công nghệ nếu có thể, Linus Torvald đã không ngần ngại mà trả lời ngay rằng đó là "mạng xã hội. Tôi thực sự không đồng ý với cái cách mà nhiều trang mạng xã hội nổi tiếng như Twitter, Facebook, hay Instagram đang thay đổi thế giới hiện đại của chúng ta. Những nền tảng truyền thông xã hội này có thể được coi là căn bệnh đang có tốc độ lây lan chóng mặt trên quy mô toàn cầu”, lập trình viên kỳ cựu chia sẻ.

Linus Torvald

Vài nét về Linus Torvald

Có thể coi đây là một lời chỉ trích gay gắt, nhưng cũng không kém phần thú vị và thực sự mang nhiều ý nghĩa ở tầm vĩ mô, từ một người đàn ông thường bị coi là quá khắt khe với các đồng nghiệp, khiến chúng ta phải thực sự suy ngẫm. Linus Torvalds được biết đến như một lập trình viên kỳ cựu, thông minh, vui tính và sở hữu tư duy chiến lược. Ông được đánh giá là người luôn nhìn mọi sự việc dưới con mắt công tâm, nhưng lại không bao giờ khoan dung với những suy nghĩ “ngu ngốc, tầm thường”.

Linus Torvalds là một người đặc biệt nghiêm túc trong công việc. Ông sẵn sàng “từ chối cộng tác” với những người có năng lực làm việc không đạt tiêu chuẩn mà mình đề ra, cho dù đó là người mà ông quen biết. Tính cách này giúp Linus Torvalds luôn đạt được hiệu suất cao trong bất cứ công việc nào mà mình đảm nhận, nhưng đôi khi cũng đem lại cho ông những rắc rối không đáng có với đồng nghiệp cũng như đối tác. Nhiều năm trước, một nhà phát triển có tiếng thuộc đội ngũ sản xuất chip Intel công khai chỉ trích quan điểm làm việc có phần “tiêu cực” Linus Torvalds. Nhà phát triển này cho rằng phong cách làm việc của ông không những “thiếu chuyên nghiệp” mà còn góp phần “xua đuổi những người mới hay các tài năng trẻ” muốn đóng góp cho sự phát triển của Linux. Và tất nhiên với tính cách mạnh mẽ của Torvalds, ông đã ngay lập tức có lời đáp trả: “Mỗi người đều có những phong cách làm việc khác nhau. Cứ cho rằng tôi bất lịch sự và dễ nổi nóng, nhưng những điều đó cuối cùng cũng chỉ để đảm bảo hiệu quả công việc và hoàn toàn không có ác ý hay hiềm khích cá nhân”.

Linus Torvald được đánh giá là người luôn nhìn mọi sự việc dưới con mắt công tâm, nhưng lại không bao giờ khoan dung với những suy nghĩ “ngu ngốc, tầm thường”.

Lời đáp trả của Linus Torvalds nhận được sự ủng hộ của nhiều người và kể từ đó, thế giới nguồn mở đã bắt đầu phải đối mặt với bao nhiêu hành vi ứng xử có phần tiêu cực xảy ở nhiều cộng đồng khác nhau ở khắp mọi nơi, và cuối cùng các quy tắc ứng xử chung cũng đã được áp dụng. Vào năm 2018, cộng đồng Linux đã chính thức thông qua một bộ quy tắc ứng xử chung giữa các lập trình viên. Và cùng với đó, Torvalds cuối cùng đã thừa nhận rằng nhiều hành vi của mình có phần hơi thái quá và cần phải được thay đổi. Linus Torvalds sau đó đã dành thời gian nghỉ ngơi và tham gia vào một lớp học tâm lý liên quan đến việc “nắm bắt cảm xúc của mọi người từ đó đưa ra phản ứng phù hợp”.

Quan điểm của Linus Torvalds về mạng xã hội

Torvalds đã không ít lần đưa ra chỉ trích và cho rằng mạng xã hội là nơi khuyến khích những hành vi kích bác, mỉa mai, và thầm chí là lăng mạ trên internet. Là một trong những lập trình viên nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực của mình, Linus Torvalds tất nhiên cũng được không ít người yêu quý và kẻ ganh ghét. Công bằng mà nói thì ông cũng đã từng trở thành mục tiêu của không ít “gạch đá” từ các nền tảng mạng xã hội đối với những quan điểm trước đây của mình. Vào năm 2015, Torvalds đã làm một video khá hài hước, vui nhộn, trong đó ông đã đọc to những dòng tweet “khó chịu” mà “cư dân mạng” dành cho mình.

Mạng xã hội

Theo Torvalds, bên cạnh những lợi ích thiết thực vốn đã quá rõ ràng mà mạng xã hội mang lại, những nền tảng truyền thông trực tuyến dạng này cũng kéo theo không ít hệ lụy và nổi bật trong số đó là về sự tương tác giữa người với người.

“Trên mạng xã hội, con người ta có thể đưa ra những bình luận hài hước và châm biếm, hoặc cũng có thể là phán xét và lăng mạ một cách dễ dàng mà không phải bận tâm đến cảm xúc cũng như phản ứng của người nhận. Đây là điều thực sự không thể dễ dàng xảy ra khi tương tác trực diện”, Linus Torvalds chia sẻ.

Bên cạnh đó, lập trình viên kỳ cựu này cho biết các vấn đề tương tự cũng có thể xảy ra với email, nhưng ông tin rằng email là công cụ cần thiết và có tích trung thực cao hơn - điều không phải lúc nào cũng tồn tại trên những nền tảng truyền thông xã hội.

Torvalds đã không ít lần đưa ra chỉ trích và cho rằng mạng xã hội là nơi khuyến khích những hành vi kích bác, mỉa mai, và thầm chính là lăng mạ trên internet.

“Toàn bộ những tính năng như “Like” hay “Share” chỉ là rác rưởi. Sở dĩ nói như vậy là bởi tôi hoàn toàn không thấy nỗ lực kiểm soát chất lượng thực sự hiệu quả nào từ các nhà cung cấp dịch vụ đối với những tính năng này. Trên thực tế, tất cả đều hướng đến sự đảo ngược trong khâu kiểm soát chất lượng, với các mục tiêu có mẫu số chung thấp nhất, click-bait, và mọi thứ được thiết kế để tạo ra những phản ứng cảm xúc, thường là sự phẫn nộ về mặt đạo đức. Và trên tất cả, con người ta đang núp bóng dưới những tài khoản ảo để tạo ra tất cả những thứ trên”, Torvalds cho biết.

"Một số người có vẻ như đang nhầm lẫn giữa quyền riêng tư và ẩn danh, cũng như nghĩ rằng 2 thứ này tồn tại song hành với nhau, và rằng để bảo vệ quyền riêng tư có nghĩa là bạn cần phải được ẩn danh. Theo tôi, suy nghĩ trên là hoàn toàn sai lầm. Sự ẩn danh khiến cho nhiều người thoải mái coi mạng xã hội là “bãi rác” của riêng mình và mặc sức “phóng uế” rồi khiến người khác phải gánh chịu mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì, như vậy là không công bằng”.

Cũng bởi lý do này mà ở thời điểm hiện tại, Linus Torvalds hoàn toàn không tham gia vào bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào, mặc dù trước đây ông cũng đã từng sử dụng Google+ một thời gian ngắn, nhưng sau đó cũng phải từ bỏ vì có cảm giác như Google không thực sự “dành nhiều sự quan tâm cần thiết” cho nền tảng này. (Google vừa mới thông báo họ sẽ chính thức đóng cửa Google+ vào tháng 12 năm nay, và đã bắt đầu xóa tài khoản người dùng vào hôm thứ ba 2/4 vừa qua).

Torvalds không dám chắc về việc liệu chính phủ có nên can thiệp và bắt đầu điều tiết các công ty khai thác dịch vụ trên internet hay không.

Torvalds không dám chắc về việc liệu chính phủ có nên can thiệp và bắt đầu điều tiết các công ty khai thác dịch vụ trên internet hay không, nhưng có lẽ nhà trức tránh cũng nên có hình thức tác động khiến những công ty này tỏ ra có trách nhiệm hơn với những nội dung mà họ quảng bá cũng như quản lý. Tuy nhiên, việc Torvalds chính thức lên tiếng đả kích và đồng thời phản đối cách thức vận hành của nhiều nền tảng nổi tiếng trong thế giới truyền thông xã hội chắc chắn sẽ không phải là một dấu hiệu tốt dành cho các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội, vốn đang cố gắng thuyết phục thế giới rằng họ là “những người có trách nhiệm”.

Xem thêm:

Thứ Bảy, 06/04/2019 11:18
55 👨 386
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ