Google Stadia và tham vọng thống lĩnh ngành công nghiệp game của gã khổng lồ Mountain View

“Tương lai của ngành công nghiệp game không nằm trong một chiếc hộp sắt với hàng tá các linh kiện phức tạp, mà sẽ phụ thuộc vào các hệ thống máy chủ và kết nối internet sâu rộng”, đó chính là nhận định từ phía Google trong buổi lễ ra mắt của Stadia - nền tảng chơi game hoàn toàn mới cho phép chơi game thông qua dịch vụ đám mây của hãng. Giống như cách con người xây dựng lên những công trình kiến trúc vĩ đại, vừa là biểu tượng của đỉnh cao trí tuệ, lại vừa có thể được sử dụng trong hàng trăm năm, Google tin rằng việc họ xây dựng lên nền tảng Stadia sẽ đóng vai trò cực lớn trong việc định hướng cho tương lai phát triển của ngành công nghiệp game. Có thể hiểu nôm na rằng Stadia sẽ thay đổi căn bản toàn diện phương thức chơi game cũng như phát video trực tuyến (livestream) hiện nay, từ hình thức cá thể hóa sang tập trung theo từng vùng cũng như máy chủ thông qua kết nối internet. Điều đó có nghĩa là với Stadia, người dùng chỉ cần trình duyệt Chrome và mạng Internet tốc độ cao, ổn định là có thể chiến mượt phần lớn các tựa game khủng hiện nay, đồng thời cũng có thể phát trực tiếp tất cả các nội dung mà mình muốn trên hầu hết mọi thiết bị có kết nối internet hiện nay như TV thông minh, điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay laptop… Đây thực sự là quân bài chiến lược mang trong mình tham vọng cực lớn đó là thay đổi ngành công nghiệp game của Google, thế nhưng liệu nền tảng này có thể mang lại thành công tuyệt vời như gã khổng lồ Mountain View dự tính?

Bên cạnh những tính năng tuyệt vời đã biết, vẫn còn rất nhiều điều khiến người ta thắc mắc về Stadia, đặc biệt là ở tương lai của nền tảng này.

Google Stadia

Chrome và Youtube - “liều thuốc bổ” cho sự phát triển mạnh mẽ của Stadia

Có thể thấy rằng tính năng trung tâm của Stadia là chơi game thông qua Chrome và phát trực tuyến trên Youtube, tất cả đều dựa trên nền tảng đám mây. Nói cách khác, Google đang cố gắng tận dụng YouTube để dựa nhiều vào sự phổ biến của các clip và tài khoản nổi tiếng (có nhiều lượt theo dõi) trên nền tảng này, họ là những người thường xuyên livestream trò chơi tới hàng triệu người trên các dịch vụ truyền phát video trực tuyến. Trên thực tế, các cộng đồng và trò chơi như Fortnite đã biến thành những địa điểm ảo “hái ra tiền” thu hút hàng triệu người tham gia chơi, trò chuyện và xem các video livestream. Chỉ tính riêng tựa game Fortnite đã thu về được khoảng 2.4 tỷ đô la vào năm ngoái, và một trong những streamer nổi tiếng nhất của trò chơi này cũng đã đút túi hơn 500.000 đô la mỗi tháng. Lợi nhuận về kinh tế ở đây là rất lớn, và đương nhiên là Google cũng nhận ra điều này.

Fortnite

Lợi thế mà Stadia mang lại là bạn có thể xem clip hay video livestream của một trò chơi bất kỳ và sau đó tham gia chơi ngay lập tức hoặc thậm chí truy cập đến cùng một điểm trong trò chơi trên clip bạn đang xem chỉ bằng một vài thao tác đơn giản. Streamer sẽ có thể tạo ra các lobby để người hâm mộ tham gia vào trò chơi cùng với họ ngay trên YouTube, và Stadia sẽ hỗ trợ chuyển vùng ngay lập tức cho dịch vụ chia sẻ video này. Như vậy, có thể hiểu rằng đây là một hệ thống game console chạy trên đám mây và được phát triển đặc biệt dành riêng cho YouTube - đó chính là lợi thế mà Google đang nắm trong tay.

Bên cạnh đó, Chrome cũng đóng một vai trò lớn trong việc hỗ trợ cho sự phát triển của Stadia với tư cách là nền tảng trình duyệt được sử dụng phổ biến nhất thế giới. Stadia sẽ chỉ khả dụng thông qua Chrome, Chromecast và trên các thiết bị Android nguyên bản. Google đã hứa sẽ phát triển thêm nhiều nền tảng trình duyệt hỗ trợ cho Stadia trong tương lai, nhưng không rõ thời gian cụ thể. Ngoài ra, trong buổi lễ giới thiệu, Google chỉ trình diễn dịch vụ này trên các thiết bị của riêng mình và không đề cập đến việc hỗ trợ cho iOS thông qua một ứng dụng dành riêng hoặc trình duyệt di động Apple Safari, vậy nên trước mắt Chrome vẫn là nền tảng chính để người dùng tiếp cận với Stadia.

Các trò chơi được hỗ trợ, Linux, và giá dịch vụ

Song song với đó, Google sẽ phải đối mặt và vượt qua một số trở ngại đáng kể nếu họ muốn trở thành kẻ thống trị ngành công nghiệp game trong tương lai. Nổi bật nhất trong số đó là chính ở sự đa dạng và khả năng hỗ trợ các trò chơi trên nền tảng của họ. Trong buổi lễ ra mắt, Google mới chỉ cho thấy một tựa game mới duy nhất, đó là Doom Eternal, chạy trên Stadia và hứa hẹn rằng đã có hơn 100 game studio sở hữu bộ công cụ dev. Bên cạnh đó, nhà phát hành này đã giới thiệu Stadia Games and Entertainment studio của riêng mình để phát triển các tựa game độc quyền dành riêng cho Stadia, nhưng Google lại không đề cập đến bất kỳ chi tiết nào về những trò chơi mà họ sẽ phát triển trong tương lai, khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi về triển vọng thực sự của studio này.

Doom Eternal

Một thông tin quan trọng khác là Google đang sử dụng Linux làm hệ điều hành chỉ huy phần cứng ở phía máy chủ của Stadia. Điều đó có nghĩa là các nhà phát triển trò chơi sẽ cần phải chuyển các trò chơi của họ sang Stadia và bạn sẽ không phải mua lại những game mà mình đã sở hữu ở một số dịch vụ chơi trò chơi trên đám mây khác (Nvidia GeForce Now hoặc Shadow). Ngoài ra, Google cũng đang hợp tác với Unreal, Unity và thậm chí là các công ty phần mềm trung gian như Havok để phát triển thư viện game cho Stadia, tuy nhiên cũng sẽ có một vài động thái cần thiết khác liên quan đến các nhà phát triển phải được đưa ra để đẩy mạnh việc mang trò chơi lên nền tảng này. Như vậy, Google cần phải thuyết phục được các nhà phát hành lớn tham gia với mình, nhưng những vấn đề liên quan đến chi phí phát triển, phát hành và chạy trò chơi trên Stadia cũng sẽ là vấn đề không hề đơn giản.

Ở thời điểm hiện tại, Google vẫn chưa công bố giá bán đối với các thiết bị phần cứng cũng như những gói dịch vụ tích hợp trong hệ sinh thái Stadia. Do vậy, tạm thời chúng ta vẫn chưa thể biết được rằng liệu nền tảng này sẽ vận hành theo mô hình gói thuê bao hàng tháng, như Spotify hoặc Netflix, hay bạn sẽ phải trả tiền cho mỗi trò chơi, tương tự trên các nền tảng kỹ thuật số khác như Steam hoặc Apple App Store. Đây là những câu hỏi quan trọng mà Google sẽ cần phải trả lời cho người dùng một cách rõ ràng và hợp lý muộn nhất là trong mùa hè năm nay. Có cảm giác như Google đã quá vội vã trong việc giới thiệu “bom tấn” của mình ngay trong khuôn khổ Hội nghị Nhà phát triển Game GDC vừa qua, khiến cho họ chưa thể có lời giải đáp tốt nhất cho nhiều câu hỏi từ phía người dùng.

Linux

Kết nối internet - yếu tố đóng vai trò quyết định

Mặt khác, Google cũng có ý tránh những câu hỏi lớn xung quanh một yếu tố quan trọng trong nền tảng chơi game dựa trên đám mây của mình, đó là kết nối internet. Google đang sử dụng công nghệ nén của riêng mình để truyền phát trò chơi ở độ phân giải 1080p hoặc 4K đến các thiết bị, và độ trễ thông thường sẽ giảm khi người dùng sở hữu cả ứng dụng khách và máy chủ trò chơi trên cùng một máy. Tuy nhiên, bạn sẽ cần một kết nối internet mạnh mẽ và ổn định để có thể sử dụng Stadia một cách mượt mà nhất, và Google đang khuyến nghị người dùng sử dụng kết nối với tốc độ khoảng 25Mbps cho độ phân giải 1080p ở chất lượng 60fps. Trong một cuộc phỏng vấn với Kotaku, người đứng đầu dự án Google Stadia, Phil Harrison, nói rằng nền tảng này sẽ có thể đạt tới 4K nhưng chỉ tăng băng thông cần thiết lên khoảng 30 Mbps. Điều này có nghĩa là nếu bạn sống trong những khu vực có kết nối băng thông rộng cố định trung bình cao (như ở Mỹ là khoảng 96Mbps), trải nghiệm với Stadia chắc chắn sẽ ổn. Tuy nhiên, tại những nơi mà kết nối internet không ổn định hoặc chỉ đơn giản là chậm, Stadia có thể sẽ hoạt động không được như mong đợi. Ngoài ra, khi sử dụng dịch vụ này, bạn cũng nên để ý đến các gói cước và lưu lượng dữ liệu, vì nếu chơi game nhiều, giới hạn dữ liệu của bạn sẽ sớm vượt quá mức cho phép. Chúng tôi không biết bitrate chính xác của Stadia, nhưng tham khảo một số dịch vụ trên thị trường thì có thể thấy rằng một luồng HD Netflix thông thường sử dụng khoảng 3GB mỗi giờ và con số này tăng gấp đôi cho các luồng 4K, Stadia chắc cũng sẽ không có quá nhiều khác biệt.

Kết nối internet - yếu tố đóng vai trò quyết định

Mặc dù vậy, tốc độ cao không có nghĩa là độ trễ sẽ giảm hay biến mất hoàn toàn, đây chính là vấn đề lớn đối với bất kỳ dịch vụ phát trực tuyến trò chơi nào. Các dịch vụ như Netflix có thể tải xuống và đệm nội dung cố định mà bạn phát trực tuyến, nhưng một dịch vụ trò chơi như Stadia lại phải phụ thuộc vào cả các thao tác mà người dùng thực hiện trên tay cầm điều khiển cũng như quá trình chuyển tiếp tín hiệu trong thời gian thực qua lại giữa người dùng và máy chủ mà họ đang chơi (quãng thời gian delay có thể xảy ra khi bạn nhấn nút và tác vụ tương ứng được hiển thị trên màn hình). Điều này có nghĩa là nếu bạn càng ở gần máy chủ mà mình đang chơi, thì độ trễ sẽ càng được giảm thiểu.

Google đang nắm trong tay một lợi thế lớn, đó cơ sở hạ tầng đám mây khổng lồ của họ, nhưng nhìn chung, vấn đề vẫn nằm ở chỗ nếu bạn không ở gần một thành phố lớn nơi đặt trung tâm dữ liệu của Google, thì nhiều khả năng bạn vẫn không thể có được trải nghiệm lý tưởng nhất với Stadia. Google đang giải quyết một phần vấn đề này bằng cách kết nối trực tiếp tay cầm điều khiển Stadia với máy chủ mà bạn đang chơi thông qua mạng WiFi, nhưng sẽ rất khó để có thể kiểm soát được hàng ngàn ISP, cũng như cách thức mà họ định tuyến lưu lượng truy cập đến trung tâm dữ liệu của mình.

Bên cạnh đó, một điều quan trọng khác mà bạn cần phải lưu ý: Stadia là dịch vụ hoàn toàn dựa trên đám mây, có nghĩa là bạn sẽ không thể sử dụng dịch vụ này ngoại tuyến. Nếu bạn có thói quen đồng bộ một vài chương trình Netflix với điện thoại hoặc máy tính bảng để xem khi đi ra ngoài vì bạn biết rằng kết nối LTE của mình rất tệ, nhưng với Stadia thì lại khác, bạn sẽ phải duy trì một kết nối liên tục đến máy chủ của Google để sử dụng dịch vụ này. Cho đến khi 5G được phủ sóng rộng rãi thì ở thời điểm hiện tại, sử dụng Stadia bằng kết nối internet di động có vẻ nhưng không được khả thi cho lắm.

Cho đến khi 5G được phủ sóng rộng rãi thì ở thời điểm hiện tại, sử dụng Stadia bằng kết nối internet di động có vẻ nhưng không được khả thi cho lắm.

Có thể nói kết nối internet sẽ là yếu tố chủ đạo quyết định đến trải nghiệm của người dùng với Stadia, đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân lớn khiến dịch vụ này khó đến tay nhiều đối tượng người dùng nếu Google không có giải pháp khắc phục vấn đề trong tương lai.

Trải nghiệm chơi game và chất lượng xử lý hình ảnh

Theo thông báo từ Google, mỗi máy chủ Stadia sẽ được tích hợp một bộ xử lý x86 tùy chỉnh chạy ở tốc độ 2.7GHz, 16GB RAM, và đặc biệt không thể không kể đến GPU AMD tùy chỉnh có sức mạnh xử lý lên tới 10.7 teraflop (10.7 nghìn tỷ phép tính mỗi giây). Như vậy, có thể thấy rằng Stadia tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với Xbox và PlayStation trong cuộc chiến về sức mạnh xử lý, khi mà Xbox One X đạt khoảng 6.0 teraflop và PS4 Pro là khoảng 4.2 teraflop. Sức mạnh đồ họa này là rất ấn tượng nhưng phần lớn không quyết định quá nhiều đến trải nghiệm cuối cùng bởi như đã nói, độ “mượt” của trò chơi thực tế sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào kết nối internet của bạn.

Trải nghiệm chơi game và chất lượng xử lý hình ảnh

Google sẽ nén hình ảnh từ máy chủ của họ sang máy khách của bạn, dẫn đến chất lượng hình ảnh bị mất đi đôi chút. Chúng tôi không biết bitrate chính xác mà Google sẽ sử dụng cho Stadia, nhưng nếu đã từng xem phiên bản 4K của một chương trình Netflix, thì bạn sẽ thấy rằng chất lượng hình ảnh trên nền tảng này không kém gì các bản sao Blu-ray. Điều tương tự cũng sẽ áp dụng cho Stadia, và việc bạn có được trải nghiệm chất lượng hình ảnh như vậy hay không sẽ phụ thuộc vào kết nối internet và thiết bị mà bạn sử dụng để truy cập Stadia. Màn hình độ phân giải thấp sẽ làm giảm chất lượng hình ảnh xuống khá đáng kể, và băng thông internet nhiều hơn sẽ cho bạn bitrate cao hơn và do đó, hình ảnh cũng sẽ có chất lượng cao hơn.

Bên cạnh đó, chất lượng hình ảnh cũng sẽ có sự khác biệt giữa các trò chơi, tuy nhiên Google đã không trình diễn nhiều biến thể trò chơi khác nhau trong buổi ra mắt để chúng ta thực sự hiểu về việc Stadia sẽ hoạt động tốt như thế nào trong thực tế.

Các chuyên gia tới từ Eurogamer đã có cơ hội được thử nghiệm Stadia giới hạn với tựa game Assassin's Creed Odyssey, cho thấy rằng trò chơi này được xử lý rất mượt mà, hiện tượng giật, lag rất hiếm khi xảy ra, trong khi vẫn duy trì được chất lượng đồ họa tinh tế và tốc độ khung hình cao. Tuy nhiên, đối với các game bắn súng góc nhìn thứ nhất đòi hỏi thời gian phản hồi nhanh của người chơi hoặc các trò chơi hành động chuyển động nhanh, Stadia rất có thể sẽ gặp “lúng túng” với hiện tượng trễ có thể xảy ra thường xuyên hơn.

Assassin's Creed Odyssey

Tất cả những điều này làm cho Stadia trông giống như phiên bản beta sớm cho một nền tảng được cho rằng sẽ quyết định tương lai của ngành công nghiệp game. Google đã không tiếc tiền chiêu mộ rất nhiều tài năng xuất chúng đương thời của thế giới công nghệ cho dự án đầy tham vọng này, có thể kể đến như Phil Harrison, cựu giám đốc của Sony và Microsoft, và giờ là người đứng đầu dự án Stadia, Jade Raymond, người trước đây đã làm việc tại Sony, Electronic Arts và Ubisoft, đang đứng đầu mảng trò chơi trên Stadia. Bên cạnh đó, cựu giám đốc sáng tạo Xbox Live Arcade, Greg Canessa cũng đang làm việc tại Stadia, cùng với cựu giám đốc phụ trách mảng trò chơi Xbox, Nate Ahearn. Tất cả những “viên ngọc quý” này sẽ là nòng cốt để Google dành lợi thế trong cuộc chiến chơi game trên nền tảng đám mây.

Cuộc chiến đầy cam go

Trước khi Stadia xuất hiện, một cái tên sừng sỏ khác trong ngành công nghệ game là Sony cũng đã cung cấp dịch vụ truyền các trò chơi PlayStation đến máy chơi game và PC thông qua nền tảng PlayStation Now của mình. Sony thực sự nghiêm túc trong dự án này, họ mua lại dịch vụ phát trực tuyến trò chơi Gaikai để biến nó thành PlayStation Now, và thậm chí còn “thôn tính” luôn cả đối thủ OnLive chỉ để loại trừ bớt đối trọng cạnh tranh. Còn một tên tuổi “lão làng” khác là Microsoft cũng đang lên kế hoạch cho ra mắt dịch vụ phát trực tuyến trò chơi xCloud của riêng mình, sự ưu việt của nền tảng này đã được hãng úp mở trong thời gian gần đây, và các thử nghiệm công khai sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

PlayStation Now

Các phương pháp tiếp cận của Sony và Microsoft đều có nguồn gốc từ đám mây tương tự như Google Stadia, nhưng quan trọng là họ không yêu cầu các nhà phát triển chuyển những trò chơi của mình hoặc tệ hơn “đập đi xây lại” chúng cho dịch vụ phát trực tuyến trên đám mây của họ. Cả hai công ty đều đang sử dụng phần cứng giao diện điều khiển trong hệ thống máy chủ. Đó là một lợi ích lớn ở thời điểm hiện tại vì cả Sony và Microsoft đều có thể cung cấp những thư viện trò chơi lớn mà không yêu cầu các nhà phát triển thay đổi bất cứ điều gì. Trong khi đó, nỗ lực đầy tham vọng của Google sẽ đòi hỏi sự “đồng cam cộng khổ” nhiều hơn từ phía các nhà phát triển, tuy nhiên, Google lại đang nắm trong tay lợi thế lâu dài là có thể dễ dàng chuyển đổi phần cứng của mình trong tương lai và thực hiện các thay đổi lớn mà không ảnh hưởng đến các tương thích phần cứng cũ.

Nói như vậy không có nghĩa cuộc chiến của Google sẽ “dễ thở” hơn trong tương lai. Amazon có vẻ như sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn trên nền tảng đám mây của Google trong tương lai gần, và theo chúng tôi nắm được thì Nvidia cũng đang ấp ủ một nền tảng phát trực tuyến trò chơi cực lớn. Ngay cả Valve cũng đang mở rộng tính năng phát trực tuyến trò chơi Steam Link để cho phép người dùng truyền phát các trò chơi Steam của mình từ PC đến mọi nơi thông qua phần cứng Steam Link hoặc ứng dụng Steam Link.

Ngay cả Valve cũng đang mở rộng tính năng phát trực tuyến trò chơi Steam Link để cho phép người dùng truyền phát các trò chơi Steam của mình từ PC đến mọi nơi thông qua phần cứng Steam Link hoặc ứng dụng Steam Link.

Như vậy có thể thấy rằng, nếu xét về tổng thể, Sony, Microsoft, Amazon và Google sẽ là 4 thế lực chính định hình lên “chiến trường” mang tên truyền phát trò chơi dựa trên đám mây. Sony nắm trong tay “lực lượng” các trò chơi đông đảo và nền tảng PlayStation Now, Microsoft có thể tận dụng các trung tâm dữ liệu Azure và Xbox Game Pass cho con át chủ bài xCloud đầy tham vọng của mình, và Amazon có thể dựa vào sự thống trị của nền tảng đám mây, Prime và cả dịch vụ Twitch nổi tiếng của mình để lôi kéo các game thủ. Vậy thì liệu Google có thể làm nên kỳ tích trong cuộc chiến khốc liệt và khó đoán định này? Hãy cùng chờ xem!

Thứ Tư, 03/04/2019 15:57
52 👨 150
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ