Tại Hội nghị Nhà phát triển Game GDC đang diễn ra tại San Francisco, Google vừa mới cho ra mắt một nền tảng hoàn toàn mới có tên là “Stadia” cho phép chơi game, cũng như phát trực tiếp các bộ phim bom tấn, trò chơi video chuyên sâu về đồ họa thông qua dịch vụ đám mây của hãng. Với nền tảng mới này, người dùng chỉ cần trình duyệt Chrome và mạng Internet tốc độ cao, ổn định là có thể chiến mượt phần lớn các tựa game khủng hiện nay, đồng thời cũng có thể phát trực tiếp tất cả các nội dung mà mình muốn trên hầu hết mọi thiết bị có kết nối internet hiện nay như TV thông minh, điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay laptop… Đây thực sự là một “quả bom tấn” đến từ Google, thế nhưng liệu nền tảng này có cho trải nghiệm thực tế tuyệt vời như trên lý thuyết? Tất nhiên vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết, nhưng nền tảng Stadia của Google dường như đủ hấp dẫn để người dùng mong muốn được thấy những gì gã khổng lồ Mountain View sẽ tung ra trong tương lai. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.
Toàn bộ ý tưởng của Google Stadia là khiến tất cả các hoạt động kinh doanh phức tạp, chuyên sâu về bộ xử lý trong việc kết xuất đồ họa của trò chơi, được triển khai thực hiện và hoàn thành ngay trong các trung tâm dữ liệu cực kỳ mạnh mẽ của Google. Điều này có nghĩa là Google sẽ sử dụng chính sức mạnh phần cứng từ hệ thống của mình để “gánh” các tác vụ liên quan đến sức mạnh xử lý của người dùng, giúp họ có thể trải nghiệm dịch vụ mà không cần phải quan tâm đến sức mạnh phần cứng, mà chỉ cần một kết nối internet đủ nhanh, ổn định. Dữ liệu đầu ra sẽ được truyền trở lại thiết bị của người dùng trong thời gian thực, và khi bạn nhấn một nút trên bộ điều khiển, tín hiệu sẽ được gửi trở lại lên đám mây của Google, bắt đầu lại vòng lặp. Điều này có nghĩa là Stadia có thể, và sẽ, hoạt động trên mọi thiết bị, miễn là thiết bị đó có khả năng chạy trình duyệt Chrome hoặc trình duyệt dựa trên công nghệ Chrome của Google. Điều đó có nghĩa là các thiết bị phổ biến như iPhone, Android, Windows, Mac, TV Chromecast, Chromebook, máy tính bảng… tất cả đều hỗ trợ Stadia. Có thể thấy tham vọng của Google chính là xây dựng một nền tảng game, phát video trực tuyến cho tất cả mọi người. Với nền tảng Stadia, bạn không cần phải sở hữu một chiếc console chơi game hoặc một dàn PC đắt tiền mà vẫn có thể chơi những tựa game bom tấn trên chiếc Chromebook “cỏ” của mình.
Cũng có nhiều ý kiến lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào đám mây sẽ dẫn đến độ trễ cao trong trải nghiệm dịch vụ, ví dụ như quãng thời gian delay có thể xảy ra khi bạn nhấn nút và tác vụ tương ứng được hiển thị trên màn hình. Tuy nhiên, thử nghiệm thực tế với tựa game Assassin Creed Odyssey lại cho thấy rằng trò chơi này được xử lý rất mượt mà, hiện tượng giật, lag rất hiếm khi xảy ra, trong khi vẫn duy trì được chất lượng đồ họa tinh tế và tốc độ khung hình cao. Tất nhiên vẫn có đôi chút độ trễ được ghi nhận, điều này cho thấy Stadia, ở thời điểm hiện tại, có thể hoạt động tuyệt vời với các trò chơi dạng như Assassin Creed, nhưng có lẽ sẽ gặp chút “lúng túng” khi phải xử lý những tựa game bắn súng hành động tốc độ cao.
Thật vậy, cây bút Michael Higham của GameSpot đã có cơ hội trải nghiệm thử tựa game Doom Eternal trên Stadia và cho rằng độ trễ đầu vào đã gây ra đôi chút cản trở cho trải nghiệm chơi game của ông. Tuy độ trễ này không quá nghiêm trọng, và về tổng thể là hoàn toàn có thể chấp nhận được, nhưng nó cũng là một lời nhắc nhở “nho nhỏ” gửi đến nhà cung cấp dịch vụ và cả người dùng rằng mặc dù phát trực tuyến trò chơi là một công nghệ rất hứa hẹn cũng như đầy tiềm năng, nhưng nó có thể sẽ không lý tưởng đối với mọi trò chơi, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, một điều trải nghiệm tương đối “kỳ quặc” khác về Stadia cũng đã được ghi nhận, đó là việc có vẻ như Google vẫn chưa sẵn sàng để thể hiện tính hiệu quả cũng như mức độ thuyết phục của chiếc tay cầm chơi game được thiết kế đặc biệt dành riêng cho Stadia, sử dụng WiFi để đồng bộ trực tiếp với Google Cloud như một phương pháp mới để tránh độ trễ đầu vào. Google đã không sử dụng thiết bị này nhiều trong buổi lễ giới thiệu sản phẩm mà thay vào đó, họ đã trình diễn nền tảng mới này với một bộ điều khiển chơi game PC cũ, do Logitech sản xuất và vẫn hoạt động tốt.
Điều này khiến không ít người hoài nghi về lợi ích thực sự mà chiếc tay cầm “chuyên dụng” này mang lại, liệu nó có hữu ích thật không, hay chỉ là một sản phẩm bán kèm theo kiểu “mua bia kèm theo lạc”. Google nói rằng nền tảng Stadia sẽ hỗ trợ tối đa cho tay cầm chơi game Stadia, nhưng chúng ta sẽ còn phải chờ đợi những trải nghiệm thực tế chuyên sâu hơn để kiểm chứng thông tin này. Ngoài ra, cũng có thông tin cho biết rằng các tay cầm của Xbox hoặc PlayStation cũng có thể hoạt động được với Stadia, tuy nhiên sẽ có đôi chút giới hạn về mặt tính năng chuyên dụng.
Xét về tổng thể, một viễn cảnh tương đối lạc quan vẫn đang chờ đợi Google Stadia ở phía trước. Các vấn đề, cụ thể là độ trễ đầu vào, dường như có thể sửa được và đội ngũ kỹ sư tài năng của Google chắc chắn cũng sẽ không để tình trạng này kéo dài lâu hơn nữa. Tạm đặt vấn đề độ trễ đầu vào qua một bên thì có thể thấy rằng về tổng thể, Google Stadia đã cho khả năng xử lý các tác vụ rất mượt mà, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn so với một vài nền tảng phổ biến hiện nay. Đây có lẽ không phải là điều gì quá mới mẻ với những người đã từng tham gia thử nghiệm dự án beta Project Stream của Google vào năm ngoái, nơi họ đã được trải nghiệm tựa game Odyssey chạy trên trình duyệt Chrome thông qua phiên bản Stadia cũ, nhưng vẫn sẽ là thông tin đáng mong đợi với nhiều người khác.
Vẫn còn quá nhiều điều mà chúng ta chưa biết
Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch của Google, Stadia hoàn toàn có thể trở thành kẻ “nâng đỡ” ngành công nghiệp trò chơi video vốn đang tỏ ra ngày càng lép vế trước sự bành trướng của game di động. Trên thực tế, ngày càng ít người có nhu cầu tậu những dàn game console mới đắt đỏ, khi mà ngay cả những chiếc điện thoại thông minh cũ cũng có thể giúp họ trải nghiệm nhiều tựa game thú vị mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên hiện tại vẫn còn quá sớm để khẳng định một cách “chắc nịch” bất cứ điều gì. Mặc dù trải nghiệm của nhiều người với Stadia trong buổi ra mắt sản phẩm là khá tốt, nhưng có lẽ điều này cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ tùy thuộc vào chất lượng kết nối internet mà người dùng sở hữu. Ở những nơi mà kết nối internet không ổn định hoặc chỉ đơn giản là chậm, Stadia có thể sẽ hoạt động không được như mong đợi, đây cũng sẽ là một trong những nguyên nhân lớn khiến Stadia khó đến tay nhiều đối tượng người dùng nếu Google không có giải pháp khắc phục vấn đề trong tương lai.
Hơn nữa, chúng ta vẫn chưa thể có trải nghiệm liền mạch nhất, tuyệt vời nhất đối với tất cả các trò chơi mà Stadia sẽ cung cấp, ngoài "Assassin Creed Odyssey" và "Doom Eternal". Google cho biết họ vẫn có nhiều “đồ chơi” để tung ra trong tương lai, nhưng với một nền tảng như Stadia, việc tồn tại và gặt hái thành công hay chết yểu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của thư viện trò chơi, bất kể công nghệ phần cứng tốt như thế nào.
Cuối cùng, hiện tại Google vẫn chưa công bố giá bán đối với các thiết bị phần cứng cũng như những gói dịch vụ tích hợp trong nền tảng Stadia. Do vậy, tạm thời chúng ta vẫn chưa thể đưa ra đánh giá xem nền tảng này có thực sự đáng sử dụng hay không. Liệu Google sẽ định giá Stadia như một gói thuê bao hàng tháng, như Spotify hoặc Netflix? Hay bạn sẽ trả tiền cho mỗi trò chơi, tương tự trên các nền tảng kỹ thuật số khác như Steam hoặc Apple App Store? Tất cả vẫn còn là ẩn số, nhưng chắc chắn gã khổng lồ Mountain View sẽ phải công bố chi tiết về các thông tin này ngay trong năm nay.
Việc ra mắt nền tảng Stadia cho thấy tham vọng lớn của Google khi bước chân vào ngành công nghiệp game trị giá 140 tỷ USD ở một cấp độ vượt ra ngoài nền tảng Android, hãy cùng xem họ có thể thu được thành công đến đâu với bước đi đầy mạo hiểm này!